Người ta nói rằng Vua Khải Định là một người có vẻ “màu mè”, đỏm dáng. Có lẽ người ta căn cứ vào những tấm hình của vua với đầy đủ áo mão cân đai, huy chương, bội tinh đầy trên ngực, mà phán đoán như thế. Đây là những hình ảnh có tính cách chính thức của triều đình nên Vua phải ăn mặc cho thật trang trọng, đúng địa vị của người quyền quí, chẳng hạn Vua Thành Thái cũng có một tấm hình như thế, điều này có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, việc trên hai bàn tay của vua có đến tám chiếc nhẫn kim cương là điều khác thường, và so với hình ảnh của mấy ông Vua khác như Thành Thái “Thành Thái” , Duy Tân “Duy Tân” , Hàm Nghi thì rõ ràng vua Khải Định có phần đỏm dáng hơn. Chính điều này đã góp thêm phần làm cho người ta tin tưởng vào tin đồn vua là một người đàn ông bất lực, vô sinh. Khi triều đại đang còn, người ta chỉ dám xầm xì. Sau này, đã có nhiều sách và bài báo viết hẳn về nghi vấn này, nhưng vẫn chưa có một kết luận tích cực nào .
Việc tiếp xúc với Tây phương, trực tiếp là người Pháp, đã ảnh hưởng lớn đến cảm quan của Vua Khải Định. Trong cách ăn mặc của vua, ảnh hưởng này thấy rất rõ. Chỉ có bộ phẩm phục đại triều là thuộc về lễ nghi truyền thống, có tính cách thiêng liêng, nên Vua không dám đụng tới, còn ngoài ra thì Vua mượn cảm hứng từ phương Tây mà chế tác thoải mái.
Điển hình là bộ võ phục của Vua, như thấy qua các hình ảnh còn sót lại ngày nay. Trong bộ võ phục này, căn bản là chiếc áo dài đàn ông may chẽn, nhưng là áo của vua nên phải thuộc loại gấm vóc, thêu rồng vẽ phượng khác hơn người thường. Điều đáng nói là vua đã cho gắn thêm hai cái ngù vai (épaulette, còn gọi là khiên chương) — là thứ thường thấy trên lễ phục của sĩ quan Pháp. Ngoài ra, thay vì mang hia, vua đi ủng da (botte) láng bóng, có trang trí hoa văn bằng bạc, ngang lưng mang đai cẩn ngọc, mang kiếm Pháp, tay mang bao tay trắng, quần tây trắng, nhưng đầu vẫn bịt khăn đóng và có khi đội nón chóp. Cái nón này lợp bằng lông vũ, bọc lụa vàng, có chóp bằng vàng. Vua cũng có một cái nón chóp khác màu đen. Chính lối phục sức nửa Tây nửa ta này, cùng với hai bàn tay mang tám chiếc nhẫn mặt ngọc, đã làm cho nhiều người đương thời dè bỉu, bài bác. Phan Châu Trinh “Phan Châu Trinh” , trong Thư thất điều “Thư thất điều” năm 1922, đã đem khoản ăn mặc này kết thành tội thứ năm, gọi là “Phục sức lố lăng”, không theo đúng qui định của Hội điển , làm mất thể thống quốc gia.
Hiển nhiên là Vua rất thích lọai trang phục này nên thường thấy mặc trong các buổi lễ chính thức, như thấy trong những hình ảnh ghi nhận vào dịp Vua đi thăm miền Bắc năm 1918, và đi Pháp “Vĩnh Thụy” dự cuộc đấu xảo Marseille năm 1922.
