238 lượt xem

Hoàng Thị Tòng

HOÀNG THỊ TÒNG

 Từ truyền thống quê hương

Hoàng Thị Tòng, sinh ngày 5 tháng 5 năm Ất Dậu (1885), hiệu là Tùng Thoại, thường gọi là Cô Tư Tùng Thoại, người làng Thanh Lâm, tổng Phước Lợi, phủ Tam Kỳ (nay là thôn 9, xã Tiên Thọ, Quảng Nam). Bà là con thứ tư của cụ Bá Ba, một bá hộ nổi tiếng Thanh Lâm vùng đất bán sơn địa nhưng là nơi ruộng đất trù phú, tụ hội nhân kiệt như Võ Truật, Trần Hành, Dương Bộc tham gia nghĩa quân chống Pháp xâm lược Đà Nẵng (1858), Trần Huỳnh, Trầm Tùng Vân, Lê Ngạn, Ngô Đốc, Trần Khuê tham gia khởi nghĩa Việt Nam Quang phục hội (1916).

Với tư chất thông minh từ nhỏ, lúc 7 tuổi đến 12 tuổi, bà học chữ Nho tại trường làng do ông Ngô Vỹ, người làng Kế Xuyên, tổng An Thái, phủ Thăng Bình lên đây mở lớp dạy học, trong số 60 học trò bà thuộc loại học giỏi viết chữ đẹp như sách và có biệt tài rất lanh lẹ trong ứng đối thành thơ, năm 13 tuổi đã học và giảng nghĩa sách Minh tâm bửu giám là sách dành cho các học trò ngày xưa. Năm 15 tuổi, bà đậu tuyển sinh tại trường Thanh Lâm do thầy giáo Võ Nghi, người làng Hiền Lộc, Quế Sơn lên dạy học, sau đó lên Phú Lâm học trường do cụ Lê Cơ mở dạy, rồi ra học và năm 1903 đậu Primaire (tiểu học) Pháp Việt trường Diên Phong, Điện Bàn do nhà yêu nước Phan Thành Tài mở lớp và dạy tiếng Pháp, Châu Thượng Văn dạy tiếng Trung Hoa.

Đến vĩ thanh trong sự nghiệp

Sớm tiếp xúc với tân thư và tư tưởng yêu nước, cải cách trong ngôi trường tân học, Hoàng Thị Tòng tham gia phong trào yêu nước, tại nhà Tiểu La Nguyễn Thành tại Thạnh Mỹ - Thăng Bình. Tháng 4 năm 1904, Hoàng Thị Tòng là một trong hai mươi đồng chí dự họp  bàn việc thành lập Duy Tân hội. Cuộc họp này, Cường Để được bầu làm hội trưởng, hội viên có Phan Bội Châu, Nguyễn Thành, Đặng Thái Thân, Đặng Tử Kính, Lê Võ, Hoàng Thị Tòng… bàn việc khuếch trương thế lực của hội, chuẩn bị vũ trang và xuất dương cầu viện. Phan Bội Châu, Đặng Tử Kính nhận việc xuất dương sang Nhật, Nguyễn Thành và Hoàng Thị Tòng lo việc vận động tuyên truyền nhân sĩ trong nước và thu nhận sự ủng hộ đóng góp kinh tài, từ đó bà bắt đầu hăng say hoạt động.

