296 lượt xem

Khải Định - Kỳ 4

Vị vua “kỳ quặc” nhất lịch sử Việt Nam: Ôm thị vệ ngủ hằng đêm

 
Vua Khải Định và hoàng tử Vĩnh Thụy (vua Bảo Đại sau này). Ảnh tư liệu.
 

Nói về các bà vợ của vua Khải Định, tác giả cho biết có một thông tin rất đáng lưu ý, mà vua Bảo Đại viết trong cuốn hồi ký Le Dragon d’Annam, đó là: Ngày 15/5/1922, cả 12 bà vợ của vua Khải Định, theo thứ tự cấp bậc lớn nhỏ sắp hàng quỳ tiễn đưa vua lên đường sang Pháp, mang theo thái tử Vĩnh Thụy đi du học.

Vậy 12 bà vợ trên gồm những ai? Theo tác giả chắc chắn sẽ không có bà Trương Thị Như Tịnh con gái của Thượng thư Trương Như Cương - người vợ đầu tiên, chính thức được cưới hỏi khi vua Khải Định (ông Phụng hóa) còn ở tiềm để. Bà đã giã từ ông Phụng Hóa và đi tu trước ngày ông lên ngai vàng. Điều chắc chắn là hôm đó có mặt bà Nhị giai hữu phi, thân mẫu vua Bảo Đại và bà Ân phi Hồ Thị Chỉ. Ngoài 2 bà này ra còn có 10 bà nữa.

Trong tang lễ vua Khải Định vào cuối năm 1925 đầu năm 1926, khi nói về việc việc để tang, Bộ Lễ có trình rằng 2 bà Phi và 3 bà Tân (Tần) sẽ chịu đại tang 15 tháng. Số còn lại từ cấp lục giai Tiếp dư (Tiệp dư) cho đến cửu giai Tài nhân đều chịu tang 13 tháng.

Theo Võ Hương An, 3 bà Tân đó là tam giai Diệu tân (con của quan Tham tán Nội các Phạm Hòe), Tứ giai Du tân (con của quan Thượng thư bộ Công Võ Liêm), và bà ngũ giai Điềm tân (cháu nội của quan Thượng thư hưu trí Nguyễn Đình Hòe).

Về các bà tiếp, còn có bà Tiếp du. Tác giả Trần Gia Phụng có kể thêm 3 bà khác nữa là bà Tân Diệm, bà Tiếp Táo và bà Tiếp Quý Trang.

Như vậy, trong 12 bà kể trên thì đã có 9 bà rõ danh tính, còn 3 bà còn lại thì cho đến nay vẫn chưa ai biết đó là ai. Điều này cũng dễ hiểu vì trong hậu cung nhà Nguyễn, chỉ bậc Lục giai tiếp dư (triều Nguyễn đặt ra 9 bậc cửu giai) trở lên được gọi bằng “bà”. 3 bậc còn lại là thất giai Quý nhân, bát giai Mỹ nhân, cửu giai Tài nhân chỉ được gọi bằng “chị mà thôi. Và mới ở cấp “chị” nên chẳng ai nhớ làm gì.

Con phú quý, mẹ vinh hiển

Trong 12 bà vợ của vua Khải Định kể trên, chỉ có 2 bà: số 1 (Hồ Thị Chỉ) và số 2 (Hoàng Thị Cúc) là có nhiều chuyện để nói.

Bà Hồ Thị Chỉ là ái nữ của quan Học bộ Thượng thư Hồ Đắc Trung được vua Khải Định cưới vào ngày 3/12/1917 (tức ngày 19 tháng 10 năm Khải Định thứ 2). Chỉ 5 ngày sau ngày cưới (8/12/1917), vua đã sách phong cho bà làm Nhất giai Ân phi.


 

Ân phi Hồ Thị Chỉ. Ảnh tư liệu

 

Theo Võ Hương An, đám cưới vua Khải Định và bà Hồ Thị Chỉ là một cuộc hôn nhân gượng ép, nặng về nghi lễ và hình thức chứ không bắt nguồn từ tình yêu. Người ta nói Hồ tiểu thư trong tâm tư đã có một thần tượng khác vì nợ nước mà phải đi đầy đó là vua Duy Tân.

Thời điểm vua Khải Định lấy bà Hồ Thị Chỉ, hoàng tử Vĩnh Thụy con của vua với bà Hoàng Thị Cúc (vốn xuất thân bình dân, học hành không bao nhiêu, cuộc hôn nhân không môn đăng hộ đối và không theo nghi lễ chính thức) lên 4 tuổi.

Bà Ân phi không có con. Sau khi vua Khải Định băng hà, vị thế của bà ngày càng mờ nhạt trước bà Hoàng Thị Cúc. Càng về sau bà càng có triệu chứng tâm thần. Sau năm 1945, người ta thấy bà đi lang thang nơi này nơi khác ở Huế. Không rõ bà mất năm nào, ở đâu.


