332 lượt xem

Trần Hữu Trang - Kỳ 1

Trần Hữu Trang: Cuộc đời và tác phẩm
 


Soạn giả Trần Hữu Trang

Trần Hữu Trang sinh năm 1906 tại xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo, tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc tỉnh Tiền Giang) trong một gia đình nông dân. Ngay từ nhỏ ông đã say mê đàn hát. Lúc đầu ông đi theo các gánh làm thư ký chép vở, sau đó được Mười Giảng (tức Đặng Công Danh) hướng dẫn, dần dần ông trở thành soạn giả cải lương. Ông cho ra mắt kịch bản đầu tay Lửa đỏ lòng son vào năm 1928.

Những năm 1930, ông nổi tiếng với hàng loạt sáng tác như Tô Ánh Nguyệt (1934), Lan và Điệp (1936), nhất là Đời cô Lựu (1937). Ông cộng tác với các gánh hát Trần Đắc, Năm Phỉ, Phụng Hảo, Năm Châu. Những sáng tác sau đó Tìm hạnh phúc, Mộng Hoa vương, Chị chồng tôi, Tình luỵ, Khi người điên biết yêu– cộng tác với Năm Châu, Lê Hoài Nở – tiếp tục gây tiếng vang lớn.

Ông từng tham gia phong trào đấu tranh đòi thả Phan Bội Châu. Thời kỳ 1930-1931, 1935-1936, ông liên lạc với các cơ sở cách mạng. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông hăng hái tham gia kháng chiến. Năm 1947, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản thuộc Ban Cán sự Văn hoá. Năm 1948, ông trở lại hoạt động tại Sài Gòn, cùng Năm Châu và Ba Vân thành lập Ban phụ trách đoàn Việt kịch Năm Châu, cơ sở kháng chiến đầu tiên của cách mạng trong ngành sân khấu thành phố. Năm 1960, ông là Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và được bầu làm Chủ tịch Hội Văn nghệ Giải phóng.

Ông hy sinh ngày 1/10/1966, tại suối Cây vùng Xa Mát (Tây Ninh) trong một trận bom oanh tạc của Mỹ.
Trần Hữu Trang đã được Nhà nước truy tặng Huân chương Thành đồng và Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – Nghệ thuật đợt 1 (1996).

Tên tuổi của ông gắn liền với nhiều địa danh, nhiều tổ chức như Nhà hát Trần Hữu Trang, Giải thưởng Trần Hữu Trang, đường Trần Hữu Trang, trường Trần Hữu Trang, chợ Trần Hữu Trang…
Soạn giả cải lương Trần Hữu Trang quê ở xã Phú Kiết, tỉnh Tiền Giang (trước đây là tỉnh Mỹ Tho, trước nữa là tỉnh Định Tường).

Soạn giả là con một gia đình trung nông, sau bị phá sản vì chính sách bóc lột của thực dân Pháp. Đời ông nội, gia đình còn có căn nhà vào hạng khá. Đến đời cha, có thời đã phải mướn ruộng đất điền chủ.

Sau này khi viết về những người tá điền, soạn giả Trần Hữu Trang đã thể hiện cảnh ngộ và tâm trạng của họ rất sâu sắc.

Là người có học – thuở nhỏ Trần Hữu Trang cũng chỉ học chữ Nho và tiểu học ở trường làng, nhưng ông đọc sách, tự học được nhiều – có lẽ soạn giả cải lương lừng lẫy tiếng tăm sau này thấy không thể ở thế kỷ XX mà phải cam chịu kiếp nông nô như vậy nên sau khi lập gia đình, ông ra Tân Hiệp làm thợ hớt tóc.

