242 lượt xem

Nguyễn Hữu Cảnh

Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh - danh tướng có công mở cõi phương Nam


Nguồn: sưu tầm.

Đức Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh (1650 – 1700), bậc tướng quốc tài ba thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1675 – 1725), nổi danh với nhiều lần cầm quân dẹp loạn biên cương. Đặc biệt, ông được xem là vị tướng mở cõi phương Nam với việc xác lập chủ quyền cho người Việt tại Nam bộ vào năm 1698, đưa miền đất này chính thức trở thành một phần lãnh thổ Đại Việt, tức Việt Nam ngày nay.

 

Danh tướng tài ba

Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh còn được biết đến với các tên gọi như Nguyễn Hữu Lễ, Nguyễn Hữu Thành. Trong các tên húy của ông như Kính, Lễ, Thành, húy Kính (sau đọc trại âm là Cảnh) được biết và dùng nhiều nhất, huý Lễ được dùng khi triều đình phong cho ông tước Lễ Thành hầu.

Ông sinh tại huyện Phong Lộc (nay là huyện Quảng Ninh, Quảng Bình), là cháu 9 đời của Nguyễn Trãi - vị đệ nhất khai quốc công thần thời nhà Lê. Ông nội của ông là Nguyễn Triều Văn (được phong tước Triều Văn hầu dưới triều vua Lê Anh Tông (1557-1573), trước ở làng Gia Miêu, huyện Tống Sơn, tỉnh Thanh Hóa; sau bất mãn chúa Trịnh mà theo chúa Tiên Nguyễn Hoàng (1525-1613) di cư vào đất Thuận Hóa.

Cha ông là Nguyễn Hữu Dật, là một trong 3 vị đệ nhất công thần của Chúa Tiên. Ông lớn lên trong cảnh đất nước chiến tranh tương tàn, xung đột ác liệt giữa chúa Nguyễn ở Đàng Trong và chúa Trịnh ở Đàng Ngoài. Dòng dõi nhà tướng, sinh trưởng trong thời binh đao, lại chuyên tâm luyện rèn nên từ lúc khả trẻ ông đã võ nghệ siêu quần.

Năm 20 tuổi, từ những công trạng lập được trong chiến trường Trịnh - Nguyễn, ông được chúa trọng dụng ban tước Lễ Thành hầu, phong chức Cai cơ - một chức võ quan thuộc bậc cao. Ông nổi danh trận mạc lúc bấy giờ khi được gọi tôn là “Hắc Hổ” (bởi ông sinh năm Dần và vì có nước da ngăm đen, vóc dáng hùng dũng).

Năm Nhâm Thân (1692) vua Chiêm Thành là Bà Tranh dấy loạn, đem binh sát hại dân Việt ở Diên Ninh (Diên Khánh). Chúa Nguyễn Phúc Chu cử ông làm Thống binh cầm quân đánh dẹp, đến tháng 3 năm Quí Dậu (1693) thì bắt được Bà Tranh cùng thủ hạ. Phụng lệnh chúa Nguyễn, ông đổi nước Chiêm Thành làm trấn Thuận Thành, cho quan lại Chiêm trở về phủ dụ dân chúng. Đồng thời thiết lập hệ thống cai quản, tổ chức nhân dân khẩn hoang, an dân, đề ra chính sách hòa đồng sắc tộc Chăm - Việt.

Vừa bình định xứ này xong thì đầu năm Giáp Tuất 1694, một nhóm người Thanh đứng đầu là A Bân xúi giục bè đảng dấy loạn, đánh phá nhiều nơi. Quân binh đồn trú ở Thuận Thành nhiều lần đánh trả nhưng không dập tắt được. Tháng tư năm đó Nguyễn Hữu Cảnh lại vâng mệnh chúa vào đánh dẹp loạn đảng và được thăng chức Chưởng cơ, lãnh Trấn thủ dinh Bình Khang (nay là vùng Khánh Hòa - Ninh Thuận).

