346 lượt xem

Lữ Gia - Kỳ 2 (Cuối)

3. DIỄN BIẾN TRẬN ĐÁNH THÀNH PHIÊN NGUNG VÀ CÁC TRUYỀN THUYẾT VỀ SỰ HY SINH CỦA THỪA TƯỚNG LỮ GIA (tên đặt do người Biên soạn).

Theo quan điểm của người Biên soạn, chính biến giết Vua Ai Vương và Cù Thái hậu có nguyên nhân là do Cù Thái hậu gây ra nên cái chết oanh liệt của Thừa tướng Lữ Gia là bảo vệ đất nước chống ngoại xâm nên đáng được gọi là hy sinh.

Theo Wikipedia, hiện có nhiều thông tin về diễn biến đánh thành Phiên Ngung và các tài liệu về sự hy sinh của Thừa tướng Lữ Gia. Dưới đây là các thông tin tư liệu mô tả về sự kiện này để độc giả tham khảo.

Về diễn biến của các trận chiến giữa quân Hán với quân Nam Việt trong giai đoạn này, các sử thần thời Trần (Lê Văn Hưu) và thời Lê (Ngô Sĩ Liên), do căn cứ theo Đường sử, Tống sử, đã chép vào Đại Việt sử ký rồi Đại Việt sử ký toàn thư đều rất sơ sài, chẳng những thế, trong nội dung cũng chỉ thấy nói tới các hướng tiến quân cùng lời lẽ phủ dụ của kẻ thù, mà không hề đề cập tới sự chống cự lại của quân ta. Trong khi ấy, sách Việt Nam tiền cổ vĩ nhân liệt truyện của tác giả khuyết danh, lại đề cập đến các diễn biến này một cách khá tường tận và chi tiết, vì thế ở đây chúng tôi trình bày dựa theo nội dung của sách ấy.

Khi các cánh quân Hán cùng tiến sâu vào đất Nam Việt, thấy thế giữ kinh thành không được, Triệu Dương Vương cùng triều thần lên thuyền xuôi ra biển rồi xuôi về giữ thành Đại La (tức Hà Nội ngày nay), chỉ còn Lữ Gia và các viên tướng người họ Lã cùng quân binh và dân binh ở lại, trấn giữ thành và các nơi trọng yếu. Ở mạn Tây bắc, Lữ Gia trực tiếp chỉ huy 15 vạn quân dân, đối đầu trực tiếp với cánh quân của Lộ Bác Đức. Ở mạn Bắc, một cánh quân khác gồm 5 vạn người do Lữ Tuấn, Lữ Đạt (hai người con của Lữ Gia) chỉ huy, đánh bại cánh quân của Dương Bộc, khiến chúng phải lui về vùng hồ Động Đình. Ở phía nam, cánh quân 3 vạn người đi theo phò tá triều đình Thuật Dương Vương về đến Đại La do Lữ Điển (cháu họ của Lữ Gia) chỉ huy, cũng đành lùi một cánh quân khác của nhà Hán bám theo truy đuổi ở cửa Thần Phù, khiến chúng phải rút lui vào vùng Diễn Châu (Nghệ An).

Lộ Bác Đức, Dương Bột cùng hai viên tướng Nghiêm, Giáp ở Thương Ngô, tất cả bốn hướng, cùng tiến công về phía Phiên Ngung. Bên phía Nam Việt, tuy quân số đông nhưng phần lớn đều là dân bình chưa qua tập luyện, nên không thể chống cự lại được với quân Hán vốn bao gồm toàn là những tinh binh thiện chiến.

