507 lượt xem

NGUYỄN CỬU VÂN

Gia thế và sự nghiệp
TP.Tân An, tỉnh Long An có một con đường mang tên Nguyễn Cửu Vân nằm bên dòng Bảo Định có lịch sử gắn liền với tên tuổi của bậc đại công thần dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1675-1725). Dù vậy, thân thế của ông vẫn còn là một dấu hỏi lớn. Loạt bài này với mong muốn góp phần tìm hiểu thêm tiểu sử vị danh tướng có công lao to lớn trong việc mở mang đất Tân An xưa.
Lần theo sử cũ biên chép, dưới thời nhà Lê có quan Điện Tiền Đô Kiểm Điểm Quận Công Nguyễn Quảng, người huyện Tống Sơn (nay thuộc Thanh Hóa) có người con trai là Nguyễn Kiều vì không phục Chúa Trịnh nên năm 1623 âm thầm nhận mật thư và bảo ấn từ Trịnh Phi Ngọc Tú (tên thật là Nguyễn Phúc Ngọc Tú - con gái của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng gả cho Thanh Đô vương Trịnh Tráng) rồi trốn vào Nam, được Chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1563-1635) trọng dụng và gả con gái Nguyễn Phúc Ngọc Đỉnh. Vì có nhiều công lao lớn nên ông được ban quốc tính là Nguyễn Phúc Kiều, tuy nhiên, đến năm 1820 đời vua Minh Mạng thì đổi lại thành hệ tính Nguyễn Cửu.
Nguyễn Cửu Kiều có 2 người con trai tài giỏi là võ tướng Nguyễn Cửu Ứng và Nguyễn Cửu Dực. Nguyễn Cửu Ứng là người dũng cảm, có tài bắn súng lớn, thoạt đầu làm Cai Cơ, Quản Cơ Tả Trung Kiên, dần thăng lên Bố Chính Doanh Trấn Thủ rồi Chưởng Doanh, Thống Suất đạo Lưu Đồn. Riêng Cửu Ứng có người con trai rất tài ba được Chúa Nguyễn xem như là rường cột của Nam triều, đó là Nguyễn Cửu Thế làm đến chức Nội Hữu Chưởng Doanh, kết duyên cùng công chúa Nguyễn Phúc Ngọc Phượng - con gái của Chúa Nguyễn Phúc Chu. Người con thứ hai của Cửu Kiều là Cửu Dực làm quan Quảng Bình Thủy Doanh Tham Tướng rồi thăng Chưởng Cơ dần lên Chưởng Doanh, đến mùa hạ 1714 thì mất, được Chúa Nguyễn tặng phong chức Trấn Phủ.
Nguyễn Cửu Vân là con của Nguyễn Cửu Dực, không rõ năm sinh, năm mất. Ông là vị tướng lừng danh ở đất Gia Định xưa, thoạt đầu làm Chánh Thống Cai Cơ rồi đến năm 1711 được Chúa Nguyễn Phúc Chu thăng làm Phó Tướng Dinh Trấn Biên, lĩnh trọng trách trông giữ bờ cõi phía Nam và do lập nhiều chiến công nên ông được phong tước Hầu, tục thường gọi là Chính Thống Vân Trường Hầu. Đánh giá công lao của ông đối với việc khai phá bờ cõi phía Nam, Quốc Sử Quán Triều Nguyễn viết rằng  “Việc mở mang cõi Nam, công Vân rất nhiều” và để ghi nhớ công trạng đó, năm 1734, Chúa Nguyễn Phúc Chú (1697-1738) đã ban biển ngạch vàng cho ngôi chùa do Nguyễn Cửu Vân xây dựng ở thôn Đắc Phước, huyện Phước Chính (nay thuộc phường Tân Vạn, TP.Biên Hòa, tỉnh Ðồng Nai) là “Sắc Tứ Hộ Quốc Tự”.