Nhưng rồi không thể kiếm sống được bằng nghề hớt tóc, ông phải đổi sang làm nghề đạp ghe thuyền chở khách từ chợ Hương Điền lên chợ Bến Tre. Đạp ghe thuyền trên mặt nước cũng tựa như đạp xích lô trên bộ, nhưng còn nặng nhọc hơn nhiều khi thuyền ngược nước. “Trong xã hội cũ chỉ có người nghèo mới hiểu người nghèo, mới thiết tha đến vận mệnh của người nghèo, bởi vậy những tác phẩm nhuộm đầy màu sắc xã hội của anh… bao giờ cũng được quần chúng đông đảo hoan nghênh…
Nhớ những gánh hát nghèo hết tiền hết gạo, sắp tan rã được anh đùm bọc, viết vở cho không để diễn. Chiếc áo bà ba rách vá một miếng trên vai, che tạm tấm thân mảnh khảnh không làm anh bạn bận bịu nỗi mình, mà luôn sẵn lòng đi lo cho người khác”. Đó là lời nghệ sĩ Nguyễn Phương Danh (Tám Danh), – “Người bạn già từ thuở hàn vi lang thang trên khắp nẻo đường đời”, đã nói trong lễ truy điệu Trần Hữu Trang tại Hà Nội (20/11/1966). Cuộc sống đổi bát mồ hôi lấy bát cơm đã cung cấp cho soạn giả một vốn hiểu biết, hơn thế, một vốn tình cảm, để sáng tác sau này.

Mẹ Nguyễn Thành Châu (nghệ sĩ Năm Châu) với mẹ Trần Hữu Trang là hai chị em. Nguyễn Thành Châu sớm bước vào sân khấu cải lương từ nhiều năm trước khi phong trào cải lương còn phôi thai và đã trở thành một “thầy tuồng” và “kép hát” có tiếng tăm. Năm 1929, Trần Đắc Nghĩa lập gánh Trần Đắc, mời Năm Châu cộng tác. Năm Châu giới thiệu Trần Hữu Trang vào làm chân bán vé và chép vở. Bước đầu, Trần Hữu Trang đến với sân khấu cải lương khiêm nhường như vậy.

Nhưng không phải hoàn toàn ngẫu nhiên mà Trần Hữu Trang trở thành soạn giả Tư Trang nổi tiếng sau này.
Mỹ Tho vốn là quê hương của cải lương. Người có công gầy dựng nghề hát cải lương ban đầu và đưa cải lương lên thành một loại hình sân khấu là Châu Văn Tú, thường được gọi là thầy Năm Tú. Rạp hát cải lương đầu tiên là do thầy Năm Tú dựng lên ở gần chợ Mỹ Tho. Những bài hát cải lương, những tuồng cải lương được ghi âm vào đĩa nhựa cũng là do công của thầy Năm Tú. Những đĩa hát này mở đầu bằng câu “Đây là gánh hát thầy Năm Tú tại Mỹ Tho ca trên đĩa Pathé nghe chơi”.

Các gánh cải lương lớn đầu tiên Đồng bào Nam, Nam Đồng ban, Tái Đồng ban, Huỳnh Kỳ… đều do các chủ nhân người Mỹ Tho sáng lập.

Mỹ Tho cũng là quê hương của nhiều nghệ sĩ cải lương, có tên tuổi: Hai Giỏi, Năm Châu, Bảy Nhiêu, Tư Chơi, Năm Phỉ, Phùng Há, Bảy Nam, Từ Anh, Hai Thông, Tám Cang, Tám Mẹo…
Gần gũi hơn, ngay nơi sinh trưởng của Trần Hữu Trang, phong trào cải lương cũng tìm được miếng đất màu mỡ trong quần chúng.

“Tại Tân Hiệp (Mỹ Tho), cũng có một nhóm người như các anh Hai Ngọc, Bộ Vang họp với một số anh chị em tài tử khác thành lập gánh hát nhỏ như nhóm hát ở xã Phú Kiết (Mỹ Tho). Một số anh chị em lại tổ chức thành những đoàn, những nhóm hát nhỏ đi diễn các chợ như Tân Hiệp, Nhật Tân, Bến Tranh, Củ Chi, Phú Mỹ… Hoạt động của các nhóm đó có tính cách văn nghệ nhân dân, biểu diễn để phục vụ đồng bào chứ chưa có tính cách kinh doanh”.

