267 lượt xem

Nguyễn Văn Vĩnh - Chuyện chưa kể về 'tứ kiệt' đất Hà thành

Nghĩ sao mặc lòng, dù nước Việt đầu thế kỷ XX dân tình lầm than trong ách cai trị của thực dân Pháp, nhưng không vì thế mà văn hóa Việt lụi tàn, mai một đi. Bởi trong lớp trí thức mới của nước Việt, vẫn có những người mà hoạt động của họ góp phần to lớn cho bản sắc văn hóa dân tộc. Đại diện tiêu biểu trong số ấy, có tứ kiệt đất Hà thành “Quỳnh, Vĩnh, Tố, Tốn” (Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Tố, Phạm Duy Tốn). 

Xuất thân không thuộc thành phần cao sang trong xã hội Việt buổi ấy, nhưng tài năng và chí vươn lên không ngừng đã đưa ông Vĩnh làng Phượng Dực trở thành người được biết tiếng khắp đất Nam. 

Nguyễn Vỹ, trong Văn thi sĩ tiền chiến, khi tâm sự về cảm xúc của mình đối với Nguyễn Văn Vĩnh, có lời rằng: “Hồi hãy còn là một sinh viên bé nhỏ, tôi đã coi Nguyễn Văn Vĩnh như bậc Đại nhân, siêu quần bạt tụy, tài trí vô song”. Sự ngưỡng vọng của Nguyễn Vỹ đối với ông Vĩnh, chẳng phải cá nhân tác giả Văn thi sĩ tiền chiến mà thôi đâu.

Dạo ấy, nhà văn, nhà báo dòng Nguyễn Văn này còn nhận được sự trọng vọng của lớp lớp thanh niên nước Nam. Nhưng để có được danh tiếng trong lòng lớp trí thức thuở nước nhà còn ngả nghiêng, ông Vĩnh phải vươn lên không ngừng mới có thành quả được thế. 

Chú bé kéo quạt trường thông ngôn

Sinh ra tại số nhà 46 Hàng Giấy, Hà Nội vào năm 1882, nhưng chính quán của ông chủ bút tương lai Đăng cổ tùng báo ở làng Phượng Dực, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, Hà Đông cũ, nay là thôn Phượng Vũ, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. 

Xuất thân của cậu bé Vĩnh, thật cũng không giàu sang gì cho cam. Ông thân sinh Nguyễn Văn Trực là trưởng phố (cụ Bá), việc gia đình giao hết cho vợ.  Ông Vĩnh có tám anh chị em.

Đường học hành, kể ra cậu bé Vĩnh tỏ ra là chú bé có trí thông minh khác thường, nên trong tác phẩm Nguyễn Văn Vĩnh (1882 - 1936) của Nhất Tâm có ghi “Dạn dĩ, bặt thiệp, mới năm, sáu tuổi, Nguyễn đã ứng đối trôi chảy cuồn cuộn như nước trước những câu “vấn nạn” mắc mỏ của những người đến thử tài trí” Nguyễn.


Theo sách Học giả Nguyễn Văn Vĩnh - Chuyện nghiệp, chuyện đời, ban đầu chú bé Vĩnh được cha mẹ cho theo học chữ Nho. Được cái, học đến đâu, Vĩnh nhớ đến đấy. Vừa đi học, cậu bé là nhà báo tương lai ấy còn đi chăn bò thuê cho một người chủ ở bãi sông Hồng. Nhưng bấy giờ, Nho học đang buổi mạt vận, nhiều nhà thức thời cho con theo học tiếng Pháp. Nhà ông Trực cũng thế, nhưng ngặt nỗi, lại túng thiếu. Hầu hết những ông khách đến viếng nhà Nguyễn đều biểu lộ sự kinh ngạc, chẳng tiếc lời khen song thân Nguyễn đã hữu phúc sinh con”. 

