Ảnh: Bìa Tống Tử Vưu truyện宋子尤傳, bổn cũ dọn lại, Đốc Phủ Paulus Của, Saigon, Imprimerie Commerciale, 1904
Huỳnh Tịnh Của cùng với: Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký, Nguyễn Trọng Quản là bốn nhà văn quốc ngữ tiên phong của nước ta vào cuối TK.XIX. Trương Vĩnh Ký đóng góp chủ yếu vào phương diện báo chí, nghiên cứu văn hóa, ngữ pháp, từ điển đối chiếu... bằng cả hai ngôn ngữ Việt và Pháp; Trương Minh Ký chủ yếu ở dịch văn học Pháp; Nguyễn Trọng Quản ở tiểu thuyết; thì Huỳnh Tịnh Của đóng góp ở báo chí, nghiên cứu văn hóa - văn học, ngữ vựng/ từ điển học. Nói đến chữ quốc ngữ giai đoạn đầu và từ điển tiếng Việt thì không thể không nhắc đến Huỳnh Tịnh Của. Thế nhưng sự hiểu biết về ông vẫn còn khá mơ hồ, mâu thuẫn nhau, tư liệu về ông hầu như ít ai có đủ. Ngay trong tập sách Chân dung văn học của Hoài Anh mới xuất bản gần đây cũng viết rằng: “Những cuốn sách sưu tầm như Tục ngữ cổ ngữ gia ngôn (1882), Câu hát góp (1904), Ca trù thể cách (1907), Thơ mẹ dạy con, và phiên âm như Trần Sanh diễn ca (1905), Thoại Khanh Châu Tuấn truyện, Phụ Chinh phụ ngâm (1906), Văn Doan diễn ca (1906)… nay đều thất truyền”. Trong quá trình sưu tập tư liệu tìm hiểu về Huỳnh Tịnh Của, chúng tôi cố gắng sưu tập đầy đủ các tư liệu của ông, trong đó có một số tư liệu trước nay chưa được nói đến, để từ đó có thể phác họa ra chân dung chính xác hơn về ông.
1. Vấn đề tên gọi của Huỳnh Tịnh Của:
Huỳnh Tịnh Của hiệu là Tịnh Trai, nên cũng có khi gọi là “Huỳnh Tịnh Trai” (Điếu cổ hạ kim tập, Nguyễn Liêng Phong). Trên các sách quốc ngữ, ông ký nhiều tên khác nhau và thường gắn liền với hàm “Đốc phủ sứ”:
- “Paulus Của, Đốc phủ sứ” trong Chuyện giải buồn
- “Đốc phủ Paulus Của” trong Thoại Khanh Châu Tuấn
- “Paulus Của Huỳnh-Tịnh, Đốc phủ sứ” trong Tục ngữ, Cổ ngữ, Gia ngôn
- “Huỳnh-Tịnh Paulus Của, Đốc phủ sứ” trong Câu hát góp, Chiêu Quân cống Hồ
- “Hoàng-Tịnh Paulus Của, Đốc phủ sứ” trong Trần Sanh diễn ca
- “Huình-Tịnh Paulus Của” trong Đại Nam quấc âm tự vị.
2. Năm sinh năm mất:
Huỳnh Tịnh Của sinh và mất năm nào? Các tài liệu ghi không thống nhất:
-Văn học Quốc ngữ ở Nam Kỳ 1865-1930 ghi: 1834-1908 và 1830-1908
-Chân dung văn học của Hoài Anh ghi: 1834-1907
-Từ điển văn học (bộ mới) ghi: 1834-1897
-Văn học Việt Nam nơi miền đất mới ghi: 1834-1907
Theo chỉ dẫn của Nguyễn Văn Y trong luận văn cao học Huỳnh Tịnh Của và công trình biên soạn bộ Đại Nam quấc âm tự vị, chúng tôi tìm đọc bài Bài văn của quan Nguyên soái điếu ông Huỳnh Tịnh Của trên Lục tỉnh tân văn số 13 ngày 13 tháng 2 năm 1908. Trong bài có viết: “(Ông) sanh năm Canh dần 1830” (trang 7). Đây là bài điếu văn viết khi Huỳnh Tịnh Của mới mất cho nên là tài liệu đáng tin cậy.
