261 lượt xem

Chuyện vàng mã theo quan điểm Phật giáo

Chuyện vàng mã theo quan điểm Phật giáo

Trung ương Giáo hội đã ban hành công văn về việc “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc đưa tang”, trong tinh thần hưởng ứng đề nghị của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, về việc chấn chỉnh tình trạng rải vàng mã trên đường giao thông.

Theo đó, Trung ương Giáo hội nhận định rằng “việc rải tiền vàng mã trên đường theo xe đưa tang không thực sự nên làm, không phù hợp với văn hóa Phật giáo và làm ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, tăng nguy cơ tai nạn giao thông trên các tuyến quốc lộ và cao tốc”.
 

Theo ngài Tố Liên, đốt vàng mã là hủ tục có nguồn gốc từ Trung Quốc, được xem là sự “đầu độc” tín ngưỡng 

Nguồn: Sưu tập

Ban Thường trực Hội đồng Trị sự đề nghị các Ban Trị sự Phật giáo tỉnh thành tuyên truyền, vận động, hướng dẫn gia đình Phật tử thực hiện nếp sống văn minh trong việc đưa tang: “trên đường đưa tang không rải tiền vàng mã, các đồng tiền lưu hành khác (tiền Việt Nam, các loại tiền của nước ngoài), hoặc bất cứ vật gì khác trên đường đưa tang, làm ảnh hưởng đến cảnh quan, vệ sinh môi trường, làm tăng nguy cơ tai nạn giao thông”, đồng thời trao đổi với các dịch vụ mai táng tại địa phương để “tuyên truyền, vận động người thân của gia đình Phật tử không rải tiền vàng mã trên đường đưa tang”.

Chuyện vàng mã không phải là vấn đề mới đây, mà hơn 60 năm trước, ngài Tố Liên (1903-1977), một trong những bậc cao tăng ở miền Bắc, người có vai trò đặc biệt trong công cuộc chấn hưng Phật giáo thế kỷ XX đã từng tỏ thái độ dứt khoát.

Trong một bài nghiên cứu về vấn đề đó từ năm 1952, ngài Tố Liên đã khẳng định đốt vàng mã là hủ tục có nguồn gốc từ Trung Quốc, được xem là sự “đầu độc” tín ngưỡng, nó hoàn toàn không phải là mỹ tục trong văn hóa Việt và nhất định không phù hợp với tinh thần đạo Phật. Ngài cũng đã tha thiết kêu gọi bài trừ hủ tục đốt vàng mã, xem đó là một trong những hành động phục hưng văn hóa dân tộc.

Quan điểm của ngài Tố Liên không bị lãng quên, mà vẫn thi thoảng vẫn được nhắc lại trên các phương tiện truyền thông của Phật giáo cũng như của xã hội. Tuy nhiên, hủ tục cũ vẫn cứ tiếp diễn, vàng mã vẫn cứ được làm, được đốt, được rải trên đường khi có tang sự và các hiếu sự cúng tế tổ tiên. Thậm chí ở một số ngôi chùa đã không quyết liệt với việc bài trừ tục đốt vàng mã, mà còn thỏa hiệp bằng cách cho xây các “tháp hóa vàng” ngay trong khuôn viên chùa!

Cơ sở nhận thức thì như vậy, nhưng tại sao tập tục đốt, rải vàng mã vẫn còn tiếp diễn? Rõ ràng là chúng ta không có những chương trình căn cơ, quyết liệt làm trong sáng văn hóa Phật giáo, phục hưng văn hóa dân tộc.

Muốn thay đổi một tập tục tín ngưỡng là điều không dễ dàng, mà phải qua con đường giáo dục, hướng dẫn lâu dài. Chúng ta chưa có chương trình giáo dục về những quy tắc ứng xử trong đời sống tín ngưỡng, mà cứ để tự phát và nhiều khi bị lạm dụng, gán ghép là “truyền thống”, “tâm linh”, và nếu ai không làm theo thì cảm thấy lo lắng, bất an trong lòng, nên cứ vậy, theo cách “xưa bày nay làm”.

Để thay đổi được điều đó, ngoài những khuyến cáo, tuyên truyền, chắc chắn phải qua con đường giáo dục. Khi người ta có nhận thức đúng, thì hành vi sẽ được điều chỉnh một cách tự nhiên. Trong đạo Phật, Chánh kiến - sự thấy biết đúng đắn được xếp đầu trong Bát chánh đạo, có hiểu biết đúng mới có tư duy đúng, lời nói đúng, hành động đúng… Điều đó không chỉ với hiện tượng vàng mã, mà với mọi ứng xử văn hóa khác, trong nỗ lực xây dựng một xã hội văn minh thực sự.


Nguồn: vuonhoaphatgiao.com