245 lượt xem

NGUYỄN BÁ TĨNH

Theo truyền thuyết, danh y Nguyễn Bá Tĩnh (阮伯靜) sống vào đời Trần Dụ Tông (陳諭宗; 1341 – 1369), hiệu Tuệ Tĩnh, biệt hiệu Tráng Tử Vô Dật, Hồng Nghĩa. Cha là Nguyễn Công Vỹ, mẹ là Hoàng Thị Ngọc ở thôn Nghĩa Phú, tổng Văn Thai, huyện Cẩm Giàng, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương (nay là xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương).

Ông mồ côi cha mẹ từ lúc 6 tuổi, được nhà sư chùa Hải Triều ở Yên Trang gần đấy đưa về nuôi cho ǎn học (chùa Hải Triều sau gọi là chùa Nghiêm Quang tức chùa Giám) ở xã Cẩm Sơn, vì bị đất lở, đã dời đến xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, sau cho vào chùa Keo ở Thái Bình tu học.

Năm Tân Mão (1351) ông thi đỗ Thái học sinh lúc mới 21 tuổi nhưng không ra làm quan, mà tu ở chùa Nghiêm Quang, chuyên tâm nghiên cứu y học, giáo Lý, ông lấy vườn chùa làm cơ sở trồng cây thuốc. Ông hết lòng chữa bệnh cho nhân dân bằng thuốc Nam, có công xây dựng nền y học dân tộc từ buổi đầu. Câu nói nổi tiếng của ông: 南 藥 治 南 人 - Nam dược trị Nam nhân - Thuốc Nam Việt chữa người Nam Việt. Điều này cho thấy ông có nhận thức sâu sắc về quan hệ giữa con người và sinh cảnh, đồng thời cũng tiêu biểu cho ý thức độc lập tự chủ.

Nguyễn Bá Tĩnh đã không dừng lại ở vị trí một thầy thuốc chữa bệnh, ông còn tự mình truyền bá phương pháp vệ sinh, tổ chức cơ sở chữa bệnh trong nhà chùa và trong làng xóm. Có tài liệu cho biết, trong 30 năm hoạt động ở nông thôn, ông đã xây dựng 24 ngôi chùa, biến các chùa này thành y xá chữa bệnh. Ông tập hợp nhiều y án: 182 chứng bệnh được chữa bằng 3.873 phương thuốc. Ông cũng luôn luôn nhắc nhở mọi người chú ý nguyên nhân gây bệnh, tìm biện pháp phòng bệnh tích cực. Tuệ Tĩnh nhấn mạnh tác dụng việc rèn luyện thân thể và sinh hoạt điều độ. Ông nêu phương pháp dưỡng sinh tóm tắt trong 14 chữ:

Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần

Thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình

Bên cạnh đó, Nguyễn Bá Tĩnh còn tập hợp những bài thuốc chữa bệnh cho gia súc. Có thể nói, ông đã góp phần đặt cơ sở cho ngành thú y dân tộc của Việt Nam.

Năm Giáp Tý (1384), lúc này ông đã 54 tuổi, ông được vua phái đi sứ nhà Minh, đến nơi được vua Minh cảm tài phong hiệu là Đại y thiền sư và lưu ông ở lại Kim Lăng. Những năm tháng làm việc trong Thái Y Viện giám của nhà Minh, Tuệ Tĩnh thiền sư được các Vương Phi tôn kính như một vị thần y bởi ông không những trị bệnh rất hay mà còn có những phương thuốc phục hồi nhan sắc rất thần kỳ.

Tác phẩm

Đối với nền Y học cổ truyền Việt Nam, Nguyễn Bá Tĩnh được xem là vị tổ sư vì ông là người đầu tiên hệ thống kiến thức y học, ghi chép thành tài liệu để lưu truyền cho hậu nhân. Ông là tác giả các tác phẩm y học và Phật học (Thiền tông) có giá trị:

Hồng Nghĩa giác tự y thư

Nam dược thần hiệu

Thiền tông khóa hư lục (diễn Nôm)

Tương truyền: vào thế kỉ XVII, Nguyễn Danh Nho đi sứ Trung Quốc đọc mộ chí của ông có ghi mặt sau bia câu văn: “Về sau có ai bên nước nhà sang, nhớ cho hài cốt tôi về với”.

Sách Nam dược thần hiệu của ông còn truyền đến ngày nay, nhưng có thể đã bị sửa chữa thêm bớt nhiều: Mỗi lần khắc lại, in lại, là có bị thay đổi. Theo các bản sách còn lại nhan đề: Hồng nghĩa giác tự y thư và gáy sách đề Nam dược chính bản thì năm Vĩnh Thịnh thứ 13 (1714), thợ khắc làng Liễu Tràng dâng sách ấy lên chúa Trịnh. Chúa Trịnh Cương thấy trong sách ấy có nhiều chỗ chữ viết sai và khắc lầm, bèn sai các quan ở Nội phủ và Y viện khảo định lại.

Bản này có một bài tựa để tháng quý hạ năm Đinh Dậu (1717) niên hiệu Vĩnh Thịnh 13 nhưng ở tờ 106, q. I trong sách lại thấy có một niên hiệu Ất Tỵ tức là năm 1725 thật khó hiểu, có lẽ là bản khắc lại. Tên người viết chữ đề khắc là Lê Đức Toàn pháp hiệu Pháp Thạnh người ở Hoè Nhai. Q.1 có hai bài phú cùng bài Y luận và hai bản vẽ thân thể người. Q.2 có các mục: Thập tam phương gia giảm bằng chữ Nôm, thể lục bát: Thương hàn cách pháp trị lệ, quyển chi hạChứng trị phương pháp.

Hiện nay các thư viện của Việt Nam còn lưu tàng được nhiều bản sách Nam dược thần hiệu khác nhau, hoặc sách sao chép, hoặc sách in ván gỗ, có bản rách nát, có bản ghi có từ niên hiệu Cảnh Hưng, có bản ghi có từ năm Ất Tỵ (1725) niên hiệu Vĩnh Thịnh như nói trên.

Di tích
Nhiều thế kỷ qua, Tuệ Tĩnh được tôn là vị thánh thuốc Việt Nam. Tại Hải Dương, còn đền thờ ông, đặc biệt là vùng Cẩm Bình nay còn một số di tích ở đền Xưa, đền Bia, nhất là chùa Giám. Hằng năm nhân dân địa phương vẫn mở hội tưởng niệm ông vào ngày 15-2 Âm lịch. Câu đối thờ ông ở đền Bia viết, dịch nghĩa như sau:

Mở rộng phương Tiên, công tế thế cao bằng Thái lĩnh

Sống nhờ của Phật, ơn cứu người rộng tựa Cẩm giang

Nguồn: http://mobile.coviet.vn