286 lượt xem

Phạm Bành – thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa Ba Đình- kỳ 2: Cái chết của người anh hùng

Cái chết của người anh hùng Phạm Bành để cứu mẹ và con đã khiến cho nhiều người thương cảm. Cuộc khởi nghĩa Ba Đình dưới sự lãnh đạo của Đinh Công Tráng và Phạm Bành, được lịch sử đánh giá cao.

Căn cứ Ba Đình

Về vị trí, căn cứ Ba Đình nằm trên ba làng Thượng Thọ, Mậu Thịnh và Mỹ Khê, cách huyện lỵ Nga Sơn 4km, phía tây bắc huyện giáp Hà Trung.

Gọi là Ba Đình vì mỗi làng đều có một ngôi đình, đứng ở làng này có thể nhìn thấy đình của hai làng bên. Căn cứ Ba Đình có thể kiểm soát và khống chế đường số 1 tại khu vực Ninh Bình và Thanh Hóa.

Để xây dựng căn cứ, Phạm Bành, Đinh Công Tráng đã vận động nhân dân ba làng chuyển dời sang nơi ở khác sinh sống tránh thiệt hại người và của.

Khi rời làng, nhân dân đã để lại lương thực, thực phẩm cho nghĩa quân sử dụng. Nhiều thanh niên trai tráng trong ba làng tự nguyện ở lại để xây dựng căn cứ và tham gia kháng chiến.

Công việc xây dựng căn cứ Ba Đình đã thu hút sự tham gia đóng góp của các sĩ phu và nhân dân trong vùng, chủ yếu là công sức của nhân dân hai huyện Nga Sơn và Tống Sơn (tức Hà Trung). Lực lượng tham gia cuộc khởi nghĩa Ba Đình có khoảng 300 người, gồm người Kinh, người Thái, người Mường.

Cứu mẹ, cứu con rồi chết

Sớm nhận thấy Ba Đình là một căn cứ chống Pháp lợi hại ở Trung kỳ, nằm án ngữ con đường chiến lược chạy từ Bắc vào Nam nên ngay từ tháng 10 năm 1886, thực dân Pháp đã chuẩn bị lực lượng để tấn công căn cứ nhưng bị thất bại.

Ngày 18 tháng 12 năm 1886, với quyết tâm tiêu diệt bằng được đội nghĩa quân Ba Đình, thực dân Pháp mở cuộc tấn công quy mô lớn lần đầu tiên vào căn cứ Ba Đình từ hai hướng.

Phạm Bành và Đinh Công Tráng đã tổ chức nghĩa quân chống cự quyết liệt, hai cánh quân của Trung tá Metzinger phía tây nam và cánh quân do Trung tá Dodds chỉ huy ở phía đông bắc đều bị chặn đứng.

Vì vậy, thực dân Pháp quyết định điều động Đại tá Briseaud vừa sang Việt Nam trực tiếp cầm quân tấn công triệt phá căn cứ Ba Đình lần thứ hai.

Tổng số quân Pháp được điều động trong chiến dịch này lên tới 3.530 lính và 78 sĩ quan, trong đó có 1580 lính Âu và 1950 binh lính người Việt.

Cuộc vây hãm lần này được bắt đầu từ ngày 6/1/1887 với quyết tâm công phá căn cứ Ba Đình bằng mọi giá. Sau gần ba tuần cầm cự quyết liệt, trước sức mạnh áp đảo của quân đội Pháp, đêm ngày 20 rạng sáng ngày 21/1/1887, nghĩa quân Ba Đình buộc phải mở đường máu phá vòng vây của địch và rút về căn cứ Mã Cao để bảo toàn lực lượng tiếp tục chiến đấu mà Phạm Bành là một trong những người tiên phong mở con đường máu.

Sau khi chiếm được căn cứ Ba Đình, quân Pháp ráo riết khủng bố nhân dân, truy kích nghĩa quân. Chúng bắt mẹ già và con trai của Phạm Bành để buộc ông phải ra hàng.

Vì thương mẹ, thương con, Phạm Bành phải ra đầu thú nhưng chỉ sau khi mẹ và con được bọn Pháp thả, Phạm Bành đã uống thuốc độc tự tử để giữ trọn khí tiết của mình vào ngày 18 tháng 3 năm Đinh Hợi (1887).

Sách Đại Nam thực lục chính biên ghi: “Tháng 4, Phạm Bành ở tỉnh Thanh thấy con là Phạm Tiên bị bắt, Bành tới tỉnh đầu thú, Phạm Tiên được tha, liền đêm ấy Bành tự tử”.

Tất Đạt