257 lượt xem

Đặng Tất

Tiểu sử danh tướng Đặng Tất


Ảnh minh hoạ. Nguồn: sưu tầm.

Đặng Tất sinh ra và lớn lên tại làng Tả Thiên Lộc, huyện Thiên Lộc, Nghệ An châu nay là xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Ông thi đậu Thái học sinh thời nhà Trần và được bổ làm tri phủ Hoá Châu nay là vùng Hải Lăng, Quảng Trị. Sau đó lại chuyển đến huyện Thăng Bình, Quảng Nam. Bá Tĩnh chính là ông nội của Đặng Tất. Con trưởng của Bá Tĩnh là Đặng Đình Dực chính là cha Đặng Tất.

Đặng Tất (1357-1409) là danh tướng nước ta thời nhà Trần, sinh ra và lớn lên trong một gia đình đại quý tộc ở làng Tả Thiên Lộc, huyện Thiên Lộc, châu Nghệ An (nay là xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Theo gia phả tộc Đặng thì tổ tiên 4 đời của Đặng Tất vốn cư ngụ tại Thăng Long sau đó mới di cư vào Nghệ An. Ông nội là Thám hoa Đặng Bá Tĩnh làm quan đến chức Hành khiển dưới triều nhà Trần. Đặng Tất thi đậu Thái học sinh thời nhà Trần và được cử làm quan trong triều, được Hồ Quý Ly tin dùng.

     Năm 1391, ông được bổ làm tri phủ Hóa Châu nay là vùng Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Năm 1402,  sau khi nhà Hồ đánh chiếm phần phía Nam của châu Hóa lập ra 4 phủ Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa, Nguyễn Cảnh Chân được cử làm An phủ sứ lộ Thăng Hoa còn Đặng Tất được bổ làm Đại tri châu Thăng Hoa nay thuộc vùng Thăng Bình, Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Theo sử sách, hai nhà họ Đặng và Nguyễn có thân nhau từ trước nên từ đó Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân càng thân thiết và có uy tín lớn trong vùng.

     Nhân lúc nhà Hồ chưa ổn định, Chiêm Thành quấy rối phía nam. Hồ Quý Ly sai Hoàng Hối Khanh làm Tuyên úy sứ trấn thủ cả vùng Thăng Hoa. Đến Thăng Hoa, Hối Khanh chọn Đặng Tất, Phạm Thế Căng và Nguyễn Lỗ giúp việc cho mình.

     Năm Đinh Hợi (1407), nhà Minh xâm lăng nước ta. Cuộc kháng chiến chống quân Minh của hai cha con Hồ Quý Ly, Hồ Hán Thương thất bại do không nắm được lòng dân, cả hai bị bắt đưa về Tàu. Quân Chiêm được sự hỗ trợ của nhà Minh nổi dậy đánh chiếm lại lộ Thăng Hoa (Nam Quảng Nam) uy hiếp Hóa Châu. Các di dân chạy tan cả ra phía Bắc. Hoàng Hối Khanh chạy về Hóa Châu. Đặng Tất, Nguyễn Lỗ cũng dẫn quân thủy bộ từ Thăng Hoa chạy ra lại Hóa Châu. Đặng Tất đi đường thủy về trước, Nguyễn Lỗ đi đường bộ về sau. Đến Hóa Châu, Trấn thủ Nguyễn Phong và Nguyễn Lỗ liên kết với nhau cự tuyệt không cho Đặng Tất vào thành. Ông giết Nguyễn Phong rồi đánh nhau với Nguyễn Lỗ. Lỗ thua đem cả gia quyến chạy trở lại vào Thăng Hoa đầu hàng quân Chiêm Thành. Cũng trong thời gian này ở phía Bắc, quân Minh âm mưu tiến quân vào Hóa Châu nhằm thống trị vùng đất này.

     Trước hoàn cảnh “lưỡng đầu thọ địch”, Đặng Tất phải dùng kế sách “trá hàng” quân Minh để củng cố lực lượng, đối phó với quân Chiêm ở phía Nam. Đặng Tất được tướng nhà Minh là Trương Phụ giao giữ chức Đại tri châu Hóa Châu. Ông cùng với quân dân Hóa Châu đã đẩy lùi được cuộc tấn công của quân Chiêm, ổn định được biên giới phía Nam và bắt đầu chăm lo xây dựng lực lượng với mưu đồ khởi nghĩa chống lại quân Minh.

