244 lượt xem

Dương Tự Minh

Dương Tự Minh

Dương Tự Minh còn gọi là Đức Thánh Đuổm hay Cao Sơn Quý Minh, dân tộc Tày, người làng Quan Triều tỉnh Thái Nguyên (nay là phường Quan Triều, thành phố Thái Nguyên). Ông làm thủ lĩnh phủ Phú Lương xưa, gồm các châu: Thượng Nguyên, Vĩnh Thông, Quảng Nguyên, Cảm Hóa, Vạn Nhai, Tư Nông, Tuyên Hóa (thuộc Bắc Kạn, Thái Nguyên, Cao Bằng, Tuyên Quang và một phần Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Lạng Sơn ngày nay) trong suốt ba đời vua nhà Lý: Lý Nhân Tông (1072-1128), Lý Thần Tông (1128-1138), Lý Anh Tông (1138-1175) [1].

Theo truyền thuyết và thần phả, vào triều đại nhà Lý dưới chân núi Đuổm có một bản nghèo là bản Doanh. Bản có mươi nóc nhà gianh tre đơn sơ, khuất dưới tán cây rừng, trong đó có một túp lều nhỏ tuềnh toàng không ai ngờ, đó là nơi hưu trí của một viên quan châu mục từng nổi tiếng một thời – cha của Dương Tự Minh.

Quan châu mục họ Dương, một dòng tộc đầy thế lực của người Tày ở vùng phủ Phú Lương. Ông từng là thủ lĩnh trong vùng, lập nhiều chiến công chống quân Tống xâm lược lần thứ hai trên chiến tuyến sông Cầu. Ông vốn người trung hậu, giàu lòng nhân từ có bao nhiêu bổng lộc đều chia sẻ cho mọi người nên về già không có nhà cao cửa rộng và của riêng.

Mãi năm ông bà ở tuổi 70 mới sinh cậu con trai. Lúc bà sinh con, bỗng thấy từ túp lều bừng lên sáng rực, lấp lánh như ánh hào quang, ánh sáng ấy như tỏa ra từ đứa con trai. Do đó ông đặt tên con là Tự Minh (tự mình sáng lên) [2].

Năm Dương Tự Minh ngoài 20 tuổi, trong vùng bọn phỉ tặc hoành hành cướp phá, dân tình vô cùng khốn khổ. Dương Tự Minh thành lập đội dân binh, hàng trăm trai tráng trong vùng nô nức gia nhập đội. Đội dân binh do Dương Tự Minh chỉ huy đã chặn được sự hung hãn của bọn phỉ tặc, làng bản trở lại yên bình. Vào năm Đinh Mùi (1127) vua Lý Nhân Tông liền mời Dương Tự Minh về triều ban thưởng nhiều của cải vàng bạc, gả con gái là công chúa Diên Bình cho và tổ chức đám cưới tại Kinh đô, phong cho chức Châu mục vùng thượng nguyên và trấn trị cả phủ Phú Lương rộng lớn, một vị trí chiến lược quan trọng trong công cuộc bảo vệ biên cương đất nước. Ông chăm lo xây dựng phủ Phú Lương ngày càng phồn thịnh và có công lớn giữ yên bờ cõi phía bắc Đại Việt. Dương Tự Minh là người thông minh lanh lợi, tài năng, đức độ, thẳng thắn trung thực, có sức khỏe hơn người, được nhân dân khắp vùng biên cương yêu mến, triều đình tin cậy.