Nguyễn Cửu Vân có 3 người con rất nổi tiếng. Thứ nhất là con trưởng Nguyễn Cửu Triêm, năm 1715 giữ chức Trấn Biên doanh lưu thủ, đến năm 1731, nhờ công đánh tan giặc trên sông Lật Giang (đoạn sông Vàm Cỏ Đông chảy qua địa phận Bến Lức), được Chúa tin dùng cho thống lĩnh quân doanh Trấn Biên. Thứ hai là Nguyễn Cửu Đàm làm quan Hữu Quân Phó Tiết Chế, mùa xuân năm 1722, quân Xiêm dấy binh xâm lấn Hà Tiên và Nam Vang, ông được Chúa phong làm Khâm Sai Chánh Thống Suất Đốc Chiến, cùng với Tham tướng Trần Phúc Thành chỉ huy một vạn quân thủy bộ của 2 doanh Bình Khang, Bình Thuận và 30 chiến thuyền ở Gia Định đánh tan giặc xâm lược. Sau đó, ông cho quân lui về đóng giữ ở Gia Định. Tại đây, ông chỉ huy xây dựng 2 công trình lịch sử đặt nền tảng cho sự phát triển đô thị Sài Gòn đó là đắp lũy Bán Bích và đào kênh Ruột Ngựa. Thứ ba, là bà Nguyễn Thị Khánh mà dân gian quen gọi là Bà Nghè. Theo sử sách, bà chính là người đứng ra tổ chức khai khẩn vùng sông Bình Trị (rạch Thị Nghè ngày nay), làm đường, bắc cầu cho dân qua lại, vì thế để tưởng nhớ công lao của bà, nhân dân nơi đây đã đặt tên cho vùng đất này là Thị Nghè.
Tiếp nối sự nghiệp của dòng tộc, nhiều thế hệ cháu chắt đời sau của dòng họ Nguyễn Cửu cũng là bậc trung thần tiết nghĩa được chính sử biên chép như Nguyễn Cửu Quán làm Nội Tả Chưởng Doanh kết hôn với Nguyễn Phúc Ngọc Thành - con gái Chúa Nguyễn Phúc Khoát (1714-1765), Nguyễn Cửu Điển được phong làm Hữu Quân Phó Tiết Chế, Nguyễn Cửu Thống kết hôn với Nguyễn Phúc Ngọc Tuyên - con gái Chúa Nguyễn Phúc Khoát và làm đến chức Tiết Chế Chưởng Doanh, Nguyễn Cửu Sách làm Nội Hữu Chưởng Doanh kết hôn với công chúa Nguyễn Phúc Ngọc Ái, Nguyễn Cửu Thận làm Hữu Quân Đại Đô Đốc.
Dưới thời Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn, Nguyễn Cửu là dòng họ đại công thần và có quan hệ mật thiết với hoàng tộc, gắn chặt với quá trình hình thành và phát triển của nhà Nguyễn. Trong đó, thế hệ Nguyễn Cửu Vân cùng các con cháu đời sau của dòng họ Nguyễn Cửu có công rất lớn trong việc đấu tranh, mở mang đất phương Nam, dấu ấn đó vẫn còn được khắc ghi đậm nét trong chính sử và tâm thức dân gian Nam bộ./.
Khai kênh, mở đất Vũng Gù
Nguyễn Cửu Vân là người đầu tiên tổ chức khai khẩn, cải tạo đất hoang, lập nên nhiều xóm làng ở vùng Tân An và cũng chính nơi đây, ông đã để lại một công trình lịch sử có giá trị to lớn, đó là kênh Vũng Gù hay còn gọi là kênh Bảo Định, con kênh đào đầu tiên ở Nam bộ.
Vũng Gù là tục danh xưa của vùng đất trung tâm TP.Tân An ngày nay, theo sách Gia Định Thành Thông Chí, đến đầu thế kỷ XVIII, vùng đất Vũng Gù căn bản còn hoang vu, rậm rạp, dân cư thưa thớt, các tộc người Khmer, Việt, Hoa sống đan xen, lẫn lộn. Trong giai đoạn này, để đẩy mạnh công cuộc khẩn hoang, các Chúa Nguyễn sử dụng nhiều biện pháp khác nhau, trong đó chú trọng hình thức đồn điền lấy lực lượng binh lính làm chính kết hợp với dân nghèo cùng tham gia khai khẩn và người tiên phong dùng quân đội để khẩn hoang vùng đất Tân An là Nguyễn Cửu Vân.