Về năm mất, tài liệu ghi chi tiết nhất là công trình của Nguyễn Văn Y (đã dẫn). Nguyễn Văn Y cho biết: “Trong sách Guide historique des rues de Saigon” (Saigon: S.I.L.I., 1943, tr.174), tác giả André Baudrit, có nói ông theo các tài liệu do chánh quyền ở vùng Saigon-Cholon cung cấp, đã ghi Huỳnh Tịnh Của sanh năm 1830 và mất tại Saigon ngày 26 Janvier 1908”. Cũng theo Nguyễn Văn Y: Điều ấy cũng phù hợp với ghi chép của Nguyễn Liêng Phong trong Điếu cổ hạ kim tập về Huỳnh Tịnh Của “lúc ngài thác tuổi gần tám chục”. Vậy nếu chúng ta lấy năm 1908 trừ cho 1830, tính theo tuổi ta thì Huỳnh Tịnh Của hưởng thọ được 79 tuổi, gần đúng với cái “tuổi gần tám chục” hơn là lấy 1907 trừ 1934. Sở dĩ phần lớn các sách ghi năm mất của Huỳnh Tịnh Của là 1907 là ghi lầm năm âm lịch: 23 tháng Chạp năm Đinh mùi. Năm Đinh mùi đúng là 1907, nhưng tính ra dương lịch là ngày 25 tháng 1 năm 1908.
Như vậy năm sinh năm mất của Huỳnh Tịnh Của chính xác là: 1830-1908.
3. Nơi sinh của Huỳnh Tịnh Của:
Quê quán Huỳnh Tịnh Của chính xác là ở đâu?
- Hoài Anh ghi: quê Phước Long Thọ, huyện Long Đất, nay thuộc Bà Rịa – Vũng Tàu (sđd, tr.23)
- Từ điển văn học (bộ mới) ghi: người làng Phước Thọ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa, nay là Bà Rịa – Vũng Tàu (sđd, tr.674)
- Nguyễn Q.Thắng: quê làng Phước Thọ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy (nay thuộc Bà Rịa – Vũng Tàu, sđd, tr.401)
Theo Nguyễn Long Điền, người đã trực tiếp tìm về ngôi nhà cũ của Huỳnh Tịnh Của xác nhận: “Năm 1970 chúng tôi có dịp trở lại làng Phước Thọ, Quận Đất Đỏ (Phước Tuy) là quê hương của Huình Tịnh Paulus Của (…) Trong chuyến đi này chúng tôi tìm gặp một vài tư liệu về họ Huình tại ngôi nhà mà xưa kia ông chào đời tại làng Phước Thọ”. Theo Đại Nam nhất thống chí và website của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu: năm Minh Mạng thứ 2 (1821) làng Phước Thọ thuộc tổng Phước Hưng Hạ, huyện Phước An, tỉnh Biên Hòa. Năm Minh Mạng thứ 18 (1837) có đặt ra phủ Phước Tuy lãnh huyện Phước An. Đến đầu TK.XX, thực dân Pháp đặt ra tỉnh Bà Rịa, Phước An thuộc tỉnh Bà Rịa. Năm 1956 chính quyền Sài Gòn sáp nhập Bà Rịa và Vũng Tàu thành tỉnh Phước Tuy, làng Phước Thọ đổi thành xã Phước Thọ. Năm 1991 Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam đổi tỉnh Phước Tuy thành tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Sau 1975 xã Phước Thọ giải thể sáp nhập thành xã Phước Long Thọ.
Như vậy có thể nói: Quê của Huỳnh Tịnh Của là làng Phước Thọ, tổng Phước Hưng Hạ, huyện Phước An, tỉnh Biên Hòa, tức xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ngày nay.
Tuy nhiên có một số tài liệu đáng tin cậy khác lại nói đến làng Phước Tụy:
Trong 3 trang cuối cuốn Câu hát góp (Sài Gòn, Impr. Commercial Ménard Legros, 1901), tr31-32, có bài “Thơ gởi cho làng Phước-Tụy (sic) (Bà Rịa)” viết về quá khứ, hiện tại cũng như tình cảm của tác giả về làng mình. Tiếp theo bài đó là bài thơ luật “Phụ quấc âm thi nhứt thủ”:
Cánh bèo lưu lạc thủa còn xuân;
Về đến quê hương rất đỗi mầng.
Hiệp mặt ba con lòng phới phở;
Viếng thăm phần mộ dạ bâng khuâng.