Mùa đông năm 1905, Hoàng Thị Tòng vào Sài Gòn, bí mật liên lạc với hiệu buôn Nam Đồng Hưng, gặp Trần Chánh Chiếu để vận động tài chính cho hội; sau đó lên Châu Đốc gặp Trần Thị để giải hòa việc lương giáo chia rẽ và vận động nhân sĩ, tri thức tham gia ủng hộ Duy Tân. Đầu tháng 4 năm 1906, Hoàng Thị Tòng ra Hà Nội bí mật liên lạc với hiệu buôn Đồng Lợi Tế rồi sang Hương Cảng gặp Lý Tuệ để gửi tiền cho Du Thuận, Lưu Vĩnh Phúc đồng thời lấy chương trình Duy Tân hội để về nước phổ biến. Trước khi ra Bắc, bà đến Quảng Bình, thuyết phục kết nạp Mai Lão Bạng vào hội và vận động thanh niên Ki tô giáo tham gia xuất dương. Tháng 11 năm 1906, Hoàng Thị Tòng về nước, khi đến Huế gặp Võ Bá Hạp thì được biết Tăng Bạt Hổ qua đời, bà đứng ra lo liệu đám tang cụ Tư Mã tại vườn Cây Trúc, làng An Hòa, huyện Hương Trà rồi sau đó trở về Quảng Nam.

