Lãnh Binh Thăng
(Nguồn: Sưu tập)
(Nguồn: Sưu tập)
Lãnh Binh Thăng tên thật là Nguyễn Ngọc Thăng (1798-1866) là một võ tướng nhà Nguyễn, thuộc thế hệ tham gia chiến đấu chống Pháp đầu tiên của Bến Tre và Nam Kỳ lục tỉnh.
Ông sinh hạ tại ấp Giồng Keo, làng Mỹ Thạnh, huyện Tân An, (nay là xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) trong một gia đình nông dân, có ba anh em ông là anh lớn, từ miền Trung vào lập nghiệp đã lâu đời nên cuộc sống tương đối khá giả.
Cha ông tên là Nguyễn Công, mẹ là bà Trần Thị Kiếm, gốc người Quảng Nam. Thuở nhỏ, ngoài việc chăm học chữ Hán, chữ Nho ông còn hăng say luyện tập võ nghệ. Đến khi đủ tài lực, ông đứng ra chiêu mộ dân để khai khẩn đất đai, lập đồn điền vùng Bảo Hựu (Bến Tre) ngày nay.
Dưới thời vua Thiệu Trị, ông gia nhập quân đội triều đình, được thăng Cai cơ, đến năm Tự Đức nguyên niên (1848), ông được thăng chức Lãnh binh. Mờ sáng ngày 1 tháng 9 năm Mậu Ngọ (1858), năm Tự Đức thứ 11, quân Pháp nổ súng đánh vào thành Đà Nẵng.
Sau 5 tháng giao tranh, quân Pháp vẫn bị cầm chân ở nơi đây. Với mong muốn đánh chiếm nhanh Đà Nẵng, rồi sẽ “giáng cho Huế một đòn quyết định”, để có thể làm chủ nước Đại Nam, nhưng ý đồ của Liên quân Pháp và Tây Ban Nha đã không thể thực hiện được vì vấp phải sự kháng cự rất dũng mãnh của quân đội triều Nguyễn.
Tướng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp là Charles Rigault de Genouilly (gọi tắt là De Genouilly) buộc phải thay đổi kế hoạch, là rút đi hai phần ba số quân (tức 2.000 người) và 8 trong số 14 chiến thuyền ở mặt trận này để quay vào đánh chiếm Gia Định.
Theo Thư ngày 29/1/1859 của viên tướng này gửi Bộ trưởng Hải quân Pháp ở Paris, thì “Sài Gòn nằm trên một con sông mà chiến thuyền của chúng ta dễ vào và hễ quân lên bộ thì đánh thành ngay, không phải lưng cõng, vai mang, băng đồng mệt nhọc.
Sài Gòn lại là một vựa thóc, nhân dân và binh lính ở kinh thành Huế sống một phần nhờ gạo Sài Gòn. Đến tháng Ba thì thuyền chở thóc gạo, sẽ kéo buồm từ Sài Gòn ra Huế. Chúng tôi quyết chận thóc gạo đó lại...”
Do đó, De Genouilly mong muốn chiếm lĩnh Sài Gòn để có thể “vừa lập nghiệp, vừa phòng thủ”, “vừa hành binh, vừa lưu thông thương mại dễ dàng”.
Ngoài việc cắt đứt con đường tiếp tế lương thực cho Huế như đã ghi trên, thực dân Pháp sẽ có thêm điều kiện thuận lợi để thực hiện ý đồ làm chủ lưu vực sông Mê Kông, và xa hơn nữa là phía Bắc...
Ngày 10/2, đại bác Pháp bắn vào Vũng Tàu. Ngày 11/2, đoàn tàu chiến Pháp vào sông Cần Giờ.
Sau đó, quân Pháp vừa đi vừa tháo gỡ những chướng ngại vật trên sông và triệt phá 12 đồn trại ở hai bên bờ, nên mãi tới chiều 15/2, quân Pháp mới đến được ụ Hữu Bình. Tại đây suốt một đêm đã diễn ra cuộc đấu pháo rất dữ dội.
Quân Nguyễn dùng thuyền nhỏ chở đầy thuốc súng và rơm khô, định dùng kế hoả công nhưng bị quân Pháp biết, sai người lén đốt trước.
Sáng ngày 16 tháng 2, bảy tàu chiến Pháp dàn trận rồi ra sức bắn pháo cấp tập xông lên chiếm được pháo đài và tiến đến sát thành Gia Định.
