7. Hai Chi Phái lớn
Thiên Chúa Giáo do Đức Chúa Jésus Christ lãnh lệnh Đức Chúa Trời giáng trần mở đạo, để giáo hóa và cứu rỗi nhân loại, và Đức Chúa Jésus Christ là Giáo chủ của Thiên Chúa Giáo.
Đến thế kỷ 11, hàng giáo phẩm cao cấp của Thiên Chúa Giáo, do bất đồng với Đức Giáo Hoàng, nên tách ra, lập Chính Thống giáo tại thủ đô Constantinople ở Thổ Nhĩ Kỳ, truyền bá vùng Đông Âu.
Đến thế kỷ 16, một Linh Mục tại nước Đức là Martin Luther công bố 95 Luận Đề cải cách Thiên Chúa Giáo, đó là bước khởi đầu tách ra lập Đạo Tin Lành, truyền bá mạnh mẽ tại Bắc Âu Châu, Bắc Mỹ, rồi lan ra khắp thế giới.
Như thế, Thiên Chúa giáo có 2 Chi Phái lớn là :
+ Chính Thống giáo (Orthodoxie)
+ Đạo Tin Lành (Protestantisme) và từ đó, Thiên Chúa giáo ở La Mã được gọi là Công giáo.
7.1. Chính Thống giáo
Nguyên vào thế kỷ thứ 4, Hoàng đế La Mã là Constantin (270-337) dời thủ đô từ La Mã (Rôma) đến Constantinople thuộc Thổ Nhĩ Kỳ. Trước kia, thành phố ấy tên là Bizance, Hoàng đế Constantin xây dựng làm thủ đô mới, đổi tên lại là Constantinople (lấy tên của Hoàng đế đặt tên cho thủ đô mới). Do đó, tại thủ đô mới nầy, hình thành một Trung tâm Thiên Chúa Giáo đứng thứ nhì sau La Mã.
Giáo hội tại Constantinople được gọi là Giáo hội Đông, và Giáo hội tại La Mã được gọi là Giáo hội Tây. Đức Giáo Hoàng ở tại La Mã.
Hai Giáo hội vẫn thông đồng chặt chẽ, và Giáo hội Đông vẫn tùng lịnh của Đức Giáo Hoàng ở Giáo hội Tây. Nhưng dần dần, những mâu thuẩn bắt đầu xảy ra, và Giáo Hội Đông nhận thấy Giáo Hoàng có nhiều hành vi can thiệp vào thế tục quá đáng, nên bất mãn.
Sự việc nổ bùng ra vào năm 1054, giữa thế kỷ 11, khi Đức Giáo Hoàng La Mã sai sứ giả đến Constantinople, đặt trên Bàn thờ Thánh đường Santa Sophia Sắc lệnh của Đức Giáo Hoàng cắt đứt quan hệ với Giáo hội Đông và phạt vạ Thượng Phụ Giáo Chủ của Giáo hội Đông.
Liền đó, Thượng Phụ Giáo Chủ Mi-ca-e của Giáo hội Đông phản ứng quyết liệt bằng cách triệu tập Đại Hội Công Đồng Giáo hội Đông, tuyên bố tuyệt giao với Giáo Hoàng và phạt vạ Giáo Hoàng La Mã.
Thế là kể từ đó, Giáo hội Đông thành lập Chính Thống giáo. Dùng từ ngữ Chính Thống giáo là để tỏ rằng, tuy tách ra từ Giáo hội La Mã, nhưng vẫn giữ được Chánh đạo chánh truyền, chớ không phải là Tà đạo hay Lạc giáo mà Giáo Hội La Mã đã gán cho họ.
Do đó, tính bảo thủ là nguyên tắc đặc trưng nổi bật của Chính Thống giáo. Giáo lý của Chính Thống giáo hầu hết đều giống với Công giáo La Mã, chỉ có một số ít khác nhau:
- Về Thiên Chúa 3 Ngôi:
+ Công giáo: Ngôi 1 là CHA, Ngôi 2 là CON, Ngôi 3 là THÁNH THẦN. Tuy 3 Ngôi nhưng đồng bản thể cùng Thiên Chúa. Ngôi 1 sanh Ngôi 2, Ngôi 1 và 2 sanh ra Ngôi 3.