Năm Đại Định thứ 5 (1144) có kẻ yêu thuật người nước Tống là Đàm Hữu Lượng trốn sang châu Tư Lang, tự xưng là Triệu tiên sinh nói là vâng mệnh đi sứ để dụ dỗ nước An Nam. Các khe động dọc biên giới có nhiều người theo, Đàm Hữu Lượng đem đồ đảng đến cướp châu Quảng Uyên. Cả triều đình lo lắng, nhà vua cho người đi cầu hiền tài cứu nước. Lúc này Dương Tự Minh đang bị giam trong ngục chờ ngày xét xử, phạm tội vì quá lo cho dân bản ở vùng đất phía Bắc bị đói rách sau những năm bị nhà Tống chiếm giữ. Dương Tự Minh xin được gặp nhà vua để xin xung phong ra chiến trường diệt giặc cứu nước. Đích thân nhà vua trao cho ông thanh Thượng phương bảo kiếm và phong cho chức Đô đốc Thống binh, giao cho 3 vạn binh mã cùng văn thần Nguyễn Như Mai, Lý Nghĩa Vinh đi tiên phong cự chiến. Dương Tự Minh chia quân thành hai đạo, trận chiến diễn ra theo thế gọng kìm, quân Lý tiến công như vũ bão và giết chết Đàm Hữu Lượng. Sau khi dẹp yên giặc, Dương Tự Minh cho củng cố lại các vùng biên ải, ổn định tinh thần nhân dân, rồi dẫn đoàn quân chiến thắng về kinh đô. Vua Lý sai các quan đại thần ra khỏi thành đô 10 dặm để đón, nhân dân khắp các bản làng, phố thị mở hội khao quân. Vua Lý Anh Tông thiết triều ban yến và tác thành Dương Tự Minh cùng công chúa Thiều Dung tài sắc vẹn toàn. Sau đó ông cũng được điều về kinh thành Thăng Long phò vua giúp nước.

Tháng 9 năm 1138, Vua Lý Thần Tông băng hà lúc 23 tuổi, hoàng thái tử Thiên Tộ nối ngôi báu khi đó mới 3 tuổi, hiệu là Anh Tông Hoàng đế, tôn mẹ là Hoàng hậu Lê Cảm Thánh làm Thái hậu. Lê Thái hậu lại tư thông với Thái úy Đỗ Anh Vũ, cho nên phàm việc gì bất cứ lớn nhỏ đều ở tay Đỗ Anh Vũ quyết đoán cả. Đỗ Anh Vũ được thể ra vào chỗ cung cấm, kiêu ngạo và khinh rẻ đình thần, ức hiếp vua, uy hiếp quan lại trong triều. Năm Đại Định thứ 11 (1150), các tướng lĩnh chỉ huy các đội quân cấm vệ, một số thân vương như Vũ Đái, Nguyễn Dương, Nguyễn Quốc và Phò mã Dương Tự Minh thấy Đỗ Anh Vũ lộng quyền quá độ, lo trừ đi, nhưng sự không thành lại bị giết hại cả [3], Dương Tự Minh bị bắt đi lưu đày, ông sống những năm tháng cuối đời ở chân núi Đuổm và mất ở đây. Trong dân gian lưu truyền rằng, sau này khi ông trở về quê, ông cởi bỏ quần áo xuống tắm mát trong dòng sông Phú Lương quê ông để trút bỏ hết bụi trần, ông mặc lên mình bộ quần áo chàm xanh của người Tày rồi cưỡi ngựa bay về Trời.

Nhà Lý sau này truy phong ông làm Uy viễn đôn tỉnh cao sơn quảng độ chi thần, nhiều triều đại phong kiến Việt Nam ban sắc phong là Thượng đẳng thần, còn nhân dân thì tôn ông làm Đức Thánh, xây đền thờ ông ở làng Đuổm mà sau này được gọi là đền thờ Đức Thành Đuổm.

Đền Đuổm được xây dựng năm 1180 vào thời Lý Cao Tông, dưới chân núi Đuổm, thuộc xã Động Đạt, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, cạnh quốc lộ 3 (Thái Nguyên – Bắc Kạn), cách thành phố Thái Nguyên 25 km về phía tây bắc, từ lâu đã có tiếng là địa linh. Đây là nơi thờ tự chính Dương Tự Minh. Dưới tán cổ thụ hàng trăm năm tuổi là ba ngôi đền tôn nghiêm (thờ phủ Bà, Dương Tự Minh và thờ Mẫu), phong cảnh hùng vĩ, hữu tình, nhiều những ngọn núi đá tự thiên.

