Điện Voi Ré nằm cách di tích Hổ Quyền khoảng 500m, trên địa phận thôn Trường Đá thuộc xã Thủy Biều. Theo truyền thuyết, dưới thời Trịnh – Nguyễn phân tranh, trong một trận giao tranh giữa đội quân Đàng Ngoài, một dũng tướng của Đàng Trong hy sinh giữa trận tiền.
Đau buồn trước cái chết của chủ, con voi của vị tướng đã chạy trên một quãng đường dài hàng trăm dặm từ chiến địa về thủ phủ Phú Xuân, khi đến địa điểm phía đông của đồi Thọ Cương, nó đã rống lên một tiếng vang trời như phẫn uất, đau thương cùng cực rồi phủ xuống trút hơi thở cuối cùng.
Cảm động trước sự trung thành của một con vật có nghĩa, người dân địa phương đã làm lễ an táng và xây mộ cho nó, người dân vẫn gọi một cách mộc mạc là mộ Voi Ré. Sau khi lên ngôi, vua Gia Long (1802-1820) đã cho xây dựng bên cạnh mộ con voi một ngôi điện thờ với tên gọi là Long Châu miếu, để thờ các vị thần bảo vệ và miếu thờ 04 con voi dũng cảm nhất trong chiến trận của triều Nguyễn.Từ truyền thuyết và sự kiện lịch sử đó, dân gian quen gọi ngôi miếu này là điện Voi Ré. Điện Voi Ré tọa lạc trên một khu đất rộng, diện tích khoảng 2000m2, đại thần Nguyễn Đức Xuyên (Chưởng Tượng Quân Ty Tượng Chính) là người chỉ huy công việc xây dựng này.
Điện được xây theo nguyên tắc phong thủy, vận dụng Thành Lồi (kiến trúc cũ của người Chăm) làm bình phong. Phía trước có hồ Điện tạo yếu tố “minh đường”. Tương truyền các Quản Tượng ngày xưa thường đưa voi đến uống nước hồ này trước mỗi trận đấu giữa voi và cọp được tổ chức tại Hổ Quyền.
Đây là hành động mang tính lễ nghi và tâm linh, mong muốn làm như vậy thì những con voi như được tăng thêm sức mạnh dũng khí và may mắn trong trận quyết đấu. Điện xây theo kiểu chữ Môn, xung quanh có la thành xây bằng gạch. Bước lên 17 bậc cấp là cổng tam quan, bên trên chính giữa cổng có 03 chữ Hán khảm sành sứ “Nghiễm Nhược Lâm”, thẳng theo lối chính là bức bình phong Long Mã rất đẹp. Nằm ở vị trí trung tâm là miếu Long Châu, được làm theo kiểu “trùng thềm điệp ốc”, gồm có 05 gian 02 chái, mái lợp ngói liệt.
Bên trong miếu trang trí hệ thống liên ba bằng gỗ với 104 ô hộc chủ yếu là chữ “Thọ” theo lối chữ “Triện” cùng hoa lá chim muông. Treo chính giữa ngôi miếu là bức hoành phi khắc nổi 03 chữ Hán màu vàng “Long Châu Miếu”, bức hoành phi này được làm lại vào năm Khải Định thứ 02 (1917) . Nguyên xưa trong miếu (phần hậu điện ) có thờ bài vị các vị thần hộ vệ, nhưng hiện nay trong miếu chỉ còn lại bài vị của 04 vị thần là: thần Thiên Sư, thần Chúa Động, thần Hồng Nương, thần Tiền Hậu Khai Khẩn.
Hai bên miếu Long Châu là Đông Phối điện và Tây Phối điện, đây là nơi thờ những con voi lập được nhiều chiến công trong trận mạc vào thời kỳ đầu lập đế nghiệp của triều Nguyễn. Phía trước hai ngôi nhà này còn có hai tòa miếu phụ còn gọi là miếu Tượng, nơi thờ bài vị đề tên: Đô Đốc Hùng Tượng Ré, Đô Đốc Hùng Tượng Bích, Đô Đốc Hùng Tượng Nhĩ, Đô Đốc Hùng Tượng Bôn, đây là 04 con voi lập nhiều công trạng dưới triều Nguyễn trong các trận chiến. Sau khi điện Voi Ré được dựng xong, triều đình đã ban cấp thêm nhiều tiền bạc để tổ chúc tế lễ 02 lần mỗi năm (mùa xuân và mùa thu). Đồng thời nơi đây còn thờ thêm những vị thần khác để cầu mong bảo vệ cho những con voi có nhiều công trạng.
Năm 1825, vua Minh Mạng đã sắc phong cho điện Voi Ré và ban cho các vị thần danh hiệu “ Trợ Oai Tượng Võ Linh Ứng Hộ Tượng chi thần”. Vừa qua Trung Tâm BTDT cố đô Huế đã lập dự án trùng tu các công trình trong khu vực Điện Voi Ré. Theo kế hoạch trong giai đoạn (2017-2019 ), miếu Long Châu đã và đang được trùng tu với tổng kinh phí 14,3 tỷ. Điện Voi Ré không phải là một di tích nổi nổi trội so với nhiều công trình khác của triều Nguyễn, tuy nhiên nó mang ý nghĩa, là nơi suy tôn lòng trung thành của những con voi chiến, đồng thời còn đề cao tinh thần trọng tình trọng nghĩa, mang đậm tính nhân văn của con người Việt Nam.
Nguồn bài viết: Khám Phá Di Sản