+ Chính Thống giáo: Ngôi 1 sanh ra Ngôi 2, Ngôi 2 sanh ra Ngôi 3.
- Thiên Chúa giáo tin vào vô nhiễm thai.
Chính Thống giáo không tin điều đó.
- Thiên Chúa giáo: Đức Giáo Hoàng không bao giờ sai lầm về Đức tin, tức là không sai lầm khi ban bố một tín điều hay một Sắc lịnh của Giáo Hội.
Chính Thống giáo: Không tin vào tính chất không sai lầm của Giáo Hoàng La Mã, chỉ thừa nhận tính chất không sai lầm của Giáo Hội, chớ không phải người cầm đầu Giáo Hội.
- Chính Thống giáo: Chỉ có Đức Chúa Jésus mới là Giáo chủ duy nhất; không chấp nhận nơi chuộc tội.
- Chính Thống giáo không có một Trung tâm Giáo hội Thống nhứt như Công giáo La Mã, mà nó gồm 15 Giáo hội Chính Thống độc lập, kể ra:
+ Constantinople (Thổ Nhĩ Kỳ) + Nga
+ Alexandrie (Ai Cập) + Grudi
+ Antoiny (Syrie, Liban) + Serbie (Nam Tư)
+ Bulgarie + Roumanie
+ Chypre + En-lát (Hy-Lạp)
+ Albanie + Ba Lan
+ Tiệp Khắc + Châu Mỹ
+ Châu Đại Dương.
Phạm vi hoạt động của Chính Thống giáo là ở vùng các nước Đông Âu.
Số tín đồ của Chính Thống giáo và của Đạo Tin Lành được thống kê nơi Phần I trong bài nghiên cứu nầy.
7.2. Đạo TIN LÀNH
(Xem chi tiết nơi phần sau: Đạo Tin Lành)
* Ngoài 2 Chi Phái lớn của Thiên Chúa giáo kể trên, còn có nhiều Chi phái nhỏ khác nẩy sanh từ Công giáo hay từ Chính Thống giáo hoặc từ Đạo Tin Lành. Xin kể ra một số Chi phái nhỏ sau đây:
- Các Giáo hội Công giáo Đông phương:
Đây là các Giáo hội theo nghi lễ Đông phương, gần giống như các Giáo hội Chính Thống giáo ở Cận Đông, Đông Âu và Ấn Độ.
Từ thế kỷ 16, các Giáo hội Công giáo Đông phương nầy đã thông hảo với Tòa Thánh La Mã.
Mặc dầu có ít tín đồ, chừng 14 triệu, nhưng sự hiện diện của các Giáo hội nầy rất quí, vì nó chứng tỏ rằng 2 nền văn hóa Đông và Tây, tuy khác nhau, nhưng vẫn có thể hòa hợp được.
- Các Giáo hội Nhất Thể giáo (Églises Monophysites)
Các Giáo hội này chỉ tin nhận những điều có trước Công Đồng Chung Canxêđôni năm 451, nên cũng gọi là Giáo hội tiền Canxêđôni.
Số tín đồ của Giáo hội này được chừng 18 triệu, bao gồm các tông phái Syri Đông phương, Syri Tây phương, Syri Chính Thống ở Ấn Độ, Êtiopi, Acmêni.
- Anh giáo (Anh Quốc giáo): (Xem Đạo Tin Lành)
8. Công giáo tại Việt Nam
Công giáo được truyền sang VN một cách có hệ thống và qui mô từ đầu thế kỷ 17 với các Thừa Sai Dòng Tên.
Trước đó, thế kỷ 16, từ khi con đường liên lạc giữ Tây Âu và Đông Á được trở nên dễ dàng qua mũi Hảo Vọng (Nam Phi) năm 1498, và nhất là sau khi Bồ Đào Nha thiết lập các căn cứ ở Ân Độ (1510), ở Mã Lai (1511) và ở Macao Trung quốc (1557), các tàu thuyền của Bồ Đào Nha đi Trung quốc và Nhật Bản ngày càng nhiều. Trong những chuyến đi như thế, các thuyền tàu ấy thường ghé qua các hải cảng VN.