Dạo đó, đình làng Yên Phụ (nay là trường THCS Mạc Đĩnh Chi, thuộc phố Phó Đức Chính, Hà Nội), người Pháp mở trường Thông ngôn, còn gọi là trường Đại tập. Hiệu trưởng là D’Argence. Trường nhằm đào tạo phiên dịch. Không có tiền đóng học phí cho con theo học, ông Trực bèn nghĩ ra một cách khác, làm đơn xin cho cậu bé Vĩnh 8 tuổi làm chân kéo quạt trong trường. 

Thế là, nơi lớp học trong trường Thông ngôn, cậu bé Vĩnh cứ đều đặn mỗi tiết đứng cuối lớp kéo hai hàng quạt liền nhau cho các bạn học được mát nhưng tâm trí và đôi mắt thì luôn dõi theo thầy giảng, bạn học. Trong khi chúng bạn học chính quy nhiều khi còn “gà mắc tóc” nhiều câu, nhiều đoạn khó, thì cậu bé Vĩnh chỉ học nhờ nhưng lại vượt trội hơn. Việc này không lọt qua được mắt ông Hiệu trưởng.

Khi lớp học mãn khóa năm 1893, Vĩnh được cho phép thi thử, và xếp thứ 12 trong số 40 học sinh khi chú bé mới 11 tuổi. Cảm mến cậu bé An Nam nghèo mà hiếu học, sáng dạ, Hiệu trưởng D’Argence đặc cách cho Vĩnh làm học sinh chính thức của khóa Thông ngôn tòa sứ 1893 – 1895 mà không phải nộp học phí. Ba năm sau, Vĩnh tốt nghiệp Thủ khoa ở tuổi 14. 

Dứt đời làm thuê, tự mình làm chủ

Nguyễn Văn Vĩnh ở tuổi 15 đã trở thành thông ngôn Tòa sứ, ăn lương Tây. Nơi đầu tiên bắt đầu đời công chức của Vĩnh là đất Lào Cai, với nhiệm vụ thông ngôn cho đoàn nghiên cứu của Pháp mở tuyến đường sắt Hải Phòng – Hà Nội – Lào Cai – Vân Nam. Một năm sau, Vĩnh về đất Kiến An (Hải Phòng) công tác tại Tòa sứ. 

Chính ở đất cảng Hải Phòng, nơi tàu thuyền ra vào tấp nập, ngoại thương phát triển, Nguyễn Văn Vĩnh ngoài việc làm thông ngôn, lại có được dịp tốt khi tiếp xúc với người Hoa, người Anh, và với sở học có sẵn, dần dà tiếng Hoa, tiếng Anh Vĩnh cũng tỏ thông khi tự học.

Đây cũng là thời gian anh chàng thông ngôn trẻ tuổi đọc thêm nhiều loại sách triết, văn, chính trị khác nhau. Làm việc tại Hải Phòng đến tuổi 20, vốn kiến thức, ngoại ngữ đã dày dặn hơn cả tuổi đời của Vĩnh. 

Và nghiệp báo chí chàng trai quê Phượng Dực bắt đầu với việc làm cộng tác viên viết bài cho báo tiếng Pháp Courrier de Hai Phong. Những bài viết đầu tiên trên báo ấy từ năm 1899 khi Nguyễn Văn Vĩnh mới 17 tuổi; tiếp sau đó Vĩnh viết cho tờ Tribune Indochinoise (Diễn đàn Đông Dương). 

Sau thời gian làm việc tại Hải Phòng, Nguyễn Văn Vĩnh về Tòa sứ Bắc Giang, được Công sứ Hauser trọng dụng vì thực tài, bổ nhiệm làm Chánh văn phòng Tòa sứ, lại nâng lương vượt khung thông ngôn. Thời gian sau, Hauser về làm Đốc lý Hà Nội, không quên dẫn theo cộng sự tin cẩn, tài năng người Nam này.

