480 lượt xem

[Huế] Giới thiệu về vườn quốc gia Bạch Mã

Vườn quốc gia Bạch Mã là niềm tự hào của người dân xứ Huế, nơi đây sở hữu phong cảnh thiên nhiên đẹp như bức tranh. Chinh phục đỉnh cao Vọng Hải Đài, tận hưởng dòng nước mát lạnh ở Ngũ Hồ và leo thác Đỗ Quyên hùng vĩ là những trải nghiệm thú vị khi “lạc bước” giữa vườn quốc gia Bạch Mã.

Sơ lược về vườn Quốc gia Bạch Mã

Xuất phát từ những điều kiện đặc thù về khí hậu, địa lý tự nhiên, đặc biệt là những giá trị đa dạng sinh học về động thực vật mà Bạch Mã đã trở thành một vườn quốc gia quan trọng ở miền Trung. Người Pháp từ đầu thế kỷ XX đã có nhiều quan tâm lớn tới khu vực này, với những hoạt động khảo cứu, thám sát trên nhiều phương diện: giao thông vận tải, lâm sinh, động vật và thực vật học, du lịch nghỉ dưỡng. Chính bởi tầm quan trọng đặc biệt đó mà từ năm 1925, kế thừa thành quả nghiên cứu đã có trước đó, người Pháp đã cho xây dựng dự án thành lập vườn quốc gia, tiếc là công việc chưa được thành tựu viên mãn. Mãi cho đến năm 1986, khu rừng cấm Bạch Mã – Hải Vân được thành lập với diện tích lên đến 50.000ha. Đó là nền tảng căn bản cho việc chính thức thành lập Vườn Quốc gia Bạch Mã từ năm 1991, với tổng diện tích là 22.031ha và vùng đệm 21.300ha, trực thuộc Bộ Lâm nghiệp và đến năm 2008, Vườn Quốc gia Bạch Mã được điều chỉnh mở rộng, đưa tổng diện tích lên đến 37.487ha. Vườn Quốc gia Bạch Mã hiện do Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) trực tiếp quản lý.

Toàn bộ vườn và vùng đệm nằm trên địa phận hành chính của 9 xã, 2 thị trấn thuộc huyện Phú Lộc, huyện Nam
Đông tỉnh Thừa Thiên Huế và huyện Hòa Vang của thành phố Đà Nẵng. Phía Bắc và Đông Bắc của vườn có đầm
Cầu Hai, đầm An Cư; phía Nam, Tây Nam vườn nối dài với phần đuôi của dãy Trường Sơn Bắc cao khoảng 1.0001.300m (chỗ núi Mang cao tới 1.702m). Vườn quốc gia Bạch Mã chiếm một phần khối núi granitoiđ có phương á vĩ tuyến và án ngữ ở phía Nam tỉnh. Đại bộ phận các đỉnh núi cao từ 1.000-1.444m. Sườn núi dốc từ 20 đến 350, có nơi đến 40 – 450 và bị các sông suối chia cắt mạnh.

Nhờ vị trí địa lý thuận lợi, địa hình núi cao, lớp phủ thực vật rừng dày nên chế độ nhiệt ẩm Vườn quốc gia Bạch Mã tương đối ổn định, với nhiệt độ trung bình năm 16-220C, tháng lạnh nhất 5-80C, tháng nóng nhất không vượt quá 250C, lượng mưa trung bình năm lớn nhất Việt Nam, phổ biến là 3.400-4.000mm/năm, có khi lên đến 9.000mm/năm.