Các Linh Mục Dòng Phan Sinh, Đa Minh, hoặc Âu Tinh đi theo làm mục vụ cho các thủy thủ trên tàu, chắc chắn đã có dịp tiếp xúc với dân chúng VN, nhưng vì không hiểu tiếng VN nên các cuộc tiếp xúc nầy không đem lại kết quả nào về phương diện truyền giáo.
Các Linh Mục ấy không lưu lại một chứng từ nào. Các câu chuyện về công cuộc truyền giáo ở VN trước thế kỷ 17 đều do các nhà chép sử của các Dòng Tu ghi lại vào khoảng năm sáu chục năm sau.
Sách “Khâm Định Việt Sử Thông giám Cương Mục” là một bộ sử VN được soạn thảo dưới triều vua Tự Đức, khi nói về một lệnh cấm Đạo Gia Tô năm 1663 dưới triều vua Lê Huyền Tôn, có chú thích về Đạo Gia Tô như sau:
“ Theo Dã Lục, vào khoảng tháng 3 năm Nguyên Hòa thứ nhất (1533) đời vua Lê Trang Tôn, có một thương nhân tên Inikhu đi đường biển vào VN lén lút vào giảng Đạo Gia Tô ở làng Ninh Cường, Quần Anh, thuộc huyện Nam Chấn và làng Trà Lũ thuộc huyện Giao Thủy”.
Thời kỳ từ năm 1533 đến 1614, chủ yếu là các Giáo sĩ Dòng Phănxicô Bồ Đào Nha và Dòng Đa Minh Tây Ban Nha, đi theo những thuyền buôn vào VN giảng đạo, nhưng do không quen phong thổ và không thông thạo tiếng VN, nên việc truyền giáo không kết quả.
Thời kỳ từ năm 1614 đến 1645, các Giáo sĩ Dòng Tên Bồ Đào Nha từ Macao (Trung quốc) vào VN hoạt động ở Đàng ngoài và cả Đàng trong, có nhiều vị thông thạo tiếng Việt, lại hoạt động khôn khéo, đã lôi kéo được 50.000 người VN theo Đạo và tạo được 40 Tu sĩ VN giúp việc truyền đạo.
Năm 1693, Nghệ An có 12 làng Công giáo toàn tòng.
Khi Công giáo phát triển đến mức khá lớn, các Giáo sĩ Dòng Tên nghĩ đến việc cần phải có các Giám Mục phụ trách để thúc đẩy công cuộc truyền đạo ở mức cao hơn và quản lý nền Đạo. Giáo sĩ Alexandre de Rhodes, giáo dân quen gọi là Cha Đắc-Lộ của Dòng Tên, có kinh nghiệm 30 năm hoạt động vùng Viễn Đông, trong đó có 17 năm ở VN, thông hiểu tình hình VN và nói thông thạo tiếng VN, đề cử 2 vị Linh Mục người Pháp tên là: Francois Pallu và Lambert de la Motte, được Đức Giáo Hoàng phong làm Giám Mục phụ trách truyền đạo ở Đông Dương.
Năm 1659, hai Địa Phận Công giáo đầu tiên được thành lập, một ở Đàng trong và một ở Đàng ngoài, do 2 vị Giám Mục nầy cai quản.
Trong thời gian trở về nước Pháp, Giáo sĩ Alexandre de Rhodes (người Pháp) bàn soạn lập kế hoạch vận động vua nước Pháp, giới quí tộc Pháp và đề nghị Đức Giáo Hoàng lập Hội Thừa Sai Paris (Mission Étrangère de Paris) để tổ chức việc truyền giáo tại Đông Dương cho kết quả hơn.
Năm 1644, Hội Thùa Sai Paris chính thức thành lập, được Đức Giáo Hoàng giao cho nhiệm vụ truyền giáo tại Đông Dương, Trung quốc và Đông Nam Á.