Nam tiến mở cõi

Năm 1698, chúa Nguyễn phong ông làm Thống suất, cử ông làm Kinh lược xứ Đồng Nai. Ông dẫn quân theo đường biển, đi thuyền ngược dòng Đồng Nai đến đóng bản doanh ở Cù lao Phố (tức phường Hiệp Hòa, TP Biên Hòa ngày nay), một cảng thị sầm uất nhất miền Nam lúc bấy giờ. Tại đây, ông cho thành lập nhiều xóm làng, khuyến khích dân khẩn hoang vỡ đất, ổn định dân tình.

Ông thiết lập phủ Gia Định, gồm huyện Phước Long (Đồng Nai) với dinh Trấn Biên và huyện Tân Bình (Sài Gòn) với dinh Phiên Trấn. Đây chính là công lớn của ông trong sự nghiệp mở mang các vùng đất phía Nam trở thành lãnh thổ của Việt Nam của các chúa Nguyễn. Viết về công lao này của Nguyễn Hữu Cảnh, trong “Gia Định thành thông chí” Trịnh Hoài Đức có chép:

“…lấy đất Nông Nại (Cù lao Phố ngày nay) đặt làm Gia Định phủ, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, lấy đất Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn. Mỗi dinh đặt chức Lưu thủ, Cai bạ và Ký lục để quản trị. Nha thuộc có 2 ty là Xá sai ty (coi việc văn án, từ tụng, dưới quyền quan Ký lục) và Lại ty (coi việc tài chính, do quan Cai bộ đứng đầu). Quân binh thì cơ, đội, thuyền, thủy bộ tinh binh và thuộc binh để hộ vệ”.

“Đất đai mở rộng ngàn dặm, cho chiêu mộ lưu dân từ Bố Chánh châu (Quảng Bình ngày nay) trở vô, đến ở khắp nơi, đặt ra phường, ấp, xã, thôn, chia cắt địa phận, mọi người phân chiếm ruộng đất, chuẩn định thuế đinh, điền và lập bộ tịch đinh điền. Từ đó con cháu người Hoa ở nơi Trấn Biên thì lập thành xã Thanh Hà, ở nơi Phiên Trấn thì lập thành xã Minh Hương, rồi ghép vào sổ hộ tịch”.

Nguyễn Hữu Cảnh như vậy là người đầu tiên thiết lập được bộ máy hành chính trên đất Đồng Nai và Sài Gòn. Điều này có ý nghĩa rất to lớn bởi trên vùng đất mới với dân cư thưa thớt, lưu dân tứ xứ đã chung sống trở thành cộng đồng. Về mặt pháp lý, việc thiết lập được các đơn vị và bộ máy hành chính đã làm thay đổi vị thế của cộng đồng dân cư ở đây, từ những lưu dân trở thành người chủ đất đai của mình, ổn định được trật tự xã hội và tạo điều kiện phát triển kinh tế.

Từ việc phân định ranh giới hành chính, thiết lập bộ máy quản lý, mở mang ruộng đồng làng mạc, ổn định đời sống dân chúng, Nguyễn Hữu Cảnh vừa khuyến khích dân chúng khai hoang, vừa tiếp tục việc chiêu mộ lưu dân từ các tỉnh miền Trung vào khai phá phương Nam. Ông cũng tạo điều kiện cho cộng đồng người Hoa – những cư dân đặt chân đến vùng đất này từ trước đó, để họ yên tâm sinh sống thuận hòa với dân Việt, gắn bó cùng nhau xây dựng và phát triển vùng đất mới.