     Cuối năm Đinh Hợi (1407)  tôn thất nhà Trần là Trần Ngỗi (con Trần Nghệ Tông) được lực lượng của Trần Triệu Cơ tôn làm minh chủ, dựng cờ khởi nghĩa chống giặc Minh ở Mộ Độ (nay là xã Yên Mô, thị xã Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình) xưng làm Giản Định Đế, lập ra nhà Hậu Trần. Sau khi khởi nghĩa, quân Giản Định Đế giải phóng được một số vùng ở Ninh Bình nhưng sau đó bị quân Minh tấn công  phải kéo về Nghệ An. Nghe tin, Đặng Tất liền giết hết quân Minh ở Hoá Châu rồi đem quân ra Nghệ An hợp với Giản Định Đế mưu sự khôi phục nhà Trần. Đặng Tất được Giản Định Đế phong làm Quốc Công.  Ông cũng đã gả con gái út của mình là Đặng Thu Hạnh cho Giản Định Đế để khẳng định sự liên kết và xây dựng niềm tin cho lực lượng kháng chiến. Sau sự kết hợp này, nhiều tướng lĩnh đem quân hưởng ứng cuộc khởi nghĩa, trong đó có Nguyễn Cảnh Chân, là một tướng tài, nhiều mưu kế lại là bạn tâm phúc của Đặng Tất.

     Năm Mậu Tý (1408), Đặng Tất dẫn nghĩa quân tiến đánh Diễn Châu, Nghệ An giết chết ngụy quan Trần Thúc Dao, Trần Nhật Chiêu, Nghệ An được giải phóng. Tháng 7/1408, Đặng Tất dẫn quân vào Tân Bình (Quảng Bình), đánh tan quân Minh bắt Phạm Thế Căng, Phạm Đống Cao đưa về Nghệ An xử chém. Sau đó, nghĩa quân tiến ra giải phóng Thanh Hóa. Nghĩa quân đã làm chủ một vùng rộng lớn kéo dài từ Hóa Châu (Huế) ra đến tận Thanh Hóa. Nhân thế thắng, Giản Định Đế ra lệnh cho Đặng Tất mở cuộc tấn công ra Bắc nhằm tiêu diệt giặc Minh, giải phóng Thăng Long. Nghĩa quân kéo đến Tràng An (Ninh Bình), hào kiệt các vùng kéo đến rất đông, lực lượng nghĩa quân ngày càng mạnh. Đặng Tất cho quân tấn công vào Bình Than, Hàm Tử, Tam Giang, đánh phá vào ngoại vi Đông Quan.

     Nhà Minh nghe tin nghĩa quân Giản Định Đế có sự phò tá của Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân rất lớn mạnh, giải phóng nhiều vùng rộng lớn nên vội vàng sai Tổng binh Kiểm Quốc công Mộc Thạnh, Binh bộ thượng thư Lưu Tuấn mang 5 vạn quân sang chi viện, hợp cùng 5 vạn quân do Lưu Nghị và Lưu Dục đang trấn đóng ở Đông Đô thành một đạo quân hùng hổ hơn 10 vạn, quyết bóp nát lực lượng khởi nghĩa của nhà Hậu Trần, bắt sống Giản Định Đế và Đặng Tất. Ngày 14 tháng Chạp năm Mậu Tý (30/12/1408) quân thủy bộ hai bên chạm nhau tại bến đò Bô Cô trên sông Đáy (nay thuộc xã Yên Bằng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định). Đặng Tất sai Đặng Dung chỉ huy thủy quân, đóng cọc nhọn dưới lòng sông rồi dùng thuyền nhẹ, lợi dụng nước triều lên cao, gió lớn, đánh cho thủy quân Minh tan tác. Còn quân bộ do đích thân Đặng Tất chỉ huy, dựa vào chiến lũy hai bên bờ sông, lợi dụng lau sậy bạt ngàn chung quanh, quân ta mai phục rồi theo trống lệnh của Giản Định Đế xông ra đánh với khí thế dũng mãnh. Từ giờ Tỵ (9-11g) đến giờ Dậu (17-19 giờ) ngày hôm đó, nghĩa quân đã chiến đấu mưu lược, anh dũng tiêu diệt toàn bộ binh lực của giặc Minh, các tướng tài của Minh như Lữ Nghị, Lưu Tuấn, Lưu Dục, Liễu Tông đều bị giết. Mộc Thạnh may mắn thoát chết, dốc tàn quân chạy trốn vào thành Cổ Lộng, sau nhờ có viện binh tiếp cứu, mới kéo được về thành Đông Đô để cố thủ. Chiến thắng vang dội ở Bô Cô cho thấy tài thao lược quân sự và lòng dũng cảm của Đặng Tất.

