301 lượt xem

Tể tướng Nguyễn Quán Nho: Vinh quy bái tổ sau rổ bèo đầy

Trong cuộc đời và sự nghiệp quan trường của mình, người có ảnh hưởng sâu sắc đến việc hình thành nhân cách của Nguyễn Quán Nho chính là người mẹ nghèo khó, tảo tần, bà Trịnh Thị Phúc.

Người mẹ tần tảo 

Khi Quán Nho chừng 10 tuổi thì cha qua đời. Mặc dù còn rất trẻ nhưng bà Phúc thề ở vậy nuôi con và quyết cho con ăn học thành tài. Một mình bà tảo tần hết cấy hái lại thả bèo nuôi lợn, vặn thừng để bán… làm tất cả để lấy tiền nuôi con ăn học.

Đến khoa thi Hội năm 1667, không phụ công mẹ, Nguyễn Quán Nho đỗ Tiến sĩ. Ngày vinh quy, tân Tiến sĩ Nguyễn Quán Nho được hàng tổng trống giong cờ mở rước về. Lúc này mẹ ông vẫn bình thản ra ao vớt bèo về nuôi lợn.

Khi lý trưởng mời về dự lễ rước quan trạng, bà thưa rằng: nó thi đỗ là việc của nó sao lại phải đón rước, tôi đang bận vớt bèo! Nguyễn Quán Nho nghe vậy, vội cởi áo mũ, cởi giày, xắn quần ra ao cầm gậy vớt đầy rổ bèo đem về  rồi mời mẹ ra đình làng làm lễ. Dân làng còn lưu truyền câu ca “Vinh quy bái tổ sau rổ bèo đầy”.

Thành đạt về làng, Nguyễn Quán Nho vẫn không quên ơn hàng xóm, không quên quá khứ nghèo khổ của mình, vẫn bảo: “Tôi là thằng Cháy đây mà!”.

Bởi ngày xưa có những năm mùa đông kéo dài, mẹ con không đi làm được, không có cái ăn, Nho phải giả cách đi mượn nồi hàng xóm để nấu cơm, thực ra là để vét từng hạt cơm còn dính trong nồi. Hết mượn nhà này đến mượn nhà khác. Rốt cuộc, ai cũng biết chuyện mượn nồi để vét cơm cháy.

Trong thời làm quan ở Ninh Bình, vì việc công bận bịu không về thăm mẹ được nên nhân ngày Tết, Nguyễn Quán Nho  mới gom góp tiền bổng lộc sắm cho mẹ chiếc áo lụa và sai lính đem về.

Mẹ ông giở ra thấy tấm áo quý chưa từng được mặc, nhưng lại tỏ ra không vui vì nghĩ đây là của bất chính. Bà nghĩ bổng lộc của quan là dầu mỡ của dân, rồi bà đốt tấm áo, gói nắm tro gửi lại cho quan nghè. Khi mở ra, Quán Nho hiểu thâm ý của mẹ, nên từ đó lúc nào cũng nhắc mình phải sống thanh liêm, không bòn rút của dân lành.

Lên kinh đô xem con làm quan ra sao

Khi Quán Nho được phong là Tể tướng, sống tại Thăng Long xa xôi cách trở, bà quyết ra kinh đô một lần xem ông làm quan ra sao.

Thấy con sống thanh đạm bà cũng yên lòng nhưng để biết kỹ hơn, bà bèn thử xin ông ít tiền để dưỡng già. Sáng hôm sau, Tể tướng sai thuộc hạ đến một dãy phố đang buôn bán phát đạt phao tin rằng nhà vua sắp cho mở đường đi qua đây. Lập tức ngay tối hôm đó, dinh Tể tướng tấp nập kẻ vào người ra, ai cũng đến xin ông cho làm đường qua chỗ khác. Tể tướng vui vẻ nhận lễ vật, sai người hầu ghi chép cẩn thận của từng người.

Phong bao, lễ vật chất đầy phòng khách, Tể tướng mời mẹ ra rồi chỉ vào đống lễ vật nói: “Đây là tiền của con định biếu mẹ để dưỡng già, xin mẹ nhận cho”. Biết rõ nguồn gốc của số lễ vật đó, bà nổi giận mắng con rồi xăm xăm khoác tay nải đòi về. Bấy giờ ông mới thưa: Nhớ lời mẹ dặn năm xưa, tuy con làm quan to nhưng lương bổng chỉ đủ dùng, không có tiền kho thóc đụn, nếu muốn có, con chỉ có cách làm như vậy thôi”.

Rồi ông sai người theo sổ sách đã ghi chép, mang lễ vật trả lại hết cho dân. Biết con thanh liêm trong sạch, bà yên lòng trở về quê, thanh thản, hạnh phúc sống đến lúc qua đời.

Nhận xét về thời trị vì của vua Lê Hy Tông, sử gia Phan Huy Chú cho rằng “… Nguyễn Mậu Tài ở Kim Sơn, Nguyễn Quán Nho ở Vãn Hà và Nguyễn Quý Đức ở Thiên Mỗ đều có lòng khoan hậu, được xứng chức; thực là đáng lương thần đời trị”.

Giữ chức cao là vậy nhưng ông sống thanh bạch để lại tiếng tốt cho đời, được dân ca tụng là “Tể tướng Vãn Hà, thiên hạ âu ca”. Có lần về quê thấy dân đang làm đường, đắp đê sông Chu, ông cho voi và quân lính ra phụ dân, người Vạn Hà xúc động ngâm nga: “Ai về làng Vạn mà coi – Coi ông quan Thượng cho voi làm đường”.

Nguyễn Thành Trung