264 lượt xem

Lê Lai

Lê Lai - “Người cha Việt Nam anh hùng”

Lê Lai là một người cha sinh ra ba người con trai, cả thảy 4 cha con đều hi sinh trong cuộc chiến đấu để giải phóng dân tộc. Theo tiêu chuẩn khen thưởng “bà mẹ Việt Nam anh hùng” thì ông chính là “người cha Việt Nam anh hùng” tiêu biểu.

Làng Tép, xã Kiên Thọ xa xưa có tên gọi là thôn Dựng Tú, sách Đức Giang, phủ Thanh Hóa. Đến thế kỷ XV tương truyền rằng một lần Lê Lợi đi chiêu binh qua dòng suối trước làng, vì nóng quá xuống rửa chân thì tép bám đầy chân, vì vậy Lê Lợi đặt ngay tên làng là làng Tép. Làng Tép với núi, đồi, suối nước đã tạo nên bức tranh sơn thủy hữu tình. Nhưng điều đặc biệt hơn cả, mảnh đất làng Tép là nơi sinh ra Phúc quốc công Lê Lai, một tấm gương tráng liệt, xả thân cứu chúa trong lịch sử dân tộc, là người sinh ra ba tướng lĩnh giỏi cho cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (Lê Lư, Lê Lộ, Lê Lâm). Để nhớ tới người có công lớn với dân tộc, làng đã xây dựng đền thờ Lê Lai (còn được gọi là đền Tép) để thờ Lê Lai và phu nhân ngay bên cạnh.


 
 
Đền thờ Lê Lai (nguồn: internet)

Có lẽ khi nói đến Lê Lai người Việt Nam nào cũng đều biết đến gương hi sinh “liều mình cứu chúa” của ông, nhưng chắc hẳn còn không ít người biết đến gia đình ông là một gia đình Việt Nam anh hùng, vì ông và cả ba người con trai đều đã chiến đấu và hi sinh trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, ở thế kỷ XV của Lê Lợi chống quân Minh và trong công cuộc bảo vệ bờ cõi nước ta.

Lê Lai người làng Dựng Tú, cha tên là Kiều, nối đời làm phụ đạo, sinh hai con trai, con trưởng tên Lê Lan, con thứ tên Lê Lai. Năm Ất Tỵ (1425), Lê Lan trong trận chiến đấu chống quân Minh ở Khả Lưu đã hi sinh anh dũng, sau này được truy tặng là Thái phó Hiệp trung hầu và sau lại được gia tặng là Hiệp quận công.

Theo Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn: “Lê Lai tính cương trực, dung mạo khác thường, chí khí cao cả lẫm liệt lo việc hậu cận cho Lê Lợi rất chu đáo, công lao rõ rệt”. Mùa đông năm Bính Thân (1416) Lê Lợi cùng 18 vị tướng thân cận tổ chức hội thề, nguyện sống chết có nhau, ông là một trong số 19 người dự hội thề năm đó. Ông được trao chức Tổng quản phủ Đô tổng quản, tước Quan Nội hầu. Năm Mậu Tuất (1418) lúc Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa tại đất Lam Sơn, lúc đó tướng ít, quân thiếu, bị tướng nhà Minh là đô đốc Chu Quảng điều quân từ thành Tây Đô vây đánh ở Mường Một (nay là vùng Bát Mọt, huyện Thường Xuân) Lê Lợi chạy thoát, về đóng ở Trịnh Cao, vùng này hẻo lánh, không có dân ở, tướng giặc chia quân chặn giữ những nơi hiểm yếu, tình thế cấp bách, nguy khốn vô cùng. “Vua hỏi ai là kẻ tận trung, hết lòng lo việc nước”, “Ai dám đổi áo, thay ta đem quân ra đánh giặc, xưng danh hiệu của ta bắt chước như Kỷ Tín đời Hán, để cho ta giấu tiếng, nghỉ binh, tập hợp tướng sỹ, mưu tính cuộc nổi dậy về sau ”. Các tướng đều không ai dám hưởng ứng. Riêng Lê Lai, đứng dậy nói: “Tôi xin đi. Sau này lấy được nước nghĩ đến công lao của tôi, khiến cho con cháu muôn đời được nhớ ơn, đó là nguyện vọng của tôi.”

Lê Lai cải trang thành “Chúa Lam Sơn” lĩnh 500 quân và hai voi chiến xông ra tập kích quân Minh. Quân giặc thấy “Chúa Lam Sơn” xung trận liền tập trung lực lượng quyết bắt bằng được “thủ lĩnh” của nghĩa quân. Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt. Đội nghĩa quân cảm tử cùng Lê Lai chiến đấu đến phút cuối cùng, Lê Lai rơi vào tay giặc. Giặc Minh bắt được Lê Lai tưởng là Lê Lợi bèn rút quân và sau đó xử Lê Lai bằng những hình phạt cực kỳ tàn ác.

Sau khi bắt được Lê Lai, quân Minh rút toàn bộ lực lượng bao vây Chí Linh và Lam Sơn về thành Tây Đô. Nhờ cơ hội đó Lê Lợi và nghĩa quân được giải vây và tiếp tục chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tiếp tục chiến đấu chống giặc.

