298 lượt xem

Danh sĩ Đỗ Huy Liêu – kỳ 3: Cái chết gây nhiều xúc động

Cái chết gây nhiều xúc động trong giới sĩ phu và nhân dân lúc bấy giờ của Đỗ Huy Liêu đã được ghi lại trong nhiều bài thơ và câu đối điếu ông.

https://khds.1cdn.vn/2018/09/16/y-yen-300x191.jpg

Ý Yên (Nam Định) quê Đỗ Huy Liêu. Nguồn: sưu tầm.

Không dám chết vì còn mẹ già

Gần 200 bài thơ trong Đông La thi tập, phần lớn được ông sáng tác vào những năm cuối đời, toát lên một tinh thần yêu nước sâu sắc, bộc lộ được những suy tư triết lý về cuộc sống, những tâm tư sầu não và bế tắc của mình, mà cũng là của tầng lớp sĩ phu lúc đó, trĩu nặng nỗi u buồn vì thời thế không thể cứu vãn. Tiêu biểu nhất là một chùm gồm 120 bài có tên chung là Sầu ngâm.

Trích giới thiệu bài “Việt điểu”- Việt Nam hữu điểu, chỉ trị Nam – Tằng đắc viêm giao vũ lộ hàm – Nhược vũ sào chi vô quá nhất – Khiếp hoài, nhiễu thụ bất vong tam – Quân ân vị báo hoàn vị tạ – Ngô hận phương thâm thạch diệc hàm – Ký ngữ phủ khuy đa điểu khách – Nhân năng như điểu khởi hoài tâm?

Tạm dịch: “Chim Việt” – Việt Nam có con chim chỉ biết phương Nam – Đã từng được ơn mưa móc của đất nước – Cành yếu làm tổ chỉ mất một cành – Lòng sợ sệt bay quanh cây phải ba lần – Ơn vua chưa báo được – sẽ ngậm lấy vòng để tạ –  Lòng căm giận đang sâu, dù đá cũng ngậm để báo thù – Nhắn bảo bao người luồn cúi biết rằng: Người mà được như chim ấy có gì phải thẹn ?

Cuộc đời của Đỗ Huy Liêu đã được nhà chí sĩ Phan Bội Châu giới thiệu trong Việt Nam vong quốc sử như sau: “… Nước mất, cùng với Vũ Hữu Lợi đồng mưu, ông bị người Pháp bắt giam trong nhà pha, cấm không cho ăn uống.
Vì còn mẹ già không có ai nuôi, nên không dám chết, ngồi tù đợi mệnh như thế đến mấy năm. Sau, được tha vì mới âm mưu khởi loạn, chưa có thực trạng, nhưng hàng tháng phải đến điểm danh trình diện với Tây một lần…
Mẹ mất rồi, hết hạn để tang, ông mời tất cả môn sinh tử đệ đến dặn rằng: “Trước đây sở dĩ bo bo không nỡ chết là vì có mẹ già. Nay tang mẹ xong rồi, ta chết đây”. Liền uống thuốc chết… “

Ba đời khoa danh hiển hách

Tin Đỗ Huy Liêu mất đã gây xúc động trong giới sĩ phu và nhân dân lúc bấy giờ. Có nhiều bài thơ và câu đối điếu ông.

Cao Xuân Dục – lúc này đang làm Tổng đốc Nam Định có câu đối điếu bằng chữ Hán: Cái kỳ sinh kỳ cố kỳ tử diệc kỳ, mạc hoặc giả nhân trọc nhi ngã thanh, nhân túy nhi ngã tinh, thuật lai chúc tử sổ ngôn, quát nhãn quan hà lưu thế lệ –  Duy kỳ hành hiển, cố kỳ tàng diệc hiển, dĩ yên tai tương kiến năng kỷ thời, tương thức năng kỷ nhân, tài khứ đàm thân nhất nhật, hồi đâu thân thế hận ba đào.

Tạm dịch: Lúc sống vốn kỳ, lúc chết cũng kỳ, có phải chăng người say mà ta tỉnh, người đục mà ta trong, những trối trăng con cháu đôi lời, ngoảnh lại non sông giàn nước mắt – Khi xuất đã rõ, khi xử càng rõ, rành là thế cùng hiểu nào mấy người, cùng gặp nào mấy độ, vừa xong tang mẹ già một bữa, đoái trông thân thế hận ba đào.

Đỗ Huy Liêu được lịch sử ghi nhận là danh sỹ thời Vua Tự Đức, một trong những nhân vật lịch sử của các thời đại Việt Nam.

Từ đường họ Đỗ còn treo đôi câu đối: Lục triều trung hiếu gia sinh Phật – Tam thế khoa danh quốc phúc hầu. Tạm dịch: Sáu triều trung hiếu nối nhau, Phật sống trong nhà sao hiếm thấy – Ba đời khoa danh hiển hách, phúc thần được nước kính dâng thờ.

Về vinh danh của gia đình khoa bảng này, hiện ở quận Sơn Trà, Thành phố Đà Nẵng, có một con đường mang tên Đỗ Huy Uyển. Ở thành phố Nam Định, tên Đỗ Huy Liêu được dùng để đặt cho một đường phố thuộc phường Thống Nhất và cho một trường phổ thông trung học tại xã Yên Thắng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.

 Nguyễn Bảo Nam