292 lượt xem

Danh sĩ Đỗ Huy Liêu - Kì 1

Danh sĩ Đỗ Huy Liêu

https://khds.1cdn.vn/2018/09/16/dinh-mong-phu-300x168.jpg
Đình Mông Phụ có bia ghi công Đỗ Huy Cảnh. Nguồn: sưu tầm.

Đỗ Huy Cảnh bị cách chức lưu quan chỉ vì thương dân

Ý Yên (Nam Định) có tiếng với các làng khoa bảng. Dòng họ Đỗ làng La Ngạn, xã Yên Đồng là một điển hình. Tại làng, tổ đời thứ 9 dòng họ Đỗ là Đỗ Huy Cảnh, đỗ Cử nhân khoa Kỷ Mão năm 1819.

Đỗ Huy Cảnh (1792 – 1850), húy Ân, tự Huy Cảnh, hiệu Định Hiên; là quan triều Nguyễn; ông sinh giờ Dậu ngày 13 tháng 5 năm Nhâm Tý (1792) tại làng La Ngạn, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định; là thân sinh Phó bảng Đỗ Huy Uyển và là ông nội của Đình nguyên Đỗ Huy Liêu.

Dưới triều vua Gia Long, khoa Kỷ Mão năm 1819, tại trường Sơn Nam, Đỗ Huy Cảnh đỗ cử nhân và là người đầu tiên của huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định đỗ cử nhân dưới triều Nguyễn.
Ông làm quan trải ba triều vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, với các chức vị: Tri phủ Diễn Châu năm 1826; Công tố viên ngoại lang rồi bộ Hộ Lang trung năm 1830; Án sát sứ Sơn Tây năm 1832, hàm Chánh Tứ phẩm; Bố chính Sơn Tây năm 1833, hàm Chánh Tam phẩm; Bố chánh sứ và Tuần phủ Phú Yên 1837, hàm Tòng Nhị phẩm; Tuần phủ Biên Hòa năm 1840. Ông mất ngày 13 tháng 3 năm Canh Tuất (1850) thọ 59 tuổi.

Tại đình Mông Phụ (Đường Lâm, Hà Nội), có bia ghi công Đỗ Huy Cảnh khi làm quan tại đây: Đỗ Huy Cảnh là một vị quan thanh liêm, trong sạch, cư xử đúng mực, hết lòng bảo vệ lẽ phải và bảo vệ dân nghèo. Chính vì vậy trong cuộc đời làm quan của mình, ông đã hai lần bị cách chức lưu quan chỉ vì thương dân mà làm trái lệnh triều đình.

Cũng theo bia công đức ở đình Mông Phụ lúc ông làm Bố chính Sơn Tây, ông đã có công giúp nhân dân Mông Phụ bài trừ một số tệ và cải cách chế độ thuế khóa bất hợp lý, nên được nhân dân tôn kính và phong ông là Phúc thần giáng đản, lập sinh từ và dựng bia cho ông tại đình.
Đỗ Huy Cảnh sáng tác nhiều thơ văn, chủ yếu bằng chữ Hán, nhưng bị thất lạc gần hết. Hiện chỉ còn một số bài thơ, câu đối được lưu giữ trong một số tác phẩm của con trai ông, Phó bảng Đỗ Huy Uyển.

Đỗ Huy Uyển, soạn chiếu dụ được vua khen

Đỗ Huy Uyển (1815 – 1882), húy Mâu, tự Viên Khuê, Tân Giang; là quan triều Nguyễn; ông sinh giờ Sửu ngày 7 tháng 11 năm Ất Hợi (1815); là con trai cả của Cử nhân Đỗ Huy Cảnh và là cha của Hoàng giáp Đỗ Huy Liêu.

Năm Canh Tý (1840), dưới triều vua Minh Mạng, Đỗ Huy Uyển đỗ Cử nhân tại trường thi Nam Định. Khoa Tân Sửu niên hiệu Thiệu Trị thứ nhất (1841), ông dự thi Hội, đỗ Phó bảng, được bổ chức Hàn lâm viện kiểm thảo, kiêm sung Thiệu Trị Văn quy biên tập. Năm Tự Đức thứ nhất (1848), sung ông làm Kinh diên rồi bổ giữ chức Tri phủ Bình Giang.

Năm Giáp Dần (1854), ông được thăng chức Hưng Tuyên đạo Giám sát ngự sử. Năm Ất Mão (1855), đổi làm Đốc học Vĩnh Long. Năm Đinh Tỵ (1857), thăng ông làm Lễ bộ Tân Hưng Lang chung, sung nhân sự kiêm giám phúc kiểm.

Năm Kỷ Mùi 1859, nhân việc soạn chiếu dụ được vua Tự Đức khen ngợi ban hàm Thái thường thiếu khanh, Biện lý bộ Hộ sự vụ (được người đời gọi là Biện lý La Ngạn).

Năm Canh Thân (1860), ông bị ốm nên được về nghỉ ở quê, làm nghề dạy học. Năm Nhâm Ngọ (1882), Đỗ Huy Uyển mất, thọ 68 tuổi. Ông là tác giả các sách: Khải đồng thuyết ước; Tự học cầu tinh; Gia lễ tồn chân; La Ngạn thi văn tập.

(còn nữa)

Nguyễn Bảo Nam