Nhà mình tốt xấu mình yêu chuộng;
Quán cũ xa gần dám dể dâng.
Thâm tạ hương thôn trong lớn nhỏ;
Chung lòng tiếp đãi lễ ân cần.
Về đến quê hương rất đỗi mầng.
Hiệp mặt ba con lòng phới phở;
Viếng thăm phần mộ dạ bâng khuâng.
Nhà mình tốt xấu mình yêu chuộng;
Quán cũ xa gần dám dể dâng.
Thâm tạ hương thôn trong lớn nhỏ;
Chung lòng tiếp đãi lễ ân cần.
Cuối bài ký tên “P.C.D.P.S” mà chúng ta dễ dàng đoán ra là “Paulus Của Đốc phủ sứ”. Như vậy Phước Tụy cũng là quê của Huỳnh Tịnh Của. Vấn đề này cũng được một số tư liệu khác chứng minh:
- Trong Bài văn của quan Nguyên soái điếu ông Huỳnh Tịnh Của đăng trên Lục tỉnh tân văn 1908 thì quê Huỳnh Tịnh Của là: “Ông sanh năm Canh dần 1830 tại làng Phước Tuy, tổng Phước Hưng Hạ, tỉnh Bà Rịa”
- Nguyễn Liêng Phong trong Điếu cổ hạ kim thi tập cũng ghi: “Huỳnh Tịnh Của sanh ở làng Phước Tuy”.
- Nguyễn Văn Y trong luận văn cao học nói trên cũng đồng ý như vậy (tài liệu đã dẫn, tr.9).
- Tra cứu Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ, thì ở tổng Phước Hưng Hạ cũng có làng Phước Tuy: “Phước Tuy: thôn thuộc tổng Phước Hưng Hạ, huyện Phước An, phủ Phước Tuy, tỉnh Biên Hòa triều Thiệu Trị, Tự Đức. Đầu thời Pháp thuộc vẫn tổng cũ (…). Từ 1876 gọi là làng (…). Từ sau 1956 giải thể” (Nguyễn Đình Tư: Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ, NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2008, tr.891).
Như vậy có hai điểm cần lưu ý ở đây:
- Thứ nhất: các địa danh ghi là làng “Phước Tuy” thực ra là ghi thiếu dấu làng “Phước Tụy”. Làng Phước Tụy cũng thuộc tổng Phước Hưng Hạ, địa danh này tồn tại từ thời Minh Mạng đến 1956 mới chấm dứt. Theo những người hiểu biết lịch sử địa phương, thì làng Phước Tụy nắm cạnh làng Phước Thọ.
- Thứ hai: các tài liệu trên đều ghi “sanh ở” tức là nơi sinh của Huỳnh Tịnh Của chứ không phải là quê quán. Theo phong tục Việt Nam thì người mẹ khi có mang gần đến ngày sinh thì thường về nhà cha mẹ đẻ của mình để sinh nở. Nếu vậy thì Phước Tụy, nơi sinh của Huỳnh Tịnh Của có thể là quê ngoại của ông.
4. Cuộc đời của Huỳnh Tịnh Của:
Vùng Bà Rịa, quê Huỳnh Tịnh Của là địa bàn cư ngụ của giáo dân Thiên chúa giáo Bình Định di cư vào từ mấy trăm năm trước. Thủa nhỏ Huỷnh Tịnh Của theo học chữ nho và tiếng Pháp. Năm 12 tuổi ông được đưa sang Paulo Penang (cũng viết là Pulo Pinang) để học trong trường đạo. Khi học lên chứ “Thầy tư” thì hoàn tục về quê cưới vợ.
Năm 1862, Huỳnh Tịnh Của ra làm thông ngôn, lãnh việc phiên dịch văn án cho chính phủ thuộc địa ở Phòng Phiên dịch Dinh Thượng thư Sài Gòn (Bureau des traductions à la Direction de l’Intérieur de Saigon).
Năm 1865 ông được biệt phái về làm việc ở Bộ Tổng Tham mưu (Etat Major général). Có tham gia viết tin bài cho Gia Định báo từ những số đầu tiên (tháng 4 năm 1865).
Năm 1873, ông được thăng chức Huyện đệ nhất hạng (Huyện de Première classe), đến làm việc tại Phòng phiên dịch ở Dinh Thượng thư (Direction de l’Intérieur).