Vua Thành Thái đi thăm Sài Gòn năm 1898 Vua Khải Định với võ phục (cải tiến), trong một buổi lễ chính thức tại Paris, 1922
(Nguồn: Sưu tập)
Riêng tôi, khi được nhìn thấy một tấm hình khác của Vua Thành Thái thì lại có một ý nghĩ khác về sự“cải cách y phục” của vua Khải Định. Tấm hình này do Léon Sogny, trùm Mật thám Trung kỳ, đồng thời cũng là một cây bút chủ lực của Bulletin des Amis du Vieux Hue, công bố trong BAVH số 1 , tháng 1-3 năm 1942, trong mục Hình ảnh quá khứ (Images du passé) với chú thích:
“Vua Thành Thái, Toàn quyền P. Doumer và tướng Bichot tại Sàigòn vào tháng 12 năm 1899”
Hẳn nhiên, đây là một buổi lể chính thức — lễ đón tiếp Vua thăm Sàigòn năm 1899– nên ai cũng phải mặc lễ phục. Vua không thể mặc đồ đại triều vì không phải phép, nên chọn võ phục (để ý tay áo chẽn chứ không phải tay áo rộng). Có lẽ Vua đang cùng Toàn quyền và Tướng Bichot duyệt đội quân dàn chào theo lễ nghi quân cách Tây phương, nhưng trông Vua có vẻ luộm thuộm, không oai, như ai đó mặc đồ hát bội. Phải chăng rút kinh nghiệm này mà Vua Khải Định, khi cờ tới tay, đã tự thiết kế cho mình một trang phục thích hợp hơn? Nếu quả đúng như thế thì cũng không nên khe khắc thái quá về lối phục sức của Vua, vì ít ra trông cũng gọn ghẽ, được mắt hơn, như có thể thấy trong tấm hình sau:
Không những Vua cải cách y phục cho riêng Vua mà còn cải cách cho cả các cận thần, chẳng hạn, các Thị vệ. Thay vì mang hia, Vua cho các Thị vệ mang giày ống, trông gọn gàng và mạnh mẽ hơn. Đồng phục của kỵ binh cũng được đổi mới theo kiểu Tây phương, thay vì mặc áo trấn thủ, chân đất quấn xà cạp thì được mặc áo nỉ đỏ, mặc quần trắng, đi giày, đội nón kiểu Tây. Tinh thần cải cách này còn được thấy rõ hơn trong các công trình kiến trúc dưới thời này.
Vua Khải Định mới ra đi cách nay hơn ba phần tư thế kỷ (1925-2005) nhưng những tài liệu liên quan đến ông không còn bao nhiêu. Theo ghi nhận của một người Pháp, sau khi Vua Đồng Khánh mất vào đầu năm 1889, hai bà vợ chính của Vua – thường được gọi là bà Thánh Cung và bà Tiên Cung – đã đem con cái rời cung điện đến ở tại lăng Đồng Khánh, tức Tư lăng, không phải chỉ để cư tang 3 năm như người ta nghĩ mà ở mãi cho đến khi ông Hoàng Cả (Bửu Đảo) được 18 tuổi thì mới dọn về ở tại phủ Phụng Hóa bên bờ sông An Cựu, về sau là cung An Định.
Thầy tôi làm thị vệ dưới hai triều Khải Định và Bảo Đại thường tỏ ra khâm phục về học vấn và kiến thức của Vua Khải Định. Theo ông cụ, tất cả những điều ông biết rành rẽ về điển lễ triều đình, về Đại Nội là do Vua giảng giải mỗi lần theo chân chầu hầu. Tôi không mấy tin, vì nghĩ rằng “mẹ hát con khen hay” là chuyện thường, nhưng De Tessan, tác giả bài báo đã dẫn, lại cũng bày tỏ một ý như thế, điều đó chứng tỏ rằng mặc dầu Tiên vương mất sớm, phải rời cung điện khi mới hơn 3 tuổi, nhưng rõ ràng ông Hoàng Cả đã được hai bà mẹ chăm lo việc hấp thụ một nền học vấn tại gia rất chu đáo. Về tiếng Pháp, ông có thể nghe và hiểu được chứ không nói được.
De Tessan ghi nhận rằng ông Hoàng Cả đã có một nếp sống đạm bạc, đơn giản. Nói thẳng ra là nghèo, điều này một số người Huế đương thời có dịp gần gũi phủ Phụng Hóa đều biết. Vua quan đều do Tây phát lương, các ông Hoàng bà Chúa cũng thế. Nghèo nhưng ham chơi, với các món bài bạc, hát xướng, nên mắc nợ khá nhiều.