     Sau đại thắng Bô Cô, Giản Định Đế định thừa thắng tiến lên đánh chiếm lấy Đông Đô, trái lại Đặng Tất cho rằng lực lượng ta chưa đủ mạnh để đè bẹp được quân Minh do vậy cần có thời gian để dưỡng binh và củng cố lực lượng, cũng như để truy bắt cho hết bọn giặc Minh và tay sai. Do bất đồng  về chiến pháp giữa Giản Định Đế và Đặng Tất đã làm hỏng thời cơ chiến thắng, gây tổn thất lớn cho cuộc khởi nghĩa. Trong khi vua tôi còn đang dùng dằng thì quân Minh đưa viện binh đến cứu thành Cổ Lộng và đón tàn quân về cố thủ ở Đông Quan, củng cố lại lực lượng chuẩn bị phản công. Trước tình thế như vậy, lòng ngờ vực của Giản Định Đế trỗi dậy, bọn hoạn quan là nội thị Nguyễn Phần, hiệu sinh Nguyễn Mộng Trang lại ghen ghét, gièm pha: “Tất và Cảnh Chân chuyên quyền, bổ quan người này cất chức người kia, nếu không tính sớm đi sau này khó long kiềm chế” nên Giản Định Đế đã tìm cách ám hại Đặng Tất  và Nguyễn Cảnh Chân. Tháng 3/1409, khi thuyền Giản Định Đế đóng trên sông Hoàng Giang (Ninh Binh), Giản Định Đế cho gọi Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân đến để bàn việc quân. Hai ông hoàn toàn không hay biết âm mưu của Giản Định Đế, Đặng Tất bị Giản Định Đế cho quân bóp cổ chết tại chỗ, quẳng xác xuống sông, Nguyễn Cảnh Chân chạy trốn lên bờ cũng bị đuổi theo chém chết.  Sau cái chết của Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân, con trai hai ông là Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị bỏ Giản Định Đế, đưa quân về Thanh Hóa, tôn Trần Quí Khoách lên ngôi vua đặt niên hiệu là Trùng Quang Đế, tiếp tục cuộc kháng chiến chống quân Minh.

     Sử thần Ngô Sĩ Liên đã nhận định về cái chết của Đặng Tất: “Vua may thoát nguy hiểm cầu người giúp nạn nước được cha con Đặng Tất có tài làm tướng, cha con Cảnh Chân có mưu lược, đủ lập được công khôi phục, dựng nghiệp trung hưng, trận Bô Cô, thế nước lại đầy, thế mà nghe lời dèm của kẻ hoạn quan, một lúc giết hai người bề tôi phò tá, tự mình chặt bỏ chân tay vây cánh, thì làm sao nên việc được”.

     Cái chết oan nghiệt của Đặng Tất đã dẫn đến sự tan rã, phân hóa trong toàn bộ nghĩa quân. Năm 1409, Giản Định Đế bị quân Minh bắt, Trùng Quang Đế lui về về giữ Nghệ An, đánh nhau với  quân Minh được vài năm. Năm 1413, quân Minh đánh vào Nghệ An, Trùng Quang Đế chạy về Hóa Châu. Mộc Thạnh cùng Trương Phụ hợp cùng các tướng tấn công Hóa Châu. Đặng Dung, Nguyễn Cảnh Dị và vua Trùng Quang cùng bị bắt. Nhà Hậu Trần chấm dứt.