Năm 1881, ông được thăng chức Phủ đệ nhị hạng (Phủ de deuxième classe).
Năm 1884, ông được thăng Phủ đệ nhất hạng (Phủ de première classe) và được bổ làm Đốc phủ sứ ngoại ngạch (hors cadre).
Năm 1892, Huỳnh Tịnh Của được chọn làm hội viên của Ủy ban Cải tổ trường Thông ngôn (member de la Commission de r éorganisation du collège des Interprêtes).
Ông tham gia ban biên tập bán nguyệt san Revue Indochinoise (Tạp chí Đông Dương), một tạp chí rất có giá trị học thuật xuất bản từ cuối thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX (1893 – 1925).
Huỳnh Tịnh Của từng làm chủ bút tờ Gia Định báo một thời gian và giữ việc biên tập liên tiếp nhiều năm cho tờ báo này. Ông viết nhiều bài khảo cứu về các cổ tích, khoa học phổ thông, sưu tập thi ca cũ, đồng thời ông còn phiên dịch các bài diễn văn, nghị định, công văn bằng tiếng Pháp ra Việt văn.
Ông dành nhiều thời gian cho việc phinê âm, biên tập vốn văn chương cổ dân tộc: truyện thơ Nôm, thơ văn cũ Nam Kỳ… và xuất bản để phổ biến rộng rãi.
Trong cuộc đời làm công chức, ông được ban thưởng các huy chương: Đại Nam hàn lâm viện trực học sĩ (médaille d’officier de Dragon d’Annam), Đại Pháp hàn lâm kim diệp (médaille d’officier d’Académie), Ngũ đẳng Bắc đẩu bội tinh (chevalier de la Légion d’Honneur), và Kim Khánh Cao Miên (Officier de l’ordre royal du Cambodge).
Huỳnh Tịnh Của cộng tác với chính quyền Pháp nhưng chủ yếu là làm công tác giáo dục, báo chí, trước thuật và với bản tính thanh liêm nên cuộc sống nghèo túng, như Nguyễn Liêng Phong viết: ông là người “hình dung nho nhã, tánh nết cẩn thận hiền lành (...) đã quá tuổi hưu trí mà Nhà nước đoái tưởng ngài tuổi lớn nhà nghèo, cho làm luôn”.
Và Nguyễn Liên Phong có bài thơ vịnh Huỳnh Tịnh Của như sau:
“ Nhớ ông Huỳnh Tịnh Trai,
Chữ nghĩa cũng lắm tài.
Kiếm tiền (kiếm tìm - ĐLG) trò khúc mắc,
Phát dọn sạch chông gai.
Bổn âm cùng quốc ngữ,
Tự điển với thơ bài.
Mở mang ơn biết mấy,
Săng (săn – ĐLG) sóc nhọc không nài.
Ngày nay người hậu tấn,
Học đó ấy sơ giai.
Gắn (gắng-ĐLG) chí dân già (dần dà-ĐLG) đến,
Nào lo mẹo mực sai.
Tuổi trời thêm khỏe mạnh,
Lộc nước hưởng lâu dài.
Tuy đã về âm cảnh,
Nét chữ chẳng sờn phai"
Chữ nghĩa cũng lắm tài.
Kiếm tiền (kiếm tìm - ĐLG) trò khúc mắc,
Phát dọn sạch chông gai.
Bổn âm cùng quốc ngữ,
Tự điển với thơ bài.
Mở mang ơn biết mấy,
Săng (săn – ĐLG) sóc nhọc không nài.
Ngày nay người hậu tấn,
Học đó ấy sơ giai.
Gắn (gắng-ĐLG) chí dân già (dần dà-ĐLG) đến,
Nào lo mẹo mực sai.
Tuổi trời thêm khỏe mạnh,
Lộc nước hưởng lâu dài.