Đại Nam Liệt Truyện có ghi, vào mùa thu 1705, nước Chân Lạp xảy ra nội chiến, 2 anh em Nặc Yêm và Nặc Thâm dấy quân đánh nhau. Nặc Thâm cầu viện quân Xiêm, còn Nặc Yêm sợ chạy sang Gia Định nhờ Chúa Nguyễn Phúc Chu (1675-1725) ứng cứu. Chúa Nguyễn lệnh cho Nguyễn Cửu Vân thống lĩnh các quân thủy, bộ ở Gia Định tiến đánh Nặc Thâm, khi đến Sầm Giang (rạch Gầm) thì gặp quân Xiêm, tại đây, Nguyễn Cửu Vân chỉ huy quân đội đánh tan viện binh của Xiêm, đưa Nặc Yêm trở lại thành La Bích (tức Longvek, Cambodia).
Sau khi tình hình Chân Lạp đã yên, ông chiêu tập quân, dân khai khẩn đất hoang ở hai bên bờ sông Vàm Cỏ Tây đoạn chảy qua Tân An ngày nay. Tuy nhiên, bấy giờ đây là vùng đất giáp biên nên quân giặc thường đến quấy phá sau lưng. Vì thế, Nguyễn Cửu Vân cho đắp một lũy đất dài từ quán Thị Cai đến chợ Lương Phú (Tiền Giang), đồng thời để việc phòng thủ chắc hơn bên ngoài lũy, ông cho đào một con rạch rộng nối liền hai sông Vũng Gù và Mỹ Tho, về sau nhân đường nước lưu thông nên đào sâu thêm nhằm phục vụ việc di chuyển, khẩn hoang, dân gian gọi là rạch Vũng Gù và cho rằng đây là một mối đại lợi.
Năm 1819, nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương ngày càng gia tăng, vua Gia Long sai Trấn thủ Định Tường là Nguyễn Văn Phong đem 9.679 dân phu trong trấn, chia làm 3 phiên thay nhau khơi đào chỗ rạch đó sâu, rộng thêm, sau khi hoàn thành đặt tên là sông Bảo Định.
Công trình kênh Vũng Gù có ý nghĩa chiến lược quan trọng trong việc xác lập chủ quyền, củng cố an ninh - quốc phòng, tăng cường kết nối giữa hai khu vực Tây và Đông Nam bộ, thúc đẩy quá trình tự cư phát triển trên vùng đất Long An và Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là chiến công lớn nhất trong sự nghiệp của Nguyễn Cửu Vân, minh chứng cho trí tuệ và tầm nhìn xa của một vị tướng tài ba trong việc kinh bang tế thế.

Đánh thức” Bảo Định, kênh đào hơn 300 tuổi ở vùng Tây Nam Bộ | Tin tức mới  nhất 24h - Đọc Báo Lao Động online - Laodong.vnKênh Bảo Định ngày nay (Nguồn: sưu tầm)

Xoay quanh chuyện khẩn hoang, có một giai thoại nổi tiếng về ông được sử sách ghi lại, đó là vào năm 1711, khi mới thăng lên Phó tướng, Nguyễn Cửu Vân đã tự ý sai dân trong hạt làm việc nặng nhọc, chuyện lan truyền đến tai Chúa Nguyễn, ông bị Chúa quở trách: “Người là con nhà tướng, chống giữ một địa phương thế mà không nghĩ trước phải nuôi nhân dân. Những dân xiêu mới quay về kia nếu lại bắt làm việc thì chịu sao được”. Nhận thức được sai lầm, kể từ đó, đối với dân xiêu nghèo, ông đều chia cấp ruộng đất để làm ăn, nhân dân đều mến phục. “Nhân thùy vô quá” tức con người ai không có sai lầm, tuy nhiên dám nhận sai và sửa chữa mới là cái dũng của người quân tử chân chính và Nguyễn Cửu Vân chính là hình mẫu tiêu biểu đó.
