699 lượt xem

Lý Vĩnh Khuông

Tên khác: Khuông Việt

Năm sinh: Nhâm Tý 1912 - Mậu Ngọ 1978

Tỉnh thành: Sóc Trăng

Thời kỳ - Pháp đô hộ (1883-1945), Nước Việt Nam mới

Nhà văn, nhà báo, tên thật Lý Vĩnh Khuông, bút hiệu Phong Vũ, Việt Hà, Trần Văn Hai (mượn tên bạn) quê làng Bãi Xàu, tỉnh Sóc Trăng, con ông Lý Tái Sanh và bà Phạm Thị Tố cư ngụ và làm việc tại Sài Gòn.

Ông xuất thân là nhân viên thư viện của soái phủ Nam Kỳ ở đường Lagrandière (nay là Thư viện Khoa học Xã hội tại TP. Hồ Chí Minh) và có chân trong ủy ban văn học Phan Thanh Giản của hội Đức Trí Thể dục Nam Kì. Ông là một cây bút viết liên tục trên tuần báo Tri Tân (Hà Nội). Từ năm 1941 ông là người đầu tiên nghĩ ra việc thiết lập Mục lục tạp chí Nam Phong. Công trình này đã thất lạc trong kháng chiến chống Pháp.

Năm 1942, Khuông Việt trúng giải nhất kỳ tuyển chọn Một thiên ký sự thuộc phạm vi Nam sử do báo Tri Tân tổ chức.

Đây là một cuộc thi mà một cây bút bình thường không phải dễ đoạt giải. Chuyên đề của ông có tên là Lãnh sự Việt Nam ở Sài Gòn, cùng năm này ông xuất bản quyển Tôn Thọ Trường.

Qua hai tác phẩm trên, Khuông Việt chứng tỏ rằng mình là một cây bút nghiên cứu sử khá đặc sắc Tác phẩm của ông đầy đủ tư liệu khoa học để lí giải cho từng vấn đề mà sách đặt ra.

Sau ngày đế quốc Anh giúp thực dân Pháp tái chiếm Sài Gòn, Khuông Việt bỏ luôn Thư viện ở đường Lagrandière dấn thân vào các hoạt động văn hóa, xã hội... Năm 1947 ông làm chủ nhiệm báo Nay... Mai. Sau đó, ông sang châu Âu đại diện cho Đảng Xã hội Việt Nam tại Pháp rồi kẹt luôn ở Paris. Sống ở Pháp (những năm 1948-1955) ông vẫn viết cho các báo ở Sài Gòn, nhất là trên tờ Mới với bút hiệu Việt Hà. Trong thời gian này nhiều lần ông tham dự các hội nghị Quốc tế với tư cách là kí giả, năm 1948 ông tham dự phiên họp Đại hội đồng Liên hiệp quốc tại Nữu ước với tên Lý Vĩnh Khuông.

Sau hiệp định Genève, ông trở về Sài Gòn sống ẩn dật ở Phú Nhuận. Trong thời gian này ông có viết một số sách như Người Nhật với Đông Dương, sách in chưa xong thì giải phóng miền Nam (30-4-1975) và một hồi kí dài trong đó có một chương quan trọng về Truyền bá quốc ngữ, Thanh niên tiền phong, Cứu đói... Gần đây chương hồi ký trên thấy hiện trọn vẹn trên một đề sách tương tự, Hội truyền bá Quốc ngữ của Vương Kim Toàn, Vũ Lân (NXB Giáo Dục, Hà Nội, 1980).

Khuông Việt là một nhà nghiên cứu nghiêm túc, điều đó được thấy rõ qua các tác phẩm của ông.

Các tác phẩm:

- Các bài chuyên đề trên các tạp chí vừa dẫn

- Mục lục tạp chí Nam Phong (đã mất)

- Một thiên kí sự thuộc phạm vi Nam sử

- Lãnh tụ Việt Nam ở Sài Gòn (1941)

- Tôn Thọ Tường (1942)

Tôn Thọ Tường là cuốn sách ông viết về một nhân vật sinh ở đất Đồng Nai. Nhân vật này có tài văn chương nhưng ra cộng tác sớm với Pháp vào buổi đầu thực dân chiếm nước ta làm thuộc địa. Tôn Thọ Tường đã trở thành một phản diện của văn học yêu nước Việt Nam.

Tổng hợp: SGT Group