242 lượt xem

Lê Văn Hưu

Sử nước vô cùng quan trọng đối với mỗi quốc gia. Nó thể hiện diện mạo một đất nước với các bề dày văn hóa, xã hội, chính trị, kinh tế… so với các quốc gia khác. Dù nước ta có lịch sử mấy ngàn năm, nhưng để biên chép lại, thống nhất lại trong một bộ quốc sử thì phải tới thời Trần mới có. Người mở đầu biên soạn quốc sử chính thống là Bảng nhãn Lê Văn Hưu.

Ảnh minh họa: Lê Văn Hưu (Nguồn: sưu tầm)


Bảng nhãn đầu tiên và trẻ tuổi nhất

Làng Kẻ Rỵ (tên nôm của làng Phủ Lý, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, nay thuộc xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) có một ngôi đền tuy kiến trúc khiêm nhường, chỉ ba gian tiền đường và một gian hậu cung, những người được thờ là một danh nhân nức tiếng muôn đời. Đó chính là ngôi đền thờ vị Bảng nhãn, người mở đầu biên soạn quốc sử nước ta – Lê Văn Hưu (1230-1322). Nguyên trước, đền có quy mô rộng lớn, phía trước có gác chuông. Đền gồm: 9 gian hậu cung và 5 gian tiền đường. Nhưng theo thời gian, ngôi đền  bị chiến tranh và thời gian tàn phá. Sau khi đền được nhân dân đóng góp, trùng tu một gian hậu cung và ba gian tiền đường, tất cả đều lợp ngói thì các cơ quan có thẩm quyền đã tiến hành lập hồ sơ di tích và đền được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia theo quyết định ngày 13/3/1990.

Lê Văn Hưu là cháu bảy đời của Lê Lương, một vị hào trưởng ở đất Ái Châu, đời vua Đinh Tiên Hoàng. Cha ông là Lê Văn Minh, mẹ ông là Đỗ Thị Hòa. Cái tên Văn Hưu là do ông ngoại Đỗ Tất Bình đặt cho. Khi Lê Văn Hưu sinh ra, chế độ khoa cử ở nước ta đã được 155 năm. Nho giáo bước đầu phát triển mạnh mẽ, cân bằng với Phật giáo. Tuy mấy tháng tuổi đã mồ côi cha, nhưng Lê Văn Hưu vẫn được người mẹ tảo tần nuôi dậy và cho theo học thầy đồ họ Nguyễn ở làng Phúc Triền (Kẻ Bôn) quanh vùng.  

Người dân quê hương Kẻ Rị còn truyền tụng những câu chuyện về thần đồng Lê Văn Hưu. Chuyện kể, một lần cậu bé Hưu chơi cùng chúng bạn quanh lò rèn. Thấy cái dùi vở đẹp, Lê Văn Hưu tần ngần lấy xem. Người thợ rèn biết cậu bé thích nhưng chắc không có tiền mua nên nói nếu đối được vế đối của ông sẽ cho cậu cái dùi vở. Lê Văn Hưu ưng thuận. Ông thợ rèn ra vế đối: “Than trong lò, sắt trong lò, lửa trong lò, thổi phì phò đúc nên dùi vở”. Lê Văn Hưu đối liền: “Nghiên ở túi, bút ở túi, giấy ở túi, viết lúi húi mà đậu khôi nguyên”. 

Không chỉ đối mà được dùi vở, cũng chỉ bằng câu đối mà Lê Văn Hưu còn được vợ. Chuyện rằng, thầy đồ họ Nguyễn làng Kẻ Bôn có hai cô con gái xinh đẹp, nhất là cô chị. Lê Văn Hưu thầm yêu trộm nhớ đã nhiều. Hôm ấy, hai cô phơi đậu ở sân, Lê Văn Hưu mải ngắm, quên cả bài thầy đang giảng. Thầy đồ quở. Lê Văn Hưu giật mình chịu phạt. Thầy đồ ra vế đối nếu đối được sẽ tha. Rồi thầy đọc: “Sân trước phơi đậu, sân sau phơi đậu, ngươi muốn đậu ta cho đậu”. Lê Văn Hưu đối luôn: “Cô lớn hái hoa, cô bé hái hoa, ông Thám hoa, tôi thám hoa”. Vế ra và vế đối chan chát, đầy ngụ ý. Quả nhiên sau đó, Lê Văn Hưu được thầy gả con gái đầu cho.

Hay lần khác thầy ra vế đối: “Con mộc tựa cây bàng dòm nhà bảng nhãn”. Lê Văn Hưu đối: “Thằng quỷ ôm cái đấu, tựa cửa khôi nguyên”. 

Với tài học lừng danh, lại chăm dùi mài kinh sử, Lê Văn Hưu đã đỗ Bảng nhãn khoa thi năm Đinh Mùi (1247) đời vua Trần Thái Tông. Đây là khoa thi đầu tiên trong lịch sử nước ta lấy danh vị tam khôi. Và điều thú vị là khoa thi này cũng là khoa thi có tam khôi trẻ nhất trong lịch sử: Trạng nguyên Nguyễn Hiền 12 tuổi, Bảng nhãn Lê Văn Hưu 18 tuổi, Thám hoa Đặng Ma La 14 tuổi.


Ảnh mình họa: Người dân làm lễ trước phần mộ của nhà sử học Lê Văn Hưu  ở xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa. (Nguồn: sưu tầm)

Thầy dạy thượng tướng, nhà soạn sử

Sau khi đỗ, Lê Văn Hưu được vua cho dạy hoàng tử  Trần Quang Khải, người sau này trở thành Thượng tướng quân, vang danh trong các cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược. Tiếp đó, ông được giao giữ các chức Kiểm pháp quan, trông coi hình luật rồi Binh bộ Thượng thư (tương đương Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thời nay). Ở chức vụ cao nhất trong quân đội này lúc đó, chắc chắn Lê Văn Hưu có nhiều đóng góp cho quân đội trong hai cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, nhất là trong cuộc kháng chiến lần thứ nhất mà ông góp phần lãnh đạo. 

