301 lượt xem

Lê Túc Tông

Lê Túc Tông (1488 – 1504), tên húy là Thuần, niên hiệu là Thái Trinh, là vị vua thứ 7 của Vương triều nhà Hậu Lê trong lịch sử Việt Nam, được sử cũ miêu tả là vị Hoàng đế có tính cách “vui điều thiện”, có tính cách hiền hòa.

Dù ông là con thứ ba nhưng do hiếu học, chăm ngoan, ông được vua cha Lê Hiến Tông phong làm Hoàng thái tử nối vị. Không lâu sau khi lên nối ngôi Hoàng đế vào năm 1504, ông đã hoàn tất nhiều việc tốt, chẳng hạn như phóng thích phi tần, giảm lệ thuộc vào sức lao động của nhân dân. Ông cũng thực thi nền quân chủ chuyên chế, không để bị lấn át, và thần dân Đại Việt vui mừng với đời sống thái bình thịnh trị.

Dưới triều đại của ông, một cuộc phản loạn của Đoàn Thế Nùng tại Cao Bằng cũng bị dẹp tan.

Tuy là vị Hoàng đế hiền minh, giữ nước thăng bình, xứng đáng là người kế thừa của vua cha, nhưng không may, Túc Tông lại lâm bệnh và mất sớm vào cuối năm 1504. Điều ấy chấm dứt triều đại chỉ trong vòng có 6 tháng của ông. Ông không có con nối dõi, và sau cái chết sớm sủa của ông, Vương triều Hậu Lê bắt đầu suy yếu, với sự nối ngôi của người anh tàn ác của ông là Lê Uy Mục.

Tiểu sử

Lê Túc Tông tên húy là Lê Thuần. Ông sinh ngày 1 tháng 8 âm lịch năm Hồng Đức thứ 19 (1488), với tư cách là Hoàng tôn của vua Lê Thánh Tông. Là con trai thứ ba trong số sáu Hoàng tử của Lê Hiến Tông, mẹ là Trang Thuận hoàng thái hậu Nguyễn Thị Hoàn, quê ở Bình Lăng, Thiên Thi, Hưng Yên.

Sáu tháng làm vua

Sau khi Lê Hiến Tông qua đời, Trung quân đô đốc phủ tạ đô đốc Bình Sơn hầu Lê Quảng Độ, Nam quân đô đốc phủ tả đô đốc phò mã đô uý Lâm Hoài bá Lê Đạt Chiêu và các vị quan phò mã, các vị quan Ngũ phủ, Lục bộ, Đông các, Hàn lâm viện, Lục tự, khoa tới điện Hoàng Cực mà rước Thái tử Lê Thuần ra làm vua. Đó là ngày 6 tháng 6 âm lịch, tức là ngày Tân Mão năm 1504, ông lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Thái Trinh, tức là vua Lê Túc Tông. Ông còn xưng là Tự Hoàng (do đó sách có chép ông là Tự Hoàng Thuần) và lấy ngày sinh của mình làm Thiên minh Thánh tiết, tổ chức cúng viếng tông miếu.

Vị tân Hoàng đế liền cử sứ thần sang chầu nhà Minh bên Trung Quốc. Theo lệnh của ông, Lại bộ Thị lang Đặng Tán, Kiểm thảo Khuất Quỳnh Cửu và Hộ khoa đô cấp sự trung Lưu Quang Phụ mang lễ vật đi dâng cống; trong khi Binh bộ Hữu Thị lang Nguyễn Lân và Giám sát ngự sử Nguyễn Kính Nghiêm thì mang nhiệm vụ báo tang cho tiên hoàng Hiến Tông ; còn Lễ bộ Hữu Thị lang Nguyễn Bảo Khuê, Đông các hiệu thư Trần Viết Lương và Hiệu thư Vũ Châu thì mang trách nhiệm thỉnh cầu triều Minh thừa nhận ngôi vua của Túc Tông. Giống như vua cha, ông là người hiền hòa, hiếu học và thích làm điều thiện. Nhưng ông chỉ trị vì được sáu tháng.

Dưới triều vua Túc Tông có vụ nổi loạn của Đoàn Thế Nùng ở Cao Bằng. Triều đình phải phát binh đánh dẹp, Đoàn Thế Nùng bị bắt giết cùng với thủ hạ hơn 500 người.

Hoàng đế Túc Tông chỉ lên ngôi chưa lâu, nhưng ông dốc chí nối dõi và xây dựng cơ đồ của Vương triều Lê sơ, việc nào việc nấy cũng hết mực chu đáo. Ông ban bố lệnh giải phóng các tù nhân, cung nữ, cho ngừng những việc không cần thiết và làm nhẹ đi những việc gây áp lực nặng. Ông cũng cắt giảm lễ vật, hạn chế dựa vào sức lao động của dân và tiếp tục tôn kính các vị công thần. Ông thâu tóm trong tay quyền lực tuyệt đối, luôn ra sức kìm hãm không để cho ngoại thích lộng quyền, lại vui sống hòa thuận với các Thân vương trong Hoàng gia. Những thành tựu của vị Hoàng đế trẻ tuổi rất được lòng thần dân, họ vui mừng rằng đất nước sẽ được hưng thịnh như Trung Quốc dưới thời Chu Thành Vương, Chu Khang Vương, Hán Văn Đế và Hán Cảnh Đế Vậy.