Vì muốn mở mang nước Chúa, muốn được truyền đạo nhanh chóng và độc quyền, các Giáo sĩ của Hội Thừa Sai Paris thường tham dự vào các hoạt động chánh trị, tiếp tay cho nước Pháp bành trướng thế lực ở Đông Dương.
Giám Mục Pigneu de Béhaine (Bá-Đa-Lộc) đã xây dựng kế hoạch giúp Chúa Nguyễn Ánh khôi phục cơ đồ, đánh tan quân Tây Sơn, lập ra nhà Nguyễn, lên ngôi vua lấy hiệu là Gia Long.
Về sau, các vị vua nhà Nguyễn nối tiếp vua Gia Long cấm đạo Công giáo, thì các Giáo sĩ trong Hội Thừa Sai Paris như: Giám Mục Pellerin, Phó Giám Mục Lefèbvre, Giám Mục Puginier, là những người đã thông hiểu tình hình VN, nên đã giúp quân đội Pháp rất hiệu quả, đánh chiếm nước VN và dần dần biến nước VN thành thuộc địa của nước Pháp.
Nhờ những công trạng nầy, Hội Thùa Sai Paris được Chánh quyền thuộc địa Pháp ở Đông Dương dành cho rất nhiều đặc quyền đặc lợi, và được tự do truyền đạo trên thế mạnh của Chánh quyền.
Các vị Giám Mục người Pháp có uy quyền như một ông vua trong Giáo hội Công giáo VN.
Đến năm 1933, sau hơn 400 năm truyền đạo Công giáo tại VN, Tòa Thánh Vatican mới giao quyền tự quản Giáo hội VN cho các Giáo sĩ VN và phong ông Nguyễn bá Tòng làm Giám Mục, là người VN đầu tiên được phong vào phẩm nầy.
Năm 1960, Giáo phẩm VN được thiết lập, người Công giáo VN được phong vào 3 cấp : Linh Mục, Giám Mục, Tổng Giám Mục.
Đến năm 1976, Giáo hội Công giáo VN có thêm phẩm Hồng Y, đó là Đức Hồng Y Trịnh như Khuê ở Giáo Phận Hà Nội, được phong chức ngày 24-5-1976 tại La Mã.
Hiện nay, Giáo hội Công giáo VN có 3 Giáo Tỉnh, tương ứng với 3 Miền Nam, Trung, Bắc, gồm 25 Giáo Phận .
- Giáo Tỉnh Hà Nội: có 10 Giáo Phận (Địa Phận) kể ra: Hà Nội, Hải Phòng, Vinh, Bùi Chu, Bắc Ninh, Hưng Hóa, Phát Diệm, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Thái Bình.
Đứng đầu Giáo Tỉnh Hà Nội là Đức Tổng Giám Mục Phạm đình Tụng, Phụ Tá là Giám Mục Lê đắc Trọng.
- Giáo Tỉnh Huế: Có 6 Giáo Phận: Huế, Qui Nhơn, Đà Nẳng, Nha Trang, Kon Tum, Ban Mê Thuộc.
Đứng đầu Giáo Tỉnh Huế là Tổng Giám Mục Nguyễn như Thể.
- Giáo Tỉnh Sài gòn: có 9 Giáo Phận : Sài gòn, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ, Long Xuyên, Phú Cường, Xuân Lộc, Phan Thiết, Đà Lạt.
Đứng đầu Giáo Tỉnh Sài gòn là Giám Mục Huỳnh văn Nghi, Phụ tá là Giám Mục Phạm văn Nẫm.
Theo thống kê năm 1995 :
. Tổng số Tổng Giám Mục và Giám Mục VN là 33 vị.
. Tổng số Linh Mục là 2023 vị.
. Tổng số Tu sĩ : 1051 Nam, 6375 Nữ.
. Tổng số Giáo dân : Giáo Tỉnh Hà Nội : 1.785.588
Giáo Tỉnh Huế : 656.645
Giáo Tỉnh Sàigòn : 2.204.372
Tổng cộng : 4.646.605 Giáo dân.
