298 lượt xem

Trần Nghệ Tông

Vua Trần Nghệ Tông

Trần Nghệ Tông có tên húy là Trần Phủ và Trần Thúc Minh là vị hoàng đế thứ 8 của nhà Trần. Ông ở ngôi 2 năm (1370-1372) thì nhường ngôi cho em trai là Trần Duệ Tông và ở ngôi Thái thượng hoàng hơn 20 năm (1372-1394). Ông cũng là trường hợp đầu tiên và duy nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam, tuy là Thái thượng hoàng nhưng chỉ là anh chứ không phải là cha của nhà vua như các bậc tiền triều khác.

Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, năm 1369, vua Trần Dụ Tông băng hà. Vì không có con nối ngôi nên Hiến Từ hoàng thái hậu đứng ra lựa chọn người kế vị và bà chọn cháu trai của mình, con trai người con lớn của bà là Cung Túc vương Trần Nguyên Dục, tên là Trần Nhật Lễ. Theo sử sách, Nhật Lễ vốn không phải là tông thất nhà Trần mà mẹ của Lễ là một đào hát, vợ của kép hát Dương Khương. Thị đã mang thai Lễ trước khi làm thiếp của Cung Túc vương.


Nguồn: Sưu tầm

Ngày 15-6 năm ấy, Trần Nhật Lễ lên ngôi, đặt niên hiệu là Đại Định, tôn Hiến Từ hoàng thái hậu làm Thái hoàng thái hậu, truy tôn Cung Túc vương Trần Nguyên Dục làm Hoàng thái bá. Tháng 11 năm ấy, sau 5 tháng lên ngôi, Trần Nhật Lễ giết Hiến Từ Thái hoàng thái hậu với mục đích giết người diệt khẩu. Bấy giờ lộ ra việc Nhật Lễ là con của kép hát, khiến Thái hoàng thái hậu rất thất vọng. Nhật Lễ sợ Thái hoàng thái hậu ra chỉ lệnh phế truất mình nên quyết định giết Thái hoàng thái hậu trong cung. Sau đấy, Trần Nhật Lễ ngày càng lâm vào rượu chè dâm dật, hằng ngày chỉ rong chơi, thích các trò hát xướng và có ý muốn đổi lại họ là họ Dương. Người tôn thất và các quan đều thất vọng.

Đêm 20-9-1370, các tông thất là cha con thái tể Trần Nguyên Trác, Nguyên Tiết và hai người con của Thiên Ninh công chúa đem người tôn thất vào thành định giết Nhật Lễ. Y trèo qua tường, nấp dưới cầu mới. Mọi người lùng không thấy, giải tán ra về. Khi trời sắp sáng, Nhật Lễ vào cung, chia người đi bắt Nguyên Trác cùng 17 người chủ mưu và đều bị hại. Mùa đông, tháng 10 cùng năm, Cung Định đại vương vì có con gái làm Hoàng hậu của Nhật Lễ và sợ vạ lây đến mình nên tránh ra trấn Đà Giang (tức Gia Hưng), ngầm hẹn với các em là Cung Tuyên vương Trần Kính, Chương Túc quốc thượng hầu Trần Nguyên Đán, Thiên Ninh trưởng công chúa hội ở sông Đại Lại, phủ Thanh Hóa để dấy quân. Cung Tuyên vương Trần Kính giúp ông đảm nhận việc sắm sửa mọi vũ khí, trang bị quân đội.

Khi ấy, Nhật Lễ chuyên dùng Thiếu úy Trần Ngô Lang mà không biết Ngô Lang đồng mưu với Cung Định đại vương. Mỗi khi sai quân tướng đi đánh bắt, Ngô Lang đều bí mật bảo họ theo Cung Định đại vương đừng về nữa. Rất nhiều lần sai các quân Nam, Bắc đi đánh, đều không một ai trở về. Do đó quân của Trần Phủ, Trần Kính mạnh thêm. Trước kia, Cung Định đại vương Phủ (Trần Phủ - Trần Nghệ Tông) vốn không muốn tranh giành nên chẳng hề suy nghĩ đến chuyện lên ngôi đại thống, khiến Thiên Ninh công chúa phải khuyên ông: Thiên hạ là thiên hạ của tổ tông mình, sao lại vứt bỏ nước cho kẻ khác? Anh phải đi đi, em sẽ đem bọn gia nô dẹp nó cho!

Tháng 11 cùng năm, tất cả anh em Cung Định đại vương Phủ, Cung Tuyên vương Kính cùng với Thiên Ninh công chúa dẫn quân về kinh thành. Ngày 13-11, Cung Định đại vương tới phủ Kiến Hưng, trước còn gọi là phủ Hiển Khánh và đánh vào hoàng cung. Dương Nhật Lễ bị phế bỏ, giáng xuống làm Hôn Đức Công. Khi ấy, nhà Minh bên Trung Quốc cử hai sứ thần là Ngưu Lượng, Trương Dĩ Ninh đến Đại Việt để trao ấn bạc mạ vàng có khắc hình lạc đà. Tuy nhiên, đoàn sứ nhà Minh tới biên giới Việt Nam khoảng tháng 11-1369 thì hay tin Nhật Lễ đã chết nên hoãn việc phong vương. Trương Dĩ Ninh sau đó lâm bệnh mất, còn Ngưu Lượng thì khi trở về Trung Quốc được Trần Nghệ Tông, khi ấy là Cung Định đại vương đón tiếp và tiễn đưa ở biên giới. Khi ấy, sứ giả nhà Minh cho rằng Cung Định đại vương hẳn sẽ lên ngôi hoàng đế và điều này đã trở thành hiện thực sau đó không lâu.

Lời bàn: 

175 năm trị vì của nhà Trần là thời kỳ hiển hách của dân tộc, đó là đánh bại đoàn quân bách chiến bách thắng Mông Cổ. Lúc đó, đế quốc phong kiến Mông Cổ đã toàn thắng khắp nơi từ Trung Á tới Đông Âu và chiếm trọn đất nước Trung Quốc rộng lớn ở phía Bắc nước Việt. Thế mà 3 lần Mông Cổ sang xâm lấn nước Việt đều bị thất bại (năm 1257, năm 1284, năm 1287). Thắng lợi này đã đập tan tham vọng và ý chí xâm lược Đại Việt của đế chế Nguyên, bảo vệ được độc lập toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của dân tộc. Và thắng lợi đó đã để lại bài học vô cùng quý giá, đó là củng cố khối đoàn kết toàn dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là sự quan tâm của nhà nước đến toàn dân, dựa vào dân để đánh giặc.

Lịch sử nhân loại từ nhiều năm trước đó đã cho thấy, những ông vua vì ham sắc đẹp mà phế bỏ hoặc giết con lớn trong lịch sử không hiếm và hành động đó không có gì khó hiểu. (Hồ Quý Ly) có thể gièm pha để giết tướng Nguyễn Đa Phương vì đố kỵ ganh ghét cũng không có gì là khó hiểu. Nhưng khi Nghệ Tông tin theo lời một đại thần họ ngoại mà giết tông thất, giết cháu ruột rồi giết cả con ruột thì lòng tin đã đến mức u mê. Và chính những việc làm ấy của Trần Nghệ Tông không khác gì dọn đường cho Quý Ly cướp ngôi con cháu mình. Thế mới hay rằng, người nắm giữ trọng trách mà u mê, ưa nịnh thì có ngày tự rước họa vào thân. 

Nguồn: Baobinhphuoc.com.vn