253 lượt xem

Hoàng Trình Thanh-Kỳ 4

Sống là danh sĩ, chết hóa thần – Kỳ 4: 7 chính sách chấn hưng đất nước

Năm Nhâm Ngọ 1462, vua Lê Thánh Tông canh tân đường lối cai trị, đã xuống chiếu cầu lời nói thẳng. Tiến sĩ Hoàng Trình Thanh dâng sớ nêu 7 chính sách chấn hưng đất nước.

Sớ tấu của Tiến sĩ Hoàng Trình Thanh với 7 kế sách lớn sáng suốt đã được vua Lê Thánh Tông tin dùng cho thể hiện khá đầy đủ trong Bộ luật Hồng Đức là bộ luật tiêu biểu nổi tiếng của các triều đại phong kiến Việt Nam.

 

Ông Xương cho biết, 7 kế sách của Hoàng Trình Thanh được vua Lê Thánh Tông tin dùng, thể hiện trong Bộ luật Hồng Đức.
(Nguồn: Sưu tập)

 

Thượng sách chấn hưng

Tiến sĩ Hoàng Thế Xương, hậu duệ danh sĩ Hoàng Trình Thanh ở làng Đa Sỹ, phường Kiến Hưng (Hà Đông – Hà Nội), cho biết: “Năm 1459 Hoàng Trình Thanh được vua cử đi sứ nhà Minh. Năm Quang Thuận thứ 3 (1463), ông qua đời. Trước đó 1 năm, đất nước rơi vào tình trạng khó khăn trì trệ, vua Lê đã kêu gọi các danh sĩ nói thẳng, dâng kế chấn hưng. Hoàng Trình Thanh dâng 7 chính sách”.

Chúng tôi xin được trích 7 chính sách ấy mà đương thời nhà Lê được coi là 7 thượng sách được áp dụng để thay đổi đường lối cai trị của vua cũng như làm cho đất nước thoát khỏi những ì ạch trì trệ để phát triển. 7 chính sách đó là:

“Thứ nhất, phải thuận âm – dương, trên – dưới, trong – ngoài thì trong nước mới có hòa khí. Thứ nhì, phải trọng người hiền tài, có học thức, trọng kinh sách, noi theo tiền nhân thì nền chính học mới thịnh vượng. Thứ ba, phải chăm sóc bồi dưỡng các thế hệ đời sau. Thứ tư, phải tiết kiệm của cải tiền bạc thì mới mở mang được kinh tế. Thứ năm, phải thận trọng tuyển chọn quan chức mới chăm lo được chúng dân chứ không phải cai trị dân. Thứ sáu, phải thường xuyên huấn luyện quân sự thì nền võ bị mới mạnh. Thứ bẩy, phải lập đồn điền để kết hợp kinh tế với quốc phòng”.

Giữ gìn hòa khí

Tiến sĩ Hoàng Thế Xương, cho biết: Trong 7 chính sách trên thì chính sách thứ nhất “giữ gìn hòa khí” được coi là quan trọng hơn cả. Đây là kiến nghị mang tính tổng quát, chi phối mọi hoạt động, đường lối chính sách của triều đình.

 

Mộ phần danh sĩ Hoàng Trình Thanh ở Đa Sỹ.
(Nguồn: Sưu tập)

 

“Hoàng Trình Thanh đưa ra ba cặp đối lập: Âm – dương, trên – dưới, trong – ngoài. Trong đó, âm – dương là nội hàm cơ bản, nguyên thủy của triết học phương Đông. Còn trên – dưới cũng bao hàm quân – thần hoặc vua – tôi và quan – dân. Theo đạo Nho, cũng có nghĩa là Tam cương. Làm vua phải tôn trọng quốc sự, lợi ích đất nước là trên hết. Quan là những bề tôi thay mặt vua quản lý hành chính. Quan phải chí công vô tư, hết lòng phụng vụ nhân dân”, ông Xương giải thích.

Về chính sách thứ hai là “coi trọng kẻ sĩ”. Thực ra, không phải chỉ ở xã hội phong kiến theo đạo Nho, mà ở bất kỳ một xã hội, thể chế nào cũng đều phải coi trọng kẻ sĩ. Họ là những hiền tài, mà hiền tài lại là nguyên khí quốc gia. Lịch sử 10 năm chống quân Minh cho thấy, Lê Lợi đã tập hợp được quanh mình những hiền tài như Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Xí… Và có khi, một bức thư của Nguyễn Trãi còn mạnh mẽ hơn cả trăm vạn hùng binh.