Giáo hội Công giáo VN lần lượt có 3 vị Hồng Y được Tòa Thánh La Mã tấn phong:
* Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh như Khuê: sanh năm 1899 tại Hà Nội, thọ phong Linh Mục ngày 1-4-1933, Giám Mục Đại diện Tông Tòa ngày 15-8-1950, Tổng Giám Mục Chính Tòa ngày 24-11-1960, thăng Hồng Y ngày 27-5-1976, và từ trần ngày 27-11-1978.
* Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh văn Căn: sanh năm 1921 tại Hà Nội, thọ phong Linh Mục ngày 3-12-1949, Giám Mục Phó ngày 2-6-1963, Giám Mục Chính Tòa 27-11-1978, thăng Hồng Y ngày 30-6-1979, và từ trần ngày 18-5-1990.
* Đức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm đình Tụng: sanh năm 1919, thọ phong Linh Mục ngày 6-6-1949, Giám Mục ngày 15-8-1963, Tổng Giám Mục Hà Nội ngày 23-4-1994, thăng Hồng Y ngày 26-11-1994.
Hiện nay, Đức Hồng Y Phạm đình Tụng đứng đầu Hội Đồng Giám Mục Giáo hội Công giáo VN.
Đại Hội Hội Đồng Giám Mục VN lần thứ 6 tại Hà Nội từ ngày 25 đến 29-9-1995, đã bầu ra Ban Thường Vụ Hội Đồng Giám Mục VN như sau:
Chủ tịch: Đức Hồng Y Phạm đình Tụng.
Phó Chủ tịch: Giám Mục Huỳnh văn Nghi.
Giám Mục Nguyễn văn Hòa.
Tổng Thư Ký: Giám Mục Nguyễn sơn Lâm.
Phó Tổng Thư Ký: Giám Mục Lê đắc Trọng.
Giám Mục Trần thanh Chung
Giám Mục Phạm minh Mẫn.
Ủy Ban Phụng tự: Giám Mục Lê phong Thuận.
Ủy Ban Giáo dân: Giám Mục Nguyễn văn Sang.
Ủy Ban Linh Mục, Tu sĩ, Chủng sinh: Tổng G. Mục Nguyễn như Thể.
9. Tiểu sử Đức Chúa Jésus Christ
Đức Chúa Jésus là Giáo chủ của Thiên Chúa giáo. Đạo Thiên Chúa là Thánh đạo trong Ngũ Chi Đại Đạo do Đức Jésus lập ra ở nước Do Thái, sau Đạo Phật ở Ấn Độ 544 năm.
Đức Chúa Jésus giáng sinh trong một gia đình bần hàn nhưng rất đạo đức: Gia đình Bà Maria và Ông Joseph.
Bà Maria trước đó là một Nữ tu trong Đền Thờ Jérusalem, đến tuổi lấy chồng, luật Đền Thờ buộc các Nam tu sĩ trong Đền Thờ phải có người đứng ra cưới, bởi vì căn cứ theo lời dạy của Thượng Đế với Ông Adam và Bà Êve: "Unissez-vous et multipliez." (Bây phải chung sống cùng nhau đặng sanh sản ra nhiều nữa).
Lễ chọn chồng của Nữ tu Maria tổ chức theo luật của Đền Thờ: Các vị Nam tu sĩ chưa có vợ, mỗi người lựa một nhánh bông, cắm vào bình bông đặt trong Đền Thờ, sau 3 ngày, bông của người nào còn tươi tắn là duyên của người đó, phải cưới Maria.
Ông Joseph lúc đó đã 50 tuổi, cũng phải theo luật lệ đó. Các vị Nam tu sĩ trẻ tuổi đã lựa bông kỹ lưỡng với nhiều hy vọng và đã cắm vào bình hoa hết rồi. Còn Joseph nghĩ mình đã già rồi, có vợ con làm chi nữa, nhưng luật Đền Thờ thì phải vâng, nhưng làm cho có lệ. Ông lượm một nhánh bông huệ khô héo của ai bỏ dưới đất, đem cắm đại vào bình. Nhưng kỳ lạ thay, loài hoa huệ, những bông nở tàn rồi thì rụng đi, còn bông búp bắt nước sống lại, nở ra tươi tốt. Các thứ hoa khác trong bình đều tàn rụi. Thế là Ông Joseph phải cưới Maria.