BẠCH MÃ: NHỮNG GIÁ TRỊ LỊCH SỬ VÀ VĂN HÓA CỦA MỘT KHU NGHỈ DƯỠNG TRÊN CAO ĐẦU THẾ KỶ XX


Trước hết, điểm then chốt cần khẳng định là Bạch Mã được xây dựng nên bởi trục du lịch nghỉ dưỡng. Vấn đề nghỉ dưỡng càng có ý nghĩa với những giá trị sinh thái tự nhiên và sinh thái nhân văn, theo hướng tâm linh trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt là trong vai trò của một vườn quốc gia. Nó được kiến tạo từ truyền thống, nhất là một vùng thiên nhiên hoang dã được cộng đồng tộc người thiểu số và triều Nguyễn tôn trọng giữ gìn trong chính sách ki mi, rồi người Pháp – Mỹ phát huy xây dựng thành khu nghỉ dưỡng. Điều đó càng phù hợp với xu hướng sống chậm lại, nhu cầu trở về tự nhiên gắn liền nghỉ dưỡng – sinh thái – tâm linh. Bà Nà đã từ bỏ tinh thần người Pháp đã xác lập đầu thế kỷ XX để trở thành khu vui chơi giải trí hiện đại, ồn ào, náo nhiệt. Bạch Mã cần duy trì tinh thần đó để đảm bảo tính liên tục của lịch sử và linh hồn cốt lõi xuyên suốt của một khu nghỉ dưỡng độc đáo tựa núi, sát biển, tạo nên sự khác biệt đặc trưng – lợi thế so sánh nổi rõ tính chất dị biệt hóa trong sản phẩm du lịch. Chính tầng lớp thượng lưu, trung lưu từ công chức, thương gia… trong xã hội hiện đại càng có nhu cầu nghỉ dưỡng, sống chậm lại để an lành mà chiêm nghiệm, tĩnh tâm soi rọi chính mình và thế cuộc, nhằm tái tạo tâm hồn và sức khỏe. Thiền, yoga, dưỡng sinh, y học cổ truyền… sẽ bổ trợ tích cực, hữu hiệu, mà không thuần túy chỉ là chiêm bái, hành hương hay trai đàn chẩn tế. Con người và thiên nhiên, nhờ vậy mới “cảm ứng”, “giao hòa” để đạt tới cảnh giới thái hòa. Bạch Mã trong bối cảnh phát triển vùng hiện nay, còn được kết nối với thiền viện Trúc Lâm , Thúy Vân – Linh Thái – Tư Hiền – Laguna, với Cố đô Huế, ải Hải Vân, Đà Nẵng…

Từ đó, Bạch Mã gắn liền dấu ấn thiên nhiên và lịch sử văn hóa độc đáo xưa nay, trên nguyên tắc thiêng hóa và huyền thoại hóa, dưới dạng chuyện kể, bảng chỉ dẫn, bảo tàng lịch sử văn hóa, bảo tàng thiên nhiên (động vật, thực vật, tài nguyên đất đá…). Khởi nguồn từ dấu ấn lịch sử văn hóa bản địa Cơ Tu và đặc biệt là những nét riêng thời thuộc địa là điểm nhấn quan trọng. Nghị định số 698 ngày 2/7/1897, Toàn quyền Đông Dương đã cử Trung úy Debay khảo sát, đo vẽ địa đồ làm đường sắt tuyến Huế – Đà Nẵng. Đến Nghị định số 96 ngày 24/1/1901, Toàn quyền P. Doumer đã cử Đại úy Debay cùng 3 trung úy, 1 phụ tá, 1 lính Âu châu khảo sát, kiếm tìm địa điểm xây dựng khu nghỉ dưỡng (sanatorium) ở miền Trung. Từ đây, ông đã có nhiều đợt thám sát khắp vùng rìa Bạch Mã, từ sông Cu Đê đến Khe Tre, về Sông Hương. Đó là những tiền đề quan trọng cho việc khám phá và xây dựng Bạch Mã thành một trung tâm nghỉ dưỡng của vị kỹ sư trưởng ngành cầu đường Girard những năm 1932-1933.
Thực hiện sứ mệnh cao cả đó mà đến năm 1932, vị kỹ sư trưởng ngành cầu đường Girard trong khi kiếm tìm một địa điểm thuận lợi cho việc xây dựng một khu nghỉ mát trên núi ở xung quanh vùng Huế, đã tiến hành thăm dò vùng rừng núi quanh xứ TruồiNúi Bạch Mã, nằm gần Đường Thuộc địa số 1 (Quốc lộ I hiện nay). Cả hai địa điểm này đều hướng ra biển và nằm giữa Huế và Đèo Hải Vân. Vì cách xa Đà Lạt, một địa chỉ nghỉ dưỡng trên cao lý tưởng ở Tây Nguyên nên chi phí cho các gia đình ở Huế cũng như các tỉnh lận cận trong việc đi nghỉ hè ở khu nghỉ mát tại đó rất cao. Hơn nữa, còn có một trạm nghỉ mát nữa là Bà Nà, khu nghỉ dưỡng nhỏ nằm trên vịnh Đà Nẵng nhưng đường đi đến đó còn nhiều khó khăn, đặc biệt là phải vượt qua ngọn Đèo Hải Vân, nên thiếu thực tế và là trở lực lớn đối với người Huế.