Lịch sử dân tộc ghi nhận, việc xác định chủ quyền người Việt ở vùng đất mới của Nguyễn Hữu Cảnh có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đây là yếu tố góp phần phát triển thế lực của chúa Nguyễn ở Nam bộ để từng bước thu phục các vùng đất khác. Như vùng Hà Tiên do Mạc Cửu khai phá hình thành, sau xin dâng cho chúa Nguyễn vào năm 1708; vùng đất Tầm Phong Long (tức vùng đất giữa sông Tiền và sông Hậu) do Nặc Ông Tôn (vua Chân Lạp) dâng tặng năm 1757, từ đó cơ bản định hình nên dải đất hình chữ S như ngày nay.

Năm 1699, vua Chân Lạp là Nặc Thu đem quân sang cướp bóc dân buôn và đánh sang Đại Việt. Ông được chúa Nguyễn cử làm Thống Binh đi đánh dẹp và an dân. Đầu năm Canh Thìn 1700, thủy binh của Nguyễn Hữu Cảnh đã đến tận thành La Bích (Nam Vang, tức Phnôm Pênh ngày nay) đánh tan quân Chân Lạp. Sau đó, vua Chân Lạp quy hàng, quân Đại Việt rút về biên giới. Lúc bấy giờ, ông đã khích lệ dân chúng sống hòa thuận, cùng giúp đỡ nhau phát triển kinh tế cũng như lúc hoạn nạn, không phân biệt tộc nhân.

Tháng 4 năm 1700, Nguyễn Hữu Cảnh cầm quân tiến kéo về đóng ở cồn Cây Sao còn gọi là cù lao Sao Mộc hay Tiêu Mộc, sau này dân địa phương nhớ ơn ông nên gọi cù lao Ông Chưởng (nay thuộc chợ Mới, An Giang), báo tin thắng trận về kinh. Tại đây ông nhiễm bệnh, hai chân tê bại, ăn uống không được, sau lại trúng phong và thổ huyết, bịnh tình ngày càng trầm trọng. Sau một thời gian, ông kéo quân về Sầm Giang (nay là Rạch Gầm, Mỹ Tho) thì mất, hưởng thọ 51 tuổi.

Nghe tin ông mất, chúa Nguyễn Phúc Chu vô cùng thương tiếc, truy tặng chức Chưởng Dinh, ban thụy là Trung Cần. Đầu niên hiệu Gia Long (1802-1820), ông được tặng làm phó tướng Chưởng cơ, liệt vào hàng công thần thượng đẳng, thờ tại Thái miếu. Năm 1810, được liệt thờ vào miếu Khai quốc công thần. Đời vua Minh Mạng (1820-1841), ông được tặng chức Đô thống chế dinh thần cơ, phong tước Vĩnh An Hầu.

Để ghi nhớ công ơn của Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, từ Biên Hòa (Đồng Nai) cho đến Châu Đốc, Long Xuyên (An Giang) đều có đền thờ tưởng niệm ông. Danh hiệu ông cũng được đặt tên cho một cù lao và một con sông đào, đó là cù lao Ông Chưởng ở Long Xuyên và sông Ông Chưởng ở hữu ngạn sông Tiền Giang. Nhiều thành phố có đường phố mang tên ông, nhất là những nơi ông đã từng có công mở mang như TP Châu Đốc (có tên đường Thượng Đăng Lễ, một chức tước của ông), TP Hồ Chí Minh.

Nguyễn Hữu Cảnh chẳng những có công lao to lớn trong sự nghiệp mở cõi mà còn thương dân, gắn kết các cộng đồng người Kinh, người Chăm, người Khmer, người Hoa đồng lòng khẩn hoang mở xứ phương Nam. "Thương dân dân lập đền thờ", Nguyễn Hữu Cảnh chẳng những được người Việt dựng đền thờ phụng ở nhiều nơi mà cộng đồng người Hoa cũng thờ phụng ông ở đình Minh Hương Gia Thạnh – ngôi đình đầu tiên của họ ở vùng Sài Gòn – Chợ Lớn, hay đền thờ ở Nam Vang của người Khmer.


Gia Nguyễn