Như vậy, Trần Hữu Trang sinh trưởng trên dải đất của đờn ca, của phong trào cải lương. Bản thân soạn giả cũng là một “tài tử” trước khi thành soạn giả. Ông sở trường cây đàn kìm và có một vốn hiểu biết chắc chắn về nhạc dân tộc, nhất là các bài ca cải lương.

Khi ông hớt tóc ở Tân Hiệp, nhà ông thường là chỗ lui tới của nhiều tài tử ca nhạc. Họ đến đây để biểu diễn, thưởng thức, bàn luận về đàn ca. Một trong những khách siêng năng của phòng “khách thính” ấy là Nguyễn Công Mạnh. Vốn là một nghệ sĩ hát bội, sau chuyển sang viết các bài ca cải lương, Nguyễn Công Mạnh là người đã khiêu gợi ở Trần Hữu Trang ý hướng viết cải lương.

Khi Trần Hữu Trang đến với phong trào cải lương, với tư cách chuyên nghiệp chứ không phải “tài tử” nữa, thì phong trào cải lương đã ở vào thời kỳ phồn vinh nhất của nó. Các gánh lớn Tân Thịnh, Tập Ích ban, Văn Hý ban, Tái Đồng ban, Phước Cương, Huỳnh Kỳ, Trần Đắc… đã gây tiếng vang trên các sân khấu từ Nam ra Bắc, cả ở ngoài nước nữa. Năm 1931, khán giả ở Pa-ri đã có dịp nhiệt liệt hoan nghênh nữ nghệ sĩ Năm Phỉ trong vở Xử án Bàng Quý phi – Báo chí Pháp ca ngợi với những lời lẽ trân trọng. Báo Không khoan nhượng (Intransigeant) viết: “Tôi thấy ở trường đấu xảo thuộc địa có một nữ nghệ sĩ Việt Nam mà nghệ thuật không thua bất kỳ một nữ nghệ sĩ nào của ta”. Báo Cô-mê-đi-a nhận định: “Người nữ diễn viên tài ba muốn dẫn chúng ta đi đến đâu cũng được”.

Nhiều vở cải lương đặc sắc được trình diễn, do các soạn giả có tài năng sáng tác.

Soạn giả đầu tiên của sân khấu cải lương Mạnh Tự Trương Duy Toản là một chí sĩ, đã tham gia phong trào Đông Kinh nghĩa thục và là chủ bút các báo Sài Thành, Trung lập báo. Khi bị quản thúc ở Phong Điền (Cần Thơ) ông đã viết nhiều bài ca cho ban nhạc tài tử Ái Nghĩa ca chơi trong thôn xóm. Rồi anh sang Sa Đéc soạn bài ca cho nhóm Sa Đéc Amis. Từ những bài đơn ca cho một người ca, ông dần dần có sáng kiến viết những bài liên ca cho nhiều người ca đối đáp. Đó là hình thức phôi thai của cải lương. Các vở của soạn giả Trương Duy Toản như Lục Vân Tiên, Kim Vân Kiều, Nhị độ mai đều nhằm đề cao đạo lý dân tộc.

Đào Châu là bút danh của soạn giả Đào Trí Phú, một trí thức Tây học cũng giỏi cả Nho học, làm đốc học. Viết vở cho Văn ký ban, ông đã “tung” cao cô đào Chín Thêu với vở Kỳ duyên phổ. Vở diễn thành công lớn đến nỗi khán giả đều gọi cô Chín Thêu bằng cái tên Tô Ngọc Diêu – tên nhân vật – và sau đó cô cũng lấy tên đó luôn. Đào Châu cũng là soạn giả vở Xử án Bàng Quý phi nổi tiếng.

Trần Phong Sắc là soạn giả của gánh Đồng bào Nam. Lớp khán giả đầu tiên của sân khấu cải lương khó quên được hai vở Bội thê thiên xửTham phú phụ bần. Trong vở Tham phú phụ bần, kép Hai Giỏi thể hiện vai thây thông ngôn Trần Trọng Nghĩa thật sâu sắc. Có lần anh bị ốm không ra sân khấu được, khán giả nhất định không cho thay người, gánh hát đành phải khiêng anh ra sân khấu để khán giả thấy rõ tận mắt mới chịu.

Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền là soạn giả viết nhiều vở về nhiều đề tài, thuộc nhiều loại tuồng: Giọt máu chung tình, Trần Hưng Đạo Bình Nguyên (tuồng lịch sử), Phụng Nghi đình, Hoa Mộc Lan tòng chinh (tuồng Tàu), Mã Hoa Nhi (tức Matahari tuồng gián điệp), Thành sầu bể khổ, Màn chót Huỳnh Kỳ (tuồng xã hội)…

Nguyễn Thành Châu (Năm Châu) là một học sinh trung học vì say mê cải lương mà đi vào nghệ thuật. Nghệ sĩ Năm Châu vừa là diễn viên tài năng vừa là soạn giả giỏi. Ông là người có công lớn đối với nghệ thuật cải lương. Ông soạn nhiều vở dựa theo các tích cũ như Thôi Tử thí Tề quân, Mộc Quế Anh dâng cây. Nhưng người ta nhớ đến soạn giả Năm Châu nhiều vì các vở phóng tác theo các tác phẩm phương Tây và các vở sáng tác về đề tài xã hội. Chúng ta có thể kể Giá trị danh dự (phỏng theo kịch Le Cid của Corneille), Tuý hoa vương nữ (phỏng theo kịch Marie Tudor của Victor Hugo)… Đáng chú ý hơn là các vở về đề tài xã hội:Tội của ai? Tiếng nói trái tim, Giấc mộng cô đào, Tư sinh tử (Con không cha hay Sư cụ hàm oan), Phũ phàng (Men rượu hương tình), Đêm dài vô tận (Đêm không ngày)…

Huỳnh Thủ Trung (Tư Chơi) cũng như Năm Châu, vừa là diễn viên vừa là soạn giả. Tư Chơi nguyên là một nhạc sĩ đàn đoản (đàn tứ) từ thời vọng cổ ca nhịp tư ở Tái Đồng ban. Vì một câu chuyện riêng, ông phẫn chí đi tìm thầy học chữ Nho để viết vở. Các vở về tích cũ của ông được nhiều người hâm mộ là Chung Vô Diệm phó hội kỳ bàn, Sơn hà xã tắc, Châu Văn Lễ thọ tam ban, Châu Văn Ngỡi thọ diễn. Về đề tài xã hội, ông có: Lỡ tay trót đã nhúng chàm, Ai bạn chung tình, Khúc oan vô lượng, Đầu xanh có tội, Đời cô Lý…

Và còn nhiều soạn giả khác có vị trí vững vàng như Ngô Vĩnh Khang với vở Tơ vương đến thác, Đặng Công Danh (Mười Giảng) với vở Tứ đổ tường, Lê Hoài Nở với vở Vó ngựa truy phong…

Điểm qua phong trào cải lương như trên, ta thấy Trần Hữu trang bước vào sân khấu cải lương có thuận lợi, đồng thời cũng có khó khăn: sân khấu cải lương đã có bề thế, có quy mô lớn, có truyền thống và được đông đảo khán giả nhiệt liệt ủng hộ. Nhưng tìm được chỗ đứng, đem được cái gì mới đánh dấu sự góp phần của mình vào sân khấu cải lương?

Trần Hữu Trang đi theo con đường nào? Những yếu tố gì đã tạo ra phong cách riêng của soạn giả?

Định Tường là một trong ba tỉnh miền Đông bị quân Pháp chiếm đóng trước tiên.

Sau trận “Bảo định hà lưu huyết”, Mỹ Tho bị mất vào tay quân giặc, nhưng chúng chỉ đóng được ở ba nơi là Gia Thạnh, Gò Công, Chợ Gạo, còn ở các nơi khác nghĩa quân vẫn tiếp tục kháng cự.

Lịch sử kháng chiến chống Pháp còn ghi thành tích vị anh hùng không biết tên thật là gì vẫn thường được gọi là Phủ Cậu. Phủ Cậu bị bán thân bất toại, nhưng quân giặc khiếp sợ oai ông đã tặng cho cái danh hiệu “Hùm xám”.

