949 lượt xem

Tìm hiểu y phục Phật giáo Nguyên Thủy Nam Tông Việt Nam

Tìm hiểu y phục Phật giáo Nguyên Thủy Nam Tông Việt Nam

Mỗi tôn giáo đều có sắc phục riêng của mình nhằm mục đích nói lên tính thống nhất, biểu tượng, có tổ chức. Có người nói chiếc áo không làm nên thầy tu, nhưng thầy tu cần chiếc áo, chính chiếc áo để phân biệt được thầy tu. Một tôn giáo sinh hoạt tốt phải có tổ chức thành công nhiều mặt, trong đó sắc phục cũng không thể nào thiếu. Đức Phật xuất hiện ở Ấn Độ trong một bối cảnh đa tôn giáo, nhưng Ngài khéo sử dụng tôn giáo có trước thời gian Ngài và vận dụng trí tuệ, từ bi cùng sự giác ngộ của Ngài để phát huy Phật giáo, nhằm mục đích là lợi ích cho Chư Thiên và loài người.
 

 Nguồn: Sưu tập
 
Lời dạy của Ngài ví như không khí, là sự cần thiết cho muôn loài.  Trong sự phát huy Phật giáo, Đức Phật kiện toàn rất nhiều lãnh vực cho phù hợp với tăng đoàn và giáo hội.  Y phục và giới luật là vấn đề trong tăng đoàn thời Đức Phật và những điều đó tới ngày nay vẫn còn tồn tại trên thế giới. Phạm vi bài viết này người viết đề cập đến y phục theo truyền thống Phật giáo Nam Tông Việt Nam.

1.    Xuất xứ chiếc y trong Phật giáo

Trong kinh điển truyền thống, tiểu sử Phật Thích Ca, kinh giải về kiếp có ghi lại lúc Thái Tử vượt cung thành xuất gia không bao lâu Phạm thiên cúng dường y và bát cho Ngài khởi đầu cho việc xuất gia tầm đạo.  Y và bát là hai thành phần khá quan trọng cho người xuất gia, y là để che thân, bình bát để khất thực nuôi mạng.  Hình thức ngày nay ở các nước Phật giáo các giới tử xuất gia cũng cần có thí chủ cúng dường y bát để thầy tế độ cử hành lễ xuất gia.  Việc Phạm thiên cúng dường y bát cho Thái Tử Sĩ Đạt Ta lúc xuất gia tầm đạo có một số quan điểm cũng không chấp nhận luận cứ này, nhưng dù sao thì việc xuất gia của Thái Tử cũng chấn động tới Tam thiên đại thiên thế giới thì Phạm thiên cúng dường y bát cho Thái Tử cũng là điều cần thiết và xem như là bổn phận.  Tại sao không phải đối tượng khác mà là Phạm thiên, có khả năng Phạm thiên là người đại diện cho Tam giới.  Tương tự vấn đề này, người thỉnh Phật Chuyển Pháp Luân đầu tiên cũng là Phạm thiên Sahampati.

Tương Ưng Bộ Kinh và Luật tạng Pāli có kể lại một lần nọ, Đức Thế Tôn và số đông tỳ khưu đi hoằng pháp tới một cánh đồng, Thế Tôn bảo đại đức Ānanda có thấy cánh đồng hay không?  Đại đức bảo là có.  Vậy Ānanda hãy vẽ y phục của chư tăng cũng giống như cánh đồng vậy.  Thế là Ānanda vâng lời Thế Tôn thực hiện.  Vì ruộng lúa có lợi ích cho con người, còn y phục, ẩn dụ phước điền của Chư Thiên và loài người.

2.    Y phục Kathina

Trong luật tạng Pāli, có ghi lại Tín nữ Visākhā là người đầu tiên thỉnh cầu Đức Phật để cúng dường dâng y tắm mưa và y Kathina cho Đức Phật và tăng đoàn vào ngày chư tăng nhập hạ và mãn mùa An cư kiết hạ (Vassa). Tại sao lại gọi là dâng y tắm mưa? Vì khi nàng Visākhā vào chùa Kỳ Viên- Jetavaka Vihāra thăm và kính lễ Đức Thế Tôn gặp phải một ngày đầu mùa An cư nên mưa to, các vị sa di thấy mưa  nên thỏa thích tắm mưa mà không có sử dụng y tắm.  Nàng Visākhā thấy cảnh tượng mất trang nghiêm và không hợp lý, nàng sợ người ngoại đạo sẽ chê cười khi trông thấy hiện tượng này, nên vào bạch Thế Tôn sự việc đó và xin Thế Tôn hoan hỷ cho nàng được cúng dường y tắm mưa vào những ngày đầu mùa An cư. Chính nàng Visākhā cũng là tín nữ đầu tiên xin làm thí chủ cúng dường y Kathina cho chư tăng khi mãn mùa mưa.

