295 lượt xem

Mai Xuân Thưởng

Trên quốc lộ 19 từ Quy Nhơn đi Gia Lai, qua thị trấn Phú Phong chừng 8 km là đến thôn Hòa Sơn thuộc xã Bình Hòa, huyện Tây Sơn. Trên đồi cao cách quốc lộ gần 200m, thấp thoáng một ngôi nhà bốn mái, kiến trúc hoàn toàn mới nhưng dáng dấp thì mô phỏng theo kiểu cổ. Đó là lăng Mai Xuân Thưởng, một lãnh tụ xuất sắc của phong trào Cần Vương kháng Pháp tại Bình Định.

Di tích lịch sử Lăng Mai Xuân ThưởngLăng Mai Xuân Thưởng (nguồn: sưu tầm)

Mai Xuân Thưởng (1860-1887), lúc nhỏ tên là Mai Văn Siêu người thôn Phú Lạc, nay thuộc xã Bình Thành, huyện Tây Sơn - quê ngoại của ba anh em Tây Sơn. Cha là Mai Xuân Tín (1819-1866) trước có tên là Mai Văn Phẩm, đậu cử nhân khoa thi hương năm Đinh Mùi, Thiệu Trị 7 (1847) tại trường thi Thừa Thiên, làm quan đến chức Bố chính tỉnh Cao Bằng. Mẹ là Huỳnh Thị Nguyệt, con một vọng tộc trong làng.

Thuở nhỏ ông thông minh đĩnh ngộ, ham học, cha mất sớm (khi ông mới 6 tuổi) nên ông lớn lên dưới sự rèn bọc của mẹ và sự dạy dỗ tận tâm của cụ tú Lê Duy Cung, cả văn lẫn võ. Trước cảnh đất nước từng bước rơi vào tay thực dân Pháp, vua tôi nhà Nguyễn hèn nhát đầu hàng, ông đã quyết chí đứng về phía nhân dân kháng Pháp, đoạn tuyệt với thuyết trung quân nho giáo. Trong bài vịnh các sĩ tử trường thi Bình Định ông viết:

Đạo trung vua tôi mình dám quản
Oán hờn người khác có đâu vơi…

Tuy nhiên ông cũng ý thức được rằng để thực hiện hoài bão lớn lao này thì cần phải có một địa vị, một uy tín, một khoa bảng là con đường tốt nhất. Ông đành ngậm hờn lại tiếp tục ngày đêm đèn sách. Khoa thi hương năm Ất Dậu - Hàm Nghi thứ nhất (1885) - ông đỗ cử nhân tại trường thi Bình Định. Đúng lúc đó, kinh thành Huế thất thủ sau cuộc binh biến không thành của phái chủ chiến trong triều đình do Tôn Thất Thuyết cầm đầu. Ông rời trường thi về làng chiêu mộ được 200 nghĩa sĩ ngày đêm luyện rèn chờ thời cơ giúp nước.

Ngày 13/7/1885 từ Sơn Phòng, Quảng Trị, vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần Vương kêu gọi sĩ phu cùng nhân dân đứng dậy phò vua giúp nước, đánh đuổi thực dân Pháp. Tại tỉnh Bình Định đã dấy lên một phong trào hưởng ứng rầm rộ của các sĩ phu yêu nước mà người đứng đầu là Đào Doãn Địch, một hưu quan của nhà Nguyễn. Phong trào kháng chiến chống Pháp của nghĩa quân Đào Doãn Địch bao gồm khoảng 600 người, trang bị chỉ có giáo mác thô sơ nhưng tinh thần chiến đấu lại rất cao. Nghĩa quân đã đánh chiếm thành Bình Định nhưng đến tháng 9-1885 lại bị Pháp tái chiếm. Nghĩa quân rút lên vùng núi hiểm trở thuộc tổng Phú Phong (nay thuộc thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn) tiếp tục xây dựng lực lượng cho cuộc kháng chiến lâu dài.