Luật Đền Thờ lại buộc 2 vợ chồng mới cưới phải ra ở ngoài, không được ở trong Đền Thờ nữa. Vợ chồng Maria và Joseph dắt ra ngoài mướn nhà ở, lo làm ăn sanh sống. Ông Joseph làm nghề thợ mộc, Bà Maria làm nghề vá may, đan thêu, tạm sống qua ngày.
Bà Maria có thai con đầu lòng: Chúa Jésus. Bà được Thiên Thần Gabriel báo mộng cho biết Bà sẽ sanh ra cho loài người một Đấng Cứu Thế.
Đến Lễ Noel hằng năm tổ chức long trọng nơi Đền Thờ Jérusalem, tuy bụng mang dạ chữa gần ngày sanh nở, nhưng vì lòng mộ đạo, hai vợ chồng Maria-Joseph đều cố gắng đi đến Đền Thờ để chầu lễ. Khi đến nơi, các quán trọ đều bị khách đi dự lễ mướn hết, tiết trời lại quá lạnh lẽo, hai vợ chồng phải đến Bêlem, xin với một chủ trại cho tạm trú đỡ trong chuồng chiên.
Đúng 12 giờ khuya đêm 24 tháng 12 dương lịch, Bà Maria chuyển bụng sanh ra Chúa Jésus. Chúa Hài đồng được quấn tả và được tạm đặt vào máng cỏ cho đỡ lạnh nơi chuồng chiên trong hang đá.
Các nhà Tiên tri đã báo trước ngày Chúa giáng sanh : Ngày nào sao chổi mọc là ngày đó Chúa giáng sanh, nên nhớ mà để ý tìm người. Trong giờ Chúa giáng sanh, có nhiều huyền diệu xảy ra : Đám chăn chiên ngoài đồng bỗng nghe giữa thinh không có tiếng nói của Thiên Thần: Có Chúa Cứu Thế giáng sanh, hào quang tỏa sáng ngời.
Các người chăn chiên liền đi tìm và gặp Chúa Hài đồng nằm trong máng cỏ, họ đảnh lễ Chúa trước tiên hơn hết.
Vua Hérode đang cai trị dân Do Thái, bỗng tiếp kiến các Đạo sĩ từ phương Đông tìm đến và hỏi rằng: " Vua dân Do Thái mới sanh ra hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Ngài bên Trời Đông, nên tìm đến để đảnh lễ Ngài".
Nghe vậy, vua Hérode hoảng hốt và cả thành Jérusalem cũng náo động lên. Ông cho triệu tập các vị Thượng Tế và Ký Lục để hỏi thì họ cho biết Chúa đã được sanh ra ở Bêlem xứ Juđê. Vua Hérode lo sợ sự hiện diện của Chúa làm hại đến quyền lực của Ông, nên Ông tìm cách giết Chúa, nhưng Ông không biết trẻ con nào là Chúa. Ông ra lịnh giết tất cả những đứa trẻ từ 2 tuổi trở xuống, tính theo thời gian mà Ông đã hỏi nơi các Đạo sĩ.
Thiên Thần liền hiện ra báo mộng cho ông Joseph, bảo: Hãy chổi dậy và đem hài nhi và mẹ Ngài trốn qua Ai Cập và cứ ở đó cho đến khi ta nói lại, vì vua Hérode sắp lùng bắt hài nhi mà giết đi.
Sáu năm sau, vua Hérode chết. Thiên Thần lại đến báo mộng bảo Joseph: Hãy chổi dậy và đem hài nhi và mẹ Ngài trở về Do Thái vì kẻ tìm hại hài nhi đã chết.