Quân Nam Việt bỏ thành Phiên Ngung, rút lui dần về phía nam,nhưng qua mỗi chặng, đều bố trí các lực lượng ở lại chốt giữ ở những nơi trọng yếu.Thấy các mũi tiến công đều bị kháng cự lại quyết liệt, Lộ Bác Đức, Dương Bột bèn dùng mưu, sai Trang Trợ mang vàng bạc từ đút lót cho Ngô Quyền, Lý Ước – hai viên tướng bên phía Nam Việt mà chúng vốn quen biết từ trước. Hai kẻ nội gian này bí mật về tâu với Thuật Dương Vương ở thành Đại La rằng Lữ Gia ở bên ngoài đã hòa ước với giặc, đang kéo quân về làm phản. Vua Nam Việt hồ đồtin là thực, bèn xuống chiếu bãi chức Thừa tướng của Lữ Gia, giáng xuống làm “Huyện doãn Phong Châu”. Khi nhận chiếu chỉ, Lữ Gia không hề oán giận đã mang quân về trấn giữ Phong Châu ngay. Phong Châu, nguyên y là vùng Kinh đô cũ của các vua Hùng kéo dài tới 2.622 năm. Đó cũng là nơi có Phong Khê và Thành Ốc của Thục An Dương Vương, và khi Triệu Vũ Đế Nguyễn Thận đánh bại Thục Vương để giành lại nước, thì cũng đã đến đóng đô tại đây trong nhiều năm, đến gần cuối đời mới di chuyển lên Phiên Ngung.

Đất Phong Châu đó, thời Bắc thuộc gọi là Cổ Lôi, thời Lý là Đại Lôi, tên nôm gọi là tổng Xốm (do biến âm từ Sấm tức Đại Lôi), ngày nay là địa phận hai xã Phú Lãm – Phú Lương đầu huyện Thanh Oai thuộc Hà Nội ngày nay.

Ở Phong Châu, Lữ Gia củng cố lực lượng, chiêu mộ thêm dân binh tới mấy ngàn người, rồi chia nhau đi chống giữ các nơi xung yếu. Hai người vợ của Lữ Gia, thời trẻ vốn đã tinh thông côn quyền đao kiếm, nên cũng lên đường chỉ huy những cánh quân nhỏ cùng các tướng đánh vào các doanh trại của giặc vào ban đêm, gây cho chúng nhiều thiệt hại. Tuy nhiên, hướng tiến công chính của Lộ Bác Đức, Dương Bột lúc bấy giờ lại là thành Đại La, nơi có Triệu Dương Vương cùng triều thiên đang trấn giữ. Trước sức tiến công ồ ạt của quân giặc, triều đình Nam Việt chống giữ không nổi, sau đó đã phải đầu hàng. Hạ xong thành Đại La, Lộ Bác Đức, Dương Bột lập tức tiến công vào Phong Châu, nhưng trước sự chống trả quyết liệt của quân dân Nam Việt, chúng không tiến lên được.

Lộ Bác Đức, Dương Bột lại dùng đến kế ly gián, cho người đeo vàng bạc đút lót cho Bộ tướng Chu Năng người Việt làm phản. Khi Lữ Gia dẫn đại binh đến bến Nhân Mục gần thành Đại La để phản công, thì bị quân của Chu Năng đã mai phục sẵn, xông lên kéo đến đánh úp. Lữ Gia lui quân về giữ Phong Châu, quân Hán kéo đến bao vây, vì thế thế trận bên phía quân ta bị vỡ. Một mình Lữ Gia tả xung hữu đột, giết được 50 tên giặc, rồi phá vòng vây, cùng một toán quân chạy về hướng Nam. Chạy đến gần làng Lã Chỉ (còn gọi là Lữ Chử) là vùng đất bãi ở cửa sông Trà Lý huyện Thiên Bản tỉnh Nam Định cũ, nay là huyện Tiền Hải tỉnh Thái Bình, ông bị cánh quân Hán đuổi theo chém sạt một bờ vai.

Trên lưng ngựa, ông vẫn tiếp tục chạy tới, nhưng đến làng Lã Chỉ thì ngã xuống. Nhân dân trong làng sau đó đã an táng cho ông, rồi lập ông làm Thần Thành hoàng, thờ cúng ở trong đình.

Mùa đông 111 TCN Dương Bộc nhà Hán đem 9000 tinh binh đánh lấy Tầm Hiệp rồi phá Thạch Môn (Đá chất dưới sông) lấy được thuyền thóc của ta, đầy thuyền thóc của ta đi tới rồi lấy hàng vạn người phục vụ dân binh đi theo để đợi Phục Ba tướng quân Lộ Bát Đức. Bát Đức nói vì đường xa tới chậm. Dương Bộc rồi cùng với Lâu Thuyền tướng quân có hơn 1000 quân đều cùng tiến.