Hàng năm nhân dân địa phương mở lễ hội Đền Đuổm vào ngày 6 – 8 tháng giêng âm lịch để tưởng nhớ công ơn vị anh hùng dân tộc, cầu mong Đức Thánh Đuổm ban cho một năm mới mọi sự tốt lành, mùa màng bội thu, no ấm. Trong lễ hội có lễ dâng hương, lễ rước Đức Thánh và Lễ đọc văn tế tôn vinh cực kỳ long trọng. Lễ hội Đền Đuổm rất đông người đến dự. Đây là lễ hội quan trọng của chính quyền và nhân dân huyện Phú Lương cũng như đối với các đơn vị hành chính kế cận. Đền Đuổm là một điểm sáng về du lịch của huyện Phú Lương và tỉnh Thái Nguyên, không chỉ trong dịp Tết mà cả những thời điểm quan trọng khác của năm.

Trên cả một vùng rộng lớn từ Bắc Kạn, Thái nguyên, Bắc Giang, có nhiều nơi dựng đình miếu thờ Đức Thánh Đuổm. Ở huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang, Đình thờ thành hoàng là Dương Tự Minh gồm có: Đình Ngọc Tân và Đình Ngọc Thành của xã Ngọc Sơn, Đình Thắng Núi xã Đức Thắng, Đình Vạn Thạch xã Hoàng Vân, Nghè Đề Thám thuộc làng Trản, xã Hoàng Thanh. Ở huyện Phú Bình, Thái Nguyên có Đình Kha Sơn Thượng thuộc xóm Tây Bắc, xã Kha Sơn là đình đã được xếp hạng di tích lịch sử. Đình này thờ thần hoàng là Dương Tự Minh. Những làng thờ Thành hoàng là Đức Thánh Đuổm cũng thường mở hội lớn suốt 3 ngày vào dịp đầu xuân, lễ rước trang trọng.

Ngoài ra, tên ông cũng được đặt tên cho một con đường ở Thành phố Thái Nguyên để tỏ lòng biết ơn và ghi nhớ công lao.
Dương Tự Minh người dân tộc Tày, quê ở vùng Quán Triều, xã Đông Đạt, phủ Phú Lương, xuất thân trong một gia đình làm ruộng và chài lưới ven sông. Do có sức khỏe, trí thông minh và phẩm cách hơn người nên ông được các thổ quan, tù trưởng vùng sơn cước suy tôn làm thủ lĩnh phủ Phú Lương.

Tỏ ra là người giỏi cai trị, biết thu phục nhân tâm, Dương Tự Minh đã góp công lớn trong sự nghiệp an dân, phát triển văn hóa, kinh tế, giữ vững ổn định và bảo vệ vững chắc cả một vùng biên cương rộng lớn của đất nước. Ông được nhân dân nhiều nơi yêu mến kính phục, được triều đình nhà Lý tin cậy, tín nhiệm.

Do đặc biệt quan tâm đến khu vực miền núi phía Bắc, coi đó là trọng yếu gắn liền với việc bảo vệ biên cương và sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, triều Lý cho thi hành chính sách để thắt chặt khối đại đoàn kết dân tộc, đồng thời mở rộng ảnh hưởng quyền lực của triều đình trung ương tới vùng miền núi, biên viễn.

Một trong những kế sách được nhà Lý sử dụng có hiệu quả là thông qua các cuộc hôn nhân đối với các tù trưởng người thiểu số có thế lực. Với uy tín lớn của mình, Dương Tự Minh được triều Lý hậu đãi, tin tưởng.
Tháng 12 năm Đinh Mùi (1127) Vua Lý Nhân Tông đã gả con gái yêu của mình là công chúa Diên Bình cho Dương Tự Minh. Tháng 10 năm Nhâm Tuất (1142) sau khi dẹp xong loạn Thân Lợi, Vua Lý Anh Tông đã sai Dương Tự Minh đến châu Quảng Nguyên để chiêu tập và phủ dụ dân chúng, giúp họ khai khẩn ruộng hoang, phục hồi sản xuất, sớm ổn định cuộc sống.

Đến tháng 8 năm Qúy Hợi (1143) vua “xuống chiếu cho Dương Tự Minh cai quản việc công các khe động dọc theo biên giới về đường bộ” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Năm Giáp Tý (1144) Dương Tự Minh được hưởng ân sủng đặc biệt mà trong lịch sử Việt Nam duy nhất chỉ mình ông có vinh dự này, đó là việc Vua Lý Anh Tông gả công chúa Thiều Dung (có sách chép là Hồng Liên) cho Dương Tự Minh và phong ông làm Phò mã lang. Vậy là Dương Tự Minh 2 lần được làm phò mã đời vua Lý Nhân Tông và Lý Anh Tông.

