274 lượt xem

Quan Nội tán Nguyễn Khoa Đăng và tài xử án – kỳ 2: Tài như Bao công

Quan Nội tán Nguyễn Khoa Đăng và tài xử án – kỳ 2: Tài như Bao công

Tài như Bao Công là danh xưng người đời đặt cho Nguyễn Khoa Đăng, bởi tài xử kiện cáo. Những vụ ông tìm ra được kẻ trộm dưa, trộm tiền của người bán dầu, trộm giấy…  đã khiến ông nổi tiếng.

Bình truông nhà Hồ, bắn sóng phá Tam Giang

Sinh thời, Nguyễn Khoa Đăng có tài xử kiện cáo, đủ trí xét ngay gian, được người đời gọi là “Bao công”. Những chuyện như ông tìm ra được kẻ trộm dưa hấu, trộm dầu và trộm giấy… rồi việc đem lại an ninh cho vùng truông nhà Hồ và trừ được sóng dữ ở phá Tam Giang đến nay hãy còn truyền tụng.

Theo GS Tôn Thất Bình, trước đây truông nhà Hồ là một vùng đất từng là sào huyệt của một băng cướp rất nguy hiểm. Để đánh dẹp, một hôm Nguyễn Khoa Đăng cho một người lính ngồi sẵn trong thùng xe chở lúa qua truông.

Bị cướp đoạt lấy, người lính rải lúa ra làm dấu. Nhờ vậy, Nguyễn Khoa Đăng đã lần ra sào huyệt của băng cướp và bắt gọn chúng. Kể từ đó truông nhà Hồ được yên bình.

Đến phá Tam Giang, Nguyễn Khoa Đăng cho dân biết sẽ dùng súng thần công bắn sóng thần trừ họa. Đến ngày đã định, ông đem súng hướng ra phá, ra lệnh bắn sóng…

Nhưng thực ra, trước đó ông đã sai người đào bới mở rộng cửa phá, cho nên sóng dữ mới không còn… Nhớ công ơn của quan Nội tán, trong dân gian có câu: Thương em anh cũng muốn vô – Sợ truông nhà Hồ sợ phá Tam Giang – Phá Tam Giang ngày rày đã cạn -Truông nhà Hồ Nội tán cấm nghiêm.

Bắt kẻ trộm dưa, vạch mặt kẻ giả mù

Về vụ án ruộng dưa, tương truyền vào một ngày nọ, Nguyễn Khoa Đăng đến thị sát một vùng, thấy quan huyện đang chửi mắng một người dân.

Hỏi thì được biết ruộng dưa của bà bị xắn nát hết cả gốc đúng vào độ dưa đang ra quả. Kêu quan thì quan nói không đủ bằng chứng.

Nguyễn Khoa Đăng lập tức cho thu hết xẻng của người trong làng và ra lệnh ai nấy biên tên vào xẻng; rồi sai người lấy lưỡi liếm vào xẻng và phát hiện ra một cái có vị đắng.

Ông lại sai vắt nước gốc dưa cho người nếm thấy hai vị đắng giống nhau. Thủ phạm chính là chủ cái xẻng đã phải “thò mặt ra”.

Lập tức ông sai lính bắt người kia giải đến. Trước tang chứng và lý lẽ đanh thép của quan, hắn không còn chối vào đâu được, đành cúi đầu nhận tội. Ông bắt hắn phải đền hoa lợi ruộng dưa cho người kia và phạt thêm gấp hai lần để hắn chừa cái thói hại ngầm kẻ khác.

Hôm khác, anh hàng dầu, gánh dầu ra chợ bán. Trong khi đang bận đong dầu, có kẻ thừa dịp thò tay vào bị lấy trộm tiền. Khi biết thì tên ăn cắp đã “cao chạy xa bay”.

Anh ta nhớ tới một người mù hồi nãy quanh quẩn bên gánh của mình, đuổi mấy cũng không đi, đoán chắc là kẻ cắp, bèn gửi gánh hàng cho người quen rồi đi tìm.

Nhưng khi gặp, người mù hết sức chối cãi, rằng mình mù thì còn biết tiền của để ở đâu mà lấy. Hai bên xô xát, tuần bắt giải quan.

Ông Đăng bắt hai bên khai rõ sự tình. Người mù khăng khăng không nhận. Ông Đăng hỏi: – Anh có tiền giắt đi theo đấy không? – Có, nhưng đây là tiền tôi mang đi chợ, không phải của nó.

– Được cứ đưa ra đây, của ai rồi sẽ biết. Người mù móc tiền ra, ông Đăng sai người múc một chậu nước, rồi bỏ tất cả số tiền vào chậu (tiền kim loại).

Tự nhiên thấy trên mặt nước có váng dầu nổi lên. Nghe quan sai bưng chậu nước cho mọi người chứng kiến, người mù hết đường chối, đành chịu tội ngay.

– Khoan đã, chưa hết đâu. Tội ăn cắp mới là một. Nếu mày mù tịt thì làm sao biết được tiền người hàng dầu bỏ trong bị, cất trong thúng khảo mà lấy được! Đúng là mày giả mù. Lính đâu. Bắt nó nọc ra đánh cho rõ đau, bao giờ nó mở hai mắt ra hãy thôi.

Người mù trước còn chối lấy chối để, nhưng chỉ qua ba roi là hắn mở ngay hai mắt nhận tội, đúng như lời quan truyền bảo.

(còn nữa)

Nguyễn Thành Trung