Dương Bộc đi trước đến Phiên Ngung, vua Triệu Dương Vương và Lữ Gia đến trước giữ thành. Dương Bộc tự chọn chỗ tiện lợi đóng ở phía đông nam thành.

Lộ Bát Đức đóng ở phía tây bắc thành áp sát thành Phiên Ngung hàng ngày quân Hán cho nhiều thuyết khách vào chiêu dụ người gốc Hán trong quân đội Việt ra hàng, lôi kéo một số quân Việt chạy theo quân Hán.

Gặp đêm trời tối gió to, quân Hán tung lửa vào đốt thành. Đến gần sáng cổng thành phía Đông Nam bị quân Hán vây hãm chặt không thể thoát ra ngoài được. Thừa tướng cùng các tướng sỹ trung kiên mở đường máu đánh tan toán quân phía tây Phiên Ngung do Tư Mã Tô Hoàng chiếm giữ.

Thừa tướng cùng quân Nam Việt và Triệu Dương Vương vượt qua ngoài vòng vây. Đánh bọn lâu thuyền cướp thuyền chạy ra biển Đông đổ bộ lên vùng Thiên Bản (Vụ Bản – Nam Định).

Đến Thiên Bản nơi quê ngoại thừa tướng được nhân dân ủng hộ, thừa tướng kêu gọi nhân dân cùng nhà vua chống Hán. Được nhân dân nhập vào đội quân của Triệu Dương Vương ngày càng một đông đến lúc này trong quân của thừa tướng chỉ chọn người gốc Âu Việt là Lạc Việt đứng lên chống Hán.

Đóng tại 3 căn cứ là Bạch Hạc, Sài Sơn và Trang Nghiêm. Trang Nghiêm (Thiên Bản – Vụ Bản thuộc Nam Định ngày nay) là nơi hiểm yếu cho thủy quân nhà Hán có thể đổ bộ đánh vào Âu Lạc vì thế nên thừa tướng đóng giữ. Bạch Hạc là do tướng Phạm Thông Nguyễn Đức, Đinh Tuấn đóng giữ còn Triệu Thành thì do tướng Lữ Cường và Triệu Dương Vương các quan đại thần và gia quyến nội thất trong triều đình.

Sau thời gian củng cố binh mã quân Hán tiến đánh Bạch Hạc lần thứ nhất bị các tướng phạm Thông Nguyễn Đức Đinh Tuấn đánh cho quân Hán thua liểng xiểng, giặc phải tạm lui lập mưu cho Chu Năng trá hàng để làm nội ứng, thấy Chu Năng là người Việt do Triệu Dương Vương thu nhận và cho đóng quân ở Lưỡng Công, Lập Thạch đưa quân về Bạch Hạc về tăng cường cho Triệu Thành.

Khi quân Hán tiến công, Chu Năng đem quân phối hợp với quân Hán đánh ra. Quân Triệu Dương Vương thua nặng. Triệu Thành thất thủ, Triệu Dương Vương cùng các quan đại thần và tàn quân chạy lên núi Sài Sơn (trong quần thể khu vực Chùa Thầy, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội ngày nay) và cố thủ ở hang Các Cớ bị vây chặt trong hang cuối cùng vua tôi đều tử tiết.

Đến nay trong hang Các Cớ vẫn còn di cốt của quân tướng Lữ Gia đã hóa thạch.

 
Bản đồ sơ họa hướng rút quân và vị trí phòng ngự của Thừa tướng Lữ Gia (Theo Wikipedia 1)

Tại chùa Bối Am là nơi 3 lần Bác Hồ về thăm và làm việc có câu đối:

Trừ gian già Lữ gương trung nghĩa
Cứu nước, Bác Hồ rạng sử xanh”

Sau khi chiếm được Triệu Thành, quân Hán tiến đánh Trang Nghiêm, căn cứ cuối cùng của quân Âu Lạc, bị quân Hán tiến đánh ào ạt vây chặt 4 mặt, một trận chiến không cân sức một chọi mấy trăm.

