512 lượt xem

[Huế] Giới thiệu về trường Đồng Khánh (Hai Bà Trưng)

Trường Đồng Khánh Huế (trường THPT Hai Bà Trưng) là niềm tự hào của cựu nữ sinh, là hành trang dành cho các thế hệ nữ sinh Hai Bà Trưng ngày nay bước vào con đường tương lai của thế kỷ XXI.

TRƯỜNG ĐỒNG KHÁNH (TRƯNG TRẮC – HAI BÀ TRƯNG)

Xét về sứ mệnh của các ngôi trường, có thể dễ dàng nhận ra sự khác biệt căn bản giữa hai trường Quốc Học Đồng Khánh. Từ cuối thế kỷ XIX, sứ mệnh của trường Quốc Học được xác định là hoàn bị tính chất cựu học – tân học cho sĩ tử tinh hoa của đất nước Đại Nam để phục vụ quan trường, canh tân đất nước từ tầng lớp quan lại, công chức nhà nước. Hơn hai thập kỷ sau, vào đầu thế kỷ XX, trường nữ sinh Đồng Khánh ra đời lại nhằm phát huy truyền thống tinh hoa, những phẩm giá cao quí của người phụ nữ Việt Nam, đặc biệt là ở kinh đô Huế, để kịp thời bổ sung nguồn nhân lực nữ cho công cuộc canh tân xứ Nam, nhất là trong các lĩnh vực giáo dục, y tế…

Vấn đề này đã sớm được đặt ra từ quá trình bàn định, thương thuyết giữa Nam triều và phía Pháp. Ngày 5/7/1904, Toàn quyền Đông Dương Beau ban hành Nghị định số 230 về việc thành lập một trường Pháp hỗn hợp nam nữ tại Huế.(5) Trước đó, trường dành riêng cho học sinh nữ ở Hà Nội đã được thành lập từ năm 1899 (mang tên là Ecole des filles à Hanoi).

Đến tháng 2/Bính Ngọ, Thành Thái thứ 18 (1906), nhu cầu xã hội cấp thiết đã đưa đến đợt cải cách giáo dục qui mô lớn để “sửa chữa học qui”. Theo đó thì bãi bỏ cấp sơ học ở Trường Quốc Học, chuyển sang cho Trường Sơ học Pháp Việt phủ Thừa Thiên dạy, Trường Quốc Học chỉ dạy học trò ở bậc toàn phần. Xã thôn nào không có điều kiện để lập trường nữ riêng thì với những trẻ em gái đến tuổi đi học, có thể xin vào trường Ấu học.(6)

Trong bối cảnh như vậy, phát xuất từ tính đặc trưng cho nhu cầu đào tạo dành cho nữ sinh ở Kinh đô Huế, trường nữ bản xứ Ecole des Jeunes filles indigènes de Hué được thành lập, nằm trong khuôn viên Đại Lý Tự, sát Nha Hộ Thành về phía đông – đông nam, về cơ bản thuộc khuôn viên trường Phổ thông Trung học Nguyễn Huệ hiện nay. Ở đây, cần chú ý sự kiện tháng 6 năm Mậu Thân, Duy Tân thứ 2 (1908), triều đình cho dời xây trường nữ học tới phủ Hưng Nhân quốc công Bửu Kiêm, do trường đặt ở Đại Lý Tự trong thành nên rất nhỏ hẹp.(7) Đáng tiếc là hiện nay, chúng tôi chưa có cứ liệu để xác định vị trí phủ Hưng Nhân quốc công và cả vấn đề cho tới thời điểm nào thì trường trở lại địa điểm ban đầu.

Cũng chính bởi qui mô khiêm tốn mà khả năng đào tạo của trường chưa đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của xã hội. Đó là lý do chính cho việc ra đời một ngôi trường nữ được qui hoạch chỉnh chu, theo mô hình Quốc Học đường ở sát cạnh đó, trên đường Jules Ferry trọng yếu – trung tâm khu “phố Tây” – đô thị hành chính ở vùng bờ nam sông Hương.

