252 lượt xem

Hà Mại

Hà Mại, người khai sinh dòng họ Hà xứ Nghệ

Xây dựng phòng tuyến phía Nam

Thượng tướng quân Hà Mại, tự là Tông Hiểu, là con trai út trong một gia đình hào trưởng ở miền Bắc, sinh ngày 8/4/1334, tại Thăng Long. Được cha mẹ cho ăn học thấu đáo, sớm ý thức được thời cuộc nên ra sức “rèn chí luyện tài” mong giúp ích cho đời.

Năm Tân Mão 1351, dưới triều Trần Dụ Tông, ông thi đỗ quan võ và được bổ nhiệm làm chỉ huy đội quân bảo vệ triều đình khi mới 18 tuổi.

Và chỉ 5 năm sau, với tài võ nghệ của mình, ông làm chỉ huy đội quân bảo vệ vua Trần Dụ Tông và Thái Thượng hoàng Trần Minh Tông kinh lý phía nam Đại Việt.

Sau chuyến kinh lý, để đảm bảo biên cương vững chắc, Hà Mại được giao trú lại trấn Nghệ An (Nghệ An, Hà Tĩnh), xây dựng phòng tuyến biên giới phía Nam chống sự quấy phá của quân Chiêm Thành và suối hai mươi năm (1356 -1376), ông làm tướng chỉ huy đội quân bảo vệ miền biên giới này.

Đặc biệt từ 1376 – 1389, tướng Hà Mại cùng quân sĩ đánh bại 6 đợt tấn công ác liệt của giặc Chiêm Thành, bảo vệ vững chắc biên giới phía Nam của đất nước. Với công lao này, ông được triều đình nhà Trần phong chức Phụ quốc Thượng tướng quân, Thượng vị hầu và bổ làm Trấn thủ Nghệ An.

Triều Trần giai đoạn mạt kỳ

Lúc này, đất nước đứng trước những biến cố đặc biệt, phía bắc nhà Minh lăm le xâm chiếm. Chúng nhiều lần cho người xuống gần Thăng Long thăm dò nội bộ triều đình. Đồng thời, mặc dù nhiều năm Đại Việt bị hạn hán, lũ lụt lớn, dân tình đói kém, chúng vẫn yêu cầu cống nộp...

Cùng với giặc Chiêm Thành ở phía Nam, những động thái này báo trước nguy cơ đất nước bị xâm lược trong thời gian không xa.

Đây cũng là lúc triều Trần bước vào giai đoạn mạt kỳ và đang trên đường suy yếu, mục nát. Quyền bính trong triều dần dần chuyển vào tay thế lực ngoại thích.

Đáng chú ý là vây cánh của Hồ Quý Ly – một người đã dựa vào vị thế có hai người cô ruột là thân mẫu của hai vị vua nhà Trần; có vợ là công chúa Huy Ninh em vua Trần Nghệ Tông nên được nhà Trần tin dùng giao cho nhiều trọng trách quyền bính. Thế lực Hồ Quý Ly ngày một lớn mạnh đang từng bước tiếm quyền nhà Trần vì những quan hệ thân thích đó.

Kẻ thù ngoại bang phía Bắc, phía Nam cùng với triều đình như vậy khiến trong nước càng thêm khó khăn và mất ổn định. Yêu cầu huy động sức người, sức của trong dân ngày một cao. Đời sống người dân bị tác động lớn còn do nạn trộm cướp, tội phạm nổi lên khắp nơi buộc triều đình phải thường xuyên điều quân dẹp loạn.

Nội triều như vậy đã tác động mạnh mẽ vào hàng ngũ quan chức, cận thần vốn một thời trung quân ái quốc đi theo phục vụ triều đình, buộc nhiều người có tên tuổi tài năng ly tán, từ bỏ quan trường lui về ẩn dật.

Trong số đó có Tư nghiệp Quốc Tử giám Chu Văn An dâng “Thất trảm sớ” lên vua không được trả lời, đã treo mũ, áo bỏ về; Chương Túc quốc thượng hầu Trần Nguyên Đán nghỉ quan về Côn Sơn…

Hồ Quý Ly từng bước loại bỏ nhà Trần, tìm cách buộc vua Trần uỷ thác việc triều chính, đến những hành động bố trí giết vua Trần Phế Đế (12/1388); sau đó là Trần Thuận Tông (1399), chính sự của nhà Trần bắt đầu bị Hồ Quý Ly nắm quyền.

Đoán trước được sự thanh trừng nội bộ bi thảm do Hồ Quý Ly lộng quyền, trung thành với vua Trần mà một đời mình phụng sự; thấy không thể tiếp nối hầu hạ một vị vua với lòng dạ như thế; tướng quân Hà Mại cũng xin từ quan, về ở ẩn ở vùng núi Hồng Lĩnh (nay thuộc địa phận xã Thuần Thiện, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) và sau đó lập căn cứ địa bí mật kháng chiến chống quân Minh, tiếp tục chỉ đạo con trai là Đại tướng Hoàng Bảng Hà Tông Chính, phò nhà Trần chống giặc Minh xâm lược và chống triều đình nhà Hồ.

Lịch sử ghi lại rằng, cuối cùng, toàn bộ vua tôi nhà Hậu Trần đều tử tiết oanh liệt chứ quyết không đầu hàng quân Minh.