Sự tích thần thành hoàng của bản thôn ở làng Xuân La, xã Xuân Phương, huyện Phú Bình, Thái Nguyên cho biết, nhờ được tiên cho chiếc áo thần có thể “tàng hình dấu thân, người ngoài nhìn vào không thấy” khi có giặc cướp từ phương Bắc tràn sang quấy rối, Dương Tự Minh xin đi dẹp giặc và lập công lớn.

Thần tích chép rằng: “Ở xã Táp Ná, châu Thông Nông, tỉnh Cao Bằng, tên Đàm Hữu Lượng khởi binh tại chỗ được 33 vạn quân, nổi lên chiếm cứ Bạch Thông, Cảm Hóa của đất Thái Nguyên, Hưng Hóa của đất Tuyên Quang, triều đình bèn cử người xuống các tổng, xã ở các châu phủ kêu gọi:

“Ai có tài có sức phá được bọn phỉ Đàm Hữu Lượng thì vua Lý sẽ chia cho một nửa thiên hạ”. Lần đó Dương Tự Minh nghe được, xin với quan trấn gửi sớ tấu lên xin cho đi đánh Đàm Hữu Lượng, hạn trong 3 tháng dẹp xong lại về chịu mệnh.

Lần này quan trấn đem sớ tấu lên kinh đô, Vua Lý Anh Tông xuống chiếu tha cho Dương Tự Minh đi dẹp giặc. Tự Minh xin một thanh kiếm mới cực kỳ sắc bén, sau đó lĩnh thanh kiếm đem theo 12 người lên Bắc Kạn, thấy thế giặc rất lớn, lính giặc đóng trại ước chừng 300 dặm.

Tự Minh vạch ra một kế, viết sớ gửi về kinh đô, mời một viên quan lớn đến nơi giặc chiếm xem đánh trận. Vua nhận được sớ liền cử một quan lớn của triều đình là quan đại thần Anh Vũ lên Bắc Kạn thị chiến.
Quan đại thần Anh Vũ đến vùng giặc chiếm Bạch Thông, Bắc Kạn vào trướng của Dương Tự Minh định bàn kế phá giặc nhưng Tự Minh không nói gì.

Hôm sau, Tự Minh đến sớm, mình mặc áo Tiên, tay cầm thanh kiếm xông vào trại giặc, chém giết quân giặc thây phơi khắp bãi, máu chảy thành sông, giết từ Táp Ná, Thông Nông, Cao Bằng về Cảm Hóa, Bạch Tông rồi đến Hưng Hóa, Tuyên Quang, giết hết lính giặc không để sót một tên làm giống.

Bắt được tướng giặc, Đàm Hữu Lượng giải về thành Thăng Long giao nộp. Vua Lý Anh Tông khen thưởng bèn gả con gái là Thiều Dung công chúa cho làm vợ, và phong cho Dương Tự Minh làm Thủ lĩnh phủ Phú Lương, dinh thự của Phò mã lang đóng tại thành Thăng Long”.

Xét theo lịch sử, chuyện Dương Tự Minh dẹp giặc phỉ diễn ra sau khi ông lần thứ hai trở thành phò mã. Theo đó vào tháng 8 năm Ất Sửu (1145) ở phía nam nước Tống có tên Đàm Hữu Lượng dấy binh làm loạn, khi bị triều đình truy bắt đã trốn sang châu Tư Lang nước ta tiếp tục quấy nhiễu các địa phương dọc biên giới rồi đánh chiếm châu Quảng Nguyên.

Bấy giờ Kinh lược súy ty lộ Quảng Tây nước Tống đưa thư nhờ bắt Đàm Hữu Lượng, lại thấy tình hình biên giới bất ổn, Vua Lý Anh Tông xuống chiếu sai Phò mã Dương Tự Minh và văn thần là Nguyễn Nhữ Mai, Lý Nghĩa Vinh đem quân đi đánh, đồng thời phối hợp cùng quân các khe động do Thái sư Mâu Du Đô chỉ huy tiến công thu hồi các vùng đất bị chiếm.