Văn bản số 1978 ngày 3/11/1917 của quan Đốc học Trung kỳ gửi quan Khâm sứ Trung kỳ báo cáo về Dự án Xây dựng Trường Nữ sinh tại Huế cho thấy rõ sứ mệnh và nhu cầu cấp thiết về sự ra đời của Trường nữ sinh Đồng Khánh.(8)

Theo đó thì đương thời, qui mô Trường nữ bản xứ tại Huế chỉ có thể thu hút được khoảng 150 học sinh và thực tế cho thấy, thật khó để đánh giá số lượng học sinh sẽ tăng lên ở mức nào trong tương lai bởi nhu cầu học tập rất lớn. Điều đó càng được khẳng định khi nhà trường được đầu tư qui mô lớn cả về cơ sở vật chất cũng như nhân lực, người Việt lẫn người Pháp, thu hút học sinh người Huế và cả các tỉnh lân cận. Trong lúc đó, ngôi trường nữ đã có trong Nội thành qui mô nhỏ, không đáp ứng được và có thể chuyển toàn bộ sang khi xây dựng ngôi trường mới ở phía bờ Nam. Học sinh nhờ đó thụ hưởng được nhiều lợi ích từ cơ sở vật chất trang thiết bị, cơ cấu giảng dạy và nhân sự điều hành trường mới rất tân tiến. Hơn nữa, ngôi trường mới sẽ bảo đảm sỉ số chuẩn mực trong từng lớp, giảm thiểu sự phiền toái vốn có là trong mỗi lớp, phải tập trung quá nhiều học sinh, nhất là với cả những em học sinh ở rất xa trường.

Trong nhu cầu nhân lực ngày càng cao cho việc xây dựng và phát triển xứ sở tới đầu thập niên 1920, trường nữ ở Tả Ngạn khó cung cấp đủ một lượng học sinh có được bằng Tiểu học, để có thể theo đó mở các lớp trình độ cao hơn. Ngoài ra, ngay cả những nữ sinh được cho vào các lớp Nhất cũng yếu tiếng Pháp. Cho nên cần có những biện pháp hữu hiệu để tổ chức lại ngôi trường này từ nền móng, nghĩa là bắt đầu từ những lớp đồng ấu và dự bị, để giảng dạy tiếng Pháp có phương pháp và có thực hành, với khả năng trong vài năm nữa, có được một thế hệ nữ sinh được chuẩn bị tốt hơn.

Hơn nữa trong tương lai, phải tính đến việc tổ chức cấp giáo dục bổ túc cao hơn, tuy nhiên với nữ sinh sẽ có nhiều tính đặc thù hơn nam sinh, như ở trường Quốc học bởi khó có thể dự kiến cho nữ sinh những công việc sau khi tốt nghiệp như cho nam sinh. Mặc dù vậy, nhu cầu đặt ra cấp thiết là phải tập trung đào tạo nguồn nhân lực nữ cho hai ngành nghề đặc trưng, phù hợp với tố chất, thế mạnh riêng có của những cô gái xứ Thần kinh, là giáo dục và y tế, gắn liền phẩm giá, kỹ năng gia chánh của họ.

Xã hội rất cần tới những cô giáo người Việt trong tương lai bởi trường dành cho nữ sinh tại địa phương vẫn chưa đủ, chưa phát triển như mong đợi. Mỗi nơi hiện chỉ có một cô giáo hướng dẫn với trình độ văn hóa và chuyên môn hoàn toàn chưa đáp ứng. Cho nên, cung cấp cho các trường một nguồn nhân sự đông đảo hơn và được chuẩn bị tốt hơn, thực sự là công việc cấp thiết. Trong vài năm nữa, các lớp bổ túc sẽ gần như chỉ tuyển dụng ứng viên cho nhân sự phục vụ việc giảng dạy.

Đồng thời, ngành y tế cũng sẽ đòi hỏi trình độ cao hơn đối với đội ngũ y tá và nữ hộ sinh, nên tất yếu, xã hội càng cần có nhu cầu cao hơn đối với nguồn nữ học sinh. Không chỉ có vậy, xu hướng xã hội hiện đại là nhiều gia đình sẽ đầu tư cho con gái tiếp tục học lên cao hơn sau khi đạt được bằng Sơ học hay Tiểu học. Những gia đình giàu có sẽ tự trang trải chi phí học tập, và với những gia đình còn khó khăn thì học sinh học giỏi sẽ được cấp học bổng.

Trong qui mô đào tạo đầu thế kỷ XX, để đáp ứng những nhu cầu cấp tiểu học thuần túy, trường có thể tiếp nhận khoảng 200 học sinh, được cơ cấu trong 5 cấp độ lớp: Đồng ấu, Dự bị, Sơ đẳng, lớp Nhì, lớp Nhất. Việc xây dựng ngôi trường mới như vậy nhằm mục đích lâu dài và có thể dàn trải chi phí qua nhiều năm ngân sách. Từ chiến lược đó, yêu cầu Sở Công chánh thiết lập các bản thiết kế công trình sao cho về sau lúc cần, ngôi trường có thể mở rộng ra thêm cho các lớp tiểu học và lớp bậc bổ túc.

