270 lượt xem

Đôi nét về y phục của Phật giáo Việt Nam

Đôi nét về y phục của Phật giáo Việt Nam

Y phục của các tăng, ni theo đạo Phật có nhiều tên gọi như: pháp phục, pháp y, hoại nạp phục, hoại sắc phục, ứng pháp diệu phục, liên hoa phục, giải thoát phục, giải thoát tràng tướng phục, xuất thế phục, ly trần phục, vô cấu phục, cà sa...

Y phục Phật giáo ở nước ta rất phong phú và đa dạng, điều này được nhận thấy rõ nhất ở những buổi thực hiện nghi lễ và thường nhật. Nhìn vào y phục của người xuất gia cũng thấy được các hệ phái trong Phật giáo. Phật giáo Việt Nam có nhiều hệ phái, trong đó chủ yếu là hệ phái Bắc tông và Nam tông. Do có nhiều điểm khác nhau về hình thức cũng như màu sắc của pháp phục từng hệ phái, cho nên chính những người xuất gia của từng hệ phái cũng không muốn thay đổi y phục đặc trưng riêng của hệ phái mình.
 

Nguồn: Sưu tập

Điều dễ nhận thấy hình ảnh những chiếc áo màu nâu, màu vàng, màu lam hay chàm gợi nên những hình ảnh đời sống đơn giản, bình dị của người người xuất gia. Đại đức Thích Tâm Định, trụ trì chùa Linh Quang, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định cho biết: những màu sắc đó là màu của đất, của khói hương, của cây lá, củ, rễ, rất gần gũi giản dị với đời thường. Điều đặc biệt, trong thời buổi công nghiệp hóa, hiện đại hóa như hiện nay thì màu sắc này cho ta nhận thấy chốn tu hành thật yên bình. Bài viết này tôi đề cập chi tiết hơn tới y phục của Phật giáo Bắc tông Việt Nam.

Y phục của Phật giáo Bắc tông Việt Nam hiện nay gồm: y phục thường nhật và y phục nghi lễ. Y phục thường nhật chia làm 2 loại: thường phục trong chùa và thường phục tiếp khách. Theo truyền thống, y phục mặc trong chùa là áo màu vàng, màu nâu, màu lam và quần dài. Người mới xuất gia (hay còn gọi là sadi, chú tiểu) thì thường mặc màu lam. Khi tiếp khách hoặc ra ngoài thì áo dài màu nâu dành cho chư tăng, áo dài màu lam dành cho chư ni. Thượng tọa Thích Gia Quang cho biết hiện nay có một số nhà sư thường nhật hay mặc áo màu vàng. Việc mặc áo màu vàng hay màu nâu không thể hiện chức danh cao hay thấp, không thể hiện nhà sư đó cao quý hay thấp hèn. Màu áo vàng mặc thường nhật mới xuất hiện vài năm gần đây. Áo thường nhật và áo nghi lễ hình thức khác nhau, lớn nhất ở ống tay áo. Ống tay áo thường nhật nhỏ, còn ống tay áo nghi lễ rộng hơn. Y phục nghi lễ hay còn gọi là lễ phục, là những loại áo mặc khi thực hiện các nghi lễ Phật giáo. Loại lễ phục này được các tăng ni Phật giáo Bắc tông gìn giữ đến ngày nay. Đặc biệt, trong lễ phục của Phật giáo Bắc tông còn có áo hậu, đối với chư tăng mặc áo màu vàng, chư ni áo màu lam.

 

Nguồn: Sưu tập

Ngoài y phục thường nhật và lễ phục người tu hành còn có thêm áo càsa màu nâu hoặc màu vàng tùy theo cấp bậc. Áo càsa là một mảnh vải gần như hình vuông, do nhiều miếng vải nhỏ ghép lại theo quy cách nhất định.

Theo truyền thuyết trong đạo Phật, chiếc áo càsa được hình thành từ những miếng vải của nhân dân tứ phương góp lại cho người tu hành. Khi có nhiều mảnh vải rồi, các nhà sư cung thỉnh xin đức Phật cho biết nên may áo theo kiểu cách nào. Nhân đi qua một cánh đồng, đức Phật liền chỉ tay và truyền may theo hình các thửa ruộng. Chính vì lẽ đó mà tấm áo càsa còn có tên là pháp phúc điền, ý cầu mong lúa gạo nhiều, chúng sinh no ấm.

 

Nguồn: Sưu tập

Phật giáo Nam tông hay còn gọi là Phật giáo nguyên thủy bởi cách sinh hoạt giống với cách sinh hoạt của tăng đoàn thời đức Phật. Trong đó, y phục của tu sĩ Nam tông được mô phỏng giống với y phục của chư tăng thời đức Phật còn tại thế. Nhà sư theo phái Nam tông, trang phục không may thành quần áo như phái Bắc tông mà chỉ dùng vải màu vàng vắt trên người. Điều đó có nghĩa là, các sư Nam tông quấn y thay vì "vận y" bởi chiếc y của chư tăng là một tấm vải lớn, được may lại từ những mảnh vải nhỏ.

Mỗi khi nhìn thấy người xuất gia mặc lễ phục hay thường phục thì hình ảnh ấy vẫn đầy tự hào về nét riêng của tu sĩ Phật giáo Việt Nam.

Như vậy, chúng ta thấy, dù hệ phái Nam tông hay Bắc tông, kiểu cách và màu sắc của y không có một sự đồng nhất hoàn toàn, nhưng chính sự không đồng nhất ấy đã tạo nên nét riêng của mình qua pháp phục.
 

Nguồn: vuonhoaphatgiao.com