Lê Đỉnh - nhân tài sinh bất phùng thời
Lê Đỉnh (1847 - 1920) là một danh thần triều Nguyễn, còn có tên là Lê Đình Đỉnh, quê làng Đông Mỹ (sau đổi thành La Kham) huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn (nay là xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn). Ông là thân phụ của Lê Đình Dương và Lê Đình Thám.
Tượng Bác sĩ - Cư sĩ Tâm Minh - Lê Đình Thám trong khuôn viên chùa Từ Đàm (TP.Huế). Ảnh: Internet
Học hành, quan lộ
Lê Đỉnh xuất thân trong một gia đình Nho học. Ông theo học ở trường Đốc Thanh Chiêm, năm 23 tuổi (năm 1870) thi đỗ Cử nhân tại trường thi Thừa Thiên, dưới triều Tự Đức. Ông làm quan nhiều nơi trải qua nhiều chức: Biện lý Bộ Công, Phó Chủ khảo trường thi Nghệ An (khoa Nhâm Ngọ 1882), Tổng đốc Hà An (Hà Nội - Hưng Yên).
Là một nhà Nho uyên bác, có tư tưởng tiến bộ, bản tính khẳng khái, ông được triều đình giao nhiều chức vụ quan trọng như Binh bộ Thượng thư sung Đông các Đại học sĩ, Tổng đốc Hà An (Hà Nội - Hưng Yên) sau khi Hoàng Diệu tuẫn tiết, Hữu đô ngự sử sung Cơ mật viện đại thần. Ông từng làm Chánh sứ sang Hương Cảng (Hồng Kông) và các nước Đông Nam Á như Tân Gia Ba (Singapore), Indonesia, Miến Điện (Myanma). Từ những điều tai nghe, mắt thấy ở xứ người, ông ý thức sâu sắc việc canh tân đất nước ở nhiều lĩnh vực, làm cho dân giàu nước mạnh để đủ sức đối phó với hiểm họa ngoại xâm từ các nước phương Tây.
Đề nghị canh tân không được quan tâm
Năm 1881 ông được cử đi sứ sang Hương Cảng (Hồng Kông), lúc về, trong biểu tấu trình dâng lên vua, có đoạn ông viết rằng: “Các nước Thái Tây mà phú cường là cốt ở việc binh và việc buôn bán. Lấy buôn bán mà nuôi binh lính. Gần đây, Nhật Bản theo các nước Thái Tây cho người đi buôn bán khắp mọi nơi. Nước Tàu cũng bắt chước cho người nước ngoài ra vào buôn bán. Nước ta người khôn ngoan, lại lắm sản vật. Nếu theo người ta mà làm thì cũng có thể giữ vững được nền độc lập và chủ quyền quốc gia...”.
Nhưng những lời tấu trình đề nghị cải cách của Lê Đỉnh cũng cùng chung số phận như những bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ, Phạm Phú Thứ trước đó. Tuy nhà vua và triều đình có bàn bạc, xem xét nhưng vì tư tưởng bảo thủ, mù quáng cản trở, nên cuối cùng vua Tự Đức và triều thần không nghe, phớt lờ đi.
Năm 1882 ông lại được cử đi sứ sang Tân Gia Ba (Singapore), lúc về ông cũng dâng biểu tấu trình trung thực những điều tai nghe mắt thấy về mọi kiến thức tiến bộ thu thập được. Nhưng rồi cũng như lần trước, biểu tấu của ông không được vua và triều thần quan tâm.
Đau buồn trước hiện tình đen tối của đất nước, bất lực trước thời cuộc, ông mượn lời Lão Tử: “Tri túc bất phục, tri chỉ bất đãi” (Biết đủ thì không bị nhục, biết dừng thì không bị nguy) để tự an ủi mình.
Năm 1884 lấy cớ phụng dưỡng mẹ già, ông xin từ quan lúc mới 37 tuổi. Ông về quê nhà mở trường dạy học, đào tạo được nhiều học sinh tài giỏi, những tiến sĩ của “Ngũ phụng tề phi” đều là học trò của ông. Ông qua đời tại quê nhà năm 1920.