Vị tướng cuối cùng trên mặt trận Nghệ An

Khi trấn thủ đất Nghệ An, mối tơ duyên của ông với bà Lê Thị Quý Yên – con gái một xã trưởng vùng trấn ải này đã cho ông người con trai đầu là Hà Tông Chính. Ông xem nơi đây là quê hương thứ hai nên cùng vợ sớm lo cho con học hành chu đáo.

Ông đặc biệt quan tâm việc “rèn đức luyện tài” cho con mình, nên Hà Tông Chính sớm trưởng thành, trở thành cánh tay đắc lực cùng ông xây dựng hậu cứ, tích cực chiến đấu chống quân xâm lược.

Năm 1396, lúc 30 tuổi Hà Tông Chính đã được triều Trần phong Hoàng Bảng Đại tướng quân. Trong cuộc chiến chống quân Minh, Hà Tông Chính đã tham gia trận đánh lớn và chiến thắng vang dội ở Bồ Cô…

Mùa hè năm Quý Tỵ 1413 quân Minh ồ ạt tấn công Đại Việt. Tướng quân Hà Tông Chính là một trong những vị tướng cuối cùng của triều Trần trên mặt trận Nghệ An, dũng cảm ngoan cường chiến đấu đến giọt máu cuối cùng. Ông đã để lại hình ảnh đẹp trong lòng dân xứ Nghệ về một vị tướng dũng mãnh, trung kiên đã hy sinh vì dân vì nước.

Tại căn cứ Hồng Lĩnh, Thượng tướng quân Hà Mại tạ thế ngày 20/8/1410,  thọ 77 tuổi. Do những công lao to lớn trong việc xây dựng và bảo vệ đất n­ước, tướng quân Hà Mại đã đ­ược các triều đại tr­ước có sắc phong thần và cho lập đền thờ  Ngày 23/9/2010 UBND tỉnh Hà Tĩnh quyết định xếp hạng khu lăng mộ ông là di tích lịch sử cấp tỉnh.

Dòng họ nhiều nhân tài

Tướng quân Hà Mại không chỉ là thuỷ tổ, người khai sinh ra dòng họ Hà xứ Nghệ, mà còn là một tấm gương chuẩn mực cho các thế hệ.

Tuy nhiên, sau khi giặc Minh đặt được ách thống trị lên đất nước ta, cháu chắt Hà Mại phải mai danh ẩn tích đi nhiều nơi tránh sự truy lùng của giặc. Đối với vùng đất xứ Nghệ nói chung, Hà Tĩnh nói riêng rất nhiều người con họ Hà đã làm rạng danh quê hương từ đời này qua đời khác.

Hà Công Trình (1434 – 1511), hậu duệ đời thứ tư của Hà Mại thuộc dòng gốc họ Hà ở Tùng Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh. Sau khi Tướng quân Hà Tông Chính tử trận, con cả là Hà Nho về lánh nạn tại vùng bưng biền phía tả ngạn sông Nghèn, rồi định cư ở đó.

Năm 1466 ông đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ, được bổ làm Tri huyện, Tri phủ, Tham chính sứ sau đó được điều về triều nhận chức Thái thường Tự khanh, tiếp đến là Nhập thị Kinh diên với trọng trách giảng sách cho Vua và các Hoàng tử. Hà Công Trình đã được triều đình giao phó nhiều trọng trách lớn như Thượng thư bộ Hình, bộ Binh, bộ Công và sau cùng là Tế tửu Quốc Tử giám.

Hà Tông Mục (1653 – 1707) cháu bảy đời của Hà Công Trình, đỗ tiến sĩ năm 1686, ông từng giữ các chức quan trọng như Nội tán thủy sư, Biên tục quốc sử quán, Đốc đồng hai xứ Tuyên – Hưng, Phủ doãn phủ Phụng Thiên (đứng đầu Kinh đô), Chánh sứ, Tả thị lang bộ Hình…

Hà Tông Huân (1697 – 1766) là đại thần nhà Lê trung hưng; người làng Kim Thành, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa; cháu 9 đời của Hà Công Trình. Hà Tông Huân được phong Thượng thư bộ Binh. Ông cũng là Tế tửu Quốc Tử Giám, nhà Ngoại giao chuyên đàm phán các tranh chấp, mâu thuẫn với nhà Thanh.

Hà Tông Quyền (1798 -1839), sau đổi là Hà Quyền do kiêng tên húy của Thiệu Trị (Miên Tông). Hà Tông Quyền lần lượt giữ các chức Tri phủ Tân Bình, Tham biện Quảng Trị, Thự thiêm sự bộ Công, Thái thường tự Thiếu khanh, Hữu Thị lang bộ Lễ, Hàn lâm viện Kiểm thảo.

Hà Văn Mỹ (Hà Văn Côn) là tướng quân thuộc quyền Phan Đình Phùng, chỉ huy đội quân Xuân thứ (bao gồm toàn bộ lực lượng nghĩa quân và dân vùng Nghi Xuân, Hà Tĩnh).

Hà Huy Tập (1906 – 1941), là hậu duệ thứ 21 của tướng quân Hà Mại. Ông là Tổng Bí thư của Đảng cộng sản Việt Nam vào tháng 3 năm 1936.

Nguyễn Bảo Nam
Khoahocdoisong.vn