229 lượt xem

Lê Văn Hưng - kỳ 3

Mối tình truyền kiếp

Truyền rằng, thuở chưa thành danh, còn phiêu bạt chốn giang hồ, Hưng thường qua lại nhà cự phú họ Dương. Nhà này có cô tớ gái xinh đẹp tên là Ngọc Bích. Nàng cảm mến Hưng, Hưng thương phận nàng và hai người đã thề thốt nặng lời.

Trước khi chia tay lên đường tụ nghĩa, Hưng tặng nàng chiếc nhẫn vàng và hẹn 5 năm sau, tới ngày này sẽ về cưới nàng làm vợ. Thế rồi do mải chinh chiến, tới ngày hẹn, thấy Hưng không về. Ngọc Bích sầu muộn lặng lẽ nhịn ăn mà chết.

Đang cầm quân trấn giữ Diên Khánh được tin Hưng buồn khôn xiết. Có người giúp Hưng gọi hồn nàng về. Hồn người xưa nói: mười ba năm sau tái ngộ làm hầu thiếp.

Tới thời Hưng làm Chủ sự Bộ binh ở Phú Yên, nhân sinh nhật Hưng, một thương nhân họ Phan do tri ân quan Chủ sự đã tặng một ca sĩ tuyệt thế giai nhân cũng tên là Ngọc Bích. Hưng bàng hoàng khi thấy nàng phảng phất giống Ngọc Bích ở nhà họ Dương xưa. Nhớ lại lời cầu hôn ở Diên Khánh, Hưng thầm nghĩ đây là chuyện hy hữu trên đời hạnh phúc hiếm có.

Nhưng chuyện đời mấy ai lường hết được, cuộc hôn nhân muộn mằn mà dầy tình nghĩa đã chẳng được bao lâu đã phải đứt gánh giữa đường. Là người trung thực thẳng thắn, Lê Văn Hưng ngày càng thấy rõ lòng dạ Bùi Đắc Tuyên nên ra mặt phản ứng.

Để hãm hại Hưng, Tuyên tâu vua cử Hưng mang quân vào đánh chiếm Phú Yên. Sau chiến thắng, Lê Văn Hưng về Phú Xuân báo tiệp thì bị Tuyên quy tội chưa có lệnh vua đã rút, ý muốn tạo phản. Vua Cảnh Thịnh mới 15 tuổi biết đâu phải trái, y lời Tuyên tâu sai chém Lê Văn Hưng. Ngô Văn Sở và Trần Văn Kỷ can mãi không được.

Nghe tin dữ, Ngọc Bích khóc than khôn xiết. Nàng lập bàn thờ tế chồng rồi lấy dải lụa hồng Hưng tặng ngày đón nàng về dinh treo cổ tự vẫn.

Hiện nay, do nguồn tư liệu về Lê Văn Hưng rất hạn chế nên còn một số tồn nghi chưa được lý giải thấu đáo. Và một câu hỏi được đặt ra là có bao nhiêu tướng Tây Sơn có tên là Lê Văn Hưng?

Theo sử liệu dân gian thì Lê Văn Hưng được thăng chức Thái uý, nhưng sau đó vì bất hoà với Bùi Đắc Tuyên nên bị giết oan. Theo Đại Nam thực lục tập 1 của Quốc sử quán Triều Nguyễn thì có một vị tướng Tây Sơn  là Lê Văn Hưng cùng các tướng Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng chống lại Nguyễn Phúc Ánh đến giây phút cuối cùng. Trong lễ Hiền Phù năm 1802 danh sách các tướng Tây Sơn bị xử tử có Thống tướng Lê Văn Hưng.

Khi Thành Hoàng Đế bị hạ, các tướng Tây Sơn phải tạm ra hàng quân Nam Hà. Trong danh sách hàng tướng có vị Đại đô đốc Lê Văn Hưng, sau đó được giao giữ chức Vệ Uý. Tuy nhiên nhiều khả năng tướng Lê Văn Hưng này về sau đã theo về lại với Tây Sơn. Sau đó có sự kiện Đại Đô đốc Lê Văn Hưng dẫn thuyền lương đến cửa Đề Gi nhưng bị thuỷ quân Nam Hà ngăn cản..

Kết hợp các nguồn thông tin tạm thời có ba giả thuyết:

Giả thuyết 1: Đại Đô đốc Lê Văn Hưng tham gia khởi nghĩa Tây Sơn ngay từ ngày đầu, chính ông là người giữ Diên Khánh, đánh bại quân của Lê Văn Quân và được quân Nam Hà gọi là Lê vô địch. Ông phục vụ dưới trướng Thái Đức và được phong chức Thái uý. Chính ông là người vận lương vào tiếp ứng cho Thái Bảo Phạm Văn Thành ở Gia định,

Sau khi xảy ra bất hoà giữa Thái Đức và Quang Trung, Lê Văn Hưng vẫn theo Thái Đức. Khi Thái Đức chết, Lê Văn Hưng theo về với Triều Cảnh Thịnh và được giao trọng trách Thái uý. Tuy nhiên sau đó ông bị Cảnh Thịnh nghi ngờ giết chết.

Giả thuyết 2, tiếp như giả thiết 1 nhưng ông không bị giết chết mà được cứu thoát về Quy Nhơn, sau đó tiếp tục được Trần Quang Diệu trọng dụng. Sau khi thành Hoàng Đế bị hạ, ông tạm đầu hàng quân Nam Hà và sau đó trốn về với Tây Sơn cho đến ngày bị xử tử trong lễ Hiến Phù.

Giả thuyết 3, có hai tướng Lê Văn Hưng. Một tướng Lê Văn Hưng theo Thái Đức; một tướng Lê Văn Hưng theo Quang Trung, Cảnh Thịnh.

 Nguyễn Thành Hữu