244 lượt xem

Công thần Phan Văn Tuyên, công nghiệp rạng ngời (Kỳ 1): Tài năng hiện rõ chốn quan trường

 Chúa Nguyễn Ánh dựng nên được ngai vàng cho họ Nguyễn, không thể không kể đến vai trò của đất Nam Bộ khi là nơi hậu thuẫn cả về vật lực, tài lực để thắng Tây Sơn, lập nên nghiệp đế. Những văn thần, võ tướng nơi đất này nhiều biết bao; trong đó, có tên tuổi của Tuyên Trung hầu Phan Văn Tuyên (1763 - 1831).

Nguyên quán của Tuyên Trung hầu, được biết đến là huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế. Bởi nạn binh đao, nên gia đình thiên cư vào Gia Định, rồi Sa Đéc và sau an cư ở thôn Mỹ An, phủ Tân Thành, tỉnh An Giang (nay là xã Mỹ An Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp).

Cha là Phan Văn Hậu, mẹ là Võ Thị Đức. Tiểu sử của ông, được “Đại Nam nhất thống chí” cho hay: “Nguyễn Văn Tuyên: Người huyện Vĩnh An. Khi đầu Trung hưng, ông theo việc chinh chiến có nhiều chiến công, làm đến Vệ úy vệ Hữu Bảo, quân Chấn Võ.

Thời Trung hưng, ông theo Lê Văn Duyệt dẹp ác man ở Quảng Ngãi, đốc suất binh dân đào sông Vĩnh Tế, rồi làm Trấn thủ hai trấn Định Tường và Vĩnh Thanh, lại được làm Án thủ Châu Đốc, đeo quốc ấn bảo hộ Cao Man”. 

Vua ban quốc tính

Tuyên Trung hầu phò nhà Nguyễn từ thuở chúa Nguyễn Ánh đang bôn ba lập lại cơ đồ dòng họ. “Sa Đéc xưa và nay” chép lại rằng, ông: “Người huyện Vĩnh An, đầu quân dưới cờ chúa Nguyễn Phúc Ánh, ông chống nhau với Tây Sơn quyết liệt, có nhiều chiến công, làm đến Vệ Úy trong đoàn quân Chấn Võ”.

Trong buổi trung hưng triều đại ấy, Phan Văn Tuyên (sau được ban quốc tính mà đổi thành Nguyễn Văn Tuyên) đã làm tới chức Vệ úy. Chức này là chức quan võ, có hàm Chánh tam phẩm. Trong phẩm trật quan lại chia làm 9 bậc (cửu phẩm), thì dạo ấy, ông cũng là người có vị trí, có chức trọng, quyền cao. 

Theo “Đại Nam nhất thống chí”, thì “Thời Trung hưng, ông theo Lê Văn Duyệt dẹp ác man ở Quảng Ngãi”. Sau được phong làm Khâm sai Chưởng cơ. Trong quan chế nhà Nguyễn, Chưởng cơ là quan cai quản một cơ binh. Mỗi cơ binh có 500 binh. Khâm sai Chưởng cơ ở đây, là chức vụ dành cho tướng nhà Nguyễn được cử đi trấn giữ biên giới Tây Nam Tổ quốc. 

Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hầu trong công trình nghiên cứu “Thoại Ngọc hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang” cho biết cuối thời vua Gia Long kênh Vĩnh Tế được đào. Chỉ huy việc đào con kênh này là Thống chế Thụy Ngọc hầu Nguyễn Văn Thụy, Hữu quân Hữu bảo vệ Vệ úy Chưởng cơ Tuyên Quang hầu Phan Văn Tuyên.

Lực lượng thực hiện là dân phu trấn Vĩnh Thanh cùng quân lưu trú đồn Oai Viễn và cả quân dân của Cao Miên. Việc đào kênh được bắt đầu từ ngày 15 tháng 12 năm Kỷ Mão (1819). Kênh được đào trong vòng 4 tháng, từ cuối thời Gia Long đến đầu thời Minh Mạng thì hoàn thành. Ngày 15 tháng 3 năm Kỷ Dậu (1820) kênh được đào xong. 

Nhờ có kênh Vĩnh Tế mà từ đó đường thủy được lưu thông, có tác dụng lớn với muôn việc, nào phát triển kinh tế, nào phòng giữ biên cương. Là công thần trực tiếp sống trong thời Nguyễn sơ, Trịnh Hoài Đức (1765 - 1825) khi nói về vai trò của kênh Vĩnh Tế, đã ghi lại trong “Gia Định thành thông chí”: “Từ đấy về sau những kế hoạch trong nước và việc biên trù cho đến nhân dân buôn bán, đều được tiện lợi vô cùng”.

 

Với cái nhìn thực tế, nên khi mới hiện diện ở Nam Kỳ, người Pháp đã ngay lập tức thấy được tầm quan trọng của Vĩnh Tế hà khi Aubaret ghi trong Histoire et Descriptions de la Basse-Cochinchine: “Con kênh này có vai trò rất lớn trong thương mại; nó làm cho việc giao thương được dễ dàng và là nguồn mang đến nhiều lợi ích cho người buôn bán”.

Ngày nay khi nói đến việc đào kênh Vĩnh Tế, công đầu được quy về cho Thoại Ngọc hầu, điều đó là không thể phủ nhận. Nhưng chúng ta không vì thế mà quên đi đóng góp của Phan Văn Tuyên về tâm lực, trí lực trong việc tham gia chủ trì, đốc suất việc đào kênh cùng với Thoại Ngọc hầu. 