Sáng sớm ngày 17/2, tướng De Genouilly cho đại bác trên tất cả các tàu chiến bắn yểm hộ rồi cho một cánh quân đổ bộ.
Đội quân ấy đi theo con đường mà sau này (1865), Pháp đặt tên là đường Citadelle rồi dùng chất nổ phá thành. Pháo trên thành bắn xuống tàu đối phương nhưng không mấy hiệu quả.
Và khi đánh thủng được cửa Đông, quân Pháp dùng thang cao leo vào thành, thì đôi bên liền xông vào đánh xáp lá cà.
Đến khoảng 10 giờ trưa, Hộ đốc Võ Duy Ninh, đang giữ trọng trách trấn thủ thành, ra lệnh lui quân, bỏ lại hầu hết súng đạn, thóc gạo và hơn trăm chiến thuyền gỗ trên sông Thị Nghè.
Chạy đến thôn Phước Lý (thuộc tổng Phước Lộc, huyện Tân Bình xưa) Hộ đốc Võ Duy Ninh và Án sát Lê Từ tự vẫn, còn Đề đốc Trần Trí, Bố chánh Vũ Thực, Lãnh binh Tôn Thất Năng, nhờ sự yểm trợ của đạo quân ứng nghĩa do Lê Huy và Trần Thiệu Chính chỉ huy, nên mang quân chạy về được ụ Tây Thới.
Trong thành Gia Định lúc này có hơn 2.000 quân với 200 đại bác bằng sắt, bằng đồng, một hải phòng hạm, 7 chiến thuyền, 25.000kg thuốc súng, tiền bạc trị giá tương đương 130.000 francs, thực phẩm đủ nuôi 8.000 quân trong một năm.
Vào ngày 8/ 3/1859, tướng De Genouilly cho đặt mấy chục ổ thuốc nổ phá tung nhiều đoạn trường thành, đốt dinh thự kho tàng bên trong, đốt cả thóc lúa. Kể lại vụ việc này, sách Địa chí TP. Hồ Chí Minh tập I, có đoạn: “Kho thóc thành Gia Định cháy mãi hai năm mà khói còn nghi ngút. Hai mươi bốn tháng nắng mưa không làm tắt được đám cháy nào. Quân Pháp cũng cướp giật, đốt luôn nhiều phố xá thương mãi và thôn xóm dân cư”. Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã ghi:
“Bến Nghé của tiền tan bọt nước,
Đồng Nai tranh ngói nhuộm màu mây…”
Quân Pháp tuy đã hạ được thành Gia Định, nhưng phải đối phó với những đạo quân “ứng nghĩa” hoạt động sôi nổi ở khắp nơi, đêm ngày phục kích, đột kích, bao vây đối phương. Nhân dân cũng đã tự thiêu hủy nhà cửa, di tản hết, không đi lính cho Pháp và không hợp tác với Pháp.
GS. Trần Văn Giàu nhận xét: “Lúc Pháp đến đánh, trong thành Gia Định chỉ có hơn một nghìn quân thủ thành, trong thành có đủ khí giới, lương thực cho mười ngàn quân đóng giữ trong một năm.
Điều đó chứng tỏ rằng, triều đình thờ ơ với sự phòng vệ. mặc dầu năm sáu tháng nay Pháp đánh Đà Nẵng, và từ hơn tuần nay đối phương vào Cần Giờ liên tiếp”.
Khi Pháp đánh vào thành Gia Định, Lãnh Binh Thăng đem binh từ Thủ Thiêm đến cứu viện, nhưng chưa kịp đến nơi thì thành Gia Định đã bị đối phương chiếm lấy, sau khi đôi bên giáp mặt đánh nhau rất ác liệt. Thành mất, Hộ đốc trấn giữ thành là Võ Duy Ninh và án sát Lê Từ tuẫn tiết.
Nghe tin Gia Định thất thủ, triều đình Huế liền phái Thượng thư bộ Hộ Tôn Thất Hiệp mang 1500 quân vào đóng ở Biên Hòa, còn Lãnh Binh Thăng được lệnh vẫn đóng giữ vùng Chùa Cây Mai.
Tại đây, ông cho củng cố đồn lũy, nhưng do vũ khí của Pháp quá mạnh nên chỉ sau một thời gian cầm cự, ông cũng phải bỏ đồn.