Mệ Ngoại tôi, vốn buôn bán ở chợ An Cựu, thường có dịp vô ra phủ Phụng Hóa, có kể lại rằng Vua khải Định rất sợ Vua Thành Thái, mỗi lần đi đường mà thấy có đoàn quan quân hộ tống Vua Thành Thái đi ở xa là phải lo vội vã kiếm đường khác trốn tránh vì nếu để Vua Thành Thái bắt gặp, thế nào cũng bị đánh đập. Câu chuyện tưởng chỉ có giá trị như chuyện đời xưa của một bà già trầu kể lại lúc vui với con cháu, không ngờ lại được xác nhận qua sách báo. De Tessan, trong bài báo đã dẫn, đã ghi lại rất rành rẽ rằng “Vua Thành Thái, tự trong sâu xa, rất hiềm khích với ông Hoàng trẻ, trong khi ông này không ngờ gì cả. Vua không bỏ qua một dịp hà hiếp nào. Thế nên ông Hoàng Phụng Hóa bị cấm cửa không cho phép vào Hoàng cung tham dự các lễ tiết lớn. Người ta gạt ông ra khỏi mọi thứ vinh dự.[VHA nhấn mạnh] Một chút trợ cấp nhỏ nhoi được cấp phát. Nhưng ông Phụng Hóa đã nhẫn chịu mọi thứ khốn khổ này.” (tr. 156)
Cụ Vương Hồng Sển, vốn là công chức của xứ Nam kỳ thuộc địa — không biết có chịu ảnh hưởng bài báo của de Tessan xuất bản ở Paris hay không — vậy mà cũng biết chuyện đó và ghi nhận rằng, khi đang còn là ông Hoàng, Vua Khải Định thường bị Vua Thành Thái “húng hiếp, gặp mặt là rượt đánh, là sỉ mạ lắm điều…” Cho nên, có thể tin rằng sự hiềm khích này là có thật và Vua Khải Định một thời là nạn nhân — một bi kịch cung đình thường xảy ra, như đã từng xảy ra trong triều đại này.
Về mặt vai vế trong dòng họ thì Vua Thành Thái (Bửu Lân) là anh chú bác của Vua Khải Định (Bửu Đảo) vì cả hai cùng một thế thứ chữ lót là Bửu, như đã chỉ định trong câu đầu của bài Đế hệ thi của vua Minh Mạng: Miên, Hồng, Ưng, Bửu, Vĩnh… nhưng dẫu là vai anh và ở vào địa vị làm Vua đi nữa, cũng không thể có thái độ ghét bỏ lộ liễu như thế. Chưa tìm thấy lời giải thích đáng tin cậy về sự thực này nhưng ta có thể đặt câu hỏi: liệu sự ghét bỏ này có đóng góp gì vào dư luận xấu về Vua Khải Định hay không?
Vua Đồng Khánh “Đồng Khánh” mất sớm, chỉ mới 25 tuổi, nhưng có hai bà vợ (chính) và 6 người con, trong đó, Vua Khải Định là con trai trưởng.
Khi Vua Khải Định và Vua Bảo Đại “Bảo Đại” tại vị, người ta thường gọi hai bà vợ của vua Đồng Khánh“Đồng Khánh” là Đức Thánh Cung “Thánh Cung” và Đức Tiên Cung “Tiên Cung”. Đó là cách gọi thường ngày chứ không phải tước hiệu chính thức. Khi nói đến cả hai bà, triều đình gọi là Lưỡng Tôn Cung.
Từ đời Minh Mạng “Minh Mạng” (1819-1841) trở về sau, nhà Nguyễn theo lệ Ngũ bất lập , trong đó có không lập Hoàng hậu và không lập Thái tử. Vợ chính thường được phong làm Hoàng Quí Phi hay Nhất giai Phi. Chỉ mấy tháng sau khi lên ngôi, Vua Khải Định đã tấn tôn hai bà mẹ lên làm Hoàng Thái Phi.
