- Quan niệm về con người: Tội Tổ Tông.
Sau đó, ĐCT lập một cảnh vườn Ê-đen ở về hướng Đông. ĐCT lấy bụi đất nặn hình nên một người Nam, thổi sinh khí vào lỗ mũi thì người đó sống dậy, gọi là A-đam.
ĐCT đem A-đam vào vườn Ê-đen để trồng cây và coi sóc vườn. ĐCT phán: “Ngươi được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn này, nhưng về cây Biết điều thiện điều ác thì chớ hề ăn đến, vì một mai ngươi ăn, chắc sẽ chết”. (2)
ĐCT thấy A-đam không có ai giúp đỡ, nên Ngài làm cho A-đam ngủ mê, bèn lấy một cái xương sườn của A-đam, thêm bụi đất nắn thành một người Nữ, đưa đến sống cùng A-đam. Người Nữ ấy được gọi là Ê-va, vợ của A-đam. A-đam và Ê-va đều sống trần truồng mà không biết hổ thẹn.
Tội Tổ Tông:
Trong các loài thú đồng do ĐCT tạo ra có con Rắn lớn là giống quỉ quyệt hơn hết. Rắn nói với Ê-va: “ĐCT cấm 2 ngươi ăn trái cây Biết điều thiện điều ác bởi tại sao, ngươi có biết không? Ê-va đáp: Vì ăn trái cây ấy sẽ phải chết. Rắn nói: Hai ngươi chẳng chết đâu, nhưng ĐCT biết rằng hễ ngày nào 2 ngươi ăn trái cấm đó, mắt mình sẽ mở ra, sẽ như ĐCT, biết điều thiện và điều ác”.
Ê-va thấy trái cấm đó có vẻ ngon, lại mở được trí khôn, bèn nghe lời Rắn, quên lời căn dặn của ĐCT, hái ăn ngon lành, rồi trao cho A-đam cùng ăn.
Đây là lần đầu tiên, 2 người không vâng lời ĐCT, nên mắc tội với ĐCT.
Ăn xong trái cấm đó thì mắt 2 người mở ra, rồi biết được rằng mình lõa lồ, mắc cỡ, bèn lấy lá cây vả đóng khố che thân.
ĐCT biết rõ điều đó, nên phán cùng Ê-va rằng: “Ta sẽ thêm điều khổ cực bội phần trong cơn thai nghén, ngươi sẽ chịu đau đớn mỗi khi sanh con, sự dục vọng của ngươi xu hướng về chồng và chồng sẽ cai trị ngươi”.
Ngài lại phán cùng A-đam: “Vì ngươi nghe theo lời vợ mà ăn trái cấm, vậy đất sẽ bị rủa sả vì ngươi, trọn đời ngươi phải chịu khó nhọc mới có vật đất sanh ra mà ăn. Đất sẽ sinh chông gai và cây tật lê, và ngươi sẽ ăn rau của đồng ruộng (3), ngươi sẽ làm đổ mồ hôi trán mới có mà ăn, cho đến ngày nào ngươi trở về đất, là nơi mà có ngươi ra, vì ngươi là bụi, ngươi sẽ trở về bụi”.
Việc Bà Ê-va và Ông A-đam ăn trái cấm, không nghe lời ĐCT, bị tội cùng ĐCT nên bị ĐCT quở phạt. Tội đó gọi là Tội Tổ Tông, vì 2 người là tổ tông của loài người.
Chúng ta nhận thấy, ba đoạn (1), (2), (3) là 3 lần phán của ĐCT về thức ăn mà ĐCT dành cho loài người: Đó là loài cỏ có hột, loài cây sanh quả, các thứ bông trái, rau của đồng ruộng. Như thế, loài người chỉ được phép ăn các thứ hoa quả, thảo mộc, ngũ cốc; không có đoạn nào trong phần nầy, ĐCT cho phép loài người ăn thịt thú vật.
Nhân loại do thủy tổ A-đam và Ê-va sinh ra càng lúc càng nhiều, và qua nhiều thế hệ, thì càng nhiễm những ô trược của cõi trần, nên say mê theo đường vật dục, xa lìa đạo đức, gây nhiều tội lỗi với ĐCT, nên Ngài gây ra một cuộc Tận Thế với trận Đại Hồng Thủy, tiêu diệt những kẻ hung ác, chỉ chừa lại gia đình Ông Nô-ê, con trai và dâu, vì biết đạo đức, nhân nghĩa, công bình.
Vợ chồng Ông Nô-ê trở thành thủy tổ của loài người sau nầy.
Từ gia đình Ông Nô-ê, loài người được sinh sản càng lúc càng nhiều, qua nhiều thời kỳ, cũng dần dần tiêm nhiễm vật chất, xa đường đạo đức. Đặc biệt loài người kiêu ngạo, toan xây dựng Tháp Babel rất cao để đi vào nước Trời.