Lê Đỉnh là một nhân tài, giàu lòng yêu nước, có tư tưởng tiến bộ, có ý thức sâu sắc về việc canh tân đất nước để hùng cường, thoát khỏi họa xâm lăng của các nước tư bản phương Tây, giữ vững nền độc lập nhưng tiếc thay ông sinh bất phùng thời, gặp phải vua quan mang nặng tư tưởng bảo thủ lạc hậu nên những tấu trình của ông không được quan tâm, ông đành bó tay trước thời cuộc. Giá như vua Tự Đức và các đình thần thời bấy giờ có cái nhìn sáng suốt như Minh Trị Thiên Hoàng của Nhật Bản, chịu khó nghe theo lời đề nghị của những người có tư tưởng tiến bộ như Nguyễn Trường Tộ, Phạm Phú Thứ, Lê Đỉnh... mà canh tân đất nước cho giàu mạnh, phú cường thì dân tộc ta đâu phải sống dưới ách đô hộ của thực dân Pháp suốt một trăm năm, đâu phải tốn biết bao xương máu để giành lại độc lập, chủ quyền!
Dạy con theo hướng mới
Lê Đỉnh nhờ hiểu biết thời thế đã đào tạo các con ông theo hướng mới vừa tinh thông Hán học nhằm thấm nhuần tư tưởng phương Đông, vừa tiếp cận khám phá tân học để nắm bắt kỹ thuật, học thuật phương Tây. Nhờ vậy các con ông đều thành đạt, trong đó có hai nhà thông thái, nhiệt tình yêu nước thương dân là y sĩ Lê Đình Dương và bác sĩ - cư sĩ Phật giáo Lê Đình Thám.
Lê Đình Dương (1893 - 1919) tốt nghiệp á khoa khóa đầu tiên tại trường Cao đẳng Y khoa Hà Nội năm 1915, làm việc tại bệnh viện Hội An, Quảng Nam. Với nhiệt tình yêu nước, ông tham gia Việt Nam Quang phục hội để đấu tranh giành độc lập cho dân tộc. Trong cuộc họp Đại hội lần II tại Huế vào tháng 3 năm 1916, ông được dự kiến bầu làm Tổng trấn Quảng Nam khi cuộc khởi nghĩa thành công. Nhưng sắp đến ngày phát động cuộc khởi nghĩa thì đại sự bị bại lộ. Ông bị bắt đưa vào Khánh Hòa rồi bị đày ở Ban Mê Thuột. Ông uống thuốc độc tự vẫn năm 1919, hưởng dương 26 tuổi.
Lê Đình Thám (1897 - 1969), hiệu Tâm Minh, là bác sĩ, pháp sư, cư sĩ Phật giáo, là nhà hoạt động hòa bình và là người sáng lập Gia đình Phật tử Việt Nam. Từ nhỏ, ông đã tỏ ra là người có năng khiếu văn chương thi phú. Ông tốt nghiệp thủ khoa Y sĩ Đông Dương tại Hà Nội năm 1916, và sau đó đậu Bác sĩ Y khoa năm 1930, tại Y khoa Đại học đường Hà Nội. Năm 1928 ông giữ chức Y sĩ trưởng Viện bào chế và vi trùng học Louis Pasteur, ông phát minh ra Sérum Normet (dịch truyền) cùng một số dược liệu khác được y giới Pháp - Việt thời đó rất trọng vọng.
Ông là một cư sĩ ưu tú của Phật giáo đã phụng sự tam bảo 42 năm. Trọn đời gắn bó với đạo pháp và dân tộc, trong bất cứ hoàn cảnh nào, ở đâu, ông cũng thể hiện là một phật tử tài năng và chân chính. Ông có nhiều công lao trong việc sáng lập các tổ chức giáo dục thanh, thiếu niên phật tử.
Minh Tâm Lê Đình Thám là tác giả của nhiều tác phẩm nghiên cứu và dịch về kinh, luận, Luật Phật giáo, như: Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Luận Nhơn Minh, Đại thừa khởi tín luận, Bát Thúc quy củ tụng, Phật học thường thức, Bát Nhã Tâm Kinh, Lịch sử Phật giáo Việt Nam và Phật tổ Thích Ca, Tâm Minh - Lê Đình Thám tuyển tập (gồm 5 tập)… Lê Đình Thám mất ngày 23.4.1969, thọ 73 tuổi. Ông là vị cư sĩ duy nhất từ trước đến nay có vinh hạnh lớn được dựng tượng tưởng niệm trong khuôn viên Tổ đình Từ Đàm, Huế.
Nguồn: baoquangnam.vn