     Đặng Tất là tướng giỏi nhất của nhà Hậu Trần. Thực tế chiến sự cho thấy sau khi ông mất không có ai xứng đáng thay thế. Các tướng Đặng Dung con ông, Nguyễn Cảnh Dị, Nguyễn Súy, Nguyễn Biểu đều có thừa lòng dũng cảm và trung nghĩa, nhưng tài năng chưa sánh được với ông. Từ chỗ bị từ chối không cho vào thành, Đặng Tất đã lật ngược thế cờ giết Nguyễn Phong, đuổi Nguyễn Lỗ chạy trốn. Từ chỗ quân Hậu Trần chỉ có một nhóm nhỏ bị dồn vào Hóa Châu, nhờ một tay Đặng Tất chỉ trong 1 năm đã giết chết các tên Việt gian Phạm Thế Căng, Trần Thúc Giao, Trần Nhật Chiêu, đánh như chẻ tre ra bắc, áp sát Đông Quan, một trận Bô Cô mà giết chết cả bốn tướng tài của nhà Minh như Lưu Tuấn, Lưu Dục, Lữ Nghị, Liễu Tông.  Sau khi ông mất quân Hậu Trần bị thua mãi, bị dồn trở lại  Hóa Châu và đi đến diệt vong, bản thân Giản Định Đế cũng phải trả giá đắt.

     Đặng Tất có hai người em  là Đặng Đức và Đặng Quý  từng làm Trấn thủ Hóa Châu, các con ông là Đặng Dung, Đặng Chủng, Đặng Liên, Đặng Thát, Đặng A Thiết, Đặng A Noãn, Đặng Thu Hạnh tất cả đều tham gia giúp nhà Hậu Trần.

     Sau khi chết, thi hài của Đặng Tất được các con ông mang về chôn ở làng Thế Vinh, huyện Sĩ Vang, ngoại thành Hóa Châu. Mộ ông hiện nay vẫn còn, nằm ven bờ nam sông Hương, cách bến đò Sình khoảng 3 km thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Dân trong vùng tôn ông làm Thành Hoàng.

     Năm 1428, Lê Lợi sau khi đánh xong quân Minh, ban chiếu cho hai cha con ông (con ông là Đặng Dung) biển vàng tám chữ: "Tiết liệt cương trung - Trung thần hiếu tử", truy phong Đặng Tất làm Đại quốc công, Khuông quốc đại vương Thượng đẳng tôn thần; cho lập đền thờ tại quê hương Tả Thiên Lộc, cấp 200 mẫu ruộng lộc điền, giao cho huyện xã hằng năm cúng tế.

Vua Lê Thánh Tông ban chiếu tặng cha con ông hai câu đối:
     Quốc sĩ vô song, song quốc sĩ
     Anh hùng bất nhị, nhị anh hùng

Dương Văn An trong Ô Châu cận lục đã không tiếc lời ca ngợi hai cha con Đặng Tất, Đặng Dung: "Bởi cớ cha con Đặng Tất đương lúc vận nhà Trần sắp hết mà hai người đều tận tâm kiệt lực đánh giặc cứu quốc, nâng vận nước khi sắp hết, chống nhà lớn lúc đã xiêu. Hai vua Giản Định và Quý Khoách vì thế mà trung hưng được một thời gian ngắn, chính là nhờ sức của nhà họ Đặng vậy".

     Danh sĩ Bùi Dương Lịch (5) thời Lê mạt viết về ông trong sách Nghệ An ký như sau: “Nhà Trần đã mất mà khôi phục được tông thống trong 7 năm, sự nghiệp oanh liệt của... ông cùng trời đất bất hủ"

     Ngoài nhà thờ ở huyện Can Lộc, quê hương ông, được Nhà nước công nhận là Di tích Văn hóa - lịch sử cấp quốc gia, nhiều nơi trên cả nước cũng xây dựng đền để thờ ông. Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Thắng trong tác phẩm Quảng Nam - Đất nước và Nhân vật cho biết trước đây ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam có đền thờ hai cha con Đặng Tất, Đặng Dung. Hiện nay nhiều thành phố lớn trên cả nước có biển đường mang tên hai cha con Đặng Tất, Đặng Dung.

Cần ghi nhận rằng tài liệu đầu tiên (và có thể là duy nhất) ghi chép về ngôi miếu thờ Đặng Quốc Công tại làng Thế Vinh là Ô Châu Cận Lục do Dương Văn An nhuận sắc, hoàn tất năm 1555. Trong đoạn lời bình về phong tục phủ Triệu Phong, ông đã nhắc đến.

“Khoảng đất hiến phủ sạch trong, thế lại nhờ ơn, miếu thờ Đặng Công trung nghĩa, Thế Vinh nêu tiết” (Ô Châu Cận Lục, tân dịch hiệu chú, NXB Thuận Hoá, 2001, trang 82). Trong mục nhân vật, trong phần viết về tướng võ, tướng văn, ông cũng đã nhắc đến hành trạng của Đặng Tất, với sáu dòng khái lược. Đồng thời, trong lời bình ông cũng đánh giá cao đóng góp của Đặng Tất và Đặng Dung, xem cả hai là nhân vật tiêu biểu của Châu Ô.