ĐCT giận dữ vì hành động quá lắm này, nên khiến cho loài người chia ra nhiều thứ tiếng nói khác nhau, để sự bất đồng ngôn ngữ ấy mà loài người chia rẽ, không xây được Tháp Babel.
Mỗi nhóm người với một thứ tiếng nói, phân tán đi khắp các nơi để tìm đất sống, và sinh sôi nẩy nở càng lúc càng nhiều, tạo thành nhiều dân tộc, ở khắp nơi trên địa cầu.
Dân tộc Do Thái là dân tộc được ĐCT chọn, đang bị bắt làm nô lệ cho các vua Pha-ra-ôn của nước Ai Cập. ĐCT cảm thương nên sai Ông Môi-se đến cứu dân tộc Do Thái thoát khỏi cảnh nô lệ người Ai Cập, dẫn dân Do Thái đến lập quốc tại vùng đất tốt đẹp bên bờ biển Địa Trung Hải.
ĐCT qua trung gian của Ông Môi-se, dạy dân Do Thái về đạo đức, luật lệ, lễ nghi thờ cúng ĐCT, và các điều Giới Răn, tạo thành Đạo Do Thái cho dân tộc Do Thái. Ai tin và làm đúng theo đó thì được ĐCT rước lên nước Trời hoàn toàn hạnh phúc; ai không tin và làm điều tội lỗi thì bị phạt xuống Hỏa ngục.
Đó là thời Thái cổ của nước Do Thái với nền tôn giáo do Thánh Môi-se truyền bá là Do Thái giáo.
Nhưng loài người, kể cả dân Do Thái, dần dần sa ngã vào vật dục, quên hết các điều răn dạy của ĐCT, gây biết bao tội lỗi. ĐCT không nỡ giết chết hết, lại mở lòng thương, quyết định cho Ngôi Hai đầu thai xuống trần, cứu chuộc tội lỗi loài người. Ngôi Hai giáng thế ấy là Đức Chúa Jésus Christ.
Ngài khởi giảng tin lành, nhắc lại những điều răn dạy của ĐCT mà Thánh Môi-se đã truyền lại.
Ngài mở ra kỷ nguyên Thiên Chúa giáo, giảng đạo trong 3 năm, thâu nhận 12 Thánh Tông đồ và rất nhiều người tin theo, rồi Ngài vâng lịnh ĐCT, hiến mình trên Thập tự giá, chịu chết để lấy dòng máu thương yêu trong trái tim thương yêu, chuộc tội cho loài người.
Ngài lấy cái chết của thể xác để cho nhân loại sống, nên linh hồn Ngài trở về ngự bên cạnh ĐCT.
- 10 Điều Răn và các Nghĩa vụ
Mười Điều Răn của Đạo Thiên Chúa, chính là 10 Điều Răn mà ĐCT đã ghi trên 2 tấm bảng đá, ban cho Thánh Môi-se trên núi Sinai để đem xuống dạy dân Do Thái:
+ Phải thờ kính Thiên Chúa trên hết mọi sự.
+ Không được lấy danh Thiên Chúa làm những việc phàm tục.
+ Dành ngày Chúa nhựt để thờ phụng Thiên Chúa.
+ Thảo kính cha mẹ.
+ Không được giết người.
+ Không được Tà dâm.
+ Không được gian tham, lấy của người khác.
+ Không được làm chứng dối, che giấu sự gian dối.
+ Không được ham muốn vợ hoặc chồng người.
+ Không được ham muốn của cải trái lẽ.
Mười Điều Răn nói trên, quy lại 2 điều: Kính Chúa và Yêu người.
Giáo Hội Thiên Chúa giáo qui định thêm 6 Điều Răn :
+ Xem lễ ngày Chúa nhựt và các ngày lễ buộc.
+ Kiêng việc xác ngày Chúa nhựt.
+ Xưng tội mỗi năm một lần.
+ Chịu lễ mùa Phục sinh.
+ Giữ chay những ngày qui định.
+ Kiêng ăn thịt những ngày qui định.
Giáo Hội cũng qui định những nghĩa vụ cần thiết đối với bản thân người tín đồ và đối với mọi người:
+ Lấy điều thiện mà khuyên người.
+ Hướng dẫn cho kẻ mê muội.
+ Tha thứ cho kẻ khinh rẻ mình.
+ Nhịn kẻ xúc phạm đến mình.
+ Cầu nguyện cho người sống và người chết.
+ Răn bảo kẻ có tội. + An ủi người lo âu.
+ Cho kẻ đói ăn. + Cho kẻ khát uống.
+ Cho kẻ rách mặc. + Cho khách ở nhờ.
+ Cho người làm thuê. + Khiêm nhường.
+ Chôn táng người chết. + Đoan chánh.
+ Không hà tiện. + Siêng năng.
+ Không tị hiềm. + Ăn uống điều độ.
+ Thăm viếng người hoạn nạn.