Trận đánh đồn Thuộc Nhiêu cách Mỹ Tho 20 cây số của Trương Định là một chiến công oanh liệt. Khi nghĩa quân đã lâm vào tình thế thất bại, người của Trương Định vẫn ra vào Mỹ Tho, dán bố cáo đóng dấu Bình Tây đại nguyên soái đàng hoàng.

Vùng này cũng là địa bàn hoạt động của nhiều vị anh hùng kháng Pháp, như Phan Liêm, Phan Tôn, Thân Văn Nhiếp, Trương Huệ…

Bến Tranh, Phú Kiết chính là quê hương của Thủ khoa Huân, vị sĩ phu kháng Pháp nổi tiếng, và cũng là nơi tuyệt mệnh của người chiến sĩ cương trực ấy. Vùng này còn truyền tụng, coi như một danh dự tối cao của địa phương, những giai thoại về Thủ khoa Huân. Ông bị bắt, không chịu đầu hàng, thực dân đày ông đi Côn Đảo rồi đưa sang đảo Re-uy-ni-ông (Réunion) theo kiểu “bán mọi bòn bon”. Khi lìa Tổ quốc, Thủ khoa Huân làm một bài thơ, trong đó có những câu:

Mấy hồi tên đạn ra tay thử
Ngàn dặm non sông dạo gót chơi
Chén rượu Tần đình nào luận tiệc
Vần thơ Cố quốc chẳng ra lời!

Được trả lại tự do, ông lại kéo cờ kháng Pháp. Bắt được ông lần này, chúng đem hành hình giữa chợ Thân Trong ở Phú Kiết để răn đe những người yêu nước. Trước lúc chết, ông để vợ con tế sống và khẳng khái ngâm một bài thơ tuyệt mệnh:

Ruổi rong vó ngựa trả thù chung
Binh bại cho nên mạng phải cùng
Tiết nghĩa vẫn lưu cùng vũ trụ
Hơn thua sá kể với anh hùng.
Nổi sung mất vía quân Hồ Lỗ
Quyết thác không hàng rạng núi sông
Tho Thuỷ ngày rày pha máu đỏ
Đảo Rồng hiu hắt ngọn thu phong.

Những câu chuyện ấy, những lời thơ ấy mãi mãi âm vang trong lòng những người dân Định Tường.
Khi nổi lên phong trào Đông Du do nhà chí sĩ Phan Bội Châu đề xướng, các thân hào, nhân sĩ Tiền Giang hưởng ứng mạnh mẽ. Trần Chánh Chiếu (tức Gilbert Chiếu) là một trong những người có công lớn trong việc cổ động và tổ chức học sinh xuất dương. Cơ sở hoạt động của ông ở Mỹ Tho chính là nhà hàng Minh Tân. Ca ra bộ dạng sơ khởi của cải lương – ra mắt khán giả đầu tiên ở nhà hàng này.

Trong phong trào “Hội kín Nam kỳ”, Tiền Giang đóng một vai trò quan trọng: Ở Mỹ Lợi có phong trào Nghĩa Hoà hội, ở Thái Sơn có Duy Tân hội, ở Long Hưng có Phục Hưng hội, ở Mỹ Tho có Thi Bình hội. Các nhóm chính trị khoác áo tôn giáo cũng có những tổ chức tại Mỹ Tho: thí dụ nhóm Nguyễn Văn Tiên ở làng Hiếu Đạo.

Sống ở nơi diễn ra nhiều sự kiện yêu nước như vậy và là người ham đọc sách, ưa suy nghĩ, Trần Hữu Trang sớm có tinh thần dân tộc sâu đậm. Ông Nguyễn Văn Trí thuật lại một số chuyện: trong cao trào yêu nước 1926-1928, Trần Hữu Trang là một trong số người hăng hái đấu tranh đòi thả Phan Bội Châu, hưởng ứng những buổi diễn thuyết của Phan Chu Trinh và để tang nhà chí sĩ. Có lần, một đồng chí cách mạng bị mật thám theo riết phải chạy vào hiệu hớt tóc của Trần Hữu Trang.