Ngoài 5 lớp ra, những tòa nhà xây dựng dành cho việc giảng dạy học tập còn có các công trình quan trọng khác. Đó là một phòng học chung rộng lớn (kích cỡ 12m x 7m50), văn phòng bà Hiệu trưởng, một căn phòng cho học sinh để mũ nón và áo khoác – điều quan trọng mà không một trường học nào ở Đông dương có tính đến việc trang bị, để không gây trở ngại ở hành lang lối vào các lớp học với đủ loại nón rộng vành, dù đi mưa hay áo mưa, rất mất thẩm mỹ và rối loạn trật tự. Một căn phòng dành cho giáo viên – đồng thời là thư viện, phòng họp và phòng chờ. Một căn phòng làm nơi đón tiếp, nơi mà học sinh sẽ được tập trung lại trước khi đi khám y tế. Ở đó, có thể tổ chức khám sức khỏe một khi đảm bảo được nhân sự y tế đông đủ để có thể khám sức khỏe cho học sinh ngay tại trường, rất cần thiết đối với nữ sinh.

Với một trường nữ, bản thiết kế ban đầu đặc biệt chú trọng tới việc xây dựng khu nhà vệ sinh, từ diện tích, số lượng cho tới cấu trúc phù hợp, với dự kiến 8 phòng cho học sinh, một phòng dành cho các cô giáo người Pháp, một phòng cho các cô người Việt, và tối thiểu một dãy bồn tiểu khoảng 20m. Ngoài ra, cũng cần quan tâm nhiều hơn đến việc xử lý nước tiểu vương vãi trong phòng vệ sinh ngay trước bồn.

Cuối cùng, tính đến khí hậu vùng Huế, cũng cần thiết xây thêm cho trường một Nhà Chơi, chính là gian sảnh lớn không vách với mái che, khá xa với khu vực các lớp học, dành cho giờ ra chơi của học sinh, để không gây phiền nhiễu cho những lớp đang học. Đương nhiên, trong trường phải bố trí một hay hai sân lớn để học sinh ra chơi.

Đặc biệt trong việc giảng dạy nữ công gia chánh, nhà trường cũng ưu tiên kiến thiết hai phòng học lớn có thể phục vụ cho cả việc may vá, là ủi, một nơi giặt giũ và một nhà bếp, với mỗi phòng có kích cỡ khoảng 12m x 7m50.

Ban đầu, khu nội trú bao gồm một dãy phòng ngủ với khoảng 60 giường, tương tự như phần mới xây thêm ở Quốc Học, có trang bị một khu vực tắm rửa rộng lớn với 60 vòi sen và hai nhà vệ sinh. Bên cạnh đó, là căn hộ dành riêng cho hai cô giám thị người Pháp, sống kề cận các nữ sinh người Việt và có thể đóng góp nhiều cho việc đào tạo nữ sinh. Đây là điểm mà các gia đình người Việt rất hài lòng, góp phần quan trọng cho việc thu hút nữ sinh nội trú. Căn hộ dành cho nữ giám thị gồm hai phòng, mỗi nơi có phòng vệ sinh riêng, giữa hai phòng là một phòng chung dùng làm phòng ăn và nơi sinh hoạt. Một nhà bếp tương tự kiểu dáng nhà bếp tại Quốc học, được bố trí rất hợp lý. Một nhà ăn cho 60 học sinh, có bàn ăn bằng xi-măng cốt thép, lát gạch men trắng; có một bồn rửa để học sinh có thể nhanh chóng rửa tay trước khi ăn, cùng một quầy phục vụ. Một nhà phơi áo quần có mái che và được sưởi ấm. Một nhà tắm với vòi sen, trang bị 12 phòng tắm có vách ngăn và có thể được cung cấp nước nóng. Có thể tìm ra một thiết bị đun nóng thiết kế sao cho có thể cung cấp phục vụ cho cả nơi giặt giũ, nơi phơi áo quần và nhà tắm. Một phòng y tế nhỏ được trang bị 4 – 5 giường dành cho nữ sinh khi gặp vấn đề về sức khỏe nhẹ, chưa cần phải chuyển đến bệnh viện. Bên cạnh đó là một căn phòng để cất giữ chăn màn vải vóc các thứ. Ngoài ra, nhà trường còn xây dựng hai nhà kho: một cái cỡ khoảng 7m x 5m để cất giữ những đồ đạc cồng kềnh và cái kia, nhỏ hơn, để cất giữ sách lưu kho, đồ dùng dạy học, đồ để giặt giũ, đồ điện,v.v.; một kho củi bên cạnh phòng giặt đồ, bếp ăn, nhà phơi đồ và phòng tắm; một khu nhà phụ dành cho người phục vụ.