 

Đức Từ Cung (1890-1980) đứng trước hiên nhà mình ở Huế năm 1972. Ảnh: Patrice Habans.

 

Bà Hoàng Thị Cúc, người quê Mỹ Lợi, huyện Phúc Lộc, con của ông Hoàng Văn Tích. Bà có mặt ở phủ ông Phụng Hóa từ lúc tiềm để.

Chỉ vì xuất thân hàn vi nên bà phải chịu cảnh lép vế, dù là kẻ đến trước và lại có con trai. Trong khi bà Hồ Thị Chỉ được phong là Nhất giai Ân phi ngay sau ngày cưới thì bà chỉ được lên chức từng bước.

Năm 1917 bà được phong là tam giai Huệ tân. Năm 1918 lên Nhị giai Hữu phi. Năm 1923 được phong là nhất giai Huệ phi. Trước khi thăng hà, vua Khải Định nói “Tử quý, mẫu vinh” (Con phú quý mẹ vinh hiển). Năm 1933, sau khi từ Pháp về cầm quyền, vua Bảo Đại tấn tôn bà làm Đoan huy hoàng thái hậu (cung đình thường gọi là Đức Từ Cung).

Tuy xuất thân không không thuộc dòng dõi quyền quý, nhưng bà Từ Cung thông minh, hội nhập nhanh nếp sống cung đình và nhanh chóng khẳng định mình là bậc mẫu nghi thiên hạ.

Vua Khải Định đã làm những gì trong chuyến đi thăm Pháp?

Chuyến đi được gọi là "Ngự giá Như Tây" của vua Khải Định sang Pháp diễn ra năm 1922 đã diễn ra long trọng, và được sách báo đương thời ghi chép lại khá chi tiết.


 

Sách Vua Khải Định Hình ảnh và Sự kiện (1916-1925).

(Nguồn: Sưu tập)
 

Cuốn sách điểm lại khá chi tiết về cuộc đời vua Khải Định, vị vua thứ 12 của nhà Nguyễn, từ đường đến ngai vàng của nhà vua, chi tiết về lễ đăng quang, lễ tấn phong Đông cung Thái tử cho con trai ông là Vĩnh Thụy (vua Bảo Đại sau này), lễ "Tứ tuần đại khánh" của ông, và đặc biệt là hai chuyến đi quan trọng trong đời nhà vua: Chuyến "ngự giá Bắc tuần" năm 1918 và chuyến "Ngự giá như Tây" sang Pháp năm 1922.

Theo sử sách Việt Nam, trong suốt thời kỳ phong kiến, trừ các vị vua cầm quân chinh chiến, nước ta chỉ có hai vị vua chính thức sang thăm nước ngoài, đó là Thượng hoàng Trần Nhân Tông sang thăm Chiêm Thành năm 1301, và vua Khải Định trong chuyến du hành sang Pháp.

Quyển Khải Định Hình ảnh và Sự kiện cho ta biết, chuyến đi của vua Khải Định cùng thái tử Vĩnh Thụy bắt đầu từ ngày 15/5/1922, và kéo dài đến khi vua trở về kinh thành ngày 10/9/1922.

Chuyến đi được sử sách thời nhà Nguyễn gọi là "Ngự giá như Tây", nhân dịp nước Pháp tổ chức hội chợ Thuộc địa tại thành phố Marseilles. Sự góp mặt của nhà vua nước An Nam cũng là cách để thực dân Pháp tuyên truyền cho sự thành công của chế độ bảo hộ họ đặt ra ở Đông Dương. Vua Khải Định cũng nhân chuyến đi này để gửi gắm Thái tử Vĩnh Thụy cho cựu Khâm sứ Trung kỳ Charles để du học tại Pháp.

Tham dự chuyến hành trình có hai đại thần, một văn, một võ là Thượng thư Bộ Lại Nguyễn Hữu Bài và Trung quân Đô Thống Nguyễn Hữu Tiến. Ngoài ra còn có quan thông dịch Thái Văn Toản (sau này là Thượng thư Bộ Lại), các quan tùy tùng, thị vệ.


 

Vua Khải Định và hoàng tử Vĩnh Thụy cùng bộ trưởng Bộ thuộc địa Albert Sarraut tại Marseille.

(Nguồn: Sưu tập)
 

Hành trình của nhà vua được kể lại như sau: Đi xe lửa từ Huế vào Đà Nẵng, xuống tàu Claude-Chappe vào Sài Gòn, sau đó chuyển sang tàu Porthos để sang Pháp. Chuyến hải trình ghé qua nhiều bến, từ Singapore, Colombo, Djibouti, Ismailia.