Bà Thánh Cung “Thánh Cung” là vợ thứ nhất của Vua Đồng Khánh “Đồng Khánh”, húy là Nguyễn Thị Nhàn “Nguyễn Thị Nhàn”, con gái thứ hai của ông Nguyễn Hữu Độ “Nguyễn Hữu Độ”, Cần Chánh “Cần Chánh”Điện Đại học sĩ, Kinh Lược Sứ Bắc kỳ, là người có thế lực nhất trong triều đình lúc bấy giờ, và rất được người Pháp tín nhiệm. Đám cưới diễn ra vào tháng 2 năm 1886. Bà được phong ngay làm Hoàng Quí Phi (tức Hoàng Hậu), lãnh trách nhiệm tổng quản Lục Viện . Năm 1924 Vua Khải Định đã làm lễ tấn tôn bà làm Khôn Nguyên Hoàng Thái Hậu “Khôn Nguyên Hoàng Thái Hậu”. Rồi sau đó, 1933, vua Bảo Đại “Bảo Đại” lại làm lễ tấn gia tôn làm Khôn Nguyên Xương Đức Thái Hoàng Thái Hậu. Bà mất tháng 11 năm 1935.
Ở đây cần mở một dấu ngoặc lớn để thấy những cuộc hôn nhân có tính cách chính trị diễn ra lúc đó, tạo nên những bất thường chỉ thấy trong giới quí tộc và cung đình.
Ông Nguyễn Hữu Độ có tất cả 9 trai và 8 gái.Về phía con trai, có nhiều người làm lớn, chẳng hạn, Nguyễn Hữu Tường, Thự Tổng đốc Hưng Yên; Nguyễn Hữu Lữ, Lang trung, Nguyễn Hữu Tỷ “Nguyễn Hữu Tỷ”, năm 1916, là Quản lý Thị vệ “Thị vệ”, lấy Công chúa Ngọc Lâm “Ngọc Lâm” là chị cả của Vua Khải Định. Lại có người con trai khác là Nguyễn Hữu Khâm “Nguyễn Hữu Khâm”, làm Phò mã Đô úy, lấy Công chúa Tân Phong, em của vua Thành Thái “Thành Thái”, tục gọi là Bà Chúa Tám.
Về phía con gái, ngoài người con gái thứ hai lấy vua Đồng Khánh “Đồng Khánh” vừa nói, về sau còn có người con gái thứ sáu tên là Nguyễn Thị Nga “Nguyễn Thị Nga”, lấy vua Thành Thái “Thành Thái”. Bà là vợ thứ nhất, được phong làm Nhất giai Huyền Phi.
Như vậy, về mặt thế thứ thì quan hệ giữa Vua Đồng Khánh “Đồng Khánh” (Ưng Kỳ) và Vua Thành Thái“Thành Thái” (Bửu Lân) là chú cháu, nhưng trong đại gia đình Nguyễn Hữu thì lại là anh em cột chèo (bạn rể). Cũng trong đại gia đình Nguyễn Hữu, Vua Đồng Khánh vừa là anh rể vừa là nhạc gia của ông Nguyễn Hữu Tỷ.
Bà Tiên Cung “Tiên Cung” , người làng Trung Kiền huyện Phú Lộc, mẹ ruột Vua Khải Định, là vợ thứ hai của Vua Đồng Khánh “Đồng Khánh”, mặc dầu bà là người đã gặp Vua Đồng Khánh trước bà Thánh Cung “Thánh Cung” . Bà húy Dương Thị Thục “Dương Thị Thục”, là con gái của Phú Lộc Quận Công Dương Quang Hướng. Kể về thứ bậc thì thua bà Thánh Cung nhiều, nhưng lại có thế rất mạnh là có con trai trưởng làm Vua. Năm 1886, bà mới chỉ được phong làm Ngũ giai Tiếp Dư; qua năm 1889, lên Tứ giai Hòa Tân, và mãi đến năm 1914, mới được Vua Duy Tân “Duy Tân” phong làm Tam giai Nghi Tân trong một buổi lễ khá long trọng ở phủ Phụng Hóa. Sau khi lên ngôi, Vua Khải Định tấn tôn bà làm Hoàng Thái Phi, rồi đến năm 1924 mới tấn tôn làm Khôn Nghi Hoàng Thái Hậu “Khôn Nghi Hoàng Thái Hậu”. Sau đó, vua Bảo Đại “Bảo Đại” tấn gia tôn làm Khôn Nghi Xương Minh Thái Hoàng Thái Hậu (1933). Bà mất năm 1944.
Sau khi con trai làm Vua (5/1916), hai bà mới trở lại cung cấm. Bà Thánh Cung “Thánh Cung” ở tại cung Ninh Thọ (sau Vua Khải Định đổi làm Diên Thọ “Diên Thọ”), và bà Tiên Cung “Tiên Cung” ở tại cung Trường Ninh (sau đổi làm Trường Sanh “Trường Sanh”). Vua Khải Định, ngay từ khi còn tiềm để, đã tỏ ra là một người con rất có hiếu với cả hai bà mẹ.