Do trường có một khu nội trú nên phải tính đến việc xây căn hộ dành cho cô hiệu trưởng. Theo mẫu hình của trường Quốc Học, đầy lợi ích và cấp thiết, trường phải có một giám thị trưởng người Việt, ăn ở ngay tại trường. Đó là người phiên dịch tin cậy luôn sẵn sàng trợ lực cùng cô hiệu trưởng với những công việc cụ thể liên quan đến kỷ luật trong trường mà hiệu trưởng không thể trực tiếp lo toan. Cô giám thị trưởng sẽ giúp hiệu trưởng nắm rõ tâm tư nguyện vọng của học sinh và phụ huynh, việc mà cô hiệu trưởng không sao tự thân nắm bắt được. Căn hộ của nữ giám thị trưởng rất khiêm tốn, như trường hợp vị giám thị trưởng của trường Quốc Học, hoàn toàn thích nghi với một căn nhà vốn dành làm nhà kho.

Toàn bộ cơ sở đó luôn được chú trọng ưu tiên dành một khu đất để có thể quy hoạch thành một khu vườn trồng rau quả như đã được thực hiện tại các trường ở Sài Gòn. Ngoài giá trị cảnh quan, nó có thể cung cấp phần nào rau quả cho khu nội trú. Không chỉ thế, việc trồng trọt, chăm sóc như vậy có thể làm cho học sinh ngày càng thích thú hơn với việc chăm sóc vườn tược, vốn gắn liền một cách thường trực với phần lớn nhà ở của người Việt ở miền Trung.

Theo báo cáo số 2153, ngày 20/12/1917 của Kỹ sư trưởng Khu Công chánh Trung kỳ thì dự án xây dựng Trường nữ Đồng Khánh được thực hiện với ngân sách ban đầu là 80.000 đồng bạc Đông Dương, ở khu đất liền kề trường Quốc Học (ấp Khánh Lộc, làng Dương Xuân Hạ), được giới hạn phía trước là đường Jules Ferry (nay là Lê Lợi), Phủ Cam (Nguyễn Trường Tộ), Luro (Lê Lai) và Rheinart (Ngô Quyền). Trên đó, là đất đai ruộng nương và một ít nhà cửa (bằng gạch, tranh) của người dân làng Dương Xuân Thượng và Dương Xuân Hạ.

Lễ đặt đá khởi công xây dựng Trường nữ sinh Đồng Khánh lại diễn ra lúc 17 giờ ngày 27/5/Khải Định thứ 2 (15/7/1917), với sự hiện diện của Hoàng đế Khải Định, Toàn quyền Đông Dương Sarraut, Khâm sứ Trung kỳ Charles, cùng nhiều vị Thượng thư Tôn Thất Hân, Hồ Đắc Trung, Nguyễn Hữu Bài, Đoàn Đình Duyệt, Công sứ Thừa Thiên Carloti, trong sự đón chào nồng nhiệt của nhiều quan lại Nam triều, công chức người Pháp và đông đảo dân chúng thành phố Huế.(9) Phải chăng nghi lễ khởi công có sớm (giữa tháng 7), trước văn bản đề nghị thành lập Trường (đầu tháng 11) là khả năng tôn trọng, tuân thủ phong tục tập quán truyền thống và đồng thời, cũng làm cho nghi lễ thêm phần long trọng với sự hiện diện của hoàng đế Đại Nam và Toàn quyền Đông Dương nhân dịp ông công cán tại Huế.(10)

Kết luận

Trong bối cảnh vỡ ra của xã hội truyền thống Việt Nam tại Kinh đô Huế hồi cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, cuộc đụng độ rồi giao lưu, tiếp xúc văn hóa, văn minh Đông – Tây diễn ra một cách tất yếu, trên nhiều lĩnh vực, khía cạnh đời sống xã hội. Ở đó, giáo dục đào tạo được coi là một vấn đề đặc biệt quan trọng gắn liền khát vọng, xu hướng canh tân từ triều đình Huế và nhu cầu xây dựng, phát triển xứ Đông Dương của người Pháp, mà Quốc Học và Đồng Khánh, có thể coi là trường hợp điển hình.