Như vậy, gần 150 năm sau cái chết oan uổng của Đặng Tất, việc phụng thờ Đặng Quốc Công đã nức tiếng gần xa, đến nỗi người nho sinh đồng hương của Dương Văn An khi ghi chép về phủ Triệu Phong đã nhắc đến và đến lượt Dương Văn An đã ghi nhận lại.

Cho đến cuối triều Nguyễn, việc thờ phụng Đặng Quốc Công tại làng Thế Vinh đã được các sắc thần do vương triều phong tặng cho làng nay tiếp tục khẳng định.

Trở lại câu hỏi trên đây, chúng tôi xin đề xuất một kiến giải:

Thế Vinh trước hết là một làng cổ được thành lập sớm ở châu Hoá dưới thời Trần. Cho đến cuối thời Trần (khoảng 1380) Thế Vinh đã trở thành một huyện lỵ kế cận thành Châu Hóa, cùng thông thuộc vào Châu Hóa như các huyện Lợi Bồng, Sạ Lệch, Trà Kệ, Tư Dung, Bồ Đài, Bồ Lãng. Tên làng Thế Vinh lâu nay vẫn giữ  nguyên, nhưng tên huyện thì lần lược thay đổi là Sĩ Vinh, Tư Vinh rồi Phú Vang.

Về duyên cách, Thế Vinh toạ lạc tại ven bờ nam hạ lưu sông Hương, cách bến đò Sình khoảng 3km và cách thành Hoá Châu khoảng 7km.

So với các vùng đất khác ở hạ lưu sông Hương và sông Bồ, địa thế làng Thế Vinh khá cao ráo, lại không bị dòng sông xâm thực. Địa thế đó và khoảng cách tương đối với thành Hoá Châu, lại là nơi đóng huyện lỵ, nơi tiện lưu thông đường thuỷ, đã đưa đến việc Đặng Dung lựa chọn làm nơi an táng thi hài của  phụ thân, người đã từng khởi nghiệp ở Hoá Châu và cũng là chủ soái của phong trào kháng Minh của quân dân Hoá Châu.

Đặng Dung đã không chọn thành Hoá Châu, vì nơi đây là thành trì, lại trong thời buổi chiến loạn, giao tranh giữa ta và địch, đất thành trì sẽ là chiến trường, mộ phần sẽ khó bảo toàn.

Đặng Dung cũng không chọn nghĩa địa làng Thế Vinh, hẳn là muốn xác lập vị trí riêng biệt của mộ phần cha. Ông đã chọn một miếng đất thổ ở mặt tiền làng Thế Vinh nhưng không phải là đất biền bãi sát cận sông Hương, vì tránh thấp lụt, lại vẫn là cận sông Hương để tiện qua lại viếng thăm.

Hoàn cảnh chiển tranh và nhận thức riêng của Đặng Dung đã đưa đến việc ông không chọn lựa theo quan niệm phong thuỷ cổ truyền, truy tìm long mạch “nhất sơn nhất huyệt” tại vùng đồi núi Tây Nam Huế như tập tục phổ biến nơi đây của các nhà quyền quý.

Tất cả những cơ duyên đó đã đem lại vinh dự cho làng Thế Vinh được xây đắp và bảo tồn mộ phần của danh tướng Đặng Tất và có vinh dự tạo lập miếu thờ đồng thời thờ phụng vị danh tướng, liệt sĩ cứu nước thuộc thế hệ đầu tiên của nhân dân Thừa Thiên - Huế.

Đó là vinh dự của tất cả chúng ta, những người có trách nhiệm kế tục và phát huy sự nghiệp vẻ vang của tiền nhân. Vinh dự đó đòi hỏi chính quyền các cấp, các ngành và nhân dân Thừa Thiên - Huế cần có kế hoạch tôn tạo và bảo tồn di tích danh nhân Đặng Tất, xứng đáng với công lao tiền phong của Đặng Quốc Công mà hơn 600 năm qua chúng ta đã có phần lãng quên.

Theo: http://www.thangbinh.quangnam.gov.vn và http://www.hodangmientrung.com