Trong chuyến khảo sát ngày 28 và 29/7/1932, kỹ sư trưởng Girard đã quyết định chọn Núi Bạch Mã, một núi có độ cao 1450m trông xuống vùng đầm phá Cầu Hai và cũng chỉ cách Huế chừng 40km về phía Nam.

Bắt đầu từ năm 1933, Hạt Công chánh Trung Kỳ đã cho xây dựng tại Bạch Mã ngôi nhà gỗ khiêm tốn đầu tiên trong tổng thể khu nghỉ mát. Kể từ đó, khu vực này đã bắt đầu chứng thực được, hiện thực hóa được nhu cầu to lớn trong xã hội đương thời, là thực sự phù hợp để giải quyết mong muốn xây dựng một khu nghỉ dưỡng, ở một nơi có môi trường và khí hậu dễ chịu nhất Đông Dương.

Bởi nằm sát cạnh biển nên nhiệt độ nơi đây thực sự dễ chịu, với biên độ dao động nhiệt giữa hai mùa đông và mùa hè không bao giờ ở mức quá cao. Từ tháng hai tới tháng năm, lượng mưa ở đây nhỏ nhất, tiết trời mát mẻ nhưng không lạnh và đặc biệt đây là khoảng thời gian khu rừng nở rộ đầy hoa. Có thể nói không thời kỳ nào rừng nhiều hoa, và cả thời tiết lại đẹp như lúc này. Từ tháng 6 tới tháng 9, từ sáng sớm đã chan hòa ánh nắng, dù rằng thỉnh thoảng, buổi chiều lại có những cơn giông ngắn. Nhiệt độ trở nên dịu hơn, người ta ghi nhận được nhiệt độ khoảng 180 vào buổi sáng và ban đêm. Hầu như những trận mưa lớn chỉ bắt đầu vào cuối tháng 9 và kéo dài ba tháng theo chế độ mưa của miền Trung Trung Kỳ.

Đến năm 1934, người ta đã cho làm con đường đi bộ và cáng, chuẩn bị cho việc xây dựng nên một khu nghỉ dưỡng (une station d’altitude) và suốt trong một thời gian dài, con đường này là con đường độc đạo. Nhưng những khó khăn đó không làm nản dân Huế, những người bị viễn cảnh của Bạch Mã quyến rũ. Nhờ sự dẻo dai, sự cố gắng liên tục cũng như những đầu tư, họ đã buộc chính quyền không chỉ quan tâm tới các hành động của họ mà còn lập quy hoạch cho Bạch Mã. Niềm tin của những người đi tiên phong đó hoàn toàn xứng đáng được ghi nhận.

Năm 1936, đã có 17 ngôi nhà gỗ dựng trên đường phân thủy. Năm 1937, người ta bắt đầu mở một đường xe hơi  hoàn thành trong năm sau (1938). Con đường do vậy đã đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển nhanh chóng của khu nghỉ mát khi có thêm 40 ngôi nhà nữa được xây dựng. Năm 1942, nhịp độ xây dựng tăng dần và đã cho ra đời thêm 45 ngôi nhà mới nữa. Đến năm 1943, mặc dù có những khó khăn về cung ứng thực phẩm và vật tư, vẫn có thêm 30 ngôi nhà được xây dựng, nâng tổng số nhà của khu nghỉ mát lên đến 130 căn nhà.

Nhờ đó mà Bạch Mã đã có sự phát triển vượt bậc, từ năm 1936, đã xây dựng một bệnh xá và nhiều ngôi nhà gỗ ở đỉnh núi, nhà nghỉ dừng chân. Đạo dụ ngày 7/2/1936 của vua Bảo Đại đồng ý công nhận quyền sở hữu bất động sản của chế độ bảo hộ Pháp tại Bạch Mã và Nghị định ngày 27/4/1936 của Khâm sứ Trung kỳ đã cho thực hiện hai phương thức bán và cho thuê đất ở Bạch Mã mà cụ thể là đến ngày 22/6/1936, đã có 60 lô được bán đấu giá. Nghị định số 01397 ngày 13/5/1939, người Pháp đã thiết lập khu nghỉ dưỡng Bạch Mã theo qui chế đô thị. Thậm chí, tính chất đô thị còn được thể hiện rõ nét ở qui chế an ninh của trung tâm đô thị Bạch Mã (Quyết định số 42 ngày 30/5/1939 của Khâm sứ Trung kỳ). Tính tới năm 1943, nơi đây đã có 130 ngôi nhà, trong đó có ngôi nhà của vua Bảo Đạiv.v.