Ông Joseph đem gia đình về xứ Galilé ở thành Nazaret. Chúa Jésus được 6 tuổi. Cả gia đình sống rất bẩn chật. Ông Joseph tiếp tục làm nghề thợ mộc, Bà Maria thì vá may. Chúa Jésus thường giúp mẹ đội nước mướn ở bờ sông Jourdain.
Lúc Chúa Jésus được 12 tuổi, Ngài theo cha học nghề thợ mộc. Khi đó, Ông Joseph lãnh làm nhà cho một người trong xóm, tính toán thế nào mà khi cắt gỗ, mấy cây cột đều cụt hết. Chủ nhà bắt đền. Ông Joseph ngồi khóc ròng, vì nhà nghèo tiền đâu mà đền. Chúa Jésus liền cầu nguyện, rồi cha nắm một đầu cột, con nắm một đầu cột kéo dãn dài ra cho đủ thước tấc để bồi thường cho chủ nhà. Việc làm liều đó, lạ lùng thay, cây cột gỗ lại dãn dài ra như ý muốn.
Đó là Đấng Christ làm phép lạ lần đầu tiên lúc 12 tuổi.
Cũng trong năm đó, Chúa Jésus vô Đền Thờ Jérusalem. Các vị Giáo sĩ trong Đền Thờ nghe danh Chúa là thần đồng liền xúm lại chất vấn. Buổi đó, Đức Christna Phật giáng linh trên Chúa, nên Ngài đã ngồi giữa các vị Giáo sĩ thuyết pháp say mê làm mọi người rất đổi kinh ngạc.
Từ đó, Chúa Jésus về nhà thì cũng như mọi người, phụ làm thợ mộc với cha, hiếu hạnh với mẹ, hòa nhã với mọi người. Nhưng Ngài cảm thấy khó khăn, Chúa Jésus bèn xin đi làm thuê bên ngoài, lấy tiền về phụ với cha mẹ nuôi gia đình.
Thời gian dài trôi qua, đến năm Chúa Jésus được 30 tuổi, nghe Thánh Jean Baptiste đang làm lễ Giải Oan tại bờ sông Jourdain, Chúa Jésus liền đi đến đó. Khi nhìn thấy Chúa Jésus từ xa đi tới, Thánh Jean Baptiste biết đây là Chúa Cứu Thế, mới nói: "Từ sáng tới giờ, tôi chỉ chờ vị nầy thôi".
Đức Chúa đến thọ pháp Giải Oan nơi Thánh Jean. Khi Thánh Jean hành pháp vừa xong, Đức Chúa Jésus từ dưới sông vừa bước lên bờ thì trên không trung hiện ra hào quang sa xuống giữa đầu Chúa và có tiếng phán rằng: "Nầy con yêu dấu của Ta! Cả ân đức của Ta để cho ngươi đó".
Sau đó, Chúa Jésus được khiến đi vào sa mạc để chịu sự thử thách của Quỉ Satan. Suốt 40 ngày đêm, Chúa bị Quỉ vương cám dỗ đủ điều, nhưng không dụ được Chúa. Quỉ vương đành khuất phục trước sự cao cả của Ngài.
Từ buổi đó, Đức Chúa Jésus là Chân linh của Đấng Christna giáng hạ. Ngài bắt đầu truyền Đạo khắp nơi, thâu nhận 12 Tông đồ, làm nhiều phép lạ để cứu khổ nhân sanh. Ngài xưng là con của Đức Chúa Trời, tức là con của Thượng Đế và tôn vinh Đấng Thượng Đế cao cả.
Đức Chúa Jésus, với lòng thương yêu nhơn sanh một cách nồng nàn, Ngài đã dạy dỗ các môn đồ lòng thương yêu, bác ái, hạnh bố thí, sự chân thật, khiêm nhượng, tự xét mình để sửa mình, các điều răn cấm, giữ tâm thanh cao trong sạch, lời nói trọn lành, hành động chân chánh, thờ kính Đức Chúa Trời một cách hết lòng.
Bởi luật vô vi, không ai thoát khỏi ngày Phán Xét cuối cùng, dù người đã chết hay người đang sống, cũng đều chịu sự thưởng phạt đúng mức công bình.