Ông bình tĩnh che giấu đồng chí ấy và đánh lạc hướng bọn mật khám. Khi đồng chí ấy đi, ông mở tủ: cả nhà còn 20 đồng bạc ông đưa tất cả cho làm lộ phí. Một người bạn tham gia phong trào chính trị bị bắt đày ra Côn Đảo 15 năm, người vợ ở nhà đi lấy chồng khác, Trần Hữu Trang rất phiền lòng về việc này, nhiều lần đến khuyên can, sau tha thiết đề nghị cho đem con người bạn về nuôi dạy (Trong câu chuyện này có những chi tiết giống như Đời cô Lựu Chị chồng tôi). Trong thời kỳ Trần Hữu Trang làm cho gánh Phụng Hảo, chiến sĩ cộng sản Nguyễn Chí Diểu đã từng đến gặp soạn giả để trao đổi về khuynh hướng “tả thực xã hội”.

Trong cuộc sống thường ngày, Trần Hữu Trang ưa sự giản dị. Khác với nhiều văn nghệ sĩ khác, hễ “có tài là có tật”, Trần Hữu Trang không mắc một thứ nghiện nào, ngay khi ông đã lừng lẫy tiếng tăm cũng vậy. Thực ra, soạn giả Tư Trang chưa bao giờ giàu, mặc dù vở của ông được các đoàn tranh nhau diễn. Hai hãng dĩa nhựa đã kiện nhau trước toà án Sài Gòn về việc thu thanh vở Tô Ánh Nguyệt.  Trên tờ báo Dân Nguyện (30 tháng 7 năm 1954), một ký giả đã tỏ ý bất bình khi thấy các gánh hát lợi dụng các vở diễn của Trần Hữu Trang để thu những món lợi nhuận lớn, trong khi ấy soạn giả sống túng thiếu giữa thành phố “Sài Gòn hoa lệ”: “Anh Trần Hữu Trang vốn ít nói, không bao giờ anh chịu nói cả. Nhưng tôi thấy phải nói. Tôi thấy phải nói vì tôi thấy anh Tư Trang mặc chiếc áo “chemise” màu trắng hoá ra màu ngà, cổ áo rách bươm, vai mạng vài chỗ. Tôi thấy tôi phải nói vì tôi hiểu rõ cách sống đạm bạc thanh bần của anh Tư Trang”.

Các gánh ít vốn đến nhờ giúp vở, soạn giả thường cho không lấy tiền.

Thường thường soạn giả ăn lót dạ buổi sáng mấy củ khoai, một trái bắp, hoặc một chút xôi, bữa cơm có món mặn thường là cá kho và rau. (Ông ưa rau lang vì có bệnh đau ruột già). Soạn giả rất khi đi ăn tiệm. Vui anh em rủ hoặc vì công việc thì đi, nhưng không bao giờ nhậu nhẹt đến mức say sưa cả. Quần áo thường dùng là một bộ bà ba trắng. Mặc âu phục thì áo sơ mi luôn dắt trong quần, đội mũ cối trắng, đi dép (xăng-đan) chỉ khi nào cần lịch sự thì mới  mặc vét-tông, thắt cà-vạt.

Soạn giả Trần Hữu Trang thích ngăn nắp, trật tự trong khi làm việc. Ông thường viết vở trong nhà hát. Nhiều soạn giả với tác phong gọi là “nghệ sĩ bạ đâu cũng đặt giấy viết: trên mặt một chiếc hòm hoặc một chiếc bàn để ngồi viết”. Ông viết chữ nghiêng rất cẩn thận, chú ý từng dấu chấm, phẩy, nét chữ rõ ràng, không viết tháu. Khi đã là soạn giả nổi tiếng, ông vẫn viết lại bản thảo chu đáo như khi còn là người thư ký chép vở bình thường. Ông viết chữ bằng bút chấm mực, ít dùng bút bi. Sau này có người cho một chiếc bút máy Parker thì ông giữ dùng mãi.

Ban ngày bận nhiều việc, ông viết vào buổi tối. Không khi nào thức quá 2 giờ sáng, ông giữ tác phong làm việc đều đặn, không tùy hứng.