Tài năng, đức độ của Nguyễn Cửu Vân đã đi vào lịch sử, tổng kết sự nghiệp của ông, sách Đại Nam Nhất Thống Chí chép rằng: “Khi Vân ở biên thùy, người Chân Lạp theo phục, rất có công trong việc mở mang miền Nam”. Ngày nay, để tri ân những đóng góp to lớn của danh tướng Nguyễn Cửu Vân, tỉnh Long An đã trân trọng lấy tên ông đặt cho một tuyến đường bộ chạy dọc theo kênh Bảo Định. Tuy nhiên, thiết nghĩ như thế vẫn chưa đủ so với công lao, đóng góp to lớn của ông. Vì thế, nên chăng ở khu vực đầu sông Bảo Định, cần có một tấm bia nói về công lao khai kênh, mở đất của ông, như thế sẽ giúp thế hệ mai sau hiểu rõ về lịch sử truyền thống của địa phương.
Đi tìm thời gian mất của Vân Trường Hầu
TP.Tân An, tỉnh Long An có một con đường mang tên Nguyễn Cửu Vân nằm bên dòng Bảo Định có lịch sử gắn liền với tên tuổi của bậc đại công thần dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1675-1725). Dù vậy, thân thế của ông vẫn còn là một dấu hỏi lớn. Loạt bài này với mong muốn góp phần tìm hiểu thêm tiểu sử vị danh tướng có công lao to lớn trong việc mở mang đất Tân An xưa.
Khắc ghi công lao của vị danh tướng tài ba Nguyễn Cửu Vân, triều Nguyễn đã cho biên soạn truyện riêng về sự nghiệp và hành trạng của ông để lưu truyền hậu thế nhưng đáng tiếc lại không đề cập đến năm sinh và khi nói đến thời gian mất cũng rất vắn tắt, mơ hồ.
Viết về thời gian mất của Nguyễn Cửu Vân, sách Đại Nam Liệt Truyện ghi như sau: “Bấy giờ Nặc Thâm từ Xiêm về, mưu hại Nặc Yêm, Nặc Yêm sai người phi báo, xin quân đến cứu, Vân cùng tướng giữ đồn là Trần Thượng Xuyên đem việc tâu lên. Chúa viết thư bảo Vân nên tùy nghi phủ dụ cho yên tình hình ngoài biên. Vân bèn tuyên thị đức triều đình, người Chân Lạp mến phục. Việc mở mang cõi Nam, công Vân rất nhiều. Sau đó được triệu về, Vân ốm chết”. Tra cứu sách Đại Nam Thực Lục Tiền Biên thì sự kiện Nặc Thâm từ Xiêm trở về quấy phá Chân Lạp xảy ra vào tháng 10/1711 và phải chăng như Liệt Truyện viết sau sự kiện này, Nguyễn Cửu Vân được triệu hồi về kinh và ốm mất (?).