Trước năm 1945, Khu nghỉ mát Bạch Mã có diện tích 900 hecta chia thành 300 lô nhưng mới chỉ có 1/10 diện tích mênh mông này là có chủ. Ở Bạch Mã có hai khách sạn, mỗi khách sạn có từ 6 tới 15 phòng, hoạt động từ đầu tháng 5 tới ngày 15/9. Về phần mình, quân đội có 12 hecta để xây dựng một trung tâm nghỉ hè cho phép nhận một số lượng lớn quân nhân, trong đó có 300 người Âu. Các cửa hàng ở Huế và một ngôi chợ đông đúc của dân bản xứ bảo đảm cung cấp thực phẩm cho khu nghỉ mát. Ngoài ra, trong bối cảnh đương thời, người ta cũng đã tính tới nguồn cung cấp các sản phẩm chăn nuôi và trồng trọt của một trang trại trong thung lũng Con Rùa sẽ góp phần 
vào sự thoải mái của khu nghỉ mát. Người ta cũng đầu tư xây dựng một trạm bưu điện và một trung tâm điện thoại cho phép những người đi nghỉ hè liên lạc bình thường với thế giới bên ngoài.

Một con đường đi lại dễ dàng sẽ cống hiến cho các loại xe hơi 19km đường núi cảnh trí đẹp như tranh, làm cho Huế chỉ còn cách khu nghỉ một giờ 15 phút xe hơi. Ga Cầu Hai nằm dưới chân núi. Dịch vụ xe hơi thường kỳ bảo đảm cho du khách, thư tín và hàng hóa từ Huế lên.

Một bể bơi đặc biệt dành cho trẻ em liền kề với sân quần vợt. Cuối cùng, tại trung tâm Bạch Mã, trẻ em có thể nô đùa một cách an toàn trên thảm cỏ của Công viên Pierre hát được thiết kế cho các em. Tại khu nghỉ mát còn có nhiều đường đi dạo, trong đó đẹp nhất là thung lũng Morang với các thác nước hoang dã, các bồn nước tráng lệ, một con suối chậm rãi ẩn hiện thất thường. Trước khi đổ nước vào một thác nước khổng lồ cao 600m, con suối này uốn lượn hàng cây số trong một công viên thiên nhiên gồm dương xỉ, thông, phong lan. Nhờ vào khí hậu, các lối đi dạo và sự đáng yêu, Bạch Mã, với các nguồn suối vô tận, tự khẳng định là một trong những điểm nghỉ mát đặc biệt của Đông Dương trước năm 1945.

BẠCH MÃ: NHỮNG GIÁ TRỊ ĐA DẠNG SINH HỌC

Sự đa dạng, độc đáo đặc trưng của khí hậu, thiên nhiên, của hệ động thực vật… cần được cụ thể hóa trên những cung đường diễn giải hay bảo tàng thiên nhiên, những trạm sản xuất – nhân giống, kể cả những công viên động thực vật hoạt động như một bảo tàng sống hoặc mô hình thật, mô hình ảo 3D. Đó cũng là thực cảnh, môi trường học tập, thực tập và nghiên cứu sống động cho các nhà động vật học, thực vật học, dân tộc học thực vật, học sinh sinh viên v.v.

Thảm thực vật ở đây khá phát triển, thuộc kiểu rừng kín thường xanh mưa mùa cận nhiệt đới (á nhiệt đới) ở địa hình cao trên 1.000m và kiểu rừng kín thường xanh mưa mùa nhiệt đới trên địa hình dưới l.000m.

Theo kết quả tổng hợp và điều tra, ở hệ sinh thái Vườn quốc gia Bạch Mã đã xác định được: lớp côn trùng có 894 loài, 580 giống, 125 họ, 17 bộ; lớp cá có 57 loài, 48 giống, 17 họ, 6 bộ; lớp ếch nhái có 21 loài, 7 giống, 5 họ, 1 bộ; lớp bò sát có 31 loài, 24 giống, 10 họ, 2 bộ; lớp chim có 358 loài, 186 giống, 55 họ, 15 bộ; lớp thú có 132 loài, 72 giống, 28 họ, 10 bộ.

