307 lượt xem

TRẦN PHỦ

TRẦN PHỦ

Cung Định vương Trần Phủ (1321 – 1394) là con thứ ba của Trần Minh Tông – vị vua thứ Năm vương triều nhà Trần. Có lẽ lịch sử phong kiến Việt Nam chưa từng tồn tại giai đoạn nào đặc biệt giống như thời kỳ các con của Minh Tông khi có đến bốn hoàng tử của Minh Tông thay nhau làm vua mà không xảy ra cảnh tượng trực tiếp tiêu diệt lẫn nhau để lên ngôi như thường thấy. Chuyện là Minh Tông ở ngôi vua được 15 năm thì truyền ngôi cho con trai trưởng Hiến Tông; Hiến Tông bị bệnh chết sớm năm 23 tuổi chưa kịp có con nối ngôi, lúc này Trần Phủ (tức vua Nghệ Tông sau này) đã 21 tuổi nhưng Thượng hoàng Minh Tông lại chọn người con thứ mười (em khác mẹ với Trần Phủ) chỉ mới 6 tuổi lập lên ngôi vua tức là Dụ Tông. Đến năm 1357 khi Thượng hoàng qua đời thì Dụ Tông ngày càng lún sâu vào rượu chè, dâm dật, vô cùng sa đọa đến năm 33 tuổi chết mà không có con. Lúc này triều đình chia thành hai phe, một phe gọi là “chính thất” hậu thuẫn Dương Nhật Lễ lên ngôi; phe còn lại thuộc dòng ngoại thất muốn đưa Trần Phủ lên kế vị thì bị Hiến Từ Thái hậu – vợ Minh Tông bao che Nhật Lễ mà phản đối, đến khi Thái hậu phát hiện ra Nhật Lễ vốn gốc họ Dương không phải cháu nội “chính thất” như lầm tưởng, tỏ ra hối hận thì bị chính Dương Nhật Lễ giết chết.


Nguồn: Sưu tầm

Dương Nhật Lễ lên làm vua tháng Bảy năm 1369 quen thói rượu chè, dâm dật, lại muốn bỏ họ Trần lập họ Dương nên triều thần nhiều người bất bình, hệ quả là tông thất họ Trần vong mạng cũng không ít. Cuối tháng Chín năm 1370 Dương Nhật Lễ bị ám sát nhưng bất thành khiến những nhân vật chủ mưu đều bị sát hại trong đó có hai người con của Thiên Ninh Công chúa Ngọc Tha còn Trần Phủ phải lên vùng Đà Giang lẩn tránh. Sử sách ghi nhận“Cung Định Vương trung tín thành thực, thờ vua thờ cha không ai chê trách… Minh Vương qua đời, để tang ba năm, mắt không ráo lệ, trừ phục, quần áo không màu mè, ăn uống không cầu ngon…. Thờ Dụ Vương hơn mười năm…”. Với tính cách hòa nhã như vậy và còn được ghi nhận là rất giỏi thơ phú nên có lẽ ông đã quá chán ngấy với “trò chơi vương quyền”, với những toan tính của Hiến Từ Thái hậu từ cuối đời Minh Tông và Dụ Tông. Đến khi Dụ Tông chết, các quan bàn nhau rằng: “Cung Định vương Phủ là người rất hiền, nhưng anh không lẽ lại kế tự em” vì lẽ thế mà ông chọn cuộc đời có phần thầm lặng đến nỗi về sau người đời nhận định rằng ông là “Vị vua không có ý định làm vua”.
 

“Ngôi cả gièm nhiều mới bỏ quan,
Né thân, vượt núi, tới sơn man.
Bảy lăng ngoảnh lại châu tuôn chảy,
Muôn dặm đau lòng, tóc bạc lan…”

(Trần Phủ)

Thật vậy, từ khi Dương Nhật Lễ lộng quyền thì có lẽ Thiên Ninh Công chúa Ngọc Tha là người căm phẫn nhất khi mẹ cùng hai người con đều bị Nhật Lễ sát hại.

“Thiên hạ là thiên hạ của tổ tông mình, sao lại vứt bỏ nước cho kẻ khác? Anh phải đi đi, em sẽ đem bọn gia nô dẹp nó cho.”