Về đường vợ con, Vua Khải Định có vẻ rắc rối hơn Vua cha, mặc dầu cả hai đều giống nhau là đã có con trai trưởng từ lúc chưa làm Vua. Những sách báo đã xuất bản khi viết về chuyện vợ con của Vua Khải Định đều đưa ra những kiến giải khác nhau, điều đó chứng tỏ sự việc mới xảy ra hồi đầu thế kỷ XX, nhưng tới nửa sau của thế kỷ này sự tìm kiếm thông tin chính xác không phải là dễ, và dư luận vẫn có một sức mạnh đáng kể. Cho đến nay, chưa tác giả nào dám quả quyết rằng điều họ viết ra là sự thật duy nhất.
Trước hết, hãy nói về các bà vợ. Theo hồi ký của Vua Bảo Đại – Le Dragon d’Annam, (Con Rồng Việt Nam) — thì sáng sớm ngày 15 tháng 5 năm 1922, cả 12 bà vợ của Vua Khải Định, theo thứ tự cấp bậc lớn nhỏ sắp hàng quì tiễn đưa vua lên đường sang Pháp, đem theo Thái tử Vĩnh Thụy, 9 tuổi, du học.
Hầu như các tác giả khi viết về đường vợ con của Vua Khải Định đều đồng ý rằng bà vợ đầu tiên, được chính thức cưới hỏi từ khi còn tiềm để, là con gái của Thượng thư Trương Như Cương. Tuy nhiên, vấn đề bà này có sống chung trong Tử Cấm thành với Vua sau năm 1916 hay không, thì có hai nguồn tin trái ngược nhau. Một số cho rằng Phụng Hóa Công đã ly dị bà họ Trương trước khi làm Vua, do sự mâu thuẫn với nhà vợ về chuyện tiền bạc . Còn theo tác giả Trần Gia Phụng, thì “Sau khi lên ngôi, vua Khải Định phong bà Nhứt (con của Thương thư Trương Như Cương) hàng Đệ Nhất giai phi, lên làm Hoàng quí phi…”
Theo tôi, có lẽ bà họ Trương đã giã từ Phụng Hóa Công trước ngày ông Hoàng bước lên ngai vàng. Một cách chủ quan, nói như thế là vì tôi chưa hề nghe thầy tôi, trong khi kể chuyện cung đình, đề cập mảy may gì về bà họ Trương cả, mà chỉ nói đến “Bà Ân”, “Đức Từ” và các bà khác.
Không rõ Phụng Hóa Công cưới bà họ Trương vào năm nào, nhưng điều có thể biết rõ là lúc Vua Khải Định lên ngôi vào tháng 5 năm 1916 thì ông Cương là đương kim Thượng thư Bộ Lại, và qua tháng 5 năm 1917 thì cùng về hưu một lượt với Thương thư Bộ Hình Huỳnh Cổn; đến cuối năm 1917, Vua chính thức nạp phi (vua cưới vợ), là con gái của Thượng thư Bộ Học Hồ Đắc Trung. Chính ba yếu tố này – ông Trương Như Cương đang tại chức; Phụng Hóa Công vừa trở thành Vua Khải Định; và hơn một năm sau Vua chính thức cưới vợ — làm cho tôi tin rằng bà họ Trương và ông Hoàng đã chia tay trước khi ông được làm Vua, bởi vì nếu việc ly dị xảy ra sau khi làm Vua thì cũng khó coi trong triều đình và sẽ tạo nên một dư luận rùm beng trong cái xứ Huế nhỏ bé này.
Còn bà họ Trương, nghe nói sau khi về nhà mẹ, đã vô núi Sầm thuộc làng Thanh Thủy Thượng (xã Thủy Dương), huyện Hương Thủy, lập chùa và đi tu. Người ta nói rằng sau khi lên ngôi, Vua Khải Định có cho mời bà trở lại cung cấm với ngôi vị Nhất giai phi nhưng bà từ chối vì đã chán mùi trần tục. Dân địa phương vẫn gọi bà là Bà Hoàng và ngôi chùa bà tu là Chùa Bà Hoàng. Thậm chí con khe chảy ngang cũng là Khe Bà Hoàng. Tôi tin rằng bà họ Trương không có mặt trong số 12 bà vợ tiễn đưa Vua Khải Định đi Tây vào buối sáng hôm tháng 5 năm 1922.