Đáng chú ý là trong thành phần loài của cá Bạch Mã cho thấy sự đa dạng động vật, nổi bật tính chất giao lưu, chuyển tiếp của hai khu hệ cá nước ngọt Bắc và Nam Việt Nam, trong đó khu hệ cá Bắc ưu trội hơn. Trong 57 loài cá thống kê, đã xác định được 8 loài cá có tên trong Sách đỏ Việt Nam năm 2000 với các tình trạng khác nhau: cá chình hoa (Anguilla marmorata) bậc R, cá ngạnh (Cranoglanis bouderius) bậc V, cá quả (Ophiocephalus striatus) bậc T.

Vườn quốc gia Bạch Mã có 52 loài lưỡng cư (Amphibia) và bò sát (Reptilia) thuộc 3 bộ và 15 họ và 31 giống khác nhau. Trong số các loài lưỡng cư đã thống kê có 3 loài quý hiếm nằm trong danh mục Sách đỏ Việt Nam và cần được bảo vệ, là cóc mắt chân dài (Megophrys longipes), chàng Anđécson (Rana andersonii), ếch cây chân đen (Phacphorus nigropalmatus). Có 8 loài bò sát được ghi vào Sách đỏ Việt Nam năm 2000 là các loài: Ô rô vảy (Acanthosaura lepidogaster), rồng đất (Physignathus cocincinus), trăn mốc (Python molurus), rắn ráo (Ptyas korros), rắn cạp nong (Bungarus fasciatus), rắn hổ mang (Naja naja), rắn lục sừng (Trimeresurus cornutus) và rùa hộp (Coura galbinifrons); trong đó, có 3 loài được đánh giá ở mức nguy cấp (V), một loài ở mức hiếm (R) và 4 loài còn lại ở mức bị đe dọa (T).

Hiện nay, Khu hệ chim Vườn quốc gia Bạch Mã đã ghi nhận được 358 loài, 186 giống, 55 họ và 15 bộ, trong đó có các loài chim đặc hữu tiêu biểu gà so Trung bộ (Arborophila merlini), gà lôi lam mào trắng (Lophura edwardsi), trĩ sao (Rheinartia ocellata), đuôi cụt bụng vằn (Pitta elliota), chim khách đuôi cờ (Temnurus temnurus), thầy chùa đít đỏ (Megalaima lagrandieri), chim mào vàng (Melanochlora sultanea gaeti), khướu mỏ dài (Jabouillera danjoui), hút mật đuôi nhọn (Aethopyga christinae).

Nơi đây còn có nhiều động vật đặc hữu như vượn đen Siki (Nolnascus leucogennys siki), voọc chà vá chân nâu (Pygathrix nemaeus nemaeus), cầy lỏn tranh (Herpestes jauanicus exilis), cheo cheo (Tragulus javanicus offinis), sao la (Pseudoryx nghetinhensis), mang Trường Sơn (Caninmuntiacus truongsonensis), mang lớn (Megamuntiacus vuquangensis).

VẤN ĐỀ ĐÁNG CHÚ Ý

Trong những “người anh em” được người Pháp khám phá, xây dựng thành điểm du lịch nghỉ dưỡng độc đáo đầu thế kỷ XX thì đến nay, Bạch Mã “ngủ quên” lâu nhất so với Đà Lạt , Bà Nà, Sapa … Điều đó càng cho thấy tính cấp thiết, kỳ vọng của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế trong Hội nghị góp ý Qui hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch sinh thái Bạch Mã ngày 13/10/2018, sau nhiều lần qui hoạch và mời gọi đầu tư. Có thể nói bản qui hoạch này được Công ty Inros Lackner Việt Nam thực hiện bài bản, qui mô, với sự tham gia của chuyên gia nước ngoài, có tham khảo nhiều kinh nghiệm quốc tế.