Thế nào gọi là y Kathina? Có một số người hiểu sai về danh từ này.  Thật ra Kathina gồm có hai phần, Ka có nghĩa là làm cho phát sinh phước báu, Ṭhina có nghĩa là chắc chắn.  Trong Luật tạng không có ghi rõ là năm nào nàng Visākhā dâng y Kathina, nhưng theo sự tích của bà, có khả năng có khả năng là từ hạ thứ 16 đến hạ thứ 30, nói một cách lạc quan, có khả năng là hạ thứ 20 hoặc hạ thứ 21.  Tại sao  phước báu lễ dâng y Kathina cao thượng nhất?  Vì người nhận y phải có: Tỳ khưu nhập hạ liên tục 3 tháng không đứt hạ.  Cử hành lễ nơi chùa có kiết giới Sīma.  Phải có ít nhất 5 vị tỳ khưu trở lên có tuyên ngôn, nêu lý do được lãnh y mới.  Tỳ khưu lãnh y phải thong suốt tám điều cần thiết Matika: cắt y, may y, làm dấu y, xả y, nguyện y v.v...

Thông thường người bố thí thì có phước báu, nhưng trong lễ dâng y Kathina, tỳ khưu nhận của bố thí cũng có  5 quả phước:  Ra đi khỏi nơi nào, khỏi cần trình với vị cao hạ.  Ra đi khỏi chùa, được phép không mang theo y tăng già lê trong thời gian 5 tháng còn quả báu Kathina.  Khi thí chủ thỉnh đi trai tăng, tỳ khưu được phép nêu tên món ăn mà không phạm tội theo luật chế định.  Tỳ khưu có bao nhiêu bộ y cũng được, khỏi phải gởi, xả (thong thường tỳ khưu chỉ có một bộ y, không quá hai bộ).  Tỳ khưu được thọ lãnh và chia các lợi lộc phát sinh ở chùa.

Quả báu của người cúng dường y Kathina sẽ được giàu sang, sắc tốt, đặc biệt là trong tương lai khi gặp Phật ra đời xuất gia bằng Thiện Lai Tỷ Khưu- Ehibhikkhu, nghĩa là hãy vào đây làm tỷ khưu đi, thì vị ấy sẽ từ người bình thường trở thành một sa di có đủ y bát, râu tóc rụng hết, trở thành một vị tỳ khưu hoàn toàn trong sạch, cao thượng.

Truyền thống Phật giáo Nguyên thủy Nam tông an cư mùa mưa từ ngày 16/6 âm lịch đến 15/9 âm lịch. Từ 16/9 đến 15/10 âm lịch là tháng dâng y Kathina, mỗi chùa chỉ cử hành một ngày trong tháng.

3. Y phục 

Chiếc y ngày nay chúng ta mặc là chiếc y theo luật tạng Pāli quy định.  Căn cứ theo trưởng lão Ānanda vâng lời Phật dạy về chiếc y giống như thửa ruộng. Ý nghĩa người mặc chiếc y này tượng trưng cho  phước điền của Chư   và loài người.  Thửa ruộng thì có nhiều bờ đê, nên y phục trong luật tạng cũng quy định như sau: y 5 điều, y 7 điều, y 9 điều, y 11 điều.  Đặc biệt Phật giáo Miến Điện  tam y (y tăng già lê, y vai trái, y nội),  có những chùa chư tăng mặc y 7 điều, 9 điều và thậm chí 11 điều.  Đặc biệt y nội cũng may theo điều giống như y vai trái và y tăng già lê.

Ở Việt Nam,chư tăng Nam tông Kinh và Nam tông Khmer đa số mặc y  5 điều.  Hình thức tam y, quả bát vẫn còn giữ nguyên vẹn. Vị tỳ khưu bên trong thì có Giới, Định, Tuệ, bên ngoài thì có tam y và nhất bát.  Điều cảm động,tam y nhất bát của Đức Phật và Tăng đoàn thời xa xưa, ngày nay Phật giáo Nam tông Việt Nam vẫn còn gìn giữ nguyên vẹn, không bị đồng hóa, hoặc xu hướng theo Trung Hoa.

4. Màu sắc

Về màu sắc y phục chư tăng, theo luật tạng Pāli quy định là màu hoại sắc, nói cụ thể hơn là màu da bò, màu vàng đậm và màu măng cụt. Ở Việt Nam, 3 màu vừa kể trên chư tăng đều có mặc, nhưng chưa thống nhất và đồng phục, như sa di phải mặc màu nào, tỳ khưu phải mặc màu nào!  Riêng về phía tu nữ Nam tông Việt Nam, hiện quý  vị nữ đang mặc 3 màu: màu trắng (ảnh hưởng Thái-Khmer), màu hồng và màu nâu (ảnh hưởng Miến Điện).  Tuy ba màu, nhưng màu trắng thì chiếm đa số.  Sắc phục màu trắng và cộng thêm khăn giới màu vàng.

Tóm lại, y phục là để tô điểm cho oai nghi tế hạnh của người xuất gia.  Đầu tròn, y phục và bình bát là thể hiện người xuất gia, tuy là hình thức nhưng chính nó giúp cho chúng ta tu tâm dưỡng tánh, chuyển mê khai ngộ.  Người xuất gia chỉ có tam y quả bát là tài sản.  Tam y là để che than, bình bát dung để xin ăn và nuôi mạng sống qua ngày, để thực hành đời sống phạm hạnh.
 

Nguồn: vuonhoaphatgiao.com