Vậy 12 bà vợ những ai? Điều có thể biết chắc là có mặt bà Nhị giai Hữu phi, thân mẫu Vua Bảo Đại, bởi vì Vua có nói rõ như thế, và bà Nhất giai Ân phi Hồ Thị Chỉ. Ngoài hai bà này, phải có 10 bà nữa là những ai? Trong tang lễ của Vua Khải Định vào cuối 1925 đầu 1926, khi nói về việc để tang, Bộ Lễ có trình rằng hai bà Phi và 3 bà Tân sẽ chịu đại tang 15 tháng, số còn lại, từ cấp Lục giai Tiếp dư cho đến Cửu giai Tài nhân đều chịu trung tang 12 tháng Ba bà Tân là những ai? Đó là Tam giai Diệu Tân (con của quan Tham tá Nội Các Phạm Hòe), Tứ giai Du Tân (con của quan Thượng thư Bộ Công Võ Liêm) và bà Ngũ giai Điềm Tân (cháu nội của quan Thượng thư hưu trí Nguyễn Đình Hòe). Về các bà cấp Tiếp thì tôi biết có bà Tiếp Du. Tác giả Trần Gia Phụng có kể thêm ba bà khác nữa là bà Tân Diệm, bà Tiếp Táo và bà Tiếp Quí Trang. Nếu kể gộp như thế thì được cả thảy 9 bà, 3 bà còn lại không ai biết. Điều này dễ hiểu, vì trong hậu cung nhà Nguyễn, chỉ bậc Lục giai Tiếp dư trở lên mới được gọi bằng “Bà”, 3 bậc còn lại là Thất giai Quí nhân, Bát giai Mỹ nhân và Cửu giai Tài nhân chỉ được gọi bằng“Chị” mà thôi. Và vì mới ở cấp “Chị” nên chả ai nhớ làm gì. Cũng cần nói thêm rằng theo đúng chữ nghĩa thì phải đọc là Tiệp dư 婕妤, nhưng giới cung đình ở Huế quen đọc là tiếp. Tương tự, tên chữ là Tần 嬪, nhưng cung đình quen gọi là tân. Thêm nữa, khi nói bà Ngũ giai Điềm Tân là nói chữ, nói theo cấp bậc, còn trong thường ngày, người ta gọi là “bà Tân Điềm”, “Bà Tiếp Du” v.v.
Trong các bà này, chỉ có hai bà số 1 (Hồ Thị Chỉ) và số 2 (Hoàng Thị Cúc) là có nhiều chuyện để nói.
Ngày 3 /12/1917, nhằm ngày 19 tháng 10 năm Khải Định thứ 2, Vua cử triều đình đi cưới cô Hồ Thị Chỉ, nữ sinh trường Đồng Khánh, ái nữ của quan Học bộ Thượng thư Hồ Đắc Trung, về làm Chánh phi. Năm ngày sau, 8/12/1917 Vua sắc phong cho người vợ mới cưới làm Nhứt giai Ân Phi , từ đó, cung đình và dân Huế gọi cô nữ sinh ngày xưa là Bà Ân. Lúc đó bà mới 15 tuổi. Cũng là duyên trời đưa đẩy, nhưng có phần ngược gió. Bảy tháng trước, chiều ngày 15/7/1917, vào lúc 17 giờ, có lễ đặt đá xây dựng trường nữ trung học đầu tiên của Huế – được gọi là Collège Đồng Khánh. Buổi lễ đặt dưới quyền đồng chủ tọa của Toàn quyền Albert Sarraut và Vua Khải Định, với sự tham dự của Khâm sứ Trung kỳ, J.E.Charles, và nhiều quan chức cao cấp Pháp, Việt khác, trong đó có quan Thượng thư Bộ Học Hố Đắc Trung. Cô nữ sinh học giỏi, xinh đẹp, nết na, con nhà quí tộc tên Hồ Thị Chỉ được nhà trường cử ra bưng khay phủ gấm điều đựng kéo dâng cho quan khách cắt băng mở cổng trường để vào nơi làm lễ. Hình ảnh cô nữ sinh xinh đẹp, dịu hiền đã để lại một ấn tượng trong vua lúc nào không hay.