Khi Pháp chiếm đồn Cây Mai, ông hạ lệnh rút quân ra ngoài. Đến tháng 7/1860, ông chỉ huy 2.000 quân đánh vào đồn lũy của giặc Pháp, trong đó có chùa Cây Mai (Vì Pháp biến chùa Cây Mai thành đồn binh kiên cố để chống lại nghĩa quân).
Biết rõ quân Pháp mang giầy cao mặt láng, ông nảy ra sáng kiến cho nghĩa quân mang trái mù u rải dọc theo đường chúng đi ruồng bố, rồi nghi trang bằng lá khô.
Vì không đề phòng, chúng đạp phải, trượt té. Quân ta phục sẵn trong những bụi rậm ở hai bên đường, xông ra chém giết rất nhiều tên.
Ngày 24/ 02/1860, ông cùng Nguyễn Tri Phương chỉ huy quân đồn điền (hay quân tuần phiên bên ngoài) tấn công quân Pháp tại đồn Chí Hòa.
Sau lần giao chiến đó tướng giặc Charner nhận định: “Người An Nam liều chết dưới làn đạn đại liên và lưỡi lê quân ta…họ hất nhào các thang leo thành, giật lấy súng, phụt từng vòi lửa để kháng cự và bắn rất dữ dội bằng các loại súng thô sơ qua các phòng ngự”.
Sau đó, Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng và các toán nghĩa quân trung thành khác rút lui xuống vùng Bến Lức, Tân An, nơi tiếp giáp với Gia Định và Định Tường lập căn cứ kháng địch.
Chiếm thành Gia Định và đồn Chí Hòa xong, giặc Pháp xua quân chiếm dần các tỉnh miền Đông Nam Kỳ lục tỉnh (bao gồm Đồng Nai, Gia Định và Định Tường). Trước hết, chúng đánh xuống Định Tường, vì đây là cửa ngõ lúa gạo của đồng bằng.
Những ngày này giặc luôn bị quân của Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng và quân của Lãnh binh Tôn Thất Tuấn chận đánh quyết liệt. Bourdais - tên trung tá chỉ huy đã đền nợ máu tại bờ sông Bảo Định cùng nhiều tên giặc Pháp.
Trong những năm tháng ác liệt này, Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng luôn nêu cao tinh thần bất khuất, bằng cách phối hợp với Đỗ Trịnh Thoại, Thủ Khoa Huân, Thiên hộ Võ Duy Dương… cho nổ ra những cuộc tổng công kích suốt 2 năm 1862 - 1863, khiến cho quân giặc không còn kiểm soát được vùng nông thôn của 3 tỉnh miền Đông, làm cho tên Đô đốc Bronard buộc phải báo cáo về nước xin viện binh.
Nhưng vì số quân của ta hạn chế, lại vũ khí thô sơ nên chẳng bao lâu tỉnh Định Tường rơi vào tay giặc. Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng rút quân về Gò Công.
Ngày 5/6/1862, triều đình Huế ký hòa ước Nhâm Tuất nhượng 3 tỉnh là Biên Hòa, Gia Định, Định Tường và đảo Côn Lôn cho Pháp. Vua Tự Đức xuống chiếu dụ kêu gọi bãi binh. Không đồng tình, Trương Định vẫn ở lại Gò Công để tiếp tục kháng Pháp.
Lúc này, Lãnh Binh Thăng cũng đã rút quân về Gò Công hội tụ. Kể từ đây, ông tiếp tục chiến đấu chống Pháp dưới quyền chỉ huy của Trương Định.
Ngày 19/8/1864, Huỳnh Công Tấn phản bội (trước là thuộc hạ của Trương Định) dẫn đường cho quân Pháp bất ngờ đánh úp bản doanh. Trương Định bị trọng thương và ông đã rút gươm tự sát tại Ao Dinh (Gò Công), để bảo toàn khí tiết vào rạng sáng ngày 20/8/1864.
Lúc này ở chiến trường miền Đông chỉ còn lại 3 trung tâm kháng Pháp: Một, do Thiên Hộ Dương chỉ huy chiến đấu ở vùng Đồng Tháp Mười.