Tóm lại, Giáo lý của Thiên Chúa giáo cho rằng, mọi vật trong vũ trụ này đều do Thượng Đế tạo dựng và hóa sinh. Thượng Đế là Đấng có quyền phép mầu nhiệm không thể đo lường, toàn năng, toàn tri, toàn thiện, toàn mỹ.
Thượng Đế dùng bụi đất tạo nên hình hài thể xác của con người rập theo hình ảnh của Thượng Đế, rồi Thượng Đế đặt vào thể xác ấy một Linh hồn để thể xác ấy có sự sống.
Do đó, con người do Thượng Đế sáng tạo ra theo hình ảnh của Ngài, nên rất được Thượng Đế trân trọng thương yêu. Ngài ban cho con người trí khôn ngoan hơn vạn vật để thống trị vạn vật.
Khi thể xác con người chết đi thì thể xác ấy sẽ trở về cát bụi vì nó do cát bụi tạo thành; còn Linh hồn thì tồn tại vĩnh viễn và trở về cõi Thiên đàng.
Vua loài Quỉ là Satan luôn luôn tìm cách cám dỗ con người làm điều sái quấy, trái với lời răn dạy của Thượng Đế, để linh hồn con người không được trở về Thiên đàng, bị phạt xuống Địa ngục mà làm tôi tớ cho nó.
Tổ tiên loài người đã bị Quỉ Satan, trong lốt Rắn, xúi dục ăn trái cấm, nên loài người mắc tội Tổ Tông truyền kiếp.
5. Các Phép Bí tích
Bí tích là tất cả những gì thần thánh bí ẩn của Thiên Chúa giáo, hoặc thuộc phạm vi Giáo lý, hoặc thuộc phạm vi Tế tự, thuộc chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Jésus.
Phép Bí tích là những phép thuật mầu nhiệm mà khi thi hành sẽ có những hiệu quả thiêng liêng mà ta không thể dùng trí phàm hay mắt phàm mà có thể hiểu biết được.
Thiên Chúa giáo có tất cả 7 Phép Bí tích, chia ra 2 phần :
- Bí tích Trung tâm gồm 1 Bí tích: Bí tích Thánh thể.
- Bí tích ngoại biên gồm 6 Bí tích, chia ra:
+ 2 Bí tích Khai tâm: . Bí tích Rửa tội.
. Bí tích Thêm sức.
+ 2 Bí tích Y dược: . Bí tích Giải tội.
. Bí tích Xức dầu.
+ 2 Bí tích Xã hộ : . Bí tích Truyền chức.
. Bí tích Hôn phối.
- Bí tích Thánh thể:
Bí tích Thánh thể còn được gọi là Bí Tích Mình Thánh Chúa, là sự tái diễn việc Chúa Jésus đã hiến dâng thân thể cho sự cứu chuộc.
Bí tích Thánh thể dựa theo sự tích “Bữa tiệc cuối cùng” của Đức Chúa Jésus với các môn đồ trong Lễ Vượt qua. Đức Chúa Jésus lấy bánh và rượu nho cho các môn đệ, nói rằng: “Các ngươi hãy nhận lấy, đây là mình của ta, đây là máu của ta, máu của ta sẽ đổ xuống để chuộc tội cho loài người.”
Theo Giáo lý của Thiên Chúa giáo, sự cứu chuộc của Chúa vẫn tiếp tục trong mầu nhiệm của Bí tích Thánh thể. Bí tích Thánh thể là đỉnh cao, là nguồn mạch trong đời sống tín ngưỡng của các tín đồ. Tất cả Bí tích khác, cũng như các hoạt động phụng tự đều hướng vào Bí tích này.
Nghi lễ Phép Bí tích Thánh thể được cử hành trọng thể tại Nhà Thờ, gọi là Thánh lễ Misa. Trong việc cử hành Bí tích Thánh thể, quan trọng nhất là vị chủ lễ (Giám Mục, Linh Mục) đọc lời truyền phép Thánh thể theo qui định của Giáo Hội, để Bánh làm bằng bột mì và Rượu làm bằng nho trở thành thịt Chúa và máu Chúa.
Tín đồ, sau khi đã Xưng tội và được Giải tội, thì được chịu phép Thánh thể, tức là được ăn một miếng Bánh hay một phần chiếc Bánh nhỏ đã được làm phép để Chúa sẽ ngự trong lòng họ, bởi vì Chúa có nói rằng: “Ai ăn thịt ta và uống máu ta, sẽ ở trong ta và ta sẽ ở trong người ấy”.
Theo qui định của Giáo Hội, sau khi chịu phép Bí tích Thánh thể (phép Mình Thánh) lần đầu, tín đồ phải chịu phép nầy mỗi năm ít nhất một lần.
- Bí tích Rửa tội:
Bí tích Rửa tội để rửa sạch tội Tổ Tông và các thứ tội khác, để trở thành tín đồ của Chúa, thắng được vật dục, thoát khỏi quyền của Quỉ, được ân sủng của Đức Chúa Jésus.