Vào lúc này thì Vua Khải Định đã có một con trai trưởng tên Vĩnh Thụy, được 4 tuổi, nhưng bà mẹ sinh ra Hoàng tử xuất thân bình dân, học hành không bao nhiêu, cuộc hôn nhân không môn đăng hộ đối và không theo nghi lễ chính thức. Vì vậy, ngôi Chánh cung vẫn còn bỏ trống và Vua cần có một bà Hoàng xứng đáng, đẹp người, đẹp nết, con nhà trâm anh, có học thức, để giữ địa vị đó. Khi có lệnh nạp phi thì “Tiểu sử và hình ảnh nhiều tiểu thơ con các quan đại thần được dâng lên và Hoàng thượng đã không do dự chọn ngay tấm hình có cô nữ sinh kiều diễm ngài đã có dịp gặp trong buổi lễ xây trường Đồng Khánh. Hồ tiểu thơ rất thông minh, học giỏi, đàn hay, thông thạo cả tiếng Pháp lẫn Hán văn và Việt ngữ. Nàng mới 15 tuổi mà đã đúng là một giai nhân quốc sắc thiên hương, xứng đáng được tuyển chọn làm Hoàng phi của Hoàng đế nước Đại Nam.”
Đây là một cuộc hôn nhân gượng ép, nặng về nghi lễ và hình thức chứ không bắt nguồn từ tình yêu. Người ta nói rằng Hồ tiểu thơ trong tâm tư đã có một thần tượng khác vì nợ nước mà bị lưu đày, đó là Vua Duy Tân, người mà cô đã có nhiều dịp gặp gỡ trong các kỳ nghỉ hè trước đó ở Cửa Tùng, Quảng Trị. Bà Ân Phi không có con, sau khi Vua Khải Định băng hà, bà ngày càng trở thành một bóng mờ trong cung cấm trước một ngôi sao sáng khác. Càng lớn tuổi càng có triệu chứng tâm thần, có lẽ vì gặp nhiều thất vọng trong đời, chẳng hạn mối tình đầu đã theo gió chính trị bay sang Phi châu, và tuy kết hôn với Vua nhưng tình vợ chồng lạt lẽo, không con… Sau năm 1945, người ta thường gặp bà lang thang nơi này nơi khác ở Huế. Không rõ bà mất năm nào, ở đâu.
Ngôi sao sáng vừa nói là bà Hoàng Thị Cúc, người quê ở Mỹ Lợi, huyện Phú Lộc, con của ông Hoàng Văn Tích. Cái tiểu sử của bà cũng mang nhiều nét mờ ảo của dư luận và tin đồn, vì vậy có nhiều kiến giải khác nhau được công bố. Chẳng hạn, theo Nguyễn Lý Tưởng, bà Cúc “nguyên không phải là Cung phi hay Cung tần mà chỉ là một gái hầu của Ngọc Lâm Công Chúa (con Vua Đồng Khánh), xuất thân từ gia đình bình dân.” Theo Trần Gia Phụng, “Khi mới đến Huế, bà Cúc buôn bán nhỏ ở chợ An Cựu, gặp mẹ ruột của Hoàng thân Bửu Đảo (sau này là Vua Khải Định) là bà Tiên Cung (vợ Vua Đồng Khánh), người không cùng làng nhưng cùng huyện Phú Lộc… Bà Tiên Cung nhận bà Cúc vào làm việc trong dinh của ông Hoàng Bửu Đảo ở An Cựu (sau này xây thành An Định cung). Từ đó bà Cúc mới quen biết ông Hoàng”
Dầu các nguồn tin có khác trong chi tiết nhưng đều giống nhau ở chỗ bà Cúc đã có mặt tại phủ Phụng Hóa (tiền thân cung An Định) từ lúc tiềm để; chỉ có điều có mặt với tư cách nào, mỗi người nói một khác. Là người giúp việc trong phủ? Là người hầu hạ của Công chúa Ngọc Lâm (chị đầu của Vua Khải Định)? Hay là một trong các hầu thiếp của ông Hoàng Bửu Đảo? Hỏi như vậy vì lúc đó ông Hoàng đã có vợ chính thức là bà họ Trương rồi, mà một ông Hoàng ngoài vợ còn có thêm vài tì thiếp thì không có chi lạ; lạ chăng là nếu ông chỉ có một bà duy nhất; một điều khó xảy ra lúc bấy giờ.