Vào ngày Quý Hợi, tức là ngày 7 tháng 12 âm lịch năm 1504, ông lâm trọng bệnh. Hôm sau, tức là ngày 8 tháng 12 âm lịch năm 1504 Hoàng đế Túc Tông qua đời tại điện Hoàng Cực, hưởng dương 17 tuổi.

Vua Túc Tông mất, để lại di chuyển truyền cho bá quan tổ chức cúng giỗ theo cổ tục. Vào ngày Giáp Tuất, tức ngày 16 tháng 12 năm 1504, tân Hoàng đế Lê Uy Mục truy tặng cho ông miếu hiệu là Túc Tông, và thụy hiệu là Chiêu Nghĩa Hiển Nhân Ôn Cung Uyên Mặc Đôn Hiếu Doãn Cung Khâm Hoàng Đế. Linh cữu của ông được đưa về Tây Kinh vào tháng 3 năm 1505. Vua Uy Mục ra lệnh cho quan lại làm văn bia cho ông.

Do vua Uy Mục tàn bạo, chỉ khoái tửu sắc, Vương triều nhà Hậu Lê bắt đầu suy yếu kể từ sau khi vua Túc Tông qua đời. Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, năm 1505 Uy Mục cho giết Lễ bộ thượng thư Đàm Văn Lễ, Ngự sử đài đô ngự sử Nguyễn Quang Bật, bởi vì ” Đến khi Hiến Tông ốm nặng, Văn Lễ và Quang Bật nhận di chiếu phụ tá hoàng thái tử nối ngôi. Bấy giờ, các thân vương tranh nhau đòi lập, Văn Lễ sợ xảy tai biến trong lúc bối rối, mới vào tẩm điện lấy ấn báu truyền quốc đem về nhà, rồi cùng các đại thần văn võ lập Túc Tông lên ngôi hoàng đế.” 

Đại Việt Lam Sơn Kính Lăng bi

Bia rộng 1,8m, cao 2,6, dày 0,29m, trọng lượng khoảng 13 tấn. Bia Lăng Vua Lê Túc Tông dựng trên điểm cao của gò đất hướng Đông Nam, cách lăng mộ vua Lê Túc Tông khoảng 100m, thuộc quần thể Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, cách trung tâm Lam Kinh khoảng 4km về phía Đông, thuộc đội 1, xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa. Bia chia làm hai phần, thân bia và đế bia. Thân bia được làm bằng một tấm đá xanh nguyên khối. Toàn văn chữ Hán, khắc kiểu chữ Khải chân, khoảng 47 dòng 1.500 chữ, cuối văn bia có khắc bài minh ca ngợi công đức. Mặt trước và mặt sau trán bia được khắc rồng và hoa văn. Phần đế là hình tượng rùa dài 3,3m, rộng 2,95m, cao 0,43m.

Triều Lê sơ gắn với tên tuổi của 10 vị vua, nhưng trong đó chỉ có 6 vị vua đầu triều được sử sách công nhận là những vị vua anh minh, trong đó có Vua Lê Túc Tông - vị vua thứ sáu và cũng là vị vua cuối cùng của giai đoạn hưng thịnh của triều Lê sơ. Mặc dù Vua Lê Túc Tông ở ngôi không lâu (7 tháng), nhưng được sử sách đánh giá là vị Hoàng đế chăm lo chính sự chu đáo, ban hành nhiều quyết định sáng suốt giúp cho cơ nghiệp hoàng triều bền vững và nhân dân yên ấm. Thông qua nội dung văn bia giúp chúng ta tìm hiểu về cuộc đời và công lao của Vua Lê Túc Tông trong tiến trình phát triển của giai đoạn lịch sử triều đại Lê sơ. Khi mới lên ngôi, Vua cho thả tù nhân, giải phóng cung nữ, dừng những việc không cấp bách, bớt đồ dâng cúng, giảm nhẹ lao dịch, dốc lòng thương yêu người dân.

Văn bia Đại Việt Lam Sơn Kính Lăng bi do bốn vị Tiến sĩ được Vua Lê Uy Mục giao sắc chỉ vâng mệnh hợp soạn - là văn bia hiếm hoi ở các bia thần đạo dựng ở Lam Kinh nói riêng, cả nước nói chung. Về giá trị mỹ thuật, Bia Đại Việt Lam Sơn Kính Lăng bi là một tác phẩm mang giá trị mỹ thuật cao từ thời Lê sơ hiện còn tới ngày nay. Nghệ thuật trang trí, điêu khắc bia công phu, đường nét chau chuốt, tỉ mỉ được thể hiện qua từng chi tiết, nét vẽ, nét đục chạm khắc, các họa tiết và bố cục cũng được suy tính cẩn thận. Bia Vua Lê Túc Tông đã có sự chuyển biến rõ rệt về phong cách nghệ thuật tạo hình thời Lê sơ.

Thúy Hà

 (Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)