Tháng 6 năm 1907, Hoàng Thị Tòng ra Quảng Trị rồi vào Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận để cổ động cải cách Duy Tân và vận động quyên tiền cho hội, rồi tiếp xúc với Đặng Nguyên Cẩn, Phan Châu Trinh. Hai cụ hỏi thăm về Tăng Bạt Hổ rồi gửi bài điếu cho Hoàng Thị Tòng. Đầu năm 1908, tuy bất đồng ý kiến với các nhà yêu nước về tổ chức phong trào chống sưu thuế, nhưng khi phong trào nổ ra vào tháng 2 năm 1908, do cả gia đình bà tham gia nên bà cũng bị liên can và bị bắt giam ở tỉnh, bà ung dung nói “Chúng ta ở tù có khổ chi, chỉ lúc này dân tộc Việt Nam mới khổ”. Tháng 5 năm 1908, bà cùng Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Tú tài Dương Đình Thạc và nhiều chí sĩ khác bị đày đi Côn Đảo. Ngày mới ra đảo, ngục trưởng là O. Conell phải khâm phục bà vì nói và làm bài thơ tiếng Pháp La Carte dé chirée du Viet Nam (Bản đồ Việt Nam bị rách) rất hay và lưu loát. Ở Côn Đảo gần được 3 năm, Hội Ligue des Draoits de l’homme và Hội phụ nữ Pháp do ông Marins và Moutet vận động. Hoàng Thị Tòng được trả tự do trở về quê nhà và tháng 4 năm 1910, bà xuất dương sang Nhật. chuyến đi này có Huỳnh Thường Tu, làng Cẩm Thoại, tổng An Phước, Đại Lộc và Tư Doãn, làng Thạnh Mỹ, tổng Phú Mỹ, Thăng Bình là con nuôi của Tiểu La Nguyễn Thành cùng đưa tiễn ra tại Hà Nội tá túc nhà Tăng Thiện là con nuôi Tăng Bạt Hổ. Sau đó bà cùng Tăng Thiện sang Hương Cảng, Trung Quốc ở nhà Lý Tuệ. Cụ Lý Tuệ gửi bà cho ông Phùng Chấn đưa sang Nhật. Tháng 8 năm 1910, bà gặp chồng và Ngô Duy Cường tại Đông Kinh (Kyoto), sau đó Duy Tân hội giới thiệu bà với vợ chồng chính khách Toshzo Nishio và nhiều người Nhật tiến bộ. Bà đứng tên xin phép chính phủ Nhật mở trường Việt Thanh Văn tại 218 phố Minh Trị, Đông Kinh, dạy cho người Nhật học tiếng Việt, Trung và tiếng Pháp với trên 400 học sinh; lấy kinh phí dạy học hỗ trợ cho Duy Tân hội, nuôi dưỡng phong trào chống Pháp; đồng thời vẫn tiếp tục hoạt động bên cạnh chồng là Lê Quý Liên, cũng là một lưu học sinh Đông du của Duy Tân hội đang sống lưu vong tại đây. Mùa thu năm 1912, bà sang Hương Cảng gặp và biếu một ít tiền cho Phan Bội Châu, Kỳ Ngoại Hầu Cương Để và Đặng Tử Kính. Tại đây, bà dự cuộc họp của Duy Tân hội bàn và thống nhất đổi tên là Việt Nam Quang phục hội. Tháng 6-1913, bà sinh đôi, con trai là Lê Phục Quốc, con gái là Lê Việt Nam. Hoàng Thị Tòng học thêm tiếng Nhật với học sinh, tiếng Đức với bà Toshzo Nishio, tiếng Xiêm với ĐẶng Nguyên Cẩn và nhờ có khả năng diễn thuyết bằng tiếng Việt, bà thường xuyên tổ chức diễn thuyết bằng tiếng bản xứ ở Đông Kinh, Hoành Tân, Thần Hộ và các thị trấn trên đất Nhật, tố cáo sự áp bức của chế độ thực dân Pháp ở hải ngoại, tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế. Tháng 12 năm 1913, bà sang Quảng Đông gặp Phan Bội Châu bàn việc thì nghe tin Phan Bội Châu và Mai Lão Bạng bị Đô đốc Long Tế Quang cấu kết với toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut bắt và âm mưu dẫn độ về Việt Nam, đổi lại Pháp cho Trung Hoa mượn đường sắt từ Quảng Đông lên Vân Nam. Hoàng Thị Tòng đi Thượng Hải và Bắc Kinh, gặp Hindeu, Otlz Potoz và A. Domairs là 3 lãnh sự Đức, Nhật, Nga để vận động và được họ nhận lời sẽ can thiệp thả hai cụ. Sau đó bà đi gặp báo chí ngoại quốc ở Thượng Hải, Bắc Kinh viết bài tố cáo âm mưu Chính phủ Trung Hoa bắt hai nhà yêu nước Việt Nam. Do Tổng lý Bắc Kinh là Đàm kỳ Thụy trước đó có sang Nhật, ghé thăm trường Việt Thanh Văn nên biết Hoàng Thị Tòng, lần này bà đến Bắc Kinh gặp trực tiếp Đàm Kỳ Thụy can thiệp mạnh để thả hai nhà chí sĩ. Nhờ có sự vận động của Hoàng Thị Tòng mà Phan Bội Châu và Mai Lão Bạng được đối xử giảm nhẹ và không bị Long Tế Quang giao cho Pháp. Tháng 2-1917, Phan Bội Châu và Đặng Tử Kính đi Hàng Châu để can thiệp Trung Hoa thả Mai Lão Bạng, trước khi đi Phan Bội Châu giao cho Hoàng Thị Tòng sang Philippin nghiên cứu và học tập mô hình canh tân. Sang đến Philippin, bà trình giấy giới thiệu của Việt Nam Quang phục hội với các nhà chức trách rồi đi đến tìm hiểu việc thực hành cải cách xã hội ở các học đường, trại canh nông, xưởng công kỹ nghệ, sở thực nghiệm, sở thực hành cải tạo xã hội… Sau hơn 1 tháng ở Philippin, bà trở về Hương Cảng báo cáo tình hình với Phan Bội Châu và trở về Nhật thì đúng lúc Chính phủ Nhật ra lệnh đóng cửa trường Việt Thanh Văn và trục xuất du học sinh, bà cùng chồng và các đồng chí sang Hàng Châu, Trung Hoa tiếp tục hoạt động đổi tên là “Thiếu Lâm Quảng Đông”. Do điều kiện Hàng Châu không thuận lợi, bà sang Nam Kinh để xuất bản Việt Thanh Báo, gây quỹ cho phong trào, rồi đi diễn thuyết vận động bằng tiếng Trung Hoa tại Nam Kinh, Quảng Tây, Tứ Xuyên, Vân Nam, Hồ Nam, Hồ Bắc, Thượng Hải, Quảng Đông, Bắc Kinh… và những nơi Việt kiều cư trú.