Chính vì xuất thân hàn vi nên bà Cúc phải chịu cảnh lép vế, dù là kẻ đến trước, và lại có con trai. Trong khi bà Hồ Thị Chỉ được phong làm Nhất giai Ân Phi ngay sau khi cưới, thì bà họ Hoàng chỉ được lên chức từng bước, theo sự trưởng thành của con trai. Năm 1917, bà chỉ mới được phong làm Tam giai Huệ Tân. Qua năm 1918 thăng lên Nhị giai Hữu Phi, và đến năm 1923 mới được phong làm Nhất giai Huệ Phi “Nhất giai Huệ Phi”, sau khi con trai của bà là Hoàng tử Vĩnh Thụy “Vĩnh Thụy” được phong làm Đông cung Thái tử vào năm 1922.
Trước khi Vua Khải Định băng hà vào năm 1925, các đại thần có hỏi trừ quân sẽ đối xử với các bà Phi ra sao cho hợp lẽ thì Vua Khải Định nói “Tử quí mẫu vinh” (con phú quí, mẹ vinh hiển) Vì vậy, năm 1933, sau khi từ Pháp về cầm quyền, Vua Bảo Đại “Bảo Đại” mới tấn tôn bà Huệ Phi làm Đoan Huy Hoàng Thái Hậu, cung đình thường gọi là Đức Từ Cung, hay vắn tắt: Đức Từ. “Đoan Huy Hòang Thái Hậu” “Từ Cung “Từ Cung” ” là cách gọi thông thường ở chốn cung đình để chỉ bà mẹ của Vua đang tại vị, chứ không phải là tước vị chính thức, như người ta thường lầm tưởng (Vì vậy, nói Hoàng hậu Từ Cung hay Thái Hậu Từ Cung là không chỉnh).
Tuy xuất thân không phải dòng dõi quyền quí nhưng những người có dịp gần gũi, đa số đều công nhận bà Từ Cung “Từ Cung” thông minh, học nhanh, hội nhập nếp sống cung đình nhanh và tư cách ra bậc Mẫu nghi.
(h1) Khôn Nguyên Hoàng Thái Hậu (thường gọi là Đức Thánh Cung “Thánh Cung”) mẹ đích của Vua Khải Định. (h2) Vua Khải Định trong võ phục. Đây là loại trang phục do Vua sáng tác, thường mặc trong các buổi lễ, bị nhiều người chê lai căng, trong đó có Phan Châu Trinh “Phan Châu Trinh”.
Vua Khải Định trong văn phòng
Vua Khải Định đi săn vịt trời ở hồ Tịnh Tâm. Vua mặc đồ đi săn theo kiểu Tây nhưng các quan Thị vệ “Thị vệ” theo hầu vẫn cứ áo dài, khăn đóng, bài ngà. Chỉ có một cái mới: Thị vệ cấp lớn được đi giày ống kiểu Tây (bottes).
vua Khải Định với mẹ ruột, Khôn Nghi Hoàng Thái Hậu (tục gọi Đức Tiên Cung “Tiên Cung”), và con trai, Hoàng tử Vĩnh Thụy “Vĩnh Thụy” (vua Bảo Đại “Bảo Đại” sau này). (h2) Bà Từ Cung “Từ Cung”, khi đang còn là bà Phi, cùng với con là Thái tử Vĩnh Thụy.
(h1) Đoan Huy Hoàng Thái hậu (Bà Từ Cung) “Đoan Huy Hoàng Thái Hậu” trong phẩm phục. (h2) Bà Nhất giai Ân Phi Hồ Thị Chỉ.
(1h) Khải Định Thông bảo bảo (h2) Tiền thưởng đời Khải Định
(Nguồn: Sưu tập)
CÒN TIẾP ...
Nguồn: nghiencuulichsu.vn