282 lượt xem

Lê Tấn Trung

LÊ TẤN TRUNG

Lê Tấn Trung (có sử liệu chép tên ông là Lê Quyết Trung) nguyên quán xã Lỗ Hiền, phủ Thiệu Thiên, tỉnh Thanh Hóa, đạo Thừa tuyên Nghệ An. Ông từng được dự bàn mưu cùng với các tướng Nguyễn Xí, Lê Nhân Thuận, Lê Khang, Lê Niệm… truất Lê Nghi Dân, dẹp loạn đảng, đưa Lê Tư Thành lên ngôi lấy vương hiệu là Lê Thánh Tôn.
Năm Canh Dần (1470), Trà Toàn - quốc vương Chiêm Thành, đem quân thủy bộ đánh úp châu Hóa (Thừa Thiên, Quảng Trị ngày nay). Năm sau, vua Lê Thánh Tôn thân chinh dẹp giặc, phong Lê Tấn Trung làm Đại tướng, phụ trách hải thuyền.

Ngày mùng 5 tháng 2 năm Tân Mão (1471), hơn 500 hải thuyền do ông chỉ huy xuất phát từ Vũng Thùng (Đà Nẵng) đến cửa Đại Chiêm (Cửa Đại ngày nay), qua cửa Đại Áp (An Hòa, thành phố Tam Kỳ ngày nay) vượt biển chạy gấp vào Nam. Đạo quân do ông chỉ huy tiến đánh Trà Toàn suốt từ Cổ Lũy đến Thị Nại, giành được chiến thắng ngay từ đầu.

Việc này, Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Trà Toàn hằng ngày đem lễ vật đến xin hàng. Vua cho gọi bọn Lê Quyết Trung đến bảo rằng: giặc đã tan rã chí chiến đấu. Kỳ hạn đánh thành đã tới. Trà Toàn nay ở trong thành này, chỉ một trận là ta có thể nhổ được. Ta định phát pháo hiệu, nhưng sợ chúng biết, chi bằng mật ước các doanh cùng một lúc tiến đánh…”.

Đạo hải thuyền của ông hợp cùng chiến thuyền do đích thân vua Lê Thánh Tôn dẫn đầu cùng với quân của một danh tướng khác là Nguyễn Đức Trung đánh chiếm thành Đồ Bàn, bắt sống Trà Toàn.

Sau chiến thắng, nhà vua rút quân về, đặt tên vùng đất mới này là đạo Thừa tuyên Quảng Nam. Lê Tấn Trung được phong Bình Chiêm Triệu quốc công, được bố trí ở lại cùng với một số tướng lĩnh và binh sĩ để quản lý vùng đất vừa chiếm. Ông được giao trấn thủ huyện Lễ Dương (nay là phần đất phía nam tỉnh Quảng Nam, gồm các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Quế Sơn, Tiên Phước, Núi Thành và thành phố Tam Kỳ).

Tại đây, ông chiêu mộ dân chúng, khẩn hoang lập ấp, mở mang vùng đất mới Quảng Nam vào buổi đầu mở cõi, sớm trở nên một vùng trù phú. Trong Hoàng Lê ngọc phả và Ngọc điệp phổ chí (các gia phả của dòng họ Lê) có ghi rõ hành trạng Lê Tấn Trung như sau (dịch nghĩa):
“Thủy tổ Lê tộc, nguyên quán xã Lỗ Hiền, phủ Thiệu Thiên, đạo Thừa tuyên Nghệ An đến xứ Quảng Nam, phủ Thăng Hoa, tổng Chiên Đàn trung khai khẩn, lập vườn ruộng, quy dân lập ấp thiết lập xã hiệu Trường Xuân, niên hiệu Lê Thánh Tôn, Ất Mão, đời Hồng Đức (1495)”.

Ông có công khai khẩn lập nên xã Phú Xuân Trung (Trường Xuân). Xưa nay, người đất Quảng Nam đều xem ông là một trong các bậc tiền hiền và có công khai hoang lập làng, mở cõi. Lăng mộ của ông hiện ở tổ 4, phường Trường Xuân, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam; kỵ húy hằng năm nhằm ngày 18 tháng Giêng.
Anh ruột ông là Lê Tấn Triều được vua Lê Thánh Tôn cử đến trấn thủ Ngũ Hành Sơn (quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng ngày nay). Hậu duệ của ông nổi danh có Đô đốc Thủ Tài hầu Lê Văn Thủ và Võ tướng Hữu quân Lê Văn Long, hai tướng từng tham gia đánh đuổi quân Thanh xâm lược, dưới quyền Hoàng đế Quang Trung, góp phần làm nên chiến tích lẫy lừng vang dội đầu xuân Kỷ Dậu 1789.


Ở Đà Nẵng, tên ông được đặt cho con đường ở Khu dân cư Thọ Quang mở rộng, quận Sơn Trà, dài 395m, rộng 10,5m, từ đường Nguyễn Phan Vinh đến đường 10,5 đang thi công (ảnh), theo Nghị quyết số 71/2008/NQ/HĐND ngày 4-12-2008 của HĐND thành phố Đà Nẵng về đổi, đặt tên đường ở Đà Nẵng.

Nguồn: baodanang.vn