Tất cả những điều giáo huấn của Đức Chúa Jésus tạo thành một hệ thống Giáo lý cho nền Đạo Thánh ở nước Do Thái, truyền bá mạnh mẽ sang Âu Châu. Uy quyền của bọn vua quan phong kiến và bọn Giáo chủ Cai-phe bị lung lay, nên chúng tìm cách giết Chúa Jésus.
Bọn chúng vu cáo Ngài mưu việc phản loạn, lại mua chuộc Yuda, một Tông đồ của Chúa, phản lại Chúa. Yuda bị tiền bạc làm chóa mắt nên điềm chỉ cho bọn lính bắt Chúa và Chúa bị chúng lên án tử hình, đóng đinh trên Thập tự giá.
Đức Chúa Jésus đã biết trước việc đó, nhưng Ngài không né tránh, mà cứ thể theo Thiên ý.
Cái chết của Ngài có ý nghĩa gì ?
Đó là đem xác Thánh quí trọng hiến dâng lên Đức Thượng Đế, làm con tế vật hầu chuộc tội cho loài người. Việc làm nầy đồng thể với việc dâng Tam bửu của tín đồ Cao Đài lên Đức Chí Tôn, nhưng lại tuyệt đối cao trọng hơn.
Cái chết của Chúa Jésus để chuộc tội cho loài người thật là cao cả, xứng đáng là Chúa Cứu Thế của nhơn loại.
Mười hai vị Thánh Tông đoàn của Đức Chúa Jésus là:
1. Simôn, cũng gọi là Phêrô (Thánh Pierre).
2. Anhrê, em của Phêrô.
3. Yacôbê, con của Zêbêđê.
4. Yoan, em của Yacôbê.
5. Philip.
6. Barthêlêmy.
7. Thôma.
8. Mathiơ là người thâu thuế.
9. Yacôbê, con của Alphê.
10. Thađê.
11. Simôn nhiệt thành người Ca-na-an.
12. Yuđa Iscariốt (được thay bằng Matthya).
Chính Yuda đã bán Chúa để nhận tiền của bọn Cai-phe đem về mua ruộng đất, nhưng liền bị tai nạn té nhào, vỡ bụng lòi ruột chết thảm.
Mười một Tông đồ còn lại của Chúa đã cử Ông Matthya thay thế Yuđa cho đủ số 12 Tông đồ như lúc đầu.
Đức Chúa Jésus Christ, tuy là Giáo chủ Thánh đạo, nhưng Chơn linh Ngài là một vị Phật. Ngài lãnh lịnh Đức Chí Tôn mở Đạo Thánh nơi nước Do Thái để cứu độ các sắc dân ở Âu Châu.
Đức Chúa Jésus giáng sanh, dù do phàm thai hay do Thánh thai, dù là con ruột của Ông Joseph thuộc dòng dõi vua David (tức là phàm thai, Đức mẹ Maria không đồng trinh), hay là con nuôi của Ông Joseph, không thuộc dòng dõi của vua David (tức là Thánh thai, Đức mẹ Maria đồng trinh), thì sự tôn thờ Chúa, không phải căn cứ vào điều đó, mà căn cứ vào công đức và sự nghiệp của Chúa đối với nhân loại. Chúa Jésus đã dạy dỗ nhân loại nhiều điều hữu ích và sau cùng dùng cái chết của mình trên cây Thập giá để chuộc tội cho loài người và trả hiếu Thượng Đế. Đó mới là điều quan trọng. Nhân loại mới tôn thờ Ngài, suy tôn Ngài là Đấng Cứu Thế.
Nếu nói rằng Đức Chúa Jésus giáng sanh bằng phàm thai là hạ thấp giá trị của Chúa thì hoàn toàn không đúng, bởi vì nếu đúng như vậy, thì Đức Phật Thích Ca hay Đức Khổng Tử đều giáng sanh bằng phàm thai thì không đáng kính trọng hay sao?
Nguồn: Sưu tập
Tổng Hợp: SGT Group