Cách ăn mặc khác thường của vua Khải Định trong chuyến đi được miêu tả kỹ trong sách, qua sự kiện đón tiếp vua Khải Định tại dinh Thống đốc Nam kỳ mà Võ Hương An trích lại từ tác giả Vương Hồng Sển viết trong cuốn Hơn nửa đời hư:

"Vua đội nón lông kết, ngù bằng vàng thật, áo thêu rồng cũng màu vàng... quần kiểu quần tây trắng bó gọn trong đội hia "ghết" da đen cao tới gối, lưng nịt ngọc đái (đai ngọc) và đeo gươm cán vàng có nạm kim cương, trên ngự bào lóng lánh chói lói rất nhiều hạt kim cương cỡ 5, 6 ly. Ông đứng vịn cán gươm, một tay đưa lên trán chào kiểu nhà binh. Mười ngón tay, trừ hai ngón cái, đều đeo tám chiếc cà-rá nhận hột xoàn lớn".

Đến cảng Marseille ngày 21/6/1922, vua được Bộ trưởng Thuộc địa Albert Sarraut, cựu Toàn quyền Đông Dương ra đón. Sau khi tạm nghỉ ở Lyon, vua Khải Định được đưa lên tàu về đến ga Bois de Boulogne sáng 24/6.

Tại Paris lúc đó, đã có những nhà báo Việt Nam nổi tiếng được Pháp mời sang tham dự Hội chợ thuộc địa, như Phạm Quỳnh (Nam Phong tạp chí), Nguyễn Văn Vĩnh (Đông Dương tạp chí). Tác giả Võ Hương An trích lại bài tường thuật của nhà báo Phạm Quỳnh về lễ đón nhà vua:

"Quan Thượng thư Thuộc địa Sarraut đi cùng Hoàng thượng. Lễ đón có kèn, trống, cờ, quốc ca, lính bồng súng, lính kỵ mã, nghị vệ cũng như nghi vệ thường. Người ra đứng xem ít lắm".

Ngày 25/6, vua Khải Định và Bộ trưởng Sarraut đến viếng Nghĩa sĩ từ, là ngôi đền làm kiểu đình làng Việt, thờ những người Việt hy sinh vì nước Pháp trong Chiến tranh thế giới thứ nhất.

Tối 26/6, Tổng thống Pháp Alexandre Millerand mở tiệc mừng vua Khải Định tại cung điện Elysee. Tiệc xong, có cuộc tiếp kiến trong cung. Đến hôm sau, nhà vua viếng thăm Hiệp hội các nước Đông Dương, do kỹ sư Võ Văn Sen làm Hội trưởng. Được mời ghi sổ lưu niệm, vua Khải Định nghĩ ngợi rất lâu, cuối cùng "chỉ ghi một câu chữ Hán rằng: năm ấy, tháng ấy, đức Hoàng đế Việt Nam đến ngự nhà hội - thế mà thôi".


 

Vua Khải Định viếng mộ chiến sĩ vô danh ở Khải Hoàn Môn, Paris.

(Nguồn: Sưu tập)
 
 
Ngoài tiệc chính thức do nhà nước Pháp khoản đãi, vua Khải Định cũng đi xem đua ngựa với vợ chồng Tổng thống Pháp, thăm Hội địa lý Paris, viếng mộ Chiến sĩ vô danh ở Khải hoàn môn... Các sự kiện này đều được ghi lại bằng hình ảnh, in kèm trong sách.

Sau lễ đón tiếp chính thức, vua Khải Định đi Vichy để thăm bệnh, còn thái tử Vĩnh Thụy được gửi gắm cho vợ chồng ông Charles để lo chuyện học hành.
Ngày 10/8, vua Khải Định đi thăm Hội chợ Marseilles và hôm sau, lên tàu Angers về nước. Tàu về đến Vũng Tàu ngày 6/9, vua về Sài Gòn nghỉ tại Phủ toàn quyền, sau đó tiếp tục đi tàu Anger về đến Đà Nẵng ngày 10/9.

Tổng kết chuyến đi của vua Khải Định, Võ Hương An cho rằng: "Chuyến đi không đạt được kết quả nào về ngoại giao, việc chữa bệnh cũng không xong, lại bị kiều dân đả phá thậm tệ". Và "ở đâu trên lãnh thổ thuộc Pháp cũng được đón rước trọng thể đúng nghi lễ ngoại giao, không đến nỗi tổn thương quốc thể, dù mang thân phận bảo hộ. Ít ra thì vua Khải Định cũng lập được một kỷ lục là vua Việt Nam đầu tiên du hành xa nhất và lâu nhất ngoài lãnh thổ!".

Tác giả sách Võ Hương An tên thật là Võ Văn Dật, sinh trưởng tại Huế, bố ông là vị Nhất đẳng thị vệ cuối cùng của triều đình nhà Nguyễn. Võ Văn An định cư tại Hoa Kỳ từ năm 1991. Ông tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế, Cao học Sử học và là tác giả của nhiều tác phẩm biên khảo Sử học và văn hóa xuất bản tại Hoa Kỳ.


Nguồn: Nghiencuulichsu.com