Tại châu Thông Nông, Dương Tự Minh đã đại phá quân phản loạn, chiếm được ải Lũng Đô, bắt sống bè đảng thân cận của Đàm Hữu Lượng là bọn Bá Đại gồm 21 tên, chỉ có Đàm Hữu Lượng chạy thoát trốn về nước Tống, sau bị quân Tống bắt được đem giết.

Với công trạng lớn, Dương Tự Minh được triều đình khen thưởng và triệu về làm việc tại kinh đô Thăng Long. Khi ấy, ở triều đình vua còn trẻ nên mọi việc chính sự đều dựa vào Thái úy phụ chính Đỗ Anh Vũ, ông ta cậy thế chuyên quyền, lại tư thông với Lê thái hậu nên “càng lên mặt, ở triều đình thì giơ tay to tiếng, sai bảo quan lại thì bằng mép bằng hơi, ai cũng gườm mà không dám nói” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Trước tình hình đó, Dương Tự Minh cùng một số đại thần đã bàn mưu diệt trừ Đỗ Anh Vũ. Sau khi bàn tính xong họ đem quân vào cung bắt Đỗ Anh Vũ đem giam lại chờ xét xử.

Để cứu tình nhân và phục hồi chức tước cho ông ta, Lê thái hậu một mặt tác động đến vua, mặt khác ngầm đưa vàng bạc vào cho Đỗ Anh Vũ để ông ta đút lót cho Điện tiền chỉ huy sứ Vũ Đái, nhờ thế mà Đỗ Anh Vũ chỉ bị đi đày làm lính phục vụ ở xã Nhật Tảo, ngoại thành Thăng Long.

Sau đó, thái hậu còn cho mở nhiều lễ hội rồi cho xá tội nhân, cuối cùng Đỗ Anh Vũ lại được làm Thái úy phụ chính. Sau khi trở lại nắm quyền, Đỗ Anh Vũ cho lập một lực lượng riêng gọi là Phụng quốc vệ, tiếp đến là vu cáo các đại thần đã tham gia lật đổ mình trước đây là có âm mưu làm phản để trả thù.

Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” viết: “Vua chẳng biết gì cả cũng y lời tâu. Anh Vũ sao đô Phụng quốc vệ bắt bọn Đái giam vào ngục trị tội.
Xuống chiếu giáng Trí Minh Vương làm tước hầu, Bảo Nghĩa hầu làm tước Minh tự, Bảo Thắng hầu làm Phụng chức; bọn Nội thị là Đỗ Ất 5 người phải tội “cưỡi ngựa gỗ”, bọn Hỏa đầu đô Ngọc Giai là Đồng Lợi 8 người chém ở chợ Tây Nhai, bọn Điện tiền đô chỉ huy sứ Vũ Đái 20 người chém bêu đầu ở các bến sông, bọn Phò mã lang Dương Tự Minh 30 người lưu đày ở những nơi xa độc”.

Sử sách không chép Dương Tự Minh bị đày đi đâu, mất năm nào nhưng theo truyền thuyết dân gian ở quê hương thì khi tuổi già Dương Tự Minh được trở về, ông lội xuống dòng sông Phú Lương tắm gội sạch sẽ, trút bỏ bụi trần rồi mặc quần áo chàm xanh, cưỡi ngựa bay về trời.

Trong bản thần tích thì viết rằng: “Anh Vũ được vua Lý Anh Tông tha cho và lại được làm quan đại thần. Anh Vũ tấu bậy với vua rằng: Ở Quan Triều có đất hình nhân bái tướng, nếu vua không yểm nơi này tất thiên hạ sẽ gặp nạn một nước 2 vua, thần mong đại vương tỏ tường điều đó.

Vua Lý Anh Tông lệnh truyền cho các cơ vệ đem quân lên địa phận xã Quan Triều, trấn Thái Nguyên xây cất một cột đồng trụ trên đỉnh núi có “hình nhân bái tướng”. Quân binh suốt một ngày tới tối xây cất xong cột đồng trụ trên núi tháp.

