532 lượt xem

Hiệp Hòa

Vua Hiệp Hòa (1847-1883) và cái chết vô cùng bi thảm

 


Nguồn: Sưu tập
 

Vua Hiệp Hòa (1847-1883) là vị vua thứ 6 của nhà Nguyễn, làm vua được 4 tháng. Hoàng tử tên thật là Nguyễn Phúc Hồng Dật và còn có tên là Nguyễn Phúc Thăng, sinh ngày 1 tháng 11 năm 1847, là con thứ 29 và là con út của vua Thiệu Trị .

Năm 1883, vua Tự Đức băng hà, theo di chiếu, Hoàng tử trưởng Nguyễn Phúc Ưng Chân lên nối ngôi. Nhưng vua Dục Đức chỉ làm vua được 3 ngày chưa kịp đặt niên hiệu, thì bị hai Phụ chính Đại thần là Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường phế bỏ và bị bỏ đói cho đến chết vào 6 tháng 10 năm 1883.

Đồng thời với việc truất phế vua Dục Đức, hai Phụ chính trên đề nghị lên Hoàng Thái Hậu Từ Dũ, đưa Lãng Quốc Công lên làm vua. Được sự đồng ý của Hoàng Thái Hậu, các quan sau đó sai lính đến xóm Kim Long đón Hồng Dật về cung để đưa lên làm vua mới. Theo Phạm Khắc Hòe (1902-1995), nguyên là Ngự tiền văn phòng đổng lý của vua Bảo Đại, khi đình thần ra đó rước, dù năn nỉ mấy, Hồng Dật cũng không đi, nên cuối cùng phải dùng đến vũ lực mới đưa được ông vào Tử Cấm Thành ( lúc này vua nhân thấy tình hình đất nước rối ren và sợ minh sẽ phải nhận kết cục bi thảm giống như vua Dục Đức nên không muốn lên ngôi, vừa ngồi trên kiệu vua vừa khóc). Hai hôm sau ngày 30 tháng 7 năm 1883, Hồng Dật lên ngôi tại Điện Thái Hòa lấy hiệu Hiệp Hoà. Tuy nhiên, vua Hiệp Hòa lên ngôi chưa được bao lâu thì cũng bị hai đại thần phụ chính Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường phế bỏ và bắt uống thuốc độc tự vẫn.

Lí do cái chết của vua Hiệp Hòa theo sử triều Nguyễn ghi lại :

Hiệp Hòa lên ngôi lúc 36 tuổi, để yên vị trên ngai vàng và không cam tâm làm tên bù nhìn trong tay hai Phụ chính Đại thần, chỉ chờ cơ hội thuận lợi là tìm cách thoát khỏi ảnh hưởng của 2 vị này nên vua cũng muốn chấp nhận sự bảo hộ của Pháp. Cơ hội ấy là ngày ký Hiệp Ước Harmand (25 – 8 – 1883) sau khi Pháp chiếm Thuận An. Hiệp Hòa thông đồng với hai người tin cậy của mình là Hồng Sâm, con trai Tuy Lý Vương và Hồng Phi con trai Tùng Thiện Vương, nhà vua giao cho Tuy Lý Vương cầu viện nhà cầm quyền Pháp giúp đỡ.

Ngay từ tháng 8, Hiệp Hòa đã có ý định từng bước loại bỏ Tôn Thất Thuyết. Để dập tắt dư luận chống đối cho là mình chuyên quyền, Tôn Thất Thuyết vờ xin thôi nhiệm vụ ở Bộ Binh, vua nhân có lời xin ấy đã chuyển Thuyết sang bộ Lễ, rồi sang bộ Lại thay cho Nguyễn Trọng Hợp phái làm khâm sai ra Bắc Kỳ .


Nhưng Tôn Thất Thuyết đâu cam chịu mất quyền lực có được cơ nắm quân đội. Ông không sang nhận nhiệm vụ mới (ở Bộ Lại) và trong thực tế vẫn tiếp tục điều hành bộ Binh. Chính từ lúc ấy Thuyết bắt đầu cảnh giác đề phòng nhà vua. Mặt khác Hồng Sâm và Hồng Phi cậy vào sự ủng hộ của Hiệp Hòa, có lần công khai chỉ trích chính sách của hai vị Phụ chính Tường và Thuyết ngay giữa buổi thiết triều .