Lê Lợi cảm động vì lòng trung nghĩa của ông, đã ngầm sai người đi tìm di hài ông đem về mai táng tại Lam Sơn. Năm Mậu Thân (1428), cuộc khởi nghĩa thắng lợi, Lê Thái Tổ đã phong cho Lê Lai là đệ nhất công thần, tặng là “Suy trung Đồng đức Hiệp mưu Bảo chính Lũng Nhai công thần”, hàm Thiếu Úy. Tháng 12 năm Kỷ Dậu (1429) nhà vua sai Nguyễn Trãi viết 2 bản lời thề ước trước và lời thề của vua nhớ công Lê Lai để vào trong hòm vàng và lại phong cho ông hàm Thái úy. Vua Lê Thái Tổ lại dặn con cháu cúng giỗ Lê Lai vào ngày hôm trước giỗ mình để Lê Lai được hưởng lễ trước. Sau Lê Thái Tổ mất vào ngày 22 tháng 8 năm Quý Sửu (1433), các vua nối ngôi theo lời dặn, cúng Lê Lai vào ngày hôm trước là ngày 21 tháng 8, vì vậy từ đó trong dân gian có câu: “hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi”. Đến đời Lê Thánh Tông, năm Giáp Thìn (1484) lại truy tặng Lê Lai là “Thái úy Phúc quốc công” và sau lại gia phong là Trung Túc Vương.

Lê Lai có ba người con trai cũng đều theo cha gia nhập nghĩa quân của Lê Lợi đánh đuổi quân Minh, đều là những tướng có tài năng. Con trưởng là Lê Lư trong khi vây thành Nghệ An năm Ất Tỵ (1425), đã dũng cảm chiến đấu và hi sinh để ngăn không cho quân địch liên lạc với các đồn khác. Năm Thuận Thiên thứ nhất (1428), Lê Lư được vua truy tặng Thiếu úy, đến năm Hồng Đức thứ 15 (1484) tặng là Kiến Tiết hầu, về sau được vua Lê Thánh Tông gia tặng Kiến quận công.

Người con thứ là Lê Lộ, căm thù giặc đã giết hại cha nên đã chiến đấu rất dũng cảm. Năm Tân Sửu (1421), trong trận đánh ở sách Ba Lẫm, ải Kinh Lộng đã dẫn phục binh đánh bại Trần Trí lập công, được vua thăng chức Tả trung quân tổng đốc chư quân sự. Đến năm Giáp Thìn (1424), theo vua đi đánh ở châu Trà Lân và ở Bồ Lạp đã phá được quân của Phương Chính và Sư Hựu nên được thăng là Thái bảo. Đến tháng 10 cùng năm, trong một trận chiến đấu chống giặc đã bị trúng tên rồi qua đời. Do công lao chiến thắng trong nhiều trận nên đến năm Thuận Thiên thứ nhất (1428), Lê Lộ được truy tặng Thái úy. Năm 1484, vua Lê Thánh Tông tặng cho ông là Chiêu Công hầu, sau lại gia tặng ông là Chiêu quận công.

Người con út là Lê Lâm cũng theo cha và anh chiến đấu chống quân Minh đã may mắn thoát khỏi vòng tên của giặc Minh. Năm 1428, vua đã trao chức Thủ quân thiết đột, Lê Lâm xếp vào hạng thứ ba trong hàng công thần, được trao hàm Trung Lương đại phu Câu kiềm vệ tướng quân, tước Thượng Trí tự Suy trung Đồng đức Hiệp mưu Bảo chính công thần. Đến năm Canh Tuất (1430) theo lệnh vua đem quân đi dẹp giặc Ai Lao sang quấy phá bờ cõi, đuổi quân giặc đến động Hồng Di đã bị trúng chông độc mà chết, được truy tặng là Thiếu úy.
Đến năm Giáp Thìn (1484) , tặng là Trung Lễ hầu, sau gia tặng ông là Thái úy Trung quốc công, ban thụy là Uy Vũ.

Như vậy, một nhà, cả bốn cha con đều đã hi sinh trong cuộc chiến đấu chống quân Minh để giải phóng và bảo vệ Tổ quốc. Lê Lai hi sinh năm Kỷ Hợi (1419), con thứ là Lê Lộ hi sinh năm Giáp Thìn (1424), con trưởng là Lê Lư hi sinh năm 1425, người con út là Lê Lâm hy sinh năm 1430. Lê Lai không chỉ được nêu gương muôn đời do đã xả thân vì nghĩa mà cả ba người con của ông cũng đã chiến đấu và hi sinh cho Tổ quốc. Tinh thần yêu nước chiến đấu hi sinh của cha ông từ những thế kỷ trước là tấm gương soi rọi cho các thế hệ sau, đặc biệt được thể hiện trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Đất nước ta đã có hàng chục vạn người mẹ Việt Nam anh hùng, người cha Việt Nam anh hùng và cả những gia đình Việt Nam anh hùng.

Nguồn: baotang.thanhhoa.gov.vn