Tháng 7-1917, hoạt động phong trào tại Nhật rất khó khăn, Hoàng Thị Tòng gặp ông bà chính khách Toshzo Nishio (bà vợ là người Đức) để bàn việc vận động chính phủ Đức giúp đỡ phong trào cứu nước. Bà gặp Phan Bội Châu và các đồng chí trong Việt Nam Quang phục hội, được tổ chức thống nhất cử sang Đức cùng đi với bà Toshzo Nishio để vận động cầu viện chính phủ Đức. Đến nước Đức, Hoàng Thị Tòng đi diễn thuyết lên án chế độ thực dân Pháp ở Đông Dương, trình bày nguyện vọng của nhân dân bị trị. Bà đi diễn thuyết nhiều nơi từ Berlin, Luneburg, Born… đều bằng tiếng Đức. Nhưng tình thế thay đổi, chiến tranh thế giới lần thứ nhất nổ ra, chính phủ Đức không thể giúp đỡ vũ khí mà chỉ ủng hộ 20.000 đồng tiền Đức. Sau 3 tháng vận động, bà trở về Hàng Châu, Trung Hoa trình bày kết quả việc đi Đức với Phan Bội Châu để lo liệu việc tiếp theo.

Năm 1918, vụ Đầu độc Hà Thành do Việt Nam Quang phục hội tổ chức bị thất bại, Pháp khủng bố ác liệt, tổ chức bị suy giảm, Hoàng Thị Tòng từ Trung Hoa sang Thái Lan để củng cố hoạt động phong trào, tìm nguồn tài chính và vũ khí quân sự. Bà ở Thái Lan 3 tháng, đi nhiều nơi từ Băng Cốc, Xa Khuông, Lu Xa… để diễn thuyết vận động, thu được 30 nghìn bạt để về nước mở trường kiểu mẫu. Bà trở lại Nam Kinh vào tháng 5 năm 1918 và tháng 7 năm đó, do tình hình thế giới chuyển biến buộc thực dân Pháp phải nới lỏng chính sách thuộc địa, theo chủ trương Pháp Việt đề huề, Việt Nam Quang phục hội đưa bà trở về nước để đấu tranh hợp pháp trong tình thế mới. Về đến Hà Nội, với thái độ tự tin bà đến gặp Chánh mật thám Pháp là Jean de Rivit và Toàn quyền Đông Dương Pháp là Albert Sarraut, rồi về Huế gặp Khâm sứ Charles, Chánh mật thám Trung Kỳ, Chánh văn phòng Khâm sứ…. trình bày lưu loát những câu chất vấn và kiến nghị cải cách, khiến Pháp phải khâm phục.