Tuy không rõ thời điểm cụ thể nhưng lần theo biên niên sử, có 2 sự kiện đáng chú ý. Thứ nhất, theo Thực Lục biên chép vào tháng 10/1714, Nặc Thâm cùng bề tôi là Cao La Hâm lại tiếp tục dấy binh vây đánh Nặc Yêm, Nặc Yêm một lần nữa cầu cứu Chúa Nguyễn, Chúa lệnh cho Đô Đốc Phiên Trấn là Trần Thượng Xuyên và Phó Tướng Trấn Biên là Nguyễn Cửu Phú ứng cứu, đồng thời sai Cai Cơ Tả Bộ Dinh Bình Khang là Nguyễn Cửu Triêm lãnh 26 thuyền quân ở Bình Khang ứng tiếp. Như vậy, muộn nhất là đến tháng 10/1714 thì chức vụ Phó Tướng Dinh Trấn Biên của Nguyễn Cửu Vân đã có người thay thế, đó là Nguyễn Cửu Phú và điều này cho thấy Nguyễn Cửu Vân đã về kinh. Nguyễn Cửu Phú là ai? Có ý kiến cho rằng, Nguyễn Cửu Phú là Nguyễn Cửu Triêm tức là con trưởng của Nguyễn Cửu Vân, ý kiến này dựa trên biên chép của Đại Nam Nhất Thống Chí nói rằng “Con cả của Vân là Triêm, làm phó tướng, nối cha làm lưu thủ Trấn Biên”. Tuy nhiên, suy đoán này là sai bởi theo Liệt Truyện thì phải đến năm 1715, Nguyễn Cửu Triêm mới được thăng lên Trấn Biên Doanh Lưu Thủ và Thực Lục cũng xác định rõ đây là 2 nhân vật khác nhau: “Tháng 11 (năm 1715), triệu Phó Tướng Dinh Trấn Biên là Nguyễn Cửu Phú về, lấy Phó Tướng Nguyễn Cửu Triêm làm Lưu Thủ Dinh Trấn Biên”. Việc tìm ra thời gian nhậm chức của Nguyễn Cửu Phú sẽ giúp hình dung rõ hơn thời gian Nguyễn Cửu Vân trở về kinh nhưng một lần nữa, lịch sử lại im lặng quyết chẳng dĩ hơi.
Sự kiện thứ hai là vào năm 1715, khi Nguyễn Cửu Triêm nhận chức Phó Tướng đã xin Chúa Nguyễn trích lấy khoảng đất do cha mình khai khẩn trước đây để làm quan điền ăn riêng, sách Gia Định Thành Thông Chí viết về sự kiện này như sau: “Trấn thần đem việc đồn điền tâu lên, vua châu phê chuẩn định 2 sở ruộng hạng 2 và hạng 3 làm quan điền biệt thực, nên đặt tên ruộng ấy là ruộng Châu Phê rồi người ta cũng gọi sông này là sông Châu Phê. Hiện nay ở địa phận 3 thôn: Bình Khuê, Bình Trung, Bình Tuyên thuộc tổng Bình Cách (nay thuộc xã Nhơn Thạnh Trung, TP.Tân An), 2 sở ấy các vua đều chuẩn y để làm tự điền cho Nguyễn Công (Vân Trường Hầu)”. Theo Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn, ruộng tự điền hay còn gọi là ruộng cúng kỵ thường giao cho con cháu của công thần sử dụng làm chi phí sinh hoạt, hương đèn, tế tự. Việc trích lấy ruộng quan đồn điền để làm ruộng tự điền là hiện tượng khá phổ biến thời bấy giờ, vì thế, phải chăng việc Chúa Nguyễn châu phê ban ruộng đất cho Nguyễn Cửu Triêm cũng đồng nghĩa với việc Nguyễn Cửu Vân đã mất?
Trải qua 3 thế kỷ, các cứ liệu lịch sử trở nên mờ nhạt khiến cho việc tìm hiểu năm sinh và năm mất của ông vô cùng khó khăn, vì thế chắc chắn đây còn là vấn đề cần phải tiếp tục nghiên cứu, trao đổi, thảo luận sâu, rộng hơn, đó vừa là yêu cầu, vừa là nhu cầu của người dân Long An nhằm tưởng nhớ đến bậc tiền nhân tôn kính có công với quê hương, đất nước.
Dù vậy, “bức màn” về nhân vật lịch sử Nguyễn Cửu Vân đã dần sáng rõ, đặc biệt, công lao khai cơ mở đất Tân An xưa là không thể bàn cãi. Phải chăng vì vậy đã đến lúc chúng ta cần có nhiều hình thức tôn vinh xứng tầm nhân vật lịch sử này như nguyện vọng của người dân Tân An?
 

Bách Nhân