Chính câu nói nổi tiếng này của bà đã thuyết phục Trần Phủ quay về hội quân cùng anh em tông thất lấy lại “thiên hạ” từ tay Dương Nhật Lễ – người mà trước đây mẹ bà coi là dòng “chính thất” thì giờ Ngọc Tha phải đi cầu khẩn anh khác mẹ (Trần Phủ) trừ khử hắn. Than ôi! Phải chăng là quả báo?

Trần Phủ lên ngôi năm 1370 lúc đã 50 tuổi lấy hiệu Nghệ Tông, chính sự buổi đầu ông cho quay về đúng lệ thời vua cha Minh Tông. Dưới sự cầm quyền ngót 30 năm của Dụ Tông rồi Dương Nhật Lễ, đất nước lâm vào tình cảnh suy tàn. Nay Nghệ Tông lên ngôi ban lại lệ cũ, đất nước như đứa trẻ bệnh tật lâu ngày vừa qua cơn nguy kịch nay quay về trong vòng tay hân hoan. Thế nhưng Trần Nghệ Tông ở ngôi vua cũng chỉ hai năm thì lại nhường ngôi. Nhận thấy Trần Kính có bản lĩnh của bậc đế vương, ông không truyền ngôi cho con mà truyền ngôi cho người em khác mẹ này; và đó là hành động cực kỳ sáng suốt. Năm 1372 Trần Kính lên ngôi lấy hiệu Duệ Tông, uy danh nhà Trần khôi phục mạnh mẽ. Đất nước bao năm nay bị tàn phá, kinh thành Thăng Long nhiều lần bị quân Chăm-pa ra vào đốt sạch. Mang quyết tâm diệt trừ mầm họa mang tên Chế Bồng Nga, Duệ Tông đem quân chinh phạt Chăm-pa đến tận kinh đô Trà Bàn (An Nhơn, Bình Định ngày nay); tiếc là vì nóng vội trả thù mà sinh chủ quan nên Duệ Tông phải vong thân nơi đất khách, một trường hợp hiếm hoi trong lịch sử Việt Nam. Như vậy tính đến hết thời Duệ Tông thì vua Trần Minh Tông – vị vua thứ Năm có tới bốn người con lần lượt lên ngôi bao gồm: Hiến Tông, Dụ Tông, Nghệ Tông, Duệ Tông; đồng thời việc Nghệ Tông truyền ngôi cho em rồi lên làm Thái Thượng hoàng cũng là trường hợp hiếm hoi khi quan hệ Thái Thượng hoàng và Hoàng thượng chỉ là quan hệ anh em.

Nghệ Tông Trần Phủ giỏi thơ phú được Thượng hoàng Minh Tông khen ngợi từ nhỏ. Ông sáng tác Hoàng huấn (Giáo huấn của hoàng gia) gồm 14 chương để dạy Duệ Tông khi còn bé; có Đế châm (Bài châm của người làm Hoàng đế) gồm 150 câu ban cho Duệ Tông khi mới lên ngôi và nhiều tác phẩm khác. Nhận định về Nghệ Tông, ngoài những đức tính hòa nhã, kính cẩn như đã nêu thì sử sách phê phán ông ở chỗ cuối đời quá u muội mà tin dùng quyền thần Lê Quý Ly (tức vua Hồ Quý Ly sau này). Nhưng xét về sâu xa, trước đó Lê Quý Ly có tới hai bà cô ruột đều là vợ của Thượng hoàng Minh Tông, một bà là Đôn Từ Quý phi mẹ của Duệ Tông còn bà kia là Minh Từ Hoàng Thái phi mẹ của Hiến Tông và Nghệ Tông. Lê Quý Ly buổi đầu theo phò Cung Định vương Trần Phủ tiêu diệt Dương Nhật Lễ. Nếu như không có Trần Phủ và các vị tông thất khác thì e rằng quốc gia đã không còn là của họ Trần nữa rồi.

Trần Nghệ Tông mất tại kinh thành Thăng Long năm 1394 ở tuổi 73, là một trong những vị vua có tuổi thọ cao nhất lịch sử Việt Nam – là vị vua sống thọ nhất ở triều đại nhà Trần.

Nguồn: laoboc.com