Bí tích Rửa tội thực hiện dễ dàng với trẻ em của những gia đình có đạo, nhưng đối với người lớn thì phải có chuẩn bị về mặt Tâm lý và phải Sám hối về những tội lỗi đã qua.
Bí tích Rửa tội thực hiện rất đơn giản, dùng nước Thánh dội lên đầu người chịu phép với câu nguyện bằng tiếng La tinh mà Chúa Jésus truyền phải dùng: “Ego te baptizo in nomine Patris, et Filii, et Spiritus Sancti.” (Ta rửa con , nhân danh Cha và Con và Thánh Thần).
Bí tích Rửa tội do các Linh Mục Chánh Xứ thực hiện.
- Bí tích Thêm sức:
Bí tích Thêm sức giúp cho tín đồ được ơn Chúa Thánh Thần mà liên kết chặt chẽ với Giáo Hội, vững lòng tin để đi sâu vào đời sống tín ngưỡng, như trước đây, khi Đức Chúa Jésus lên Trời, các Thánh Tông đồ bơ vơ, Chúa Thánh Thần hiện xuống an ủi và ban sức mạnh cho họ.
Bí tích Thêm sức chỉ làm cho người nào đã chịu Phép Rửa tội (Thánh tẩy). Nghi lễ được tiến hành bằng việc bôi một thứ dầu thảo mộc lên trán của người chịu phép Bí tích nầy, và đọc một đoạn kinh ngắn bằng tiếng La tinh.
Bí tích Thêm sức do Giám Mục thực hiện trong Nhà Thờ trong dịp Lễ Misa.
Tóm lại, 2 Bí tích Rửa tội (Thánh tẩy) và Thêm sức:
+ Đối với Đức Chúa Jésus, Thánh tẩy ban ơn tái sinh, Thêm sức ban ơn cường tráng, ân sủng sung mãn.
+ Đối với cơ thể siêu nhiên, Rửa tội thích nghi cơ thể đó để làm việc tư nhiều hơn, còn Thêm sức chuẩn bị cho tâm hồn gánh việc công.
+ Đối với Giáo Hội, Thánh tẩy nhập hiệp tín đồ vào đại gia đình các Thánh, Thêm sức khuếch trương gia đình đó ở trong và ở ngoài, trong phương diện nội trương và ngoại trương.
- Bí tích Giải tội:
Bí tích Giải tội là để tha thứ tội lỗi đã mắc phải. Người được giải tội phải tự xét về hành vi phạm tội của mình, đối chiếu các Điều Giới Răn, rồi xưng tội với vị Linh Mục một cách thành khẩn.
Vị Linh Mục, với tư cách thay mặt Chúa, ngồi trong Tòa Giải tội, luận xét tha tội, hoặc định ra những hình thức sửa chữa đền tội bằng những việc làm nhân đức.
Luật của Giáo Hội qui định mỗi năm tín đồ phải xưng tội ít nhất một lần.
- Bí tích Xức dầu:
Bí tích Xức dầu Thánh được thực hiện đối với bệnh nhân lúc tịnh dưỡng hay trong cơn nguy ngập để xin Thiên Chúa nâng đỡ và cứu vớt.
Các Giám Mục thực hiện phép chuyển dầu thực vật thành dầu Thánh. Các Linh Mục thực hiện Bí tích xức dầu Thánh bằng việc dùng dầu Thánh xức lên trán hoặc thân thể bệnh nhân, và đọc lời cầu nguyện theo qui định.
Bí tích Giải tội để chữa bịnh linh hồn, tha tội và tha hình phạt Hỏa ngục, đó là Bí tích điều trị. Nhưng khi bệnh nhân hết bịnh, cơ thể cần tịnh dưỡng, thì Bí tích Xức dầu Thánh được thiết lập và được coi là bổ túc Bí tích Giải tội.
Bí tích Xức dầu Thánh cũng dành cho người gần khuất bóng, trong những giờ phút cuối cùng của cuộc đời.
- Bí tích Truyền chức
Bí tích Truyền chức được thực hiện với các tín đồ trở thành Thùa Tác viên của Chúa: Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế, để thay mặt Chúa chăn dắt tín đồ.
Bí tích Truyền chức được thực hiện trong Lễ Tấn phong, bằng cách người truyền chức đặt tay lên người được truyền chức và đọc lời kinh cầu nguyện:
* Truyền chức Phó Tế: Giám Mục đặt tay lên vị Phó Tế:
“Lạy Chúa, xin Chúa sai Chúa Thánh Thần xuống người nầy để họ được 7 ơn Chúa kiên cường, hầu trung thành chu toàn nhiệm vụ”.
* Truyền chức Linh Mục: Giám Mục đặt tay lên vị Linh Mục:
“ Lạy CHA toàn năng, xin CHA trao chức Linh Mục cho tôi tớ Chúa đây, xin Chúa cải tân tâm hồn họ bằng Thánh Thần của Chúa, để họ nhận lấy sứ mệnh có công bậc nhì, đã được chính Chúa ưng chuẩn.”