Mai Xuân Thưởng đã đem toàn bộ lực lượng của mình gia nhập nghĩa quân, được phong chức Tán lương quân vụ, phụ trách vấn đề hậu cần. Ngày 20/9/1885, Đào Doãn Địch đột ngột qua đời. Trước khi mất, ông giao lại toàn bộ lực lượng cho Mai Xuân Thưởng chỉ huy, lúc này mới 25 tuổi.

Nắm quyền chỉ huy, Mai Xuân Thưởng chọn vùng núi Lộc Đổng (phía Tây tổng Phú Phong, nay thuộc thôn Phú Hiệp, thị trấn Phú Phong) làm đại bản doanh. Tại đây ông làm lễ tế cờ và truyền hịch kêu gọi sĩ phu văn thân cùng nhân dân đứng lên chống Pháp. Các lực lượng kháng chiến chống Pháp khắp nơi trên đất Bình Định đã quy tụ dưới ngọn cờ khởi nghĩa của ông. Khẩu hiệu hành động của nghĩa quân là "Tiền sát tả, hậu đả Tây", Mai Xuân Thưởng được suy tôn là nguyên soái.

Nhiều căn cứ kháng chiến được xây dựng như mật khu Linh Đổng (phía tây Lộc Đổng), mật khu Hầm Hô (thuộc xã Tây Phú, huyện Tây Sơn), căn cứ Nam Trại (nay thuộc thôn Thuận Ninh, xã Bình Tường, huyện Tây Sơn), căn cứ Bắc Trại (nay thuộc thôn Thuận Ninh, xã Bình Hiệp, huyện Tây Sơn), căn cứ Thứ Hương Sơn - tức Gò Núi Thơm nằm giữa ba làng Kiên Thành, Trường Định, Vân Tường (nay là xã Bình Hòa, huyện Tây Sơn), căn cứ núi Kỳ Đồng nằm giữa ba thôn Tân Đức, Đại An, Thiết Tràng (nay thuộc xã Nhơn Mỹ và Nhơn Hậu, huyện An Nhơn, căn cứ Kho Lương hay Hòn Kho nằm giữa ba xóm Tiên An, Tiên Long, Tiên Hóa (nay thuộc xã Tây Giang, huyện Tây Sơn).

Lực lượng kháng chiến ngày một lớn mạnh, có lúc lên tới vài ngàn người. Nghĩa quân đã phối hợp với lực lượng kháng chiến ở Quảng Ngãi đánh trả cuộc đàn áp của tên đại việt gian Nguyễn Thân, phối hợp với các lực lượng kháng chiến ở Khánh Hòa, Bình Thuận đánh chiếm tỉnh thành Bình Thuận…

Đầu năm 1887, quân Pháp dưới sự chỉ huy của trung tá Cherreu phối hợp với quân triều đình do Trần Bá Lộc chỉ huy mở cuộc tấn công lớn nhằm tiêu diệt nghĩa quân. Những trận chiến đấu ác liệt đã diễn ra, cuối cùng do chênh lệch lực lượng, đặc biệt là trang bị vũ khí, đến giữa tháng 4-1887 hầu hết các căn cứ kháng chiến của nghĩa quân đã bị địch đánh chiếm. Mai Xuân Thưởng đem theo gia đình cùng những nghĩa binh còn lại định vượt đèo Phú Quý sang đất Phú Yên tiếp tục xây dựng lực lượng kháng chiến lâu dài nhưng đã bị quân Pháp và triều đình phục kích bắt sống.

Hôm ấy nhằm ngày 4 tháng 5 năm 1887. Địch dùng mọi thủ đoạn dụ dỗ nhưng ông kiên quyết không chịu khuất phục. Ngày 15 tháng 4 năm Đinh Hợi, tức ngày 6-6-1887 triều đình Huế tuyên bố xử trảm Mai Xuân Thưởng cùng 11 đồng chí của ông tại Gò Chàm, phía Tây Nam tỉnh Bình Định. Trước lúc bị hành hình ông khẳng khái ngâm bài tuyệt bút nay vẫn còn lưu truyền trong dân gian.

Không tính làm chi việc mất còn,
Nợ trai lo trả ấy là khôn.
Gió đưa hồn nghĩa, gươm ba thước,
Đá tạc lòng trung núi mấy hơn.
Tái ngắt mặt gan sương tệ giá
Đỏ lòe bìa sách máu là son
Rồi đây thoi ngọc đưa xuân tới
Một nhánh mai già trổ nụ non.
 

