297 lượt xem

Hoàng Hối Khanh

Hoàng Hối Khanh hết lòng vì dân.

 


Đền thờ Hoàng Hối Khanh tại làng Thượng Phong.
(Nguồn: Sưu tập)
 

Mộ dân lập làng

 Hoàng Hối Khanh, sinh năm Nhâm Dần (1362), người ở Bản Chợ, tổng Trịnh Xá, phủ Yên Định, nay là thôn Bái Trại xã Định Tăng, huyện Thiệu Yên, tỉnh Thanh Hóa. Hoàng Hối Khanh thi đỗ Thái học sinh (tiến sĩ sau này) năm 1384 dưới triều Trần Phế Đế (1377-1388).

Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Năm Giáp Tý, niên hiệu Xương Phù thứ 8, mùa xuân, tháng 2 Thượng hoàng cho thi Thái học sinh ở chùa Vạn Phúc, núi Tiên Du, lấy đỗ bọn Đoàn Xuân Lôi, Hoàng Hối Khanh… 30 người. Mùa hạ, tháng 5 cho số Thái học sinh còn lại làm thứ sử ở cung Bảo Hòa”.

Sau khi đỗ Thái học sinh (tiến sĩ) Hoàng Hối Khanh được triều đình bổ nhiệm Tri huyện Nha Nghi (tức huyện Lệ Thủy ngày nay). Ông chọn vùng sông Kiến Giang, một vùng sông núi thuận lợi cho việc ứng dụng quân sự và khai phá đất ruộng dụng kế lâu dài.

Với uy thế của mình, Hoàng Hối Khanh trở ra vùng châu Hoan, châu Ái (Thanh Hóa- Nghệ An ngày nay) mộ dân 12 dòng họ vào định cư lập làng theo chế độ điền trang mà thời nhà Trần ban cho các quan trong triều.

Ông áp dụng chính sách “tịnh vi nông, động vi binh” của thời Lý trước đây dưới hình thức “ngụ binh ư dân” (gửi lính làm dân). Nhờ thế đất ruộng được khai phá ngày càng rộng lớn, dân tình quy tụ đông đúc.

Hiến kế tuyển được nhiều quân

Năm Tân Mùi (1391), Hồ Quý Ly theo lệnh vua Trần đi tuần thú vùng đất Hóa Châu, thấy hai viên trấn thủ Phan Mãnh và Chu Bình Khê bất tài nên đem giết đi và bổ dụng Hoàng Hối Khanh làm Chính hình viện Đại phu và Đặng Tất làm Hữu Châu phán cùng trông coi Hóa Châu trước nạn Chiêm Thành luôn cố ý gây chiến xâm lấn bờ cõi Đại Việt.

Năm Giáp Tuất (1394), khi đang giữ chức Chính hình viện Hóa Châu, Hoàng Hối Khanh được triệu về Kinh thành làm An Phủ Sứ lộ Tam Đái (Vĩnh Phúc). Năm Canh Thìn (1400), Hồ Quý Lý lên ngôi, Hoàng Hối Khanh được phong làm Hành khiển.

Ở phương Bắc, quân Minh đã chuẩn bị xâm lược nước ta, nhà Hồ xây chiến lũy Đa Bang để phòng thủ. Hồ Hán Thương cử Hoàng Hối Khanh chỉ huy công việc xây đắp.

Thành Đa Bang có chiều dài 400km, kéo dài từ núi Tản Viên, theo sông Đà, sông Hồng, sông Luộc đến cửa sông Thái Bình. Đây là phòng tuyến phòng thủ hơn hẳn phòng tuyến Như Nguyệt thời Lý chống Tống. Điều đó chứng tỏ Hoàng Hối Khanh là một người có tài năng về quân sự, về chiến thuật phòng chống giặc ngoại xâm.

Để tăng cường quân đội theo ước nguyện của nhà Hồ, Hoàng Hối Khanh hiến kế rằng, thống kê nhân khẩu từ hai tuổi trở lên, không kể những người xiêu tán, chỉ lấy số hiện tại làm thực số.

Rồi thông báo cho các địa phương hễ có người Kinh trú ngụ thì cho về quê quán. Khi sổ làm xong, chỉ tính những người từ 15 đến 60 tuổi thì tăng hơn trước nhiều lần. Từ đó tuyển quân lính được thêm nhiều hơn.

Rút ngòi nổ chiến tranh, với tầm nhìn xa trông rộng, Hoàng Hối Khanh đã tìm mọi cách để trì hoãn cuộc chiến tranh khó tránh khỏi với nhà Minh.

 

Lăng mộ Hoàng Hối Khanh tại Đại Giang, Trường Thủy.
(Nguồn: Sưu tập)
 

 

Nhượng bộ để rút ngòi nổ chiến tranh.