Trung tâm thứ hai do con trai Trương Định là Trương Quyền lãnh đạo, hoạt động ở vùng Tây Ninh đến Hốc Môn. Trung tâm thứ ba do Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng lãnh đạo chiến đấu ở vùng hữu ngạn sông Soài Rạp cho đến cửa Tiểu, tức khu vực Gia Thuận, Tân Phước (Gò Công ngày nay).
Dù bị tổn thất lớn, nhưng Lãnh Binh Thăng vẫn cùng với các nghĩa quân quyết tâm tử chiến, không chịu qui hàng giặc.
Vào ngày 27/6/1866 (tức ngày rằm tháng 5 năm Bính Tuất), trong lúc đang chỉ huy nghĩa quân đánh nhau với quân Pháp ở hữu ngạn sông Soài Rạp, ông bị trúng đạn, tử thương. Lợi dụng đêm tối, các thuộc hạ trung thành đã dùng ghe đưa thi hài ông về Mỹ Lồng (nay là xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm) để an táng ông.
Nghe tin ông mất, vua Tự Đức có phong sắc, áo, mão và một thanh gươm. Do chiến tranh, những di vật này đặt tại ngôi miếu thờ ông ở ấp Giồng Keo bị hư hỏng và thất lạc.
Mộ Lãnh Binh Thăng được an táng tại khu đất giồng nhỏ thuộc ấp Giồng Keo, làng Lương Mỹ, tổng Bảo Thành (nay là ấp Căn Cứ, xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre).
Dấu ấn Lãnh binh Thăng tại đất Nam Kỳ và khu lăng mộ đền thờ Cầu Ông Lãnh do ông Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng (khi ấy đang đóng quân ở đồn Cây Mai-Thủ Thiêm) cho xây dựng. Ban đầu, cầu làm bằng gỗ, đến năm 1929, người Pháp cho xây lại bằng xi măng, dài 120m.
Vào năm 1874, một ngôi chợ được xây cất ở khu vực này, mang tên Chợ Cầu Ông Lãnh (sau này còn c1o tên Chợ Cầu Muối), chuyên bán trái cây tươi, rau củ quả hiện nay nằm trên đường Nguyễn Thái Học, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, gần mé sông bến Chương Dương.
Năm 1885, nhà bác học Trương Vĩnh Ký đã viết rằng: “chiếc cầu gỗ do ông Lãnh binh ở gần đó cho bắc qua, chắc là ông Lãnh Binh Thăng này, chớ không phải ai khác”. Kể từ đó đến nay, người Sài Gòn luôn có trong ký ức của mình về đia danh Cầu Ông Lãnh như một mốc son mang dấu ấn Sài Gòn- TP Hồ Chí Minh.
Tại Bến Tre từ năm 1955 đã có con đường mang tên đường Lãnh Binh Thăng. Hiện nay, ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng có một con đường, một ngôi chợ, một cây cầu, một trung tâm văn hóa thể thao mang tên hoặc chức vụ của ông (cầu Ông Lãnh, chợ cầu Ông Lãnh, Trung tâm thể dục thể thao Lãnh Binh Thăng, quận 11).
Đình làng Nhơn Hòa (đường Cô Bắc, Phường Cầu Ông Lãnh, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) và tại đình làng Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm đều thờ Lãnh Binh Thăng. Hàng năm đến kỳ quí tế, hai nơi này đều có tổ chức lễ tưởng niệm rất trọng thể.
Năm 1997, đình thờ và mộ lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng ở Mỹ Thạnh đã được Bộ Văn Hóa Thông Tin công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.
Nhiều nguồn tài liệu viết về thân thế và sự nghiệp của Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng cho rằng, ông giữ chức Cai Cơ về sau được phong chức Lãnh binh, có lẽ chưa thỏa đáng với những công trạng mà ông đã tạo nên trong cuộc đời anh hùng, bất khuất.
Dẫn dụ một tài liệu mới cho biết : ít ai biết được dưới thời các vua triều Nguyễn đã từng có chỉ dụ ban cho ông là “Phán sự hạng nhứt” – công chức thuộc ngạch Bảo hộ của người Pháp bên Tòa án, kiêm “Thị giảng học sĩ”-Thầy giáo dạy học trong triều đình.
Tuy chưa có một xác chứng nào về mặt khoa học hay lịch sử, nhưng có thể xem đây như một tài liệu mới về thân thế sự nghiệp của Lãnh Binh Thăng để tham khảo thêm.