Sau trận giao chiến quân hai bên chết nằm gối đầu lên nhau, máu hoen cỏ nội. Cuối cùng Thừa tướng bị quân Hán vây chặt chém một gươm trúng cổ. Ông vất thanh đao về phía trước đưa hai tay về phía trước đỡ đầu của mình vừa rời khỏi cổ, bọn giặc Hán sợ quá dạt ra hai bên.

Thừa tướng ôm đầu rổi ngựa chạy đến chân núi Gôi (Vụ Bản, Nam Định), bỗng gặp một người đàn bà kêu lên “tướng quân không có đầu sao còn sống được”. Thừa tướng Lữ Gia chợt tỉnh bỏ rơi đầu mình ra và ngã xuống ngựa. Quân Hán đuổi tới nơi đem thi thể Thừa Tướng Lữ Gia ném xuống cửa sông Nguyệt Giang. Dân làng Nguyệt Mạc vớt được thi thể của thừa tướng đem an táng và lập đền thờ trên phần mộ của người tôn là Phúc Thần.

Cũng theo truyền thuyết khác thì sau khi bị quân Hán chém đầu nhưng chưa đứt hẳn, ông phóng ngựa chạy về vùng đất Vụ Bản, Nam Định. Khi chạy đến thị trấn Gôi bây giờ thì gặp một bà hàng nước. Lữ Gia hỏi là người bị chém mất đầu có sống được không, bà hàng nước cười nói người mất đầu thì làm sao sống được, tức thì đầu của Lữ Gia lìa khỏi thân. Dân vùng Vụ Bản chôn và lập đền thờ ở nhiều nơi trong huyện. Tương truyền: đầu, thân và chân của ông được thờ ở ba làng khác nhau. Ngày xưa có hội rước tại các đình, miếu thờ ông trong khắp huyện, to gần bằng hội Phủ Dầy. Truyện này được ghi trong “Thiên Bản lục kỳ”, là một trong 6 truyện kỳ lạ của vùng đất Thiên Bản xưa (nay là Vụ Bản).

Về ngày mất của Thừa tướng Lữ Gia: Hiện chưa có thông tin chính xác về ngày hy sinh của Thừa tướng, theo một nguồn tin từ Wikipedia, Ông mất ngày 25 tháng 3 năm 111- TCN. Các đời sau họ Lữ và họ Lã ở miền Bắc Việt Nam làm giỗ Tổ vào ngày 25 tháng 3 âm lịch hàng năm.

Mùa đông năm 111 TCN, tướng Hán là Dương Bộc đem 9000 tinh binh hãm Tầm Hiệp, phá Thạch Môn lấy được thuyền thóc của quân Triệu, kéo luôn cả các thuyền ấy đi, đem mấy vạn người đợi Lộ Bác Đức. Bác Đức cùng Bộc hội quân tiến đến Phiên Ngung. Triệu Thuật Dương Vương và Lữ Gia cùng giữ thành. Dương Bộc tự chọn chỗ thuận tiện đóng ở mặt đông nam; Lộ Bác Đức đóng ở mặt Tây bắc.

Vừa chập tối, Dương Bộc đánh bại quân Triệu (Nam Việt), phóng lửa đốt thành. Lộ Bác Đức không biết quân trong thành nhiều hay ít bèn đóng doanh, sai sứ chiêu dụ. Ai ra hàng đều được Đức cho ấn thao và tha cho về để chiêu dụ nhau. Dương Bộc cố sức đánh, đuổi quân Triệu chạy ngược vào dinh quân của Lộ Bác Đức. Đến tờ mờ sáng thì quân trong thành đầu hàng. Triệu Vương và Lữ Gia cùng với vài trăm người, đang đêm chạy ra biển về thành Sơn Tây, sau về cố thủ ở Phong Châu.

Bác Đức dùng một tên tỳ tướng cũ của Lữ Gia là Chu Năng làm nội phản. Sau đấy, Hiệu úy tư mã là Tô Hoằng bắt được Kiến Đức, quan lang Việt là Đô Kê (có bản chép là Tôn Đô) bắt được Lữ Gia. Các xứ ở Nam Việt đều xin hàng. Lữ Gia và Triệu Vương sau đó đều bị quân Hán giết.

