503 lượt xem

Nguyễn Hữu Chỉnh - nhân vật đặc biệt thời Tây Sơn - kỳ 2: Cõng rắn cắn gà nhà

Tuy có công lớn trong việc bày mưu cho Nguyễn Huệ lấy được Phú Xuân và tiến ra Thăng Long diệt nhà Trịnh, cũng như sắp đặt để Nguyễn Huệ lấy được công chúa Lê Ngọc Hân…, nhưng Nguyễn Hữu Chỉnh lại không được anh em nhà Tây Sơn tin cẩn. Còn với dân Bắc Hà, Nguyễn Hữu Chỉnh là kẻ cõng rắn cắn gà nhà.

https://khds.1cdn.vn/2018/09/16/nguyen-huu-chinh2(1).jpg
Hình minh họa

Bày mưu kế chiếm Phú Xuân

Từ khi Nguyễn Hữu Chỉnh bỏ đi, triều đình Bắc Hà thiếu nhân tài, treo giải thưởng cho ai dụ được Chỉnh về. Em rể Chỉnh xin đi, vừa gặp mặt đã bị mắng phủ đầu rằng xưa nay Chỉnh chưa hề nghe ai xui khôn xui dại bao giờ. Sau đó hỏi tình hình Bắc Hà, cho ăn uống no say rồi đem chém để Nhạc khỏi nghi ngờ mình ăn ở hai lòng. Nhạc thấy vậy càng tin dùng hơn.

Cuối xuân Bính Ngọ 1786, Trấn thủ Thuận Hoá Phạm Ngô Cầu sai Nguyễn Phú Như vào bàn việc biên giới với Nhạc. Vốn chỗ quen biết cũ nên cho Chỉnh hay ngoài Bắc đói kém, lính lại kiêu không thuận với dân, các tướng giỏi không có…

Chỉnh vẫn có bụng muốn về Bắc bèn xui Nhạc nhân dịp này, đánh lấy Phú Xuân. Nhạc nghe lời, sai Nguyễn Huệ làm Tiết chế, Vũ Văn Nhậm làm Tả quân đô đốc, Nguyễn Hữu Chỉnh làm Hữu quân đô dốc, Nguyễn Lữ, đốc xuất thuỷ quân đến sau.

Nguyễn Hữu Chỉnh lập kế ly gián Phạm Ngô Cầu và Hoàng Đình Thể là chủ tướng và phó tướng thành Phú Xuân; vờ viết thư dụ hàng phó tướng nhưng cố gửi nhầm cho chủ tướng, khiến Phạm Ngô Cầu nghi Hoàng Đình Thể và có ý hàng Tây Sơn.

 Quả nhiên, khi quân Tây Sơn tập kích Phú Xuân, Cầu bỏ mặc Thể, mà không tiếp ứng. Thể chết trận, Cầu đầu hàng Tây Sơn nhưng cũng bị giết. Nguyễn Huệ chiếm được Phú Xuân dễ dàng, nhanh chóng một phần nhờ mưu kế của Chỉnh.

“Nhân sĩ Bắc Hà chỉ có mình tôi”

Thắng trận, Chỉnh khuyên nên thừa thắng tiến ra Bắc, Huệ ngần ngại e Bắc Hà nhiều nhân tài, Chỉnh hăng hái thuyết: “Nhân tài Bắc Hà chỉ có mình tôi, tôi đi là cái nước rỗng, xin ngài chớ ngại”.

Huệ cười ” Ấy chẳng ngại ai chỉ ngại có mỗi mình ông mà thôi”. Chỉnh biến sắc từ tạ: “Tôi chỉ muốn nói ngoài Bắc không có nhân tài, đánh lấy rất dễ”, Huệ do dự sợ mang tiếng, Chỉnh xui lấy danh nghĩa “Phù Lê diệt Trịnh” thì không ai bắt bẻ vào đâu được, Huệ vẫn bất quyết vì chưa có lệnh của Nhạc. Chỉnh lại thuyết “Tướng ở xa không cần phải có mệnh trên, dù có mệnh lệnh thì không cần phải nghe”.

Theo lời Nguyễn Hữu Chỉnh, Nguyễn Huệ bèn để Nguyễn Lữ ở lại còn mình cùng Chỉnh mang quân ra Bắc. Chỉnh làm tiên phong tập kích Vị Hoàng, cùng đại quân Tây Sơn đánh như gió cuốn. Quân Trịnh vốn rệu rã thua trận tan vỡ và bỏ chạy. Quân Tây Sơn tiến thẳng vào Thăng Long, Trịnh Tông thấy nguy, bỏ chạy bị Tuần Trang bắt, giữa đường Tông tự sát.

Nguyễn Huệ yết kiến vua Lê Hiển Tông và được Chỉnh sắp đặt lấy công chúa Lê Ngọc Hân, con gái thứ của vua. Tuy nhiên, tại kinh kỳ Bắc Hà, phe cánh họ Trịnh còn đông, nhiều người cho rằng Chỉnh đã rước Tây Sơn ra trả thù cho chủ.

Trong khi đó, Nguyễn Nhạc không muốn Nguyễn Huệ đánh ra Bắc Hà nên thân hành ra gọi em về. Anh em Tây Sơn biết Nguyễn Hữu Chỉnh là người dễ thay lòng đổi dạ nên không muốn dung nạp, lập kế đột ngột rút quân.

Chỉnh biết nhiều người ghét mình, sợ bị giết nên khi phát hiện quân Tây Sơn rút, vội vã chạy theo, bị người Kinh ném đá vì cho Chỉnh có tội “cõng rắn cắn gà nhà”. Thấy vậy, Nguyễn Huệ giao cho Chỉnh trấn thủ Nghệ An.

(còn nữa)

Nguyễn Trung Thành