Đến giờ Sửu thì cao được hơn 7 thước. Đến sáng hôm sau mọi người trông lên núi tháp thấy có một cột đồng trụ, quân trở về tâu với Phò mã lang than rằng: “Vua Lý Anh Tông đã phản ta!” sau đó cầm bút thảo bài thơ rằng:

 
Non phú anh linh tạo sắc thần
Cơ đồ nhà Lý cũng tướng quân
Tiên ông áo gấm hai điều gặp
Công chúa hai nàng một túi khăn

Biên ải có đao trừ bọn xấu
Long thành không kiếm triệt gian thần
Vua chúa ghi công xây thành tháp
Miếu vũ ngàn năm rạng vẻ xuân.

Sau đó Phò mã lang đi về bến Giang Ma tắm gội, lên núi Đá Chu hóa, nơi đây có một ngôi chùa, (có thần rồng) tấu với Phò mã rằng: xã Đông Đạt có một ngọn núi tên gọi núi rồng đá, là nơi thiên tạo có thể xây miếu cổ tích.

Phò mã lang đi về phía làng Đuổm, xã Động Đạt, thấy thế vui lòng đổi tên chùa Giang Sơn thành chùa Cảnh Linh, bến Giang Ma thành bến Giang Tiên. Phò mã lang hóa thác tại đây”.

Sau khi Dương Tự Minh mất, triều Lý sắc phong ông làm Uy viễn đôn tỉnh Cao Sơn quảng độ chi thần và cho lập đền thờ tại quê ông. Ngôi đền này ở núi Đuổm nên được gọi là đền Đuổm, nhân dân thì tôn gọi Dương Tự Minh là Đức Thánh Đuổm.

Tương truyền đền được dựng năm Canh Tý (1180) đời Lý Cao Tông; quanh vùng còn lưu giữ nhiều truyền thuyết về Dương Tự Minh như: Chiếc áo tàng hình, Sự tích giếng Dội, Sự tích chuông lăn, Bàn cờ tiên, Thánh Đuổm trị tà thần…

Đặc biệt tại đền thờ dưới chân núi ở Quán Triều (Phú Lương, Thái Nguyên) còn giữ được tấm bia “Quảng Ninh phúc thần sự tích bia ký” dựng năm Giáp Thìn (1784) đời vua Lê Cảnh Hưng nói khá rõ về công lao của Dương Tự Minh trong việc bảo vệ biên giới phía Bắc.

Ngoài nơi thờ chính là đền Đuổm, nhân dân nhiều địa phương thuộc các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Kạn đều lập đền thờ Dương Tự Minh. Có câu phương ngôn rằng: “Thượng Đu, Đuổm; hạ Lục Đầu; 200 xã lưỡng biên giang thờ”, nghĩa là: “Từ thượng du các vùng Đu, Đuổm cho đến sông Lục Đầu có 200 xã bên sông thờ phụng”.

Hàng năm cứ vào đầu tháng giêng âm lịch, nhân dân đều mở lễ hội tưởng nhớ Dương Tự Minh, lớn nhất là hội đền Đuổm được tổ chức trang nghiêm với nghi thức dâng hương, nghênh rước, đọc văn tế tôn vinh.

Còn phần hội là các cuộc thi làm cỗ chay với 6 loại bánh (bánh bìa, bánh vôi, chè lam, bánh khảo, bánh rắn và bỏng ngô), kéo co, đấu vật, đua cà kheo cùng với nhiều hoạt động văn hóa khác như: tung còn, chọi gà, hát ví, hát si lượn, múa tắc xình, múa kỳ lân…

Tất cả diễn ra trong không khí vui tươi, phấn khởi, đoàn kết như là sự ghi nhớ, tiếp nối những giá trị đặc sắc của văn hóa dân tộc, tri ân ngưỡng vọng về một vị danh tướng, một phò mã áo chàm nổi danh trong lịch sử hào nước nhà:

 
Tướng giúp đất Việt, thánh trung hưng,
Tiếng dậy nước Nam, thần bậc nhất.

Nguồn : http://doanhnhanhoduongtphcm.vn