* Truyền chức Giám Mục:
“ Xin Chúa trao hết chức quyền cho Linh Mục của Chúa, xin Chúa lấy dầu trên Trời Thánh hóa vị đã được trang sức đầy vẻ vinh quang”.
Bí tích Truyền chức trao cho người thụ chức những hiệu quả : được trao chức Thánh, sứ mệnh Thánh và hưởng đầy ân sủng của Chúa.
- Bí tích Hôn phối:
Bí tích Hôn phối là sự nhìn nhận của Thiên Chúa đối với đôi Tân hôn Nam Nữ đã chịu phép Rửa tội, để họ chung sống trọn đời với nhau.
Bí tích Hôn phối Thánh hóa hôn nhân, Thánh hóa các tác động phu thê trong tình thương yêu chân thật.
Bí tích Hôn phối làm tăng cường tính duy nhất và bền vững trong hôn nhân và quan hệ gia đình của tín đồ.
6. Các Dòng Tu
Trong Công giáo, bên cạnh các tổ chức mang tánh cách hành chánh điều khiển các hoạt động của Giáo Hội, như đã trình bày ở các phần trên, còn có tổ chức một hệ thống các Dòng Tu hoạt động rất mạnh.
Theo Giáo luật, Dòng Tu (L’Ordre des religieux) là một tập thể tín đồ từ bỏ cuộc sống thế tục để cống hiến trọn đời cho Đạo pháp, góp phần cùng Giáo Hội cứu rỗi nhơn loại.
Khi chấp nhận hiến thân trọn đời cho Đạo, tín đồ phải lập thệ:
+ Thanh khiết, là giữ cuộc đời độc thân trọn vẹn.
+ Thanh bần, là giữ cuộc đời trong sạch nghèo nàn.
+ Vâng phục, là nghe lời bậc Bề trên dạy dỗ.
+ Huynh đệ, là sống trong đại gia đình với tình anh em.
- Tổ chức các Dòng Tu:
Mỗi Dòng Tu có hiến chương riêng và qui chế hoạt động riêng. Hệ thống tổ chức trong Dòng Tu thường có 3 cấp:
+ Bề trên Dòng, còn gọi là Bề Trên Cả hay Bề Trên Tổng Quyền.
+ Tỉnh Dòng.
+ Các Tu viện và các cơ sở hoạt động.
Mỗi Dòng Tu thường tổ chức Đại Hội định kỳ để tổng kết và đánh giá tình hình hoạt động, đề ra chương trình, thay đổi nhơn sự lãnh đạo.
- Phân loại các Dòng Tu:
Có 2 cách phân loại các Dòng Tu:
+ Phân loại theo Qui chế: 2 loại.
* Dòng Tu theo Qui chế Tòa Thánh, là những Dòng Tu lớn, có từ lâu đời, mang tính chất quốc tế, đặt cơ quan Trung ương tại Tòa Thánh La Mã, như các Dòng Tu: Bơ-noa, Đô-mi-ni-cô, Phăn-xi-cô, Dòng Chúa Cứu thế, .
* Dòng tu theo Qui chế Giáo Phận, thuộc quyền điều khiển trực tiếp của Giám Mục Giáo Phận. Một số Dòng Tu theo Qui chế Giáo Phận ở VN như: Dòng Thánh Tâm ở Giáo Phận Huế, Dòng Giu-se ở Giáo Phận Nha Trang, . .
- Phân loại theo cách hoạt động: 2 loại.
+ Dòng Tu Chiêm niệm (Contemplatif) chuyên chú vào việc tụng kinh, trầm tư chiêm nghiệm (Thiền định) và tự lao động để sinh sống. Những tu sĩ trong Dòng Chiêm niệm thường không ra ngoài hoạt động, chỉ ở trong các nhà tu kín.
Một số Dòng Tu Chiêm niệm như: Dòng Bơ-noa, Dòng Ca-mê-lô, . . .
+ Dòng Tu hoạt động (Actif) chuyên chú về các hoạt động xã hội dưới nhiều hình thức:
* Hình thức tôn giáo: như giảng dạy Giáo lý, Thần học, Truyền giáo.
* Hình thức từ thiện: như Giáo dục, Y tế, Cứu trợ.
Các Dòng nầy như: Dòng Tên, Dòng Đô-mi-ni-cô, . . .
- Phân loại theo Giới tính: Nam và Nữ phái.
Phụ nữ Công giáo chỉ được tham gia vào các Dòng Tu, không được huấn luyện để trở thành Linh Mục, Giám Mục, lãnh đạo các cấp hành chánh của Giáo Hội. Đây cũng là một thiệt thòi lớn cho Nữ phái Công giáo.