Theo truyền thuyết, khi ông bị bắt và chém đầu, một con chó đã cắp đầu của ông và bơi qua sông và chôn dấu. Hiện nay, đền thờ Lữ Gia vẫn còn tại một làng ở xã Quang Yên, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc.

4. TƯ LIỆU VỀ ĐỀN THỜ THỪA TƯỚNG LỮ GIA

Để hun đúc thêm truyền thống yêu nước chống ngoại xâm quật cường của dân tộc, các thế hệ người Việt đã lập rất nhiều ngôi đền thờ, để thờ cúng các vị anh hùng đã xả thân vì nước. Trong số các vị anh hùng chống ngoại xâm, thì Thừa tướng Lữ Gia ở thời nhà Triệu, chính là vị khởi đầu của truyền thống đấu tranh kiên cường

bất khuất này. Vì thế, trên đất nước ta, có tới hàng trăm nơi (theo thống kê trong sách Thần tích thần phả của Viện Thông tin KHXH đã xuất bản) nhân dân lập đền thờ, thờ Lữ Gia làm Thần Thành hoàng, hàng năm cúng giỗ, mở lễ hội tưởng nhớ. Theo Lã Duy Lan 1, riêng ở vùng So – Sở, tại làng Tiên Lữ, nơi diễn ra cuộc chia họ từ một nhánh của họ Nguyễn sang họ Lã ở giữa thời Viêm Bằng cách ngày nay khoảng 5.500 năm, thì các vị Tộc trưởng họ Nguyễn ở Đại Lôi, những người trực tiếp trông nom phần mộ và thờ cúng các vua Hùng ở thời dựng nước cùng các vị anh hùng dân tộc, cũng đã cho xây một ngôi đền  thờ để thờ cúng Lữ Gia ở chính nơi phát tích của họ Lã này, rồi giao cho dân sở tại trông nom, còn lại đến ngày nay.

Sau thất bại và mất nước Nam Việt, nước Nam ta bị người Hán chiếm lấy, cải là Giao Chỉ Bộ chia làm 9 quận và đặt quan cai trị như các châu quận bên nhà Hán. Nhà Hán đề ra chính sách đồng hóa giống nòi và giết hết người họ Lữ. Thừa tướng Lữ Gia không được nhắc nhở, không đâu có đền thờ, những người họ Lữ đều phải đổi thành họ Lữ hoặc La lẩn khuất trong rừng (111 TCN đến sau 544 sau CN ) cả thảy là 655 năm.

Đến đời Triệu Quang Phục (549-571) sau khi nước nhà được độc lập tự chủ, Triệu Quang Phục cho lập đền thờ ở Đa Phúc Sài Sơn Quốc Oai để tưởng nhớ đến tướng quân Lữ Gia là: “ Thiên Nam Thánh Vương”. Bức hoành phi nay vẫn còn ở đền thờ của Ngài.

 
Bản đồ vị trí Đền thờ và mộ Cụ Lữ Gia, Thôn Thụy Khê, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội
(Nguồn: sưu tầm)



Đến năm 1470 – 1490 niên hiệu Hồng Đức tôn Ngài là Trung quân ái quốc lập đình tôn Ngài là thành hoàng làng. Ngay cạnh Hoành Xá việc làng ngày 10/2 phố huyện tế ngày 20/2 hàng năm. Các Huyện Đan Phượng Thanh Oai cũng có đền thờ thừa tướng để ca ngợi công đức của ngài, có các câu đối sau:“Tam Triều Danh Tướng “.

Theo truyền thuyết, Ngài thường hiển linh, âm phù trong công việc đánh giặc xâm lược nên hàng năm để tưởng nhớ đến công đức của Ngài từ 1/3 đến 6/3 hàng năm là ngày hội của 3 làng Gôi, Hầu,Hổ khi mở hội từ dân thường đến quan chức địa phương đều đến cúng tế.

Trải qua các triều đại phong kiến xưa đều có sắc phong Ngài tới Thượng đẳng thần, là Đệ nhất truyền kỳ của huyện Thiên Bản xưa kia.

Nơi thờ Ngài còn có những câu đối ghi công trạng Ngài :

“ Nhất phiến trung can Gôi tĩnh tại
Thiên thu di cốt nguyệt giang từ

Hay:

Vũ hịch nhất thư thuyền, lầm lẫm hùng uy kinh Bắc ló .
Miếu đài thiện cổ tại , nguy nguy chính khí đôi Nam thiên.”