Khoảng 4 tháng sau khi lên ngôi, Hiệp Hòa nhận được một tờ mật sớ của Hồng Sâm và Hồng Phi xin giết hai đại thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết. Theo một số người đương thời, sau khi đọc tờ sớ , Hiệp Hòa châu phê: " Chuyển cho Trần Tiễn Thành " và sai thái giám Phạm Tác giao lại cho Hồng Phi. Nhưng viên thái giám nhầm lẫn trao cho thượng thư Phạm Như Xương. Phạm Như Xương vội chuyển ngay cho nhà vua văn thư không phải dành cho chính mình . Hiệp Hòa nổi giận phạt Phạm Tác 30 roi, sau đó vua Hiệp Hòa giao cho thái giám Trần Đạt đích thân mang đến cho Trần Tiễn Thành. Theo thông lệ, tờ sớ đặt trong chiếc tráp có đóng ấn riêng. Trời chập choạng tối, viên thái giám đến cửa Nhật Tinh thì gặp Nguyễn Văn Tường đang vào cung. Thấy viên thái giám bối rối. Tường sinh nghi, bèn đoạt lấy chiếc tráp, mở ra lấy tờ sớ ghi bản án tử hình của ông ta. Nguyễn Văn Tường đi thẳng đến Bộ Binh, Tôn Thất Thuyết đang ở đó. Sau khi Thuyết biết rõ sự việc, ông đề nghị triều thần nhóm họp bất thường để hạch tội vua Hiệp Hòa (Nhà vua bị buộc ba tội: – Thâm lạm công nhu; – Không chịu nghe lời khuyến cáo của các quan phụ chính; – Tư thông với đại diện của Pháp) và để xử tội trạng vua Hiệp Hòa , Trần Tiễn Thành , Hồng sâm, Hồng Phi mưu sát các viên Phụ Chính. Lấy chữ ký các quan xong, Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết thân hành vào cung Diên Thọ để dâng lên Hoàng Thái Hậu tờ sớ ấy, xin Hoàng Thái Hậu cho phế vua Hiệp Hòa, lập người khác, đó là Ưng Đăng, hoàng tử thứ ba của vua Tự Đức (sau này là vua Kiến Phúc – vị vua thứ 7 của triều Nguyễn). Ngay trong đêm 28 tháng 11 (29 tháng 10 Âm lịch) sau khi các cửa Hoàng thành đóng kín vào canh hai (20 giờ), Tôn Thất Thuyết thu tất cả chìa khóa và biện minh việc ấy bằng cách báo cho vua biết là bên ngoài có những người bất mãn tụ tập. Mặt khác, Thuyết tụ tập đội cận vệ riêng của mình, do Hồng Chuyên cầm đầu ở một vị trí bên hữu ngạn sông Hương, đồng thời sai Ông Ích Khiêm dẫn 50 người lính vào điện Càn Thành bắt buộc vua tự xử mình theo lệ " tam ban triều điển (dùng một thanh gươm, một dải lụa hoặc một chén thuốc độc để kết liễu cuộc đời) ", dành cho các đế vương, khanh tướng phạm tội tử hình.

Khi Hiệp Hòa biết cơ mưu bất thành, quanh mình chỉ thấy vài viên thái giám, không biết làm sao chống lại, bèn quyết định soạn sẵn tờ chiếu thoái vị, trong đó nhà vua yêu cầu được quay về tư dinh. Người ta mang kiệu đến đưa nhà vua cùng những người tùy tùng, theo lời họ nói là đi về dinh cũ của vua, nhưng trước đó, Ông Ích Khiêm và Trương Văn Để đã được lệnh đón ở cửa Hiển Nhơn để đưa kiệu về Dục Đức Đường. Ở đó, Ích Khiêm và Văn Để đưa cho Hiệp Hòa một thanh gươm, một dải lụa điều và một chén thuốc độc, yêu cầu vua chọn cái chết cho mình. Thấy vua do dự, Ông Ích Khiêm ép đổ thuốc độc vào miệng vua và bóp mũi để buộc vua phải nuốt. Thuốc công hiệu ngay và ông vua khốn khổ lăn lộn quằn quại. Đúng vào lúc đó, Đề Đốc Trần Xuân Soạn mang lệnh của Tôn Thất Thuyết bảo phải làm nhanh, người ta sợ người Pháp can thiệp để giải thoát vua, và Ông Ích Khiêm đã kết liễu mạng sống nạn nhân bằng ba thanh gỗ đập vào cổ họng, vào ngực và bụng. Cú đánh thứ nhất làm vỡ thanh quản và cú thứ ba làm lòi ruột ra. Sáng hôm sau, hoàng thân Hồng Sâm cũng bị xử chém chết, vì tội đồng lõa với Hiệp Hòa để bán nước.

Trần Tiễn Thành, bấy lâu không đồng chính kiến với ông Thuyết, và cũng vì không chịu ký tên vào tờ phế truất vua Hiệp Hòa, cũng bị ông Thuyết cho lính đến tận nhà đâm chết. Sợ quá, Tuy Lý Vương dẫn vợ con chạy ra cửa Thuận An nương nhờ một chỉ huy tàu Pháp, nhưng rồi cũng bị bắt đày vào Quảng Ngãi (1884).

Vua Hiệp Hòa mất ngày 30 tháng 10, năm Quý Mùi, tức 29 tháng 11 năm 1883.

 Khi vua Hiệp Hòa băng hà, nghi thức an táng nhà vua chỉ được thực hiện theo lễ nghi quốc công do Tôn Nhơn Phủ đảm trách. Dưới triều vua Thành Thái (1889-1907) vào năm 1891, ông được truy phong là Văn Lãng Quận vương.

Triều vua Hiệp Hòa là 1 trong 13 triều vua của vương triều Nguyễn trong dòng chảy lịch sử của dân tộc Việt Nam. Dù triều đại của vua Hiệp Hòa chỉ tồn tại 4 tháng, ông chưa kịp để có thể để lại dấu ấn đậm nét trong thời gian trị vì của mình, nhưng nhà vua ngay từ khi mới lên ngôi, đã có nhiều việc làm, quyết sách quan trọng nhằm bình ổn đất nước, diệt trừ bạo loạn trong một thời gian đầy biến động. Một vị vua có thể nói là có một số phận đặc biệt, lên ngôi trong hoàn cảnh đặc biệt, vì vậy cần phải có những đánh giá công bằng, khách quan khi có nhiều ý kiến trái triều về vị vua này.

Nguồn: baotinhhoa.com