Năm Ất Mùi (1405), người Minh sai sứ sang đòi lại đất Lộc Châu. Đất vùng này, nguyên xưa thuộc tỉnh Quảng Tây, sau cắt về cho Giao Chỉ, đến nay thì Trung Quốc cho người sang đòi lại.

Hồ Quý Ly cử Hoàng Hối Khanh làm Cát địa sứ (sứ giả phụ trách việc trả đất). Biết rõ Trung Quốc đòi đất chỉ là cái cớ để sang xâm lược nước ta và vùng đất Lộc Châu không khỏi rơi vào tay nhà Minh, Hoàng Hối Khanh đã mềm dẻo tìm cách hòa hoãn nhằm kéo dài thời gian để củng cố lực lượng, phòng khi chiến sự xảy ra khỏi bất ngờ bị động.

Nhưng do sức ép của quan quân nhà Minh, Hoàng Hối Khanh đã lấy 59 thôn ở Cổ Lâu trả lại cho nhà Minh. Sự việc này Hoàng Hối Khanh bị Hồ Quý Ly trách mắng, bởi Hồ Quý Ly không muốn trả lại đất cho nhà Minh.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Quý Ly trách mắng, lăng nhục Hoàng Hối Khanh vì trả lại đất nhiều quá”.

Nhưng nhờ sự nhượng bộ này mà ngòi nổ chiến tranh bớt căng thẳng, nhà Hồ có thời gian chuẩn bị lực lượng kháng chiến được hơn một năm nữa để cuối cùng thất bại bởi nhà Hồ không được nhân dân ủng hộ.

Thành Đa Bang thất thủ

Sử sách còn ghi chép đời Trần Thuận Tông (1388-1398), niên hiệu Quang Thái năm thứ 9 (1396), Trần Tùng đi đánh Chiêm Thành bắt được tướng nước này là Bố Đông đem về cho chỉ huy quân Hồ Bôn.

Tháng 9 năm Bính Tuất (1406), khi phòng ngự thành Đa Bang, Bố Đông dâng kế sách: “Đưa quân lên biên giới đón đánh, không cho quân giặc tiến vào đất ta, không để chúng ỷ vào trường binh và thông được đường tiến quân”.

Nhưng các tướng nhà Hồ không nghe theo… Và quân Minh do Trương Phụ chỉ huy đã tràn xuống Pha Lũy (vùng sông Thương). Một cánh quân do Mộc Thạch chỉ huy đánh vào Phú Lệnh (ải Nam Quan), quân giặc ào ào vượt qua biên giới rồi hội quân ở Bạch Hạc. Nhà Minh lại xảo quyệt làm bản văn kể tội nhà Hồ cướp ngôi nhà Trần làm lung lạc tinh thần dân chúng.

Ngày 2 tháng 12, quân Minh chiếm được Việt Trì. Tướng Hồ Xạ không giữ nổi phòng tuyến phải chạy về bờ nam sông Cái. Đến ngày 7 quân Minh cho khiêng thuyền ra bờ sông, bị tướng quân Trần Đỉnh đánh bại.

Tướng nhà Minh tức giận đem những kẻ bị đánh thua ra chém. Quân lính khiếp sợ xin liều chết cố đánh để lập công.

Đêm mồng 9 quân Minh đem quân đánh úp nhà Hồ ở bãi Mộc Hoàn. Tướng nhà Hồ là Nguyễn Công Khôi không cảnh giác, thuyền bị đốt cháy gần hết. Toàn quân bị tiêu diệt.

Thủy quân và bộ binh quân Hồ không ứng cứu được nhau. Tướng nhà Minh là Trương Phụ chia quân đánh hai mặt tây bắc và đông nam thành Đa Bang.
Hỏa tiễn quân Minh đánh vào voi trận nhà Hồ. Voi quay lui, chúng thúc quân theo chân voi vào thành. Thành Đa Bang bị hạ. Quân nhà Hồ ở dọc sông đều tan rã. Quân nhà Minh tiến vào Thăng Long (Đông Đô) cướp bóc, đốt phá, kho lương thực của nhà Hồ rơi vào tay giặc.

Chết để giữ khí tiết, cái chết của Hoàng Hối Khanh giữa vòng vây của giặc là một cái chết oanh liệt của một danh tướng có công trấn giữ mảnh đất phương Nam, khai khẩn ra làng xóm.

