220 lượt xem

Hồ Quý Ly

Gia thế của Hồ Quý Ly và ý nghĩa của quốc hiệu Đại Ngu

Vào cuối thế kỷ XIV, đất nước ta đang trong tình trạng rối ren, Nhà Trần đang trên bờ vực suy tàn. Trong hoàn cảnh đó, Hồ Quý Ly (1336- 1407) – một quý tộc có thanh thế, một vị đại thần trong triều đình đã lấn át quyền lực của nhà vua, tự lập nên vương triều nhà Hồ năm 1400, đồng thời đổi quốc hiệu nước thành Đại Ngu…

Hồ Quý Ly sinh năm 1336, tên là Lê Quý Ly, tự là Lý Nguyên, quê ở Đại Lại, Vĩnh Lộc (nay là xã Hà Đông, huyện Hà Trung, Thanh Hóa). Trong Đại Việt sử ký toàn thư có chép: Tổ tiên Hồ Quý Ly là Hồ Hưng Dật, vốn người Triết Giang bên Trung Quốc, vào thời Hậu Hán (947- 950), được vua Hán cử sang làm Thái thú Châu Diễn (Diễn Châu- Nghệ An). Vào thời loạn 12 sứ quân, họ Hồ trở thành một trại chủ. Vào thời Lý, dòng họ có người lấy được công chúa; đến đời cháu thứ 12 là Hồ Liêm (được làm con nuôi của Tuyên úy Lê Huấn) đổi tên Lê Liêm theo họ Lê. Hồ Quý Ly là cháu bốn đời của Lê Liêm. Mẹ của Hồ Quý Ly là con gái của Phạm Bân {quan Thái y dưới triều vua Trần Anh Tông (1293- 1314)}, hai người cô trong họ lấy vua Trần Minh Tông (1314- 1329), một bà sinh ra vua Trần Nghệ Tông ( 1370-1372) được phong là Minh Từ Thái hậu, một bà sinh ra vua Trần Duệ Tông (1372- 1377) được phong làm Đôn Từ Thái phi. Bản thân Hồ Quý Ly lấy con gái vua Trần Minh Tông là công chua Huy Ninh. Sau này, con gái đầu của Hồ Quý Ly là Khâm Thánh lại lấy vua Trần Thuận Tông (1388-1389) sinh ra Trần Án (tức Trần Thiếu Đế). Năm Kỷ Dậu (1369), vua Trần Dụ Tông mất, vua Trần Nghệ Tông nhu nhược, Hồ Quý Ly được nắm trong tay nhiều quyền hành, được phong làm Khu mật Đại sứ.

Tháng Giêng năm Canh Ngọ (1390), sau khi diệt vua Chiêm, Hồ Quý Ly càng thao túng quyền lực trong triều. Con rể Trần Thuận Tông phong ông chức Nhập nội phụ chính Thái sư, được đeo lân phủ vàng, nắm các vị trí then chốt trong triều đình và quân đội. Năm 1396, Hồ Quý Ly phát hành tiền giấy, đồng thời dùng thế lực bức vua Trần dời đô từ Thăng Long vào Tây Đô. Điều này làm các quần thần trung thành với nhà Trần mưu tính làm chính biến lật đổ họ Hồ, nhưng Hồ Quý Ly đã ra tay tiêu diệt nhanh chóng. Tháng 2 năm Canh Thìn (1400), Hồ Quý Ly truất ngôi cháu ngoại là Trần Thiếu Đế, tự lập làm vua, đổi niên hiệu là Thánh Nguyên, chính thức đổi tên sang họ Hồ, lập nên nhà Hồ, lấy quốc hiệu là Đại Ngu.

 

Hoàng đế Hồ Quý Ly (1336-1407).
 
(Nguồn: Sưu tập)

 
Quốc hiệu “Đại Ngu” bắt nguồn từ truyền thuyết cho rằng họ Hồ là con cháu Ngu Thuấn- một vị vua của Trung Hoa cổ đại, nổi tiếng vì đã đem lại sự bình yên và thịnh vượng cho dân chúng. Chữ “Ngu”có nghĩa là “sự yên vui, hòa bình”. “Đại Ngu thể hiện ước vọng của nhà Hồ về một giang sơn bình yên và rộng lớn. Trong lịch sử đã ghi nhận những đóng góp to lớn của nhà Hồ nhằm thực hiện mong muốn này. Ngay từ cuối thời Trần, Hồ Quý Ly đã thực hiện những cải cách sâu sắc, nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng của xã hội. Sau khi ông lên ngôi, đã đẩy mạnh các cuộc cải cách này và đem lại nhiều đổi thay cho đất nước về các mặt kinh tế, văn hóa và xã hội. Dưới quốc hiệu Đại Ngu, người Việt cũng được chứng kiến những thành tựu về khoa học- kỹ thuật: phát minh súng thân cơ, thuyền chiến hai tầng, hệ thống thủy lợi quy củ, công trình kiến trúc hoành tráng… Tuy nhiên, sự bình yên thịnh vượng mà quốc hiệu Đại Ngu hướng tới chỉ tồn tại trong 7 năm ngắn ngủi. Trước cuộc xâm lược của nhà Minh, nhà Hồ đã bị sụp đổ vào 4- 1407, đồng thời, chấm dứt sự tồn tại của quốc hiệu Đại Ngu.

 

Thành nhà Hồ tại Thanh Hóa.
 
(Nguồn: Sưu tập)

 
Dưới triều đại nhà Hồ, quốc hiệu Đại Ngu đã thực hiện được một phần ý nghĩa của nó. Trên phương diện kinh tế - xã hội, đất nước đã có được sự bình yên, phồn thịnh và các bước phát triển. Tuy nhiên, do hành động lật vua, tự phong vương, Hồ Quý Ly đã gặp phải sự thất bại trong việc gây dựng lòng tin trong nhân dân, điều đó đã dẫn đến sự đổ vỡ của triều đại này. Ngày nay, sự tồn tại của thành nhà Hồ đã trở thành di sản quý giá của nước ta ngày nay. Công trình kiến trúc độc đáo này đã thể hiện sự phát triển mới trong phong cách kiến trúc và kỹ thuật xây dựng, chứng minh được quyết tâm của nhà Hồ trong công cuộc xây dựng nước Đại Ngu. Ngày nay, những cải cách của Hồ Quý Ly và các thành tự thời nhà Hồ đã được nhìn nhận đúng đắn và lịch sử ghi nhận.

Nguồn: baotanglichsu.vn