Cũng chính bởi tính bài bản và qui mô đó lại càng dễ làm cho nhiều người lo lắng đến sự náo nhiệt, đông đúc và “quá hiện đại”, làm mất đi hệ sinh thái và giá trị vốn dĩ của Bạch Mã. Cho nên vấn đề then chốt chính là một tinh thần Bạch Mã cốt lõi cần được nhận chân, tôn trọng và thực thi xuyên suốt, từ tư tưởng qui hoạch ban đầu cho tới quá trình thực hiện.

Là khu nghỉ dưỡng trong môi trường sinh thái độc đáo, Bạch Mã cần duy trì tinh thần cốt lõi xuyên suốt này để làm nên sức sống đặc trưng, tạo sự khác biệt. Bà Nà đã từ bỏ tinh thần và tính chất là khu nghỉ dưỡng ôn đới ở xứ nhiệt đới vốn có để biến thành khu vui chơi giải trí thuần túy nên sự dễ dãi, giá cả bình dân và khả năng hiện đại hóa cao là điều dễ hiểu. Tính chất nghỉ dưỡng cần tôn trọng con người và thiên nhiên nên cần thận trọng khi đưa vào những yếu tố hiện đại để đảm bảo hài hòa, phù hợp, như cáp treo, dù chỉ vài cây số bởi nó phá vỡ tính tổng thể, làm mất đi tinh thần Bạch Mã. Qui mô 83 cabin cáp treo với công suất lên đến 1750 người/giờ là quá kinh khủng đối với không gian và tính chất Bạch Mã mà với xu thế nghỉ dưỡng, sống chậm lại, thì đi bộ, xe đạp hay ô tô điện có dáng vẻ riêng của Bạch Mã vẫn cần được ưu tiên chọn lựa. Những tuyến đường, cũng là hành trình trãi nghiệm, khám phá với những câu chuyện kể độc đáo, đặc trưng từ thiên nhiên cây cỏ, muông thú lẫn lịch sử, văn hóa… sẽ càng hấp dẫn du khách.

Hình thức và nội dung du lịch dịch vụ chất lượng cao theo hướng “thượng phẩm”, với qui mô vừa phải cũng là cách quảng bá độc đáo để thu hút, chọn lựa khách, tránh xu hướng “thường phẩm” đông khách dịch vụ giá rẻ, sẽ giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm, tác động xấu đến hệ sinh thái đặc hữu. Đẳng cấp và sự khác biệt, sự gắn kết núi – biển của khu nghỉ dưỡng ôn đới ở xứ nhiệt đới thực sự là bảo tàng sống độc đáo, hiếm có, làm nên tinh thần – câu chuyện và phương thức Bạch Mã một cách hợp lý, hiệu quả.

Tài liệu tham khảo
ARRÊTÉ No 698 adjoignant M. le Lieutenant Debay à la mission topographique en Annam en vue des études de chemins de fer, Du 2 juillet 1897.
Arrêté No 96 formant, sous la direction du capitaine Debay, de l’infanterie de Marine, une mission à l’effet de rechercher l’emplacement d’un sanatorium dans la région de l’Annam central, 24 janvier 1901.
L’arrêté N01397 du 13 mai 1939 a érigé la station d’altitude de Nui Bach-Ma en centre urbain.
Nguyễn Thanh (Ch.b) (2005), Địa chí Thừa Thiên Huế, Tập I. Phần Tự nhiên, H.: Nxb. KHXH.
Paul Doumer (2018), Xứ Đông Dương, H.: Thế giới – Công ty Sách Omega Việt Nam (Lưu Đình Tuân, Hiệu Constant, Lê Đình Chi dịch; Nguyễn Thừa Hỷ, Nguyễn Việt Long h.đ).
Quyết định số 42 ngày 30/5/1939 về qui chế an ninh của trung tâm đô thị Bạch Mã (ngày 23/7/1940 của Khâm sứ Trung kỳ, điều khoản 23).
Trần Đình Hằng (2018), “Tinh thần Bạch Mã”, Báo Thừa Thiên Huế, Số 7437, ngày 7/11/2018, X.O (1943), Bach Ma, L’Indochine, số 159, thứ 5, ngày 16/9/1943, tr. 14-17.
Yves Glerende (1939), “Bana et Bach Ma, stations d’altitude de lAnnam”, Monde Colonial Illustré,
(https://takimedia.com/takirich/do.php? Septembre 1939.
lebox-go=60d2eec3bcbad8.62934625)

Khám Phá Di Sản (https://khamphadisan.com.vn/)