Tuy nhiên, lịch sử đau thương đã cho hậu thế biết rằng, không phải lúc nào bề trên cũng coi trọng kẻ sĩ. Hoàng Trình Thanh dâng lên kế này nhằm thức tỉnh tính kiêu hãnh vốn có của các bề vua. Lê Thái Tổ và các vua đầu triều nhà Lê đã có bài học đau đớn nhất, hết Trần Nguyên Hãn đến Nguyễn Trãi và hàng chục vị khai quốc công thần đã dính phải án oan trước tỵ hiềm ganh ghét.

Các nhà sử học thời xưa và nay đều đánh giá, chính sách này của Hoàng Trình Thanh không mới, nhưng ông đã thấu suốt bài học tự ngàn xưa. Thời các vua Nghiêu, Thuấn bên Trung Quốc khi truyền ngôi đều lấy tiêu chuẩn truyền hiền. Đến ngôi vua cũng truyền cho người hiền tài.

Chính sách thứ ba có thể gọi tắt là “kế sách lâu dài”, lấy chăm lo thế hệ đời sau làm chuẩn. Đó là việc mở mang kinh tế làm cho dân giàu nước mạnh, phát triển văn hóa, giáo dục, phát huy truyền thống. Trong đó, giáo dục vẫn là một quốc sách phải ưu tiên hàng đầu.

Tiết kiệm để mở mang

Ông Hoàng Nghĩa Lược, Trưởng ban liên lạc họ Hoàng – Huỳnh toàn quốc, sau nhiều năm nghiên cứu về 7 chính sách của danh sĩ Hoàng Trình Thanh và rất tâm đắc với chính sách này. Ông nhận định: Quốc khố không phải là vô hạn. Mùa màng có khi được khi mất, ngân quỹ có lúc đầy lúc vơi.

 

Những dòng ghi chép công trạng Hoàng Trình Thanh.
(Nguồn: Sưu tập)

 

Chính sách này làm chúng ta liên hệ tới Hữu Nhược, một học trò sáng giá của Khổng Tử, khi trả lời Lỗ Ai Công về việc thu thuế, nói: “Trăm họ no đủ thì làm sao vua thiếu được, trăm họ thiếu thốn thì làm sao vua đủ được”.

Chính sách thứ năm, Hoàng Trình Thanh lưu ý việc tuyển chọn quan chức. Quan chức là để chăn dắt dân chúng chứ không phải để trị dân. Hoàng Trình Thanh không nêu tiêu chuẩn, nhưng là một nhà nho trong một xã hội Nho học, chúng ta cũng hiểu mặc nhiên tiêu chuẩn ấy là tài đức, phẩm hạnh.

Chính sách thứ sáu được nhiều nhà khoa học gọi tắt là “chính sách quốc phòng”. Đặt trong bối cảnh nhà Lê lúc bấy giờ có nhiều nguy biến. Phía Nam bị Chiêm Thành rình rập và xâm lấn, phía Bắc thì luôn xung đột bởi tranh chấp biên giới. Vì vậy, Hoàng Trình Thanh đề cao “văn ôn võ luyện” để ứng phó với các tình thế bất ngờ.

Một số nhà khoa học cho rằng, khi nêu kiến nghị này, chắc chắn danh sĩ Hoàng Trình Thanh có đề cập đến lực lượng dân binh. Đó là những người “động vi binh, tĩnh vi dân”, lúc bình thì cầm cày cầm quốc, khi có chiến sự thì cầm vũ khí mà chiến đấu.

Chính sách cuối cùng là kết hợp kinh tế với quốc phòng. Đó là phải lập đồn điền, các đồn điền ấy là nơi quân đội khai khẩn tự túc một phần quân lương, giảm gánh nặng lương thực cho dân chúng và triều đình.

Theo danh sĩ Hoàng Trình Thanh thì, mở mang các dồn điền là cách kết hợp kinh tế quốc phòng hữu hiệu nhất, phù hợp với điều kiện kinh tế nông nghiệp của đất nước. Chính sách này, cho đến ngày nay vẫn còn hiệu quả, đó là các đoàn kinh tế quốc phòng thuộc các quân khu đã tăng gia sản xuất phục vụ nhu cầu của quân đội.

Danh sĩ Hoàng Trình Thanh, qua câu thơ “Nhậm trọng tư văn thác giám hành”, tức phải hết sức coi trọng việc tự mình làm gương sáng cán cân văn hiến thi thơ – nói rõ về việc nêu gương các bạc hiền tài. Đồng thời, với câu “Dĩ an duy dục xỉ tiên hiền” đã dặn hậu duệ phải biết noi gương. Một danh sĩ, một hiền tài như ông khi dâng 7 chính sách chấn hưng thì chắc chắn cũng phải suy xét rất thấu đáo”.

Nhà sử học Lê Văn Lan.

Còn Tiếp


Nguồn: anninhthudo.vn