Đóng góp lớn nhất, đưa tên tuổi của Lê Văn Hưu vào lịch sử dân tộc không dừng lại ở việc đỗ Bảng nhãn và làm quan mà là khi ông được vua Trần Thái Tông điều chuyển sang làm  Hàn lâm viện học sĩ kiêm Quốc sử viện giám tu. Thực hiện lệnh của nhà vua, Lê Văn Hưu đã thu thập tất cả các sách sử ghi chép ít ỏi và sơ sài của thời Lý và cùng thời để biên soạn lại và viết thêm rất nhiều để thành bộ sử nước có tên Đại Việt sử ký. Những cuốn sử, ví như Việt chí của Trần Tấn thời vua Trần Thái Tông mà Lê Văn Hưu tham khảo đến nay cũng không ai rõ có nội dung như thế nào. 

Bộ quốc sử Đại Việt sử ký hoàn thành năm Nhâm Thân (1272) sau khi cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ nhất kết thúc được 14 năm. Đại Việt sử ký gồm 30 quyển, ghi lại những sự việc quan trọng chủ yếu trong một thời gian lịch sử dài gần 15 thế kỷ, từ Triệu Vũ đế (tức Triệu Đà 207 - 136 trước Công nguyên) cho tới Lý Chiêu Hoàng (1224 - 1225), tất cả gồm 30 quyển, được Trần Thánh Tông xuống chiếu ban khen.

Tại sao đến Thời Trần mới bắt đầu có quốc sử, dù vài trăm năm trước nền văn học chữ Hán đã dồi dào? Câu hỏi này đến nay còn gây nhiều tranh cãi. Tuy xuất hiện muộn, nhưng các tác phẩm sử học thời Trần lại có hầu hết những thể loại của sử học phong kiến. Theo trình tự thời gian xuất hiện, có thể thống kê tác phẩm như sau: Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu; Trung hưng thực lục, viết năm 1289; An Nam chí lược của Lê Tắc, hoàn thành năm 1333; Đại Việt sử lược, viết trong đời vua Trần Phế Đế (1377 – 1388); Việt sử cương mục, Việt Nam thế chí của Hồ Tông Thốc, viết cuối thời Trần. Và xuất hiện sớm nhất, nhưng lại đóng vai trò quan trọng nhất cho việc hình thành một nền sử học là tác phẩm Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu.

Tiếc cho đất nước ta, bộ quốc sử đầu tiên Đại Việt sử ký không được lưu lại đến ngày nay. Không thể đổ lỗi hết cho chiến tranh, cho giặc Minh bạo tàn đốt phá hết các văn bản mà chúng chiếm được. Bởi lẽ, sau khi đánh đuổi quân Minh, giành lại được đất nước, đến tận triều vua Lê Thánh Tông, vẫn còn sót lại ít nhất là một bộ Đại Việt sử ký. Vì chính sử gia Ngô Sĩ Liên đã vâng mệnh vua Lê Thánh Tông, dựa trên bộ Đại Việt sử ký này và bộ Đại Việt sử ký tục biên của Phan Phu Tiên để biên soạn Đại Việt sử ký toàn thư. Vậy phải chăng, do nội dung bộ sử Đại Việt sử ký được ghi lại chủ yếu trong Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên nên thời gian sau ít người để ý tới?

Tuy vậy, rất may là trong Đại Việt sử ký toàn thư hiện đang lưu hành vẫn còn có 30 đoạn ghi rõ là lời văn của Lê Văn Hưu với mấy chữ “Lê Văn Hưu viết”. Qua những trích đoạn đó, có thể thấy được phần nào khuynh hướng cũng như sắc thái ngọn bút chép sử của Lê Văn Hưu. Sử gia Ngô Sĩ Liên tuy có những bình luận khác Lê Văn Hưu về cùng một sự kiện nhưng không vì thế mà ông bỏ đi phần bình luận của tiền nhân. 

Qua những lời bàn “Lê Văn Hưu viết”, chúng ta thấy rõ quan điểm sử học của bậc khai dựng quốc sử. Lê Văn Hưu khiến người đọc thấy cảm nhận các bài học về chữ “Lễ”. Có tới 8 lời bàn phê phán về chữ “Lễ” đối với các bậc quân vương. Bài học dùng người của quân vương. Bài học về lòng tự tôn dân tộc. Nhiều lời bình sử của ông thấm đẫm tinh thần tự tôn, tự hào về sự trường tồn của dân tộc Việt, là sự đề cao khí phách các anh hùng dân tộc Việt, là cách đặt vị trí dân tộc sánh ngang với các đế chế Trung Hoa hùng mạnh.

Đại Việt sử ký hoàn thành thì 13 năm sau, quân Nguyên Mông xâm lược nước ta lần thứ 2. Chắc hẳn nhiều bài học, lời bàn của sử gia Lê Văn Hưu đã được triều đình tiếp thu.

Về già, Lê Văn Hưu cáo quan trí sĩ tại quê nhà. Ông mất ngày 23/3 Nhâm Tuất (1322), thọ 92 tuổi. Ngày nay, phần mộ Lê Văn Hưu ở xứ Mả Giòm có tấm bia dựng năm 1867 đề  “Bảng nhãn Lê tiên sinh bi ký”, phần nội dung bia ghi tiểu sử, bài minh ca ngợi tài đức, sự nghiệp của ông. 

Nguồn daidoanket.vn