252 lượt xem

Đào Sư Tích - Kì 1: cuộc đời lưỡng quốc Trạng Nguyên


Lưỡng quốc Trạng nguyên Đào Sư Tích



Nguồn: sưu tầm.

Phụ tử đồng khoa

Đào Sư Tích xuất thân trong một dòng họ có truyền thống khoa bảng, là con trai Tiến sĩ Đào Toàn Bân, người làng Song Khê, huyện Yên Dũng, đi học ở Cổ Lễ lấy vợ và sinh sống ở đó.

Ông đỗ tiến sĩ chính bảng, làm quan tới Lễ bộ Thượng thư, Tri thẩm hình viện sự; là một nhà giáo nổi tiếng, học trò có nhiều người thành đạt. Quốc tử giám Tư nghiệp Chu Văn An khen ông là “Đại sư vô nhị”.
Từ nhỏ Đào Sư Tích thông minh khác người, có tài ứng đối và năng khiếu thơ phú. Từ sự hiếu học cộng với lòng quyết tâm nên ở khoa thi Hương, ông đỗ thứ nhất (Hương nguyên), vào thi Hội, thi Đình ông đều đỗ thứ nhất.

Một hiện tượng kỳ lạ hiếm có trong lịch sử khoa cử nước ta là trong khoa thi Giáp Dần niên hiệu Long Khánh đời vua Trần Duệ Tông (1374), cả ba người học trò của Đào Toàn Bân đều đỗ cao: con trai Đào Sư Tích đỗ Trạng nguyên, hai học trò Lê Hiến Phủ đỗ Bảng nhãn, Lê Hiến Tứ đỗ Tiến sĩ; bốn thày trò sau này đều làm quan đồng triều.

Trong buổi lễ đăng khoa, biết Đào Toàn Bân đã dạy con và hai học trò đỗ đại khoa, vua Trần khen ông là “Phụ giáo tử đăng khoa” (Cha dạy con đỗ đạt) và tặng ông bốn chữ “Phụ tử đồng khoa” (Cha con cùng đỗ) kèm theo vế đối: Phụ đăng khoa, tử đăng khoa, phụ tử kế đăng khoa chi nghiệp (Cha đỗ, con đỗ, cha con nối nhau làm nên sự nghiệp học vấn đỗ đạt).

Bị Hồ Quý Ly giáng chức

Tháng 5/1381, Đào Sư Tích được lấy làm Tả tư lang trung, Nhập nội hành khiển. Tháng 12 năm Nhâm Tuất (1382), Thượng hoàng Trần Nghệ Tông ngự ở điện Bảo Hòa cho triệu các quan trong triều hỏi các việc cũ, sai biên chép, làm thành bộ Bảo Hòa điện dư bút gồm tám quyển, ghi chép theo ngày tháng để dạy vua Phế Đế, Đào Sư Tích được Thượng hoàng sai viết bài tựa.

Tháng 12 năm Nhâm Thìn (1392), Hồ Quý Ly bắt đầu chuyên quyền; viết 14 thiên Minh Đạo dâng lên vua Trần Thuận Tông, muốn sắp xếp lại bài vị Khổng Tử thờ ở Văn Miếu. Các bài Minh Đạo tỏ ý nghi ngờ Khổng Tử…

Nhiều cận thần dâng thư can Thượng hoàng không nên nghe. Quý Ly lập mưu hãm hại, Đào Sư Tích vì liên quan bị giáng xuống làm Trung thư thị lang đồng tri thẩm hình viện sự.

Chán cảnh nghịch thần chuyên quyền, ông cáo quan về quê nhưng không an phận mà bí mật lên vùng Lý Hải, Tam Đảo (thuộc xã Phú Xuân, huyện Tam Đảo) quy tụ nhân tài, nuôi chí lớn chấn hưng đất nước. Nhưng ông chưa đủ thời gian thực hiện chủ trương này đã phải phụng mệnh triều đình đi sứ.

Lúc này, nhà Minh tăng cường sức ép với vua Trần; đòi ta phải nộp lương thực cung cấp cho quân Minh đóng ở Lâm An (Vân Nam); đòi ta nộp 20 tăng nhân (nhà sư); nộp những loài cây ăn quả quý, lại đòi cấp cho chúng 50 con voi và cho chúng mượn đường đánh Chiêm Thành…

Trước tình thế đó, vua Trần rất cần người tài giỏi, có đủ khả năng xoay chuyển tình thế đi sứ, thực hiện chủ trương hoà hoãn. Trong triều có người nói chỉ có Đào Sư Tích mới đủ khả năng thực hiện “phi vụ” này. Mặc dù không ưa gì, Hồ Quý Ly vẫn phải xin vua Trần giao cho ông nhiệm vụ đi sứ.