Trên bàn hương án ở đền tưởng niệm Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng, bên cạnh bài vị và di ảnh, còn có tờ chứng nhận của Bộ Lại triều đình Huế soạn thảo vào tháng 12 năm 1923, đã công nhận những chức tước mà các vua triều Nguyễn đời trước đã phong cho Nguyễn Ngọc Thăng là “Phán sự hạng nhứt kiêm Thị giảng học sĩ”, nhưng sau đó chỉ dụ đã bị thất lạc không biết vì nguyên cớ nào. Tờ chứng nhận được viết bằng chữ Hán trên giấy dó, gồm 7 hàng, 67 chữ.
Chúng tôi tạm phiên âm và dịch nghĩa như sau: “Lại bộ vi tuân lục. Chỉ sự bổn nguyệt nhật phụng. Chuẩn sứ tòa Thăng tác nhứt hạng Phán sự tiết kim nhân dữ Thị giảng mông nhân cứ thử tùng. Sao chỉ phụng tu chí tuân chỉ dã. Hữu tuân lục Hàn lâm viện thị giảng sứ tòa Nhứt hạng Phán sự Thăng kim nhân cứ thử Khải Định bát niên thập nhị nguyệt (?) nhật”.
Tạm dịch nghĩa: “Nay Bộ Lại kính chép rằng .Thời gian trước đây đã có chỉ dụ ban cho sứ tòa Thăng làm Nhứt hạng Phán sự kiêm Thị giảng học sĩ. Nay sao lục bản này. Giao cho Hàn lâm viện thị độc sứ tòa nhứt hạng Phán sự Thăng làm bằng chứng để chấp chiếu.
Khải Định năm thứ 8, ngày (?), tháng 12 (tức 1923)”.
Những bậc tiền hiền trong buổi bình minh lịch sử đất Phương Nam lưu danh hậu thế qua câu hát “Rồng chầu ngoài Huế. Ngựa tế Đồng Nai. Nước sông trong không lộn nước sông ngoài. Thương người xa xứ lạc loài tới đây…”.
Những anh hùng chống Pháp không nhu nhược hèn nhát đầu hàng, bán đất cho quân xâm lược Pháp như: cha con Trương Định- Trương Quyền, Thủ Khoa Huân (Nguyễn Hữu Huân), Thiên hộ Dương (Võ Duy Dương), Đốc binh Kiều (Nguyễn Tấn Kiều), Lãnh Binh Thăng (Nguyễn Ngọc Thăng), Phan Liêm, Nguyễn Tri Phương, Mai Xuân Thưởng…mãi mãi bất tử trong lòng người dân Việt Nam yêu nước.
Ngày nay, có dịp về thăm Bến Tre, quê hương Đồng Khởi, xứ sở ba đảo dừa xanh mát, đẹp lung linh huyền thoại, bạn không chỉ được biết đến cây lành trái ngọt mà còn được chiêm nghiệm vùng đất “địa linh nhân kiệt”, sinh ra bao người con ưu tú cho đất nước.
Câu chuyện về vị tướng lĩnh đầu tiên của xứ Dừa – Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng mà dân gian quen gọi là Lãnh binh Thăng hoặc Ông Lãnh sẽ làm khách say lòng khi đến thăm đền thờ và mộ Lãnh binh Thẳng ở Giồng Trôm.
Đền thờ Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng, thuộc ấp Căn Cứ, xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm, nằm cách TP Bến Tre khoảng 7km, theo tỉnh lộ 855. Ngôi đền thờ cổ kính, rêu phong nằm khuất dưới những gốc cổ thụ già có tuổi ngót trăm năm.
Đây là nơi thờ tự người anh hùng kháng Pháp nổi danh với “Đồn Cây Mai” và “chiến thuật Mù U”, trở thành niềm tự hào bao đời của người dân.
Nhiều người đã kể lại với tất cả niềm tự hào về “Chiến thuật Mù u”, một cách đánh giặc rất đốc đáo và sáng tạo của Lãnh Binh Thăng. Biết giặc mang giầy, ông cho nghĩa quân mai phục kín đáo hai bên đoạn đường quân giặc đi qua.
Ông cho quân lính và nhân dân trong vùng đi hái thất nhiều trái mù u về đổ xuống mặt đướng khiến quân Pháp bị té nháo nhào vì giẫm trái mù u. Thừa lúc đó, đội quân của ông tiến ra đánh úp.