Tính tình ông trầm tĩnh, chân chất, chan hoà với mọi người. Trong các đoàn, mọi người gọi ông bằng những cái tên thân mến: Anh Tư, thầy Tư. Người ta còn quen gọi ông là Tam Tạng vì tên Trần Hữu Trang và cũng vì tính nết ông rất hiền từ đôn hậu. Anh em có chuyện xích mích, luôn luôn ông là người hoà giải. Trong điếu văn đọc ở lễ truy điệu soạn giả, nghệ sĩ Tám Danh đã nói: “Tình đó, nghĩa đó, ai mà không phục. Bởi vậy khi có chuyện giận hờn xích mích nhau trong nội bộ mà vắng mặt anh, thì hai tiếng Tư Trang là khẩu hiệu tự nhiên nhắc nhở kép, đào, họa sĩ, nhạc công đoàn kết”.

Đối với bạn bè, soạn giả lấy sự trung tính làm gốc. Gặp ai có chút tương đắc, ông hỏi rõ địa chỉ, ghi lại cẩn thận để qua lại thăm viếng hoặc trao đổi thư tín. Vì thế, anh em còn thường gọi đùa ông là “Trần địa chỉ”. Đã là bạn thì dù thường ngày hay gặp nhau hoặc vì hoàn cảnh ít có dịp gần gũi, ông đều giữ mối giao tình đằm thắm… Trong cuốn sổ lưu niệm của nhà điêu khắc Diệp Minh Châu có những dòng viết của soạn giả Trần Hữu Trang:

Một người bạn gặp anh rất nhiều, nói với anh rất ít và không khi nào anh nghe có tỏ ra nửa lời khen về anh. Nhưng, một tấm lòng vẫn quý trọng anh cũng như đã quý trọng bao nhiêu bậc có chân tài.
Ngoài ra, tôi lại còn ưa mến riêng anh về cái đức tính: vui vẻ, dễ dãi và hiền lành.
Năm năm trước, vào những đêm gió mưa rét mướt, chúng ta đã gặp nhau trong một gian nhà chật hẹp phố Mã Mây. Rồi khi đó, khi đây, thỉnh thoảng ta lại gặp nhau, bắt tay nhau cười mà không nói.
Sống và “sáng tạo”.
Chúng ta đã hiểu nhiều nhau bằng một tâm hồn.
Lòng thành gửi bạn Diệp Minh Châu, một họa sĩ có chân tài, biết yêu nghề, yêu đời và yêu người.
(Ký) Trang
Sài Gòn một ngày hạ tuần mùa đông Giáp Thân (9-2-1944)
Trần Hữu Trang – Phú Kiết – Mỹ Tho.

Trong cuốn sổ lưu niệm của Tiến sĩ Sử học Phan Lạc Tuyên cũng có một trang viết của Trần Hữu Trang:
Ghi lại mấy câu vọng cổ trong vở ca kịch Đời cô Lựu

Cảnh thứ ba
Lúc anh Hai Thành vượt Côn Đảo về gặp vợ chồng ông Hương lão, người cùng xóm với nhau, cùng nhau kể lại sự tình.
Tặng bạn Trường Giang để ghi nhớ một buổi sáng (5-1-64) giữa lúc Đại hội Mặt trận DTGPMNVN, nhân dịp chúng tôi ở cạnh nhà nhau, cùng nghe chuyện qua Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam, thư của nhà soạn kịch Sĩ Tiến ở miền Bắc gởi thăm các bạn nghệ sĩ sân khấu miền Nam và tôi. Và anh Sĩ Tiến ngỏ ý muốn dựng lại vở Đời cô Lựu.
Ngày 8-2-64
(Ký tên) Trang
(Trần Hữu Trang)


Vài trang trong nhiều trang lưu niệm hoặc thư mà soạn giả Trần Hữu Trang gửi các bạn, đã nói lên khá đầy đủ cách đối xử chân tình của soạn giả với các bạn hữu. Ta đã hiểu vì sao trong nhiều vở của soạn giả có những mối tình bạn hết sức cao đẹp.
Còn nữa.

Nguồn: Nghiencuulichsu.com