Các Dòng Tu chỉ gồm toàn là tu sĩ Nam phái, hoặc gồm toàn Nữ phái, không có Dòng Tu nào vừa có Nam tu sĩ, vừa có Nữ tu sĩ.
Các tu sĩ trong Dòng Tu được phân làm 2 bực: Các tu sĩ thường (Nam gọi là Frère: Huynh, Nữ gọi là Soeur [Bà sơ]: Tỷ), và bên trên là các Linh Mục bên Dòng Tu Nam phái, và Bà Bề Trên bên Dòng Tu Nữ phái.
Các Linh Mục Dòng được đào tạo như các Linh Mục bên Giáo triều và có các hoạt động như Linh Mục Giáo triều, nhưng chỉ hoạt động trong Dòng Tu mà thôi. Tuy nhiên, cũng có Dòng Tu không có Linh Mục, như Dòng Tu La-san (Lasal).
- Một số Dòng Tu Nam:
+ Dòng BƠ-NOA (Ordre de Saint Benoit, viết tắt OSB)
Đây là Dòng Tu cổ nhất của Giáo Hội La Mã, do Benoit de Nurci lập ra từ năm 529 ở Monte-Cassino (Italia). Dòng Benoit ra đời đưa các tu sĩ sống độc thân vào cuộc sống tập thể trong các Tu Viện, mở đầu thời kỳ Chủ nghĩa Tu Viện Thiên Chúa giáo.
Chủ đích của Dòng Bơ-noa là chiêm niệm, lao động chân tay, nghiên cứu Thần học và Phụng vụ.
Vào thời Trung cổ, Dòng Bơ-noa có những đóng góp quan trọng trong việc hướng dẫn dân chúng Âu Châu trồng trọt, chăn nuôi, chế thuốc trị bịnh.
Y phục của Tu sĩ Dòng nầy là áo chùng đen, thắt lựng da, ngoài phủ vải đen.
Dòng Bơ-noa truyền vào VN từ năm 1935, có các cơ sở ở Đà Lạt và Huế.
+ Dòng ĐÔ-MI-NI-CÔ (Odre de Dominicains (OD):
Dòng này còn gọi là Dòng Đa Minh do Dominique lập năm 1206 ở Toulouse nước Pháp.
Chủ đích của Dòng là thuyết giảng, nên còn gọi là Dòng Thuyết giảng (Odre des Prêcheurs hay Odre des Frères Prêcheurs), để khuyến tu kẻ ngoại đạo trong các cuộc Thánh chiến chống Hồi giáo.
Y phục của các tu sĩ Dòng nầy là áo chùng trắng và khăn phủ ngoài cũng trắng.
Dòng Đô-mi-ni-cô truyền vào VN vào thế kỷ 16 do các Giáo sĩ Dô-mi-ni-cô Tây Ban Nha. Họ giảng đạo và điều khiển Địa Phận Bùi Chu, sau đó tách ra thành Địa Phận Thái Bình, Hải Phòng, Bắc Ninh.
Năm 1930, có thêm các Giáo sĩ Dòng Đô-mi-ni-cô vào truyền giáo đến Lạng sơn.
Năm 1954, Các Giáo sĩ Dòng nầy chuyển vào xây dựng các cơ sở ở miền Nam VN.
+ Dòng PHĂN-XI-CÔ (Ordre des Franciscains (OF):
Dòng Phăn-xi-cô do Francois lập năm 1209 tại Assises nước Italia, chủ trương việc giảng thuyết chỉ được xem như là một trong những hoạt động từ thiện, như chăm sóc người tàn tật, kẻ đau ốm cô độc.
Y phục của các Tu sĩ Dòng nầy giống như của Dòng Bơ-noa, nhưng màu dà, có thắt lưng, chân đi dép.
Dòng Phănxicô truyền vào VN với danh nghĩa là “Anh em hèn mọn” (Odre des Frères Mineurs, viết tắt là OFM), lập cơ sở đầu tiên ở Vinh, Thanh Hóa, sau đó là Nha Trang và Sàigòn.
+ Dòng TÊN (Odre de Jésuites: OJ):
Dòng Tên tức là Dòng Jésus, do một người lính Thánh giá người Tây Ban Nha tên Igntis lập ra năm 1584, để chống lại phong trào cải cách tôn giáo, đồng thời đáp ứng nhu cầu truyền giáo ra nước ngoài của Giáo Hội. Dòng Tên đặt dưới sự điều khiển trực tiếp của Đức Giáo Hoàng, được chọn lọc để tiếp nhận những người quí phái, những nhà trí thức và khoa học. Thực tế, Dòng Tên là tuyến đầu phòng thủ của Giáo Hội, có mặt khắp nơi trên thế giới, chi phối được nhiều chánh phủ của nhiều nước. Năm 1759, Dòng Tên bị trục xuất khỏi Bồ Đào Nha; năm 1762, và năm 1820 Dòng Tên bị trục xuất khỏi nước Pháp.