Ba lần liên tiếp giữ chức Trấn thủ

Với vị trí Chưởng cơ, Nguyễn Văn Tuyên đã ghi dấu ấn trong việc tham gia đốc suất đào nên kênh Vĩnh Tế. Bước sang tháng 11 năm Tân Tỵ (1821) nhằm đời vua Minh Mạng, ông được vua tín nhiệm giao cho trọng trách khác. Sách “Thực lục” chép: “Lấy Vệ úy vệ Hữu bảo nhất Hữu quân là Khâm sai Chưởng cơ Nguyễn Văn Tuyên làm Trấn thủ Biên Hòa”. 

Xem trong “Việt sử tân biên (từ Tây Sơn mạt diệp đến Nguyễn sơ)”, ta được biết rằng, chức Trấn thủ, là chức quan đứng đầu một trấn vào đầu thời Nguyễn khi tỉnh chưa lập. Trấn Biên Hòa lúc này, thuộc về Gia Định thành. Làm nhiệm vụ cai quản, chịu trách nhiệm cao nhất trong bộ máy chính quyền ở Biên Hòa gần một năm, thì tháng 10 năm Nhâm Ngọ (1822), ông được vua điều chuyển về làm Trấn thủ Định Tường, cũng thuộc Gia Định thành. 

Đứng đầu trấn Định Tường, Nguyễn Văn Tuyên lưu ở đất này gần hai năm từ tháng 10 năm Nhâm Ngọ (1822) đến tháng 7 năm Giáp Thân (1824). Tháng 7 năm Giáp Thân (1824) ông được cử làm Trấn thủ Vĩnh Thanh (gồm Vĩnh Long, An Giang) và tại nhiệm cho đến tháng 2 năm Ất Dậu (1825). 

Tính ra, chỉ trong quãng thời gian bốn năm: 1821 - 1825, Nguyễn Văn Tuyên đã được cử làm Trấn thủ ở ba trấn khác nhau quanh địa hạt của Gia Định thành. Ông liên tục được vua luân chuyển địa phương trấn trị.

Và ở Biên Hòa, Định Tường cũng như Vĩnh Thanh, nơi đất nào trong thời gian ông cai quản cũng đều được bình yên, sử không ghi một vụ việc biến động chính trị hay bất ổn an ninh nào. Làm quan cai quản dân, lại nhất là người đứng mũi chịu sào mà an dân được, thì đó đã là công lao to lớn của kẻ ăn lộc nước đấy. 

Được lòng đồng liêu

Sau ba lần đứng đầu ba trấn khác nhau, tháng 2 năm Ất Dậu (1825), vua Minh Mạng tiếp tục đặt ông vào vị trí khác thuộc về sở trường của kẻ làm tướng. “Đại Nam thực lục” ghi: “Lấy Trấn thủ Vĩnh Thanh là Nguyễn Văn Tuyên làm Thống chế quản lý biền binh thành Gia Định”.

 

Lúc bấy giờ, Gia Định thành được cai quản bởi vị Tổng trấn đầy quyền uy Lê Văn Duyệt, một vị khai quốc công thần bậc nhất của vua Gia Long mà “Việt Nam danh tướng yêu mục” ngợi ca hết lời. 

Đặt chức vụ của Nguyễn Văn Tuyên vào thời điểm cụ thể ấy, ta sẽ thấy được sự tín nhiệm, tin cậy của vua Minh Mạng dành cho ông như thế nào. Vua không chỉ đơn thuần nhìn thấy được khả năng cầm quân của ông, mà còn nhìn được lòng trung thành của Tuyên Trung hầu.

Vị trí lãnh đạo quân đội, chắc chắn sẽ được chú ý nhiều, bởi nắm được quân đội, là nắm lực lượng chiến đấu, là có thể điều khiển được tình hình an ninh chính trị. Lúc này, Nguyễn Văn Thuyên là Thống chế biền binh là hạng lính không thường trực. Đội ngũ này được tuyển hàng năm, sau khi huấn luyện, phục vụ một thời gian thì sẽ chia làm nhiều ban thay nhau trực trong quân, số còn lại sẽ về nhà sản xuất. 

Thực tế còn chứng minh khả năng của Thống chế biền binh Nguyễn Văn Tuyên tốt hơn nữa khi ông nhận được cả sự tín nhiệm của đồng liêu, những quan lại cùng làm việc nơi Gia Định thành. Bằng chứng là tháng Giêng Năm Đinh Hợi (1827) “Quan thần thành Gia Định tâu xin cho Thống chế Nguyễn Văn Tuyên dự bàn việc thành”.

Dù vua Minh Mạng chỉ cho phép “khi có một vài việc quan trọng gì khó khăn còn ngờ thì cho đến hội thương cũng được” nhưng qua đây, nếu không được lòng đồng liêu, không chứng tỏ được khả năng, thì đâu thể có việc ông được các quan lại nơi Gia Định thành đều cùng lòng xin lên vua cho được dự bàn việc thành, tức là vượt lên cả nhiệm vụ quản lý binh lính của ông.

Cũng chính từ bằng chứng này, mà ta thấy về sau, khả năng của ông được cụ thể hóa hơn nữa sau đó 6 tháng khi làm “quyền giữ ấn triện Gia Định thành” tạm điều hành công việc Gia Định thành thay cho Tổng trấn Lê Văn Duyệt.


Việt Trần