Hay:

Triệu thị hữu thiên tôn xã tắc
Hán nhân vô địa xuất lâu thuyền

·       Lăng mộ Thừa tướng Lữ Gia ở thôn Nam Trì, xã Đặng Lễ, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên

Theo truyền thuyết còn lưu tại đền thờ thôn Nam Trì, xã Đặng Lễ, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên khi Lữ Gia bị quân Tây Hán chém đầu có truyền cho quân sĩ quê Nam Trì đưa xác ông về Nam Trì an táng và thờ cùng Lang Công. Đền thờ lúc sơ khởi nằm trên đất làng Nam Trì hiện nay nhưng không rõ địa điểm cụ thể. Thời Đường, Cao Biền sang Giao Châu đánh giặc Nam Chiếu, kết nghĩa anh em với 2 vị thần Lang Công (Nguyễn Danh Lang), Bảo Công (Lữ Gia), cưới 2 bà phu nhân Lự nương, Lữ nương quê đây và dựng lại đền thờ Lang Công, Bảo Công. Khi Cao Biền mất, dân làng thờ cùng 2 vị trước. Phía tây đền là phủ thờ Lâu nương công chúa (phu nhân của Lữ Gia) và 2 bà phu nhân của Cao Vương. Thời Hậu Lê, Thánh địa lý Tả Ao chọn đất, chuyển làng, dựng lại chùa, đền nên sau khi Tả Ao mất, dân làng thờ cùng với 3 vị trước.

Lăng mộ Thừa tướng Lữ Gia và tướng Nguyễn Danh Lang hiện ở xã Đặng Lễ, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên.

 
Bản đồ vị trí Đền thờ Lăng mộ Thừa tướng Lữ Gia và tướng Nguyễn Danh Lang (xã Đặng Lễ, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) (Nguồn: sưu tầm) 

Lễ hội Nam Trì hay lễ hội Bảo, Lang, Biền là lễ hội chung của ba làng Nam Trì, Đới Khê và Bảo Tàng. Lễ hội tổ chức vào ngày 9/3 âm lịch hàng năm. Lễ gồm tế Thần và rước Thần. Tế Thần là các buổi cúng lễ ca ngợi công đức, dâng hiến lễ vật lên các vị Thần. Rước Thần là rước các vị Thần về đình Ba Xã. Đình Ba Xã xưa kia là Nhà hội đồng của 2 vị Bảo, Lang và Hành cung của Cao Vương lúc sinh thời (nay là mộ 2 vị thần Lang Công, Bảo Công) ở cuối làng để 3 anh em vị thần thờ ở 2 thôn (Bảo Tàng, Đới Khê) tụ hội. Hội là ca hát 10 ngày, đánh cờ, đấu vật.

 

·      

Đạo quán Linh Tiên hay Chùa Linh Tiên quán, Chùa Linh Tiên là công trình kiến trúc Đạo giáo được thành lập từ thời nhà Triệu nước Nam Việt. Tuy nhiên, kiến trúc tồn tại đến ngày nay là có từ thời Mạc.

Đây là trung tâm tín ngưỡng hỗn dung của Đạo Phật và đạo Lão, ban đầu là Am thất của nhà sư Phật giáo, sau chuyển thành đạo quán, rồi từ đạo quán lại chuyển thành chùa như hiện nay.

Quán có từ rất lâu đời, có lẽ từ trước công nguyên. Tương truyền, lúc đầu đây là nơi tu hành của một nhà sư, thừa tướng Lữ Gia nhà Triệu qua đây thấy Tiên ngồi đánh cờ rồi bay lên trời bèn sai dựng quán.

Đời Trần Minh Tông, con gái vua Trần là Thái Trưởng công chúa cầu tự linh nghiệm nên vua Trần cho trùng tu lớn, sau dân đắp tượng vua thờ ở tiền đường.