Năm 1773, Giáo Hoàng Clê-măng giải tán Dòng Tên, và đến năm 1841, Giáo Hoàng Piô VII mới cho phục hồi lại.
Hiện nay, Dòng Tên có mặt tại 100 nước trên thế giới với khoảng 30.000 Giáo sĩ.
Y phục của Giáo sĩ Dòng Tên giống hệt như y phục của Linh Mục Giáo triều.
Giáo sĩ Dòng Tên vào VN rất sớm, vào thời Trịnh Nguyễn phân tranh. Dòng Tên mất dần ảnh hưởng tại VN khi Đức Giáo Hoàng cho phép Hội Thừa Sai Paris (MEF) được độc quyền truyền giáo tại VN.
Năm 1957, Tổng Thống Ngô đình Diệm mới cho Dòng Tên trở lại hoạt động tại Miền Nam VN.
+ Dòng KHỔ TU (Ordre de Trappistes: OT):
Dòng Khổ Tu còn gọi là Dòng Xi-tô vì được thành lập tại Citeaux nước Pháp vào năm 1098 bởi Robert de Mondesme và sau nầy được Benard củng cố và bổ sung.
Dòng Khổ Tu đề cao cuộc sống ép xác kham khổ, không ăn thịt cá, đi chân đất, lao động chân tay, chuyên bề chiêm niệm.
Dòng Khổ Tu đào tạo được nhiều Giáo Sĩ cao cấp cho Giáo Hội, là những bậc chơn tu. Riêng trong thế kỷ 17, đào tạo được 11 Hồng Y và 75 Giám Mục.
Y phục của Dòng Khổ Tu là áo chùng trắng, thắt lưng da, tấm vải phủ ngoài màu đen.
Tại VN, vào năm 1920, một Linh Mục người Pháp, dựa trên qui chế Dòng Khổ Tu, lập ra tại Quảng Trị, tự coi là một nhánh của Dòng Bơ-noa, sau nầy sáp nhập với các Giáo Sĩ Dòng Khổ Tu từ Pháp sang, gọi là Dòng Phước Sơn.
Việc sáp nhập trên không được Bề Trên của Dòng Khổ Tu tại Pháp hài lòng, nên họ đưa thêm một số Giáo Sĩ khác qua lập những cơ sở khác như ở Mỹ Ca, Châu Sơn, Phước Lý . . .
+ Dòng CHÚA CỨU THẾ (Congrégation du Très Saint Redemptoriestes, viết tắt là: CSR):
Dòng Chúa Cứu Thế do Alphonse de Liguori lập ra ở Naples (Ý) vào thế kỷ 18 trong hoàn cảnh cuộc Cách mạng Tư sản ở các nước Âu Châu liên tiếp nổ ra. Dòng Chúa Cứu Thế phát triển rất nhanh ở Châu Âu và truyền sang Bắc Mỹ.
Giáo sĩ Dòng nầy thường đi thuyết giảng Giáo lý và đạo đức ở các Xứ đạo trong tuần làm phúc, và đi truyền đạo ở các vùng chưa có Công giáo.
Y phục của Giáo sĩ Dòng Chúa Cứu Thế có màu đen, cổ trắng, thắt lưng vải, đeo tràng hạt.
Dòng nầy vào VN năm 1925, chủ yếu do các Giáo sĩ người Canada, lập các cơ sở tập trung ở Sàigòn, Nha trang, Vĩnh Long, Đà Lạt.
+ Dòng LA-SAN (Ordre des Lasaliens, viết tắt là OL) :
Dòng Lasan do Jean Baptist de Lasal lập ra, chuyên dạy học trò ở bậc Trung học, nên còn được gọi là Dòng Sư Huynh, tiếng Pháp là: Ordre des Frères d’Écoles Chrétiennes, viết tắt: OFEC.
Y phục của Giáo sĩ Dòng Lasan giống như Linh Mục của Giáo Hội, có miếng vải trắng trước cổ.
Dòng Lasan vào VN qua các Giáo sĩ người Pháp. Trước đây họ mở nhiều Trường Trung học dạy chương trình Pháp như trường Lasan Taberd ở Sàigòn, trường Pellerin ở Huế, trường Pujinier ở Hà Nội.
+ Dòng BOSCO (Ordre de Salesiens, viết tắt là OS):
Dòng Bosco do Don Bosco lập ra ở nước Ý vào cuối thế kỷ 18. Chủ đích của Dòng là dạy nghề và dạy văn hóa cho thiếu niên nghèo, thất học.
Dòng Bosco vào VN vào khoảng năm 1940, lập cơ sở tại Gò Vấp Sàigòn, sau phát triển lên Đà Lạt.
+ Dòng GIOAN THIÊN CHÚA (Ordre des Hospita-liers, viết tắt là OH):
Dòng nầy được lập ra từ thế kỷ 14 với chủ đích chữa bịnh bằng Đức Tin vào Thiên Chúa và tình thương yêu chăm sóc của thầy thuốc.