Tiếp tục chấn giữ phương Nam

Ngày 5 tháng 5 năm Đinh Hợi (1407), quân Minh đánh vào cửa biển Kỳ La (Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Đến ngày 11, Hồ Quý Ly bị bắt ở bãi Chi Chi, Hồ Nguyên Trừng bị bắt ở biển Kỳ La, đến ngày 12 thì Hồ Hán Thương và Thái tử Nhuế bị bắt ở núi Cao Vọng (Kỳ Anh), sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Khi hai cha con họ Hồ đến Kỳ La là định chạy vào Tân Bình, có một phụ lão ở đây ra bái yết thưa rằng: Xứ này tên là Kỳ Lê, trên có núi Thiên Cầm là điềm không lành! Xin chớ lưu lại. Đến đây quả nhiên như vậy!”

Ở phía Nam, lợi dụng lúc nhà Hồ mất, người Chiêm Thành liên tục tiến công Thăng Hoa để thu lại đất đã bị mất. Hoàng Hối Khanh và Đặng Tất sau một thời gian chống đỡ nhưng do lực lượng yếu hơn, phải lui về giữ Hóa Châu.

Tướng giữ thành Hóa Châu là Nguyễn Lỗ đem quân chống lại Đặng Tất, do trước đó hai người có hiềm khích nhau. Cuộc chiến kéo dài hơn một tháng.

Nguyễn Lỗ bị thương thua chạy trở vào Thăng Hoa đầu hàng quân Chiêm Thành và quân Chiêm Thành nhân đó đem quân vây đánh Hóa Châu.

Bấy giờ quân Minh đã chiếm xong nước ta, bắt đầu tiến vào Hóa Châu. Chúng sai Đỗ Tử Trung đi chiêu dụ Hoàng Hối Khanh và Đặng Tất.

Hoàng Hối Khanh không chịu đầu hàng quân Minh, kéo quân lánh về vùng biển. Còn Đặng Tất trong bối cảnh ấy buộc phải dùng kế trá hàng quân Minh, nhằm chặn đứng sự quấy phá của quân Chiêm Thành, ổn định biên giới phía Nam, mưu đồ lấy lại Hóa Châu làm căn cứ tổ chức kháng chiến cứu nước lâu dài.

Trương Phụ liền giao cho Đặng Tất chức Đại tri châu ở Hóa Châu. Để nhanh chóng rút quân về Đông Kinh, vì Trương Phụ cũng sợ sa lầy vào vùng đất xa và phải đụng độ với người Chiêm Thành.

Dưới sự chỉ huy của Đặng Tất, quân Chiêm Thành không làm gì được phải rút về Thăng Hoa.

Chết để giữ khí tiết.

Hóa Châu tạm yên, Đặng Tất cho người đi tìm Hoàng Hối Khanh để cùng mưu tính đánh lại quân Minh. Nhưng một điều không may khi Hoàng Hối Khanh đến cửa biển Đam Nhai, gặp gió to, thuyền bị vỡ trong khi quân Minh đã vây kín, Hoàng Hối Khanh đã tự sát để gìn giữ khí tiết.

Để tưởng nhớ một danh tướng có công trấn giữ mảnh đất phương Nam của Đại Việt lại có công khai khẩn ra làng xóm, nhân dân làng Tiểu Phúc Lộc đã xây lăng mộ ngài Hoàng Hối Khanh ở xã Trường Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình).

Khuôn viên mộ hướng đông nam với diện tích 40m2, xung quanh xây bằng đá, phía hậu đầu có khắc dòng chữ “Đặc tấn phụ quốc Thượng tướng quân tăng kiệt tiết linh thông Quận công Hoàng”. Dòng bên cạnh đề bốn chữ “Kỷ Mão trọng đông”.

Sau khi đánh đuổi quân Minh ra khỏi bỡ cõi, nhà Lê truy phong Hoàng Hối Khanh: “Tước phong Dực Bảo trung hưng linh phò đoan túc tôn thần”.

Đến triều Nguyễn, năm Thiệu Trị thứ 4 (1845) lại truy phong: “Đặc tấn phụ quốc, Thượng tướng quân tăng kiệt tiết linh thông Hoàng quận công tước phong Dực bảo trung hưng linh phò đoan túc tôn thần”.

Ngoài lăng mộ chính, Hoàng Hối Khanh còn có miếu thờ vọng tại thôn Hà Thanh trên khu đất 0,5ha. Trong miếu thờ có đôi câu đối:

 

“Khoa vị tiến sĩ phi vận tướng quân;
Trùng giang văn trung hiển văn châu tiết”.


Khu lăng mộ Hoàng Hối Khanh được nhà nước xếp hạng và cấp bằng di tích lịch sử. Hàng năm cứ đến ngày mùng 6 tháng 6 âm lịch, nhân dân trong vùng tổ chức lễ hội và tế lễ ngài rất cung kính.

Nguồn: khoahocdoisong.vn