Tại Hà Nội, Nguyễn Văn Vĩnh là người đã tham gia đảm trách việc giúp người Việt lập các trường học, hội nghề nghiệp. Chính thanh niên Tây học ấy đã trở thành sáng lập viên của Hội Trí tri, rồi trường Đông Kinh Nghĩa Thục, trực tiếp thảo điều lệ, viết đơn xin thành lập và tham gia giảng dạy Pháp ngữ, diễn thuyết… 

Bước ngoặt lớn dẫn tới sự chuyển hướng, giã biệt nghề thông ngôn ăn cơm Tây của Nguyễn Văn Vĩnh, đó là sự kiện diễn ra năm 1906. Năm ấy, Nguyễn Văn Vĩnh được Hauser từ sự ủy quyền của Phủ Thống sứ Bắc kỳ giao cho việc tổ chức, quản lý một gian hàng Bắc kỳ ở Hội chợ thuộc địa tại Marseille để quảng bá hình ảnh của “xứ Đông Pháp”. Một chuyến đi được Nguyễn Văn Vĩnh miêu tả cảm tưởng mà trong hồi ức Vũ Bằng còn nhớ là:

Mơ màng qua đất Âu-la,

Ngó coi một tí nào là văn minh.

Xem sao lại kẻ hơn mình,

Thử xem con tạo có tình gì chăng.

Mà đông lại điểm sắc vàng,

Tây thì để trắng, Nam màng mịt đen.

Chuyến xuất dương 5 tháng bên trời Tây đã mở ra một tầm nhìn mới cho Vĩnh, đặc biệt sự chú ý của ông hướng tới lĩnh vực in ấn, xuất bản. Về nước, thay vì tận tâm phục vụ cho chủ Tây, Nguyễn Văn Vĩnh đệ đơn từ chức. Bắt đầu từ đây, với vốn kiến thức, ngoại ngữ và kinh nghiệm làm cho Tây trước đó, ông Vĩnh dấn thân vào một lĩnh vực làm nên tên tuổi của ông: Báo chí. 

Dấn thân vào nghiệp báo chí

Nghỉ đời công chức, mới 25 tuổi, chàng trai Nguyễn Văn Vĩnh dấn thân vào một con đường mới mà ông chiêm nghiệm “Nước Nam ta mai sau hay dở ở như chữ quốc ngữ”. Để làm được điều đó, như Nhất Tâm cho hay, Vĩnh “lấy báo giới làm lợi khí tuyên truyền cổ động”… “hăng hái tiên phong và đã ráo riết xung phong trong mặt trận văn hóa, mở được con đường sống cho “quốc ngữ” phát huy sắc thái”. Nghiệp báo chí bắt đầu. 

Năm 1907, tờ báo đầu tiên trên đất Bắc kỳ Đại Nam đồng văn nhật báo được đổi làm tờ Đăng cổ tùng báo, hiểu nôm na là “khêu đèn gióng trống”. Báo ra đời từ 1892 do F.H.Schneider in ấn, phát hành và giữ vai trò công báo. Ngày 28/3/1907, nó mang tên Đăng cổ tùng báo, Nguyễn Văn Vĩnh làm chủ bút với khẩu hiệu “Nghiệp duy cần, chí duy nhất, hợp lực tương trợ, đồng tâm cộng tề”. Báo dùng chữ Hán và chữ quốc ngữ. 

Theo Báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến 1945, trong thời gian này, liên tiếp nhiều tờ báo do Nguyễn Văn Vĩnh làm chủ bút ra đời. Năm 1908, tuần báo Pháp văn Notre Joural do ông làm chủ bút ra số đầu tiên tại Hà Nội ngày 19/10.

Năm 1910 ra tuần báo Notre Revue (Nhất Tâm cho rằng báo ra năm 1909). Năm 1910, Nguyễn Văn Vĩnh Nam tiến làm chủ bút Lục tỉnh tân văn do Schneider sáng lập. Năm 1913 ra bắc làm chủ bút Đông Dương tạp chí cũng do Schneider sáng lập. Tiếp đó là chủ bút Trung Bắc tân văn. 

Sức làm việc không mệt mỏi, chưa đến tuổi tam thập nhi lập, mà tên tuổi Nguyễn Văn Vĩnh đã như pháo nổ giữa trời quang trong làng báo Việt buổi ấy.../.

(Mời xem tiếp trên Pháp luật 4 phương số 61, ngày 11/7/2016) 


Minh Trí – M.Văn