Và một bài thơ khác của ông thể hiện khí tiết bất khuất sẵn sàng hy sinh vì dân vì nước:

Chết nào có sợ, chết như chơi,
Chết bởi vì dân, chết bởi thời.
Chết hiếu chi nài xương thịt nát,
Chết trung bao quản cổ đầu rơi.
Chết nhân tiếng để vang nghìn thủa,
Chết nghĩa danh thơm vọng mấy đời.
Thà chịu chết vinh hơn sống nhục
Chết nào có sợ, chết như chơi. 

Thi hài ông được nhân dân đem về mai táng ở quê hương, thôn Phú Lạc, trên một gò thuộc xứ Cây Muồng, nơi cha ông đã yên nghỉ. 80 năm sau, vào năm 1961, nhà thơ Quách Tấn đã đứng ra vận động xây dựng lăng mộ nhà yêu nước và lãnh tụ Cần Vương xuất sắc của quê hương Bình Định. Địa điểm được chọn để xây lăng mộ là một quả đồi cao thuộc thôn Hòa Sơn, xã Bình Hòa, ngay bên quốc lộ 19, rất thuận tiện cho việc thăm viếng. Hơn nữa đây là căn cứ mà năm xưa Mai Xuân Thưởng dựng cờ chống Pháp và cũng từ đây, trên ngọn đồi cao này, khách tham quan có thể quan sát thấy các căn cứ kháng Pháp của nghĩa quân năm xưa, như Phú Phong, Tiên Thuận, Linh Đổng, Hương Sơn.

Ngày 22/1/1961 nhân dân Tây Sơn đã kính cẩn làm lễ đưa hài cốt ông từ Phú Lạc về lăng.

Kiến trúc mộ Mai Xuân Thưởng được thiết kế theo kiểu lăng, gồm hai phần lăng và mộ. Tuy là một kiến trúc mới nhưng đường nét mang dáng dấp cổ kính. Bên ngoài có vòng thành bao bọc. Cổng xây bốn trụ vuông, hai trụ giữa cao, hai trụ bên thấp. Sau cổng thiết kế kiểu tam cấp, dốc dần về phía lăng với 27 bậc, hai bên có bề thành đắp nổi hình sống trâu. Qua tam cấp đến sân tiền sảnh chu vi 5m x 8m có bờ lan can xung quanh. Từ sân tiền sảnh vào đến sân nền lăng dật 4 cấp. Phía sau lăng là một bình phong dùng làm bàn thờ.

Nhà lăng được thiết kế theo kiểu 6 mái, bình đồ hình chữ nhật, cổng chính rộng 4m, trên đề 4 chữ: Lăng Mai Xuân Thưởng. Mái lợp theo kiểu ngói Tây, khung đỡ bên trong hoàn toàn bằng gỗ. Nền lăng lát gạch kiểu Bát Tràng có tráng men màu đỏ và trắng. Giữa lăng là mộ xây đá màu xanh, bình đồ chữ nhật, đỉnh vuốt xuôi như mái nhà. Trước mộ có bia đá ghi dòng chữ: Đây nơi yên nghỉ bên lòng người Việt yêu nước. Nhà anh hùng Mai Xuân Thưởng.

Lưng tường hậu đặt sát mộ bia khắc bài của Quách Tấn ca ngợi cuộc đời và sự nghiệp của Mai Xuân Thưởng.

Năm 1993, UBND tỉnh Bình Định, Sở Văn hóa - Thông tin, UBND huyện Tây Sơn đã cùng dòng họ và đông đảo bà con nhân dân tổ chức lễ dâng hương ở lăng mộ ông. Lăng mộ tuy đơn sơ nhưng dòng người đến thăm viếng ngày một đông, là bởi tấm gương yêu nước sẵn sàng hy sinh vì nước của người anh hùng trẻ tuổi quê hương Bình Định bất khuất kiên cường.

Nguồn tayson.binhdinh.gov.vn