Canh tân trên cơ sở phát huy tối đa sở trường, tiềm năng thế mạnh vốn có, giảm thiểu sở đoản từ trong di sản truyền thống, kết hợp hài hòa tinh hoa văn minh phương Tây một cách phù hợp, tất cả nhằm mục đích canh tân đất nước từ con đường giáo dục đào tạo. Đó chính là sứ mệnh, đặc điểm then chốt và là bài học lịch sử cốt yếu làm nên diện mạo, vóc dáng đặc biệt của trường Quốc Học và Đồng Khánh nổi danh ở miền Trung từ trước tới nay.

Tài liệu tham khảo


Công báo Đông Dương, số 7/1904.
Hồ sơ tài liệu mã số RSA 3786, Báo cáo của Đốc học Trung kỳ ngày 3/11/1917 gửi Khâm sứ Trung kỳ về việc cần thiết phải xây dựng trường nữ sinh tại Huế (Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV, văn bản số 1078).
Lê Đức Quang – Trần Đình Hằng (2016), Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX qua hồi ức của Michel Đức Chaigneau, Huế: Nxb. Thuận Hóa, tr. 21-44.
Orband, R., (1917), “Éphémérides annamites”, B.A.V.H, Số 4, tr. 307-308.
Phan Thuận An (2002), “Những cổ vật ghi dấu sự kiện lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng trường Đồng Khánh năm 1917”, trong Nghiên cứu Huế, tập 4, tr. 138-142.
QSQ triều Nguyễn (2011), Đại Nam thực lục Chính biên Đệ lục kỷ [Cao Tự Thanh dịch và giới thiệu], S.:
Nxb. Văn hóa – Văn nghệ.
Trần Đình Hằng (2013), “Sự ra đời của Trường Quốc Học Huế: sự chuyển đổi từ cựu học sang tân học”, Tạp chí Xưa & Nay (H.: Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam), số 434, tháng 8/2013.
Trần Đình Hằng, Thanh Biên (2017), “Trăm năm Quốc Học – Đồng Khánh và sứ mệnh canh tân từ giáo dục”, Tạp chí Huế Xưa và Nay, số 139 – Xuân Đinh Dậu (2017), tr. 13-20.
  1. Công báo Đông Dương, số 7/1904, tr. 533.
  2. QSQ triều Nguyễn (2011), Đại Nam thực lục Chính biên Đệ lục kỷ, Tlđd, mục 1363.
  3. QSQ triều Nguyễn (2011), Đại Nam thực lục Chính biên Đệ lục kỷ, Tlđd, mục 1533.
  4. Hồ sơ tài liệu mã số RSA 3786, Báo cáo của Đốc học Trung kỳ ngày 3/11/1917 gửi Khâm sứ Trung kỳ về việccần thiết phải xây dựng trường nữ sinh tại Huế (Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV, văn bản số 1078).
Xem thêm các văn bản liên quan trong bộ hồ sơ này, bao gồm: Công văn về việc gửi bản đo vẽ của mảnh đất đã chọn để xây dựng trường nữ sinh; Danh sách các cá nhân được nhận tiền đền bù do xây dựng trường nữ sinh; Chi phí để xây dựng trường nữ sinh; Đề nghị cấp thêm tiền để xây dựng trường nữ sinh; Bỏ thầu để xây dựng trường nữ sinh; Làng Dương Xuân Thượng, Dương Xuân Hạ và các cá nhân chuyển nhượng đất cho chế độ bảo hộ để xây trường; Văn bản của Cơ Mật Viện gửi Khâm Sứ Trung kỳ về việc chuyển nhượng đất để xây dựng trường nữ sinh (văn khế, đồ bản); Quyết định của Khâm sứ Trung kỳ cho phép mua đất để xây dựng trường nữ sinh; Giấy tờ mua bán đất để xây dựng trường nữ sinh; Quyết định của Toàn quyền Đông Dương về việc chuyển nhượng đất miễn phí để xây dựng trường nữ sinh; Bản đồ khu đất xây dựng trường nữ sinh; Các công văn trao đổi liên quan đến xây dựng trường nữ sinhv.v.
  1. R. Orband (1917), “Éphémérides annamites”, B.A.V.H, Số 4, tr. 307-308.
  2. Xem thêm Phan Thuận An (2002), “Những cổ vật ghi dấu sự kiện lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng trườngĐồng Khánh năm 1917”, trong Nghiên cứu Huế, tập 4, tr. 138-142.
Khám Phá Di Sản (https://khamphadisan.com.vn/)tổng hợp
Sở du lịch Thừa Thiên Huế