Y phục của Giáo sĩ Dòng Gioan Thiên Chúa giống y như Giáo sĩ Dòng Bơ-noa.
Dòng nầy vào VN năm 1938, do một nhóm tu sĩ người Canada, lập ra những cơ sở đầu tiên ở Sài gòn và Hà Nội. Sau năm 1954, các cơ sở ở HàNội dời vào Đà Nẳng và Biên Hòa.
- Một số Dòng Tu Nữ:
+ Dòng BƠ-NOA: Dòng Bơ-noa do Benoit lập ra từ thế kỷ thứ 5, thật tế nó là Dòng Tu dành cho phụ nữ chuyên về Chiêm niệm. Nữ tu Dòng Benoit có y phục giống như bên Nam phái, nhưng thêm khăn đen và lúp che đầu.
Dòng Nữ tu Benoit sang VN vào năm 1935, do các Nữ tu người Pháp, lập cơ sở đầu tiên tại Ban Mê Thuộc, sau chuyển về Thủ Đức.
+ Dòng OISEAUX: tức Dòng Nữ Tu Thánh Augustine, nhưng gọi theo tiếng Pháp là: Couvent des Oiseaux.
Chủ đích của Dòng Nữ Tu Oiseaux là giáo dục văn hóa và nghề nghiệp cho phụ nữ trở thành những Nữ trí thức. Dòng Nữ Tu nầy sống phóng khoáng, giao tiếp bình thường với người bên ngoài, nên y phục của họ cũng bình thường, chỉ thêm cái khăn phủ đầu màu xám.
Dòng Oiseaux truyền sang VN từ năm 1950 do các Nữ Tu người Pháp, có mở cơ sở là trường học tại Sài gòn.
+ Dòng PHAOLÔ :
Dòng Nữ Tu Phaolô được lập ra ở Pháp, hoạt động theo gương của Thánh Phaolô, với nội dung chủ yếu là: Giáo dục, Y tế, Xã hội.
Y phục của Dòng Nữ Tu nầy toàn màu trắng, lúp che đầu cũng trắng (nên gọi là Bà Sơ trắng), đôi khi cũng mặc y phục đen, nhưng cái lúp trên đầu vẫn giữ màu trắng.
Dòng Phaolô vào VN vào năm 1860, lập ra các Bệnh viện, Trường học, Cô nhi viện, ở Sàigòn, Huế, Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định. Sau năm 1954 thì dời vào miền Nam.
+ Dòng BÁC ÁI VINH SƠN:
Dòng Nữ Tu Bác Ái Vinh Sơn do Vincent lập ra tại Paris nước Pháp vào thế kỷ 17 trong hoàn cảnh nước Pháp bị loạn lạc. Chủ đích của Dòng là công tác cứu tế xã hội.
Y phục của các Nữ Tu Dòng nầy có màu xanh, lúp che đầu cũng màu xanh, nên gọi là các Bà Sơ xanh.
Năm 1935, một số Nữ Tu Dòng Bác ái Vinh sơn đến lập cơ sở tại Đà Lạt, Sàigòn, và phát triển ra các nơi khác như Nha Trang, Ban Mê Thuộc.
+ Dòng PHĂN-XI-CÔ:
Dòng Nữ Tu Phănxicô do Nữ Tu người Pháp lập ra từ thế kỷ 18, chọn các hoạt động từ thiện và dạy học.
Y phục của Dòng nầy có màu tro, có lúp che đầu.
Dòng Nữ Tu Phănxicô lập cơ sở đầu tiên ở VN là Trại Cùi Qui Nhơn vào năm 1930, sau đó có lập những cơ sở từ thiện khác ở Sàigòn và Đà Lạt.
+ Dòng ĐỨC BÀ:
Dòng Nữ Tu Đức Bà lập ra ở nước Pháp vào thế kỷ 18. Chủ đích của Dòng là lo dạy học và công tác xã hội.
Y phục của các Nữ Tu Dòng nầy giống như Dòng Phănxicô nhưng có tấm vải trắng phủ từ sau ra trước, có viền xanh, lúp đầu màu trắng.
Dòng Đức Bà lập cơ sở đầu tiên ở Hà Nội, năm 1934. Sau đó chuyển vào Nam lập ở ĐàLạt, Nha Trang, Phan Thiết.
+ Dòng MẾN THÁNH GIÁ:
Dòng Nữ Tu Mến Thánh Giá do các Linh Mục Dòng Tên lập ra cùng một thời kỳ với các tổ chức Thầy giảng, từ thế kỷ 17 và 18. Trong thời kỳ đầu, các Nữ Tu sống đơn giản, chủ yếu là cầu nguyện, giúp việc dạy Giáo lý và một số công việc khác của Giáo Hội.
Sau nầy, qua nhiều lần cải cách, hình thành các qui chế chặt chẽ, có lời khấn, có trường học và trường tập.
Tổng hợp: SGT Group