Quán Linh Tiên tọa lạc trên khu đất cao rộng trong làng, tổng thể công trình là sự hỗn hợp của kiến trúc quán Đạo với chùa Phật. Ngoài cùng là tam quan 3 gian 2 dĩ, 2 tầng, 8 mái với các đầu đao uốn cong. Tiếp theo là một con đường nhỏ lát gạch gọi là ” Nhất chính đạo” dẫn đến tam quan phụ theo dạng 4 cột trụ. Qua sân hẹp là đến khu trung tâm của quán. Đây là khu vực thờ chính với 3 nếp nhà hình chữ Công (工), bao gồm: quán Dưới, quán Trên và nhà thiêu hương. Các bộ phận kiến trúc ít trang trí, nhưng y môn và cửa võng được chạm trổ tỉ mỉ. Ở cuối đường trục là gác chuông 2 tầng 8 mái, bên phải là điện Mẫu 3 gian. Kiến trúc ở quán đơn giản nhưng hợp lại với vườn cây thì tạo thế sang trọng.

Quán Trên (Thượng điện) là một tòa nhà 5 gian, 2 trái hình vuông, trung tâm là 3 phong tượng Tam Thanh (Nguyên Thủy Thiên Tôn, Linh Bảo Thiên Tôn, Đạo Đức Thiên Tôn) cao gần 4m, phía trước là các ban thờ như: Đế Thiên, Đế Thích, Cửu Thiên Huyền Nữ, Khổng Tử, Văn Xương Đế Quân, Huyền Thiên Chân Vũ, Quan Thánh Đế Quân, Hưng Đạo Đại Vương nhà Trần, bên trái hông thờ Hậu Thần là Đà quận công Mạc Ngọc Liễn và vợ. Đặc biệt dưới tòa thờ Cửu thiên huyền nữ có một cái giếng cổ tương truyền là do Thừa tướng Lữ Gia đào để lấy đan sa luyện linh đơn.

Quán Dưới: là một tòa Tam Bảo của Phật giáo tuy bài trí đơn giản, trên hoành phi ghi “Đại Hùng bảo điện”, tượng thờ ban chính gồm một pho Chuẩn Đề, một tòa Cửu Long, bảy pho tượng Thất Bảo Như Lai. Hai bên là vị hộ pháp: Khuyến Thiện, Trừng Ác, Thừa tướng Lữ Gia, Lý Quốc Sư, vua Trần, Tam Quan Đại Đế, bảy pho tượng Hậu, rất nhiều tượng nhỏ của các thần tiên.

Bản đồ vị trí Chùa Linh Tiên

Thôn Cao Xá Thượng, xã Đức Thượng, Hoài Đức, Hà Nội (Nguồn: Sưu tầm)

Thôn Cao Xá Thượng, xã Đức Thượng, Hoài Đức, Hà Nội (Nguồn: Sưu tầm)

Ngoài ra, còn có rất nhiều nơi thờ Lữ Gia như ở Hà Tây cũ, Hà Nội, Nam Định và nhất là huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc.

5.  TÊN ĐỊA DANH MANG TÊN THỪA TƯỚNG LỮ GIA

Tên của Lữ Gia được đặt cho một đường phố nhỏ tại Hà Nội và một đường phố lớn và quan trọng tại thành phố Hồ Chí Minh. Phố Lữ Gia ở Hà Nội là một phố nhỏ, dài 180m, bắt đầu từ phố Trần Xuân Soạn đến phố Hoà Mã, thuộc quận Hai Bà Trưng. Thời Pháp thuộc, phố có tên là phố Luy-rô (Rue Luro). Sau 1945 đổi thành Lữ Gia, đến 1979 đổi thành Lê Ngọc Hân.

Đường Lữ Gia tại thành phố Hồ Chí Minh là một con đường huyết mạch và quan trọng của quận 11. Tên của ông còn được đặt cho tên một số chung cư, cao ốc, doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh như Cư xá Lữ Gia (Q.11) – một trong những cư xá lớn nhất và đông dân cư nhất tại TP.HCM, trường THCS Lữ Gia (Quận 11), Lữ Gia Plaza – nơi đặt trụ sở của phần lớn các công ty Internet lớn nhất tại Việt Nam. “Lữ Gia Plaza” (Quận 11) còn được xem là “Silicon Valley thu nhỏ” của Việt