Trên đường về Quảng Nam, Hoàng Thị Tòng ghé thăm các đồng chí trong Việt Nam Quang phục hội, về đến quê nhà bà lo việc mở trường, tháng 1 năm 1919, ra đời trường lấy tên “Khai trí Quốc dân” đầu tiên ở làng Thạnh Bình, Tiên Phước, có đến 476 học sinh theo lớp. Thành tích này nói lên những đóng góp to lớn của bà trong công tác hàng đầu của sách lược đấu tranh bất bạo động. Trường Khai trí Quốc dân là ngôi trường tân học thứ hai rất nổi tiếng sau trường Phú Lâm, xã Tiên Sơn do cụ Xã Sáu Lê Cơ tổ chức vào đầu thế kỷ XX. Ngôi trường tân học do Hoàng Thị Tòng làm hiệu trưởng còn có các chí sĩ yêu nước đứng ra dạy học như Tú tài Phồn Xương Nguyễn Lượng, Tú tài Kim Hùng Nguyễn Thường, Giáo sư Lê Viên (cháu cụ Xã Sáu Lê Cơ) và Khóa sinh Đỗ Liệp. Trường dạy 4 môn Quốc Ngữ, Hán tự, Pháp văn kiêm Anh văn và tiếng Nhật. Khi đã ổn định, trường Khai trí Quốc dân mở được hơn một tháng thì Hoàng Thị Tòng là người phụ nữ năng nổ, luôn luôn hoạt động không ngơi nghỉ, bàn chân quen thuộc mọi nẻo đường của bà lại hành trình vào Nam ra Bắc để tiếp tục sự nghiệp “Khai trí trị sinh, chấn hưng dân khí, khôi phục quốc quyền”. Bà đề nghị Chính phủ Bảo hộ Pháp và công sứ Hội An là Jean Coru thay đổi chính sách cai trị, cải tạo xã hội, mở mang dân trí, giao thông, y tế, công thương, không hạn chế sách báo tân học.. Bà vận động giới trí thức, nhân sĩ yêu nước chung sức mở, tùy địa dư mỗi huyện, phủ tối thiểu phải có vài ba trường để khai hóa dân trí. Trong những lần đi cổ động Duy Tân, bà hay nói với quan lại cũng như tri phủ các nơi: “L’ignorant subit tout dommage infiniment les enfants du VietNam iens ignorants ont ponr cause demi part de notre responsabilite” (người thiếu học, chịu sự thiệt thòi không giới hạn. Trẻ em Việt Nam thiếu học, trách nhiệm chúng ta một phần lớn). Sau khi vào Quảng Ngãi và Bình Định vận động Duy Tân, Hoàng Thị Tòng trở ra Quảng Nam gặp Công sứ Jean Coru để phản đối chính quyền thực dân khám xét, tịch thu sách, cấm mở trường Khai trí Quốc dân. Tại tòa công sứ Hội An, bà đã đấu lý bằng tiếng Pháp trôi chảy, buộc viên công sứ phải chấp nhận cho mở trường trở lại.

Dự định của Hoàng Thị Tòng sau đó sẽ tiếp tục vào Bình Thuận, Ninh Thuận và Nam Kỳ lục tỉnh diễn thuyết và vận động cải cách. Nhưng năm đó ở Tiên Phước xảy ra dịch bệnh đậu mùa trầm trọng, bà và hai người con bị nhiễm bệnh rất nặng. Bà qua đời vào ngày 20 tháng 07 năm Kỷ Mùi (1919) lúc 34 tuổi, sau đó chưa đầy một tháng, hai người con của bà mới 6 tuổi cũng qua đời do bệnh không cứu chữa được. Trước khi qua đời, với tấm lòng yêu nước thiết tha nhắn gửi cho đồng bào, đồng chí, bà Hoàng Thị Tòng để lại “Di tự” bằng tiếng Hán, tạm dịch như sau: “Làm người đối với Gia đình, Xã hội, Tổ quốc, không phân biệt trai gái, bỏ chế độ nam tôn nữ ti. Con trai phải trau dồi tính trung dũng, hiếu nghĩa; con gái phải biết đạo tam tòng, tứ đức. Trẻ em phải biết học văn tự, học cư xử, giao thiệp. Mọi người rèn luyện tư cách, học xử thế, góp tài sức cho đời, xây dựng tương lai cho bản thân và xã hội…. Đã là làm người, không ai được lãnh đạm trốn tránh trách nhiệm đối với Gia đình, Xã hội, Tổ quốc. Dân có giàu thì nước mới mạnh. Tổ quốc trên hết”.

Trong di cảo mà gia đình để lại, Hoàng Thi Tòng được rất nhiều chí sĩ yêu nước từ Bắc đến Nam ca ngợi qua lời thơ, vịnh, điếu như của Tây Hồ Phan Châu Trinh, My Sanh Phan Thúc Duyện, Ôn Như Lương Văn Can, Tập Xuyên Ngô Đức Kế, Tán tương Nguyễn Thiện Thuật, Hoàng giáp Đào Nguyên Phổ, Thái Sơn Đặng Nguyên Cẩn, Thượng thư Nguyễn Hữu Bài, Hàng Hải Lê Bá Trinh, Nguyên Phu Hoàng Tăng Bí…

Nguồn: vusta.vn