Đền thờ Lãnh Binh Thăng có diện tích 362 m2 trước đây là Đình làng Mỹ Thạnh.
Vào ngày 15 tháng 5 Âm lịch năm 1984 giỗ ông, người dân Bến Tre đã đưa bài vị và di ảnh của ông từ chùa Hòa Đông Tôn giáo về đây thờ cúng như một vị thần Làng và từ đó đình làng mang tên Đền thờ Lãnh Binh Thăng.
Bước vào cổng đền chính, bạn sẽ bắt gặp bức bình phong nằm án ngữ được kiến tạo lại vào năm 1964 trang trí hình “Long mã phụ hà đồ” được đắp nổi và sơn màu đẹp mắt.
Hai bên có hai câu đối bằng chữ Hán, câu thứ nhất có lẽ do thời gian và chiến tranh tàn phá nên câu đối này bị mất một chữ ở hàng thứ 6: “Tiên chiếu linh quang thần phước; Hộ khai ứng hiện thánh tăng lộc”.
Đền thờ được xây dựng theo phong cách kiến trúc đình làng ở Bến Tre và Nam Bộ. Đền gồm có hai gian chính giữa và gian phụ. Kết cấu kiến trúc nội thất của đền chủ yếu được làm bằng chất liệu gỗ, với hệ thống cột, kèo, đòn tay, rường rui miền Trung.
Bàn hương án được chạm thủng hình hoa lá, chim thú như hoa chanh, chim phượng, kỳ lân.. sơn son thếp vàng rất công phu, sắc sảo, bên trên đặt bài vị và di ảnh của Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng.
Bên cạnh, còn có tờ chứng nhận của Bộ Lại triều đình Huế soạn thảo tháng 12 năm 1923 đã công nhận những chức tước mà các vua triều Nguyễn đời trước đã phong cho Nguyễn Ngọc Thăng như “Nhứt hạng Phán sự” – công chức làm trong ngành Tòa án của chính quyền bảo hộ, kiêm “Thị giảng học sĩ”- Thầy giáo dạy trong cung.
Lăng mộ của Lãnh binh Thăng nằm cách đền khoảng 500m, được sửa chữa và xây lại vào năm 2002, hiện không còn dấu hiệu nào để nhận biết đặc điểm nguyên gốc của lăng mộ.
Mộ nằm sâu khoảng 400m tính từ tỉnh lộ theo chính hướng Đông. Kết cấu quần thể mộ chính xây hình gần vuông ốp đá tráng men với cạnh Bắc Nam dài 7,1m; cạnh Đông Tây dài 6,1m.
Trên nền khu mộ này có mộ của Nguyễn Ngọc Thăng ở chính giữa và 2 bên là mộ của các cháu Cụ là ông Nguyễn Ngọc Hiệp và Nguyễn Ngọc Thành.
Do trước đây sợ giặc Pháp truy tìm trả thù, nên quanh mộ chôn cất ông, gia đình và các binh sĩ xây thêm một số mộ giả. Đến năm 1968, cháu nội của Lãnh binh Thăng là ông Nguyễn Ngọc Giang mới tôn tạo và cho lập mộ chí.
Đến năm 1998 ngôi mộ được trùng tu, nâng cấp tôn tạo do quá xuống cấp. Hiện này mộ nằm trên phần đất cao ráo, có tường bao bọc, phía trước là con rạch nhỏ, nóc thờ có lợp gạch ốp xanh tạo đường nét rất độc đáo và đẹp mắt.
Hằng năm, cứ vào ngày 15 tháng 5 âm lịch, người dân khắp nơi đổ xô về đền Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng để vía ông, đồng thời để tưởng niệm một người anh hùng dân tộc, người con ưu tú của quê hương Bến Tre đã tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp ngay từ những ngày đầu chúng đặt chân lên vùng đất Nam bộ.
Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng là một nhân vật lịch sử đã đi vào sử sách và như là một huyền thoại sống mãi trong tâm thức của người dân Bến Tre nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung.
Tên tuổi của ông ngày nay gắn liền với tên cầu, tên đường, tên trường học không chỉ ở quê hương, nơi ông sinh ra và lớn lên mà còn ở nhiều tỉnh thành khác.
CÒN TIẾP...
Nguồn: phunutoday.vn