Tuy đã về âm cảnh,
Nét chữ chẳng sờn phai"
5. Một số sai lầm trong liệt kê trước tác Huỳnh Tịnh Của:
Huỳnh Tịnh Của trước thuật bao nhiêu cuốn, là những cuốn nào, xuất bản lần đầu năm nào? Vấn đề này các nhà nghiên cứu ghi không thống nhất và có nhiều sai sót. Ví dụ:
- Từ điển văn học (bộ mới) ghi ông có: Long Châu toàn truyện bổn cư sử in 1905, Maximes et Proverbes (Châm ngôn và Tục ngữ) in 1882; Sách bác học sơ giải in 1887; Tục ngữ, cổ ngữ, gia ngôn in 1896-1897 (sđd, tr.675)
- Nguyễn Q.Thắng ghi ông có: Tống Tử Văn, 1904, Sài Gòn; Long Châu toàn truyện bổn cư sử in 1905 (sđd, tr.402)
- Trong số sách của ông có cuốn: Bác học sơ giải (như Nguyễn Văn Y (tài liệu đã dẫn, tr.16), Từ điển văn học (bộ mới) ghi) hay Bác học sơ giai (như Phạm Long Điền(bđd, tr.56), Bằng Giang (sđd, tr.76), Nguyễn Q.Thắng (sđd, tr.401) ghi)?
Xin lần lượt làm rõ dưới đây:
5.1. Maximes et Proverbes (Châm ngôn và Tục ngữ) và Tục ngữ, cổ ngữ, gia ngôn mà Từ điển văn học (bộ mới) ghi thực ra chỉ là một. Sở dĩ có sự lầm lẫn ấy là vì trang bìa sách in cuối TK.XIX-đầu TK.XX thường ghi 2-3 thứ chữ: Việt, Pháp, Hán. Nguyên văn trang bìa sách này ghi: “俗語古語嘉言 - Tục ngữ, cổ ngữ, gia ngôn - Maximes et Proverbes – par Paulus Của Huỳnh-Tịnh Đốc phủ sứ - Sài Gòn, Imprimerie & Librairie Nouvelles Claude & Cie, 1896”
5.2. Huỳnh Tịnh Của không có cuốn sách nào là “Tống Tử Văn” mà chỉ có cuốn Tống Tử Vưu truyện, trang bìa có ghi cả chữ Hán như sau: “宋子尤傳 Tống -Tử -Vưu truyện – bổn cũ dọn lại – Đốc Phủ Paulus Của – Saigon, Imprimerie Commerciale, 1904”
5.3. Tôi không hiểu tại sao Từ điển văn học (bộ mới) lại ghi Huỳnh Tịnh Của có cuốn: Long Châu toàn truyện bổn cư sử in 1905? Có lẽ người viết mục từ này đã căn cứ vào Từ điển tác gia Việt Nam của Nguyễn Q.Thắng. Mục từ “Huình Tịnh Của” trong từ điển này có viết: tác phẩm của ông có: “Long Châu toàn truyện bổn cư sử, 1905”. Chúng tôi không tìm thấy quyển này, cũng không thấy trong thư mục nào của Huỳnh Tịnh Của nhắc tới quyển này, mà chỉ có cuốn “Lang Châu toàn truyện”. Thế còn “bổn cư sử”, nghĩa là gì? Lịch sử của bản cư à? Mà thế nghĩa là gì? Tôi đọc lại bìa sách mới ngớ ra: có lẽ là “Bổn cũ sửa lại”! Xin chép nguyên văn bìa sách ra đây: “郎珠全傳 Lang-Châu toàn truyện – Bổn cũ sửa lại – Hoàng Tịnh Paulus Của Đốc Phủ Sứ - Saigon, Imprimerie Commerciale Ménard et Rey, 1905”.
5.4. Bác học sơ giai hay Bác học sơ giải? Thực ra “sơ giai” và “sơ giải” đều có nghĩa. “Sơ giai” là bậc thềm đầu, giai đoạn đầu, bước đầu. “Sơ giải” là giải thích đơn giản. Tiếc là chúng tôi chưa tìm thấy cuốn này. Tuy nhiên theo những tác giả có đọc và dẫn tác phẩm này một cách kỹ càng như Phạm Long Điền, Bằng Giang thì tên tác phẩm này là “Bác học sơ giai”, còn các tác giả còn lại có thể không có tác phẩm này trong tay nên đã ghi lầm thành “Bác học sơ giải”.
6. Các trước tác của Huỳnh Tịnh Của:
Ảnh: Bìa sách Lang Châu toàn truyện郎珠全傳, Bổn cũ sửa lại, Hoàng Tịnh Paulus Của,
Đốc phủ Sứ, Saigon, Imprimerie Commerciale Ménard et Rey, 1905
Từ những phân tích trên đây, có thể thấy trước tác của Huỳnh Tịnh Của gồm 24 tài liệu (23 quyển sách riêng và 1 bài thơ phụ ở cuối sách) chia ra như sau:
a. Phỏng dịch:
- Chuyện giải buồn – (Rút trong các sách hay, để giúp trong các trường học cùng những người học tiếng An Nam) – Paulus Của, Đốc phủ sứ, in lần thứ 2, Sài Gòn, Bản in Quản Hạt 1886, Tập 1: 100 tr
- Suie des Chuyện giải buồn, Paulus Của, Đốc Phủ sứ, SG, Bản in nhà hàng Rey et Cutiol, “mới in lần đầu”, 1886, 96 tr; Chuyện giải buồn - cuốn sau, Paulus Của, Đốc Phủ sứ, In lần thứ 3, SG, bản in Quản Hạt, 1895
b. Sưu tầm văn học dân tộc:
- Tục ngữ, Cổ ngữ, Gia ngôn俗語古語嘉言– Maximes et Proverbes, Paulus Của Huỳnh-Tịnh, Đốc Phủ sứ, Sài Gòn, Impr. & Librairie Nouvelles Claude & Cie, 1896, 95 tr
- Câu hát góp – Recueil de Chansons Populaires, Huỳnh-Tịnh Paulus Của, Đốc phủ sứ, Sài Gòn, Impr. Commercial Ménard Legros, 1901. - 32tr
- Ca trù thể cách 歌籌體格, Văn Nôm –Poésie Annamite, Quốc âm thi tập 国音詩集 (rút trong các xấp văn chương), Paulus Của, Đốc phủ sứ, Sài Gòn, Impr. Commercial Marcelles, 1907, 40 tr
c. Phiên âm Nôm ra quốc ngữ:
- Thơ mẹ dạy con – Conseils d’une Mère à sa Fille, Bổn cũ soạn lại, phụ thêm, Hoàng -Tịnh Paulus Của, Đốc phủ sứ, 1907; Saigon, Imp.Moderne, 1913, 12 tr
- Quan Âm diễn ca 觀音演歌, Bổn cũ soạn lại, Hoàng-Tịnh Paulus Của, Đốc phủ sứ, In lần 3, Saigon, Nhà in Xưa nay, 1928, 32 tr
- Trần Sanh diễn ca陳生演歌, Bổn cũ dọn lại, Hoàng-Tịnh Paulus Của, Đốc phủ sứ, Saigon, Imprimerie Commerciale Ménard et Rey, 1905, 61 tr; Bản in của nhà in Thạch Thị Mau 1928 đổi tên là: Trần Sanh Ngọc Anh 陳生玉英, 30 tr
- Thoại Khanh Châu Tuấn 瑞卿珠後書, Bổn cũ dọn lại, Đốc phủ Paulus Của, In lần thứ 6, Saigon, Nhà in Xưa Nay, 1929, 22tr
- Chiêu Quân cống Hồ 昭君貢胡, Bổn cũ dọn lại, Huỳnh-Tịnh Paulus Của, Đốc Phủ sứ, Saigon, Imprimerie Commerciale, 1906, 40 tr
- Văn Doan diễn ca, in lần 3, Huỳnh Tịnh Paulus Của, Đốc Phủ sứ, Saigon, Coudurier & Montégout, Imprimerie & Editeurs, in lần thứ ba, 1906, 100 tr
- Tống Tử Vưu truyện宋子尤傳, bổn cũ dọn lại, Đốc Phủ Paulus Của, Saigon, Imprimerie Commerciale, 1904, 32 tr
- Lang Châu toàn truyện郎珠全傳, Bổn cũ sửa lại, Hoàng Tịnh Paulus Của, Đốc phủ Sứ, Saigon, Imprimerie Commerciale Ménard et Rey, 1905, 38 tr
- Bạch Viên Tôn Các truyện, phụ Chinh phụ ngâm, Bổn cũ soạn lại, Đốc phủ Paulus Của, Saigon, Imp. Commerciale, 1906, 31 tr (ghi theo thư mục trang cuối cuốn Lang Châu toàn truyện, bản in 1905, chưa tìm được)
d. Từ điển và sách khoa học tự nhiên:
- Đại Nam quấc âm tự vị 大南國音字彙- Dictionnaire Annamite, Huình-Tịnh Paulus Của, 2 tập: 1210 tr. Tome I (A-L): Sài Gòn, Imprimerie REY, CURIOL & Cie , 4 rue d’Adran, 4, 1895; Quyển II (M-X): Sài Gòn, Imprimerie REY, CURIOL & Cie , Rue Catinat & d’Ormay, 1896
- Sách Quan chế – des Titres civils et Militaires Francais avec leur traduction en Quốc ngữ, Paulus Của, Đốc phủ sứ, in lần thứ nhứt, Saigon, Bản in Nhà nước, 1888, 95 tr
- Sách Gia lễ, Dọn bốn lễ đầu cùng lễ phép học trò công tư thông dụng (par) Hoàng Tịnh Paulus Của, Đốc phủ sứ, Hồi đồng quản hạt chuẩn tiền, Saigon, Bản in nhà hàng Rey & Curiol, 1886, 40 tr (ghi theo thư mục trang cuối cuốn Sách Quan chế và thư mục của Bằng Giang, chưa tìm được)
- Tân soạn từ trát nhất xấp -Recueil de formules annamites, Bulletin de la Sociéte des Etudes indochinoises (BSEI), Saigon, 1888, 3C trimestre, Bản dịch Pháp văn trong BSEI, Nos 1 et 2, Jav.Jui 1933 số trang là 5-41 (ghi theo thư mục trang cuối cuốn Tục ngữ, Cổ ngữ, Gia ngôn và thư mục của Bằng Giang, chưa tìm được)
- Sách bác học sơ giai – Simples lectures sur les sciences, Bản in nhà hàng Rey & Curiol, 1887, 248 tr, (ghi theo thư mục trang cuối cuốn Sách Quan chế và thư mục của Bằng Giang, chưa tìm được)
- Phép đo - Arpentage, Hoàng Tịnh Paulus Của Đốc Phủ Sứ, in lần thứ nhứt, SG. Imprimerie & Librairie Nouvelles Claude & Cie, 1905, 78 tr
- Phép toán – Arithmétique, S.Imp.Impériale, 1867 (chưa tìm được)
- Phép đo – Géométrie, in 1867 (chưa tìm được)
e. Sáng tác:
- Vãn Cha Minh và Lái Gẫm, là hai vị tử đạo mới thọ phong, S. Imp. de la La Mission à Tân Định, 1902, 59 tr (theo Bằng Giang); Hiện có: “Vãn Thánh Minh, Vãn Lái Gẫm” truyện thơ, Vãn Thánh Minh 628 câu thơ lục bát, Vãn Lái Gẫm 540 câu thơ lục bát
- Thơ gởi cho làng Phước Tụy (Bà Rịa) phụ quấc âm thi nhất thủ, tác giả: P.C.D.P.S (Paulus Của, Đốc Phủ Sứ), ghi đằng sau cuốn Câu hát góp , bản in 1901.
Trong bảng thư mục của Bằng Giang có nói đến mấy cuốn nữa:
- Tống Từ Vân, in 1904, Bằng Giang ghi theo Lược truyện các tác gia Việt Nam của Trần Văn Giáp (NXB.KHXH, HN, 1972), nhưng có thể là ghi lầm từ cuốn Tống Tử Vưu ở trên, vì không thấy bảng thư mục nào in đằng sau sách của Huỳnh Tịnh Của nhắc đến quyển này.
- Bằng Giang cũng lầm khi kể Maximes et Proverbes (in 1882) và Tục ngữ, Cổ ngữ, Gia ngôn (in 1897) thành 2 quyển.
Kết luận
Chữ quốc ngữ Latin từ chỗ là công cụ truyền đạo của các giáo sĩ phương Tây đã trở thành công cụ để xây dựng nền văn hóa mới của dân tộc thế kỷ XX, như chính các sĩ phu yêu nước trong phong trào Đông Kinh nghĩa thục đã xác nhận “chữ quốc ngữ là hồn của nước”. Điều ấy khiến cho chúng ta càng nhớ ơn và khâm phục tầm hiểu biết của những trí thức mở đường cho chữ quốc ngữ vào cuối thế kỷ XIX – mà Huỳnh Tịnh Của là một trong những người có công đầu. Hiện nay một trong những công việc cần làm là tìm thêm tư liệu gốc về ông, đặc biệt phải tìm được phần mộ và nền nhà cũ của ông ở Phước Thọ, Phước Tụy để phục vụ cho công việc nghiên cứu, bảo tồn và du lịch văn hóa.
Nguồn: khoavanhoc-ngonngu.edu.vn