262 lượt xem

Giới luật nào cho chiếc áo cà sa?

Giới luật nào cho chiếc áo cà sa?

Ai cũng biết: Trường học có nội quy, quy tắc - ấy gọi là luật. Cơ quan, công ty, xí nghiệp có nội quy, quy tắc - ấy gọi là luật. Quốc gia, xã hội có hiến pháp - ấy gọi là luật. Phật giáo có giới luật, giới đức - ấy gọi là luật. Nếu con người không chấp hành luật thì trường học sẽ loạn, cơ quan, công ty, xí nghiệp sẽ loạn, quốc gia, xã hội sẽ loạn, Phật giáo cũng sẽ loạn.
 

Nguồn: Sưu tập


Trường học, cơ quan, công ty, xí nghiệp, quốc gia, xã hội không gò ép khe khắt con người phải vào trong khuôn khổ của giới đức làm người, mà ở đó chỉ có những luật, quy tắc, nguyên tắc nhằm ngăn chặn con người vi phạm các nguyên tắc, làm tổn hại đến lợi ích tổ chức, con người, xã hội và quốc gia.

Với Phật giáo thì khác, vì gọi là môn học dành cho người tu, rèn luyện từ kẻ phàm phu u mê tăm tối trở thành bậc thánh nhân xuất thế, hay chí ít cũng là trở thành những phàm nhân có tuệ giác, đi theo con đường xuất thế gian, trở thành thiện nhân, vì vậy giới đức, giới luật là điều tối quan trọng. Do đó Đức Thế Tôn đã dạy: "Sau khi ta nhập diệt, các ông hãy lấy Giới làm thầy". 


Giới ở đây bao gồm giới đức và giới luật. Giới luật là những quy tắc của nhà Phật dành cho tứ chúng (Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-Ni, Ưu-bà-tắc và Ưu-bà-di) trên con đường học đạo, hành đạo và chứng đạo.

Trong nhà Phật, y cà sa là dành cho người xuất gia bắt đầu từ hàng Sa-di trở lên.

Ca-sa - dịch từ tiếng Phạn là kasaya tên đầy đủ là ca-sa-duệ, theo nghĩa đó, kasaya không có ý nghĩa là y áo, y phục mà có nghĩa là bạc màu, cáu cặn hay hư hoại. Sách chữ Hán dịch kasaya là đạm (màu nhạt), trọc hay trược (đục, dơ bẩn, ô nhiễm, rác bẩn), hoặc còn dịch chữ này là hoại sắc, bất chính sắc, hư nát, dính bẩn…

Tóm lại, chiếc áo ca-sa của người Phật tử xuất gia tượng trưng cho những gì nghèo nàn, thô sơ, giản dị và khiêm nhường nhất.

Theo Luật tạng, chiếc y ca-sa do đức Phật chế, được hình thành do lúc ban đầu, Tăng đoàn của Phật y áo không khác biệt gì với những người tu hành thuộc các truyền thống tôn giáo khác. Vì thế vua Tần-bà-sa-la (Bimfbisara) của nước Ma-kiệt-đà (Magadha), một đệ tử của đức Phật, mới đề nghị với Phật xin cho các đệ tử được ăn mặc khác hơn để mọi người dễ nhận ra.

Vì thế chiếc áo ca-sa là biểu tượng của đạo pháp, của nhà tu hành, do đó cũng tượng trưng cho những gì trân quý, cao cả và thiêng liêng nhất. Chiếc y cà sa cũng là biểu tượng của phạm hạnh, đức độ, là ánh đạo vàng, biểu trưng cho sự giác ngộ toàn năng nên được tứ chúng phật tử tôn xưng và kính ngưỡng. Đối với hàng phật tử xuất gia, được khoác trên mình chiếc y ca-sa để hoằng dương chính pháp, lợi lạc quần sinh là một hạnh duyên thù thắng mang lại nhiều hạnh phúc, an lành và thành tựu.

Tóm lại, y ca-sa là tấm y dành cho người xuất gia, không phải dành cho người tại gia. Thế nào là người xuất gia?

Xuất gia đi tu là nguyện suốt đời sống với giáo lý đạo Phật, mang trái tim từ bi sưởi ấm cho chúng sinh. Người xuất gia là bậc đại trượng phu, có ý chí kiên cường, tâm nguyện vững chắc, và việc làm cao thượng.

Xuất gia có nghĩa lìa xa gia đình, lìa bỏ nhà cửa sự nghiệp, cha mẹ, vợ chồng, con cái, dứt đường ái ân, không còn thiết tha lưu luyến mùi đời thế tục, để vào ở hẳn trong chùa hay tu viện, hay nơi rừng núi sống suốt đời độc thân, quy y thọ giới, hằng ngày tu thiền, tụng kinh, niệm Phật, học kinh, đọc sách, để thanh lọc tâm ý.
Xuất gia có ba nghĩa:

1. Xuất thế tục gia.

2. Xuất phiền não gia.

3. Xuất tam giới gia. 

Trước hết là xuất thế tục gia. Khi phát nguyện cạo tóc xuất gia làm Sa-di, thì kể từ ngày đó phải ra khỏi nhà thế tục. Nhà thế tục là nhà cha mẹ, anh chị. Nếu người già, thì nhà của con cháu. Tại sao chúng ta phải ra khỏi nhà đó? Bởi vì còn trong nhà thế tục thì phiền não còn vây khốn chung quanh, không thể nào gỡ được.

Đến ý nghĩa thứ hai là xuất phiền não gia, tức ra khỏi nhà phiền não. Người xuất gia là ra khỏi nhà phiền não. Còn phiền não thì chưa gọi là xuất gia. Đến thứ ba là xuất tam giới gia. Nghĩa là ra khỏi nhà tam giới. Đức Phật dạy có ba cõi Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Người tu chẳng những ra khỏi nhà phiền não của Dục giới, mà ra luôn cả nhà phiền não của Sắc giới và Vô sắc giới, hoàn toàn thoát ly sinh tử, không còn đi trong tam giới nữa. Đó là xuất tam giới gia.

Y ca-sa không phải là để mặc cho đẹp, cho sang, không phải mặc để thể hiện về hình tướng, cũng như không phải để phô trương sự trang nghiêm thanh tịnh (đã phô trương thì không còn thanh tịnh nữa), hay gieo duyên nào đó như nhiều người vẫn hằng nghĩ tưởng và biện hộ, mà phải với đầy đủ ý nghĩa như trên đã nêu.

Hàng cư sĩ tại gia mà mang y ca-sa là lợi bất cập hại, đẹp đâu không thấy mà chỉ thấy tổn phước (người thực tâm tu hành hay còn gọi là tu hành chân chính thì đâu còn cần gì đến đẹp xấu về hình thức bên ngoài), trong khi hầu hết người cư sĩ tại gia là cần tu phước, tức tu Nhân thừa và Thiên thừa. Tại sao nói tổn phước? Vì người này còn quá tham lam và mê muội, muốn được như người xuất gia, muốn mang hình tướng xuất gia nhưng lại không đủ sức tinh tấn để rời bỏ tục gia, cái gì cũng muốn, cũng ham, người này đã xem thường ý nghĩa cao quý xuất thế gian của y ca-sa.

Vì vậy, Phật tử tại gia hãy suy ngẫm và quán chiếu cho kỹ, cho đúng những việc làm của mình, đừng để các ham muốn tầm thường thế tục che mờ mất tâm sáng suốt giác ngộ, từ đó gây trở ngại trên con đường tu hành Phật pháp.

Những người xuất gia mà hướng dẫn người Phật tử tại gia đắp y ca-sa thì người này cũng cần phải quán chiếu lại sở học, sở tu của mình xem đã được chưa, đã xứng đáng là "Thầy" chưa? Đừng để Phật giáo ngày càng trở lên hỗn loạn và quá dễ dãi, làm ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của Phật pháp và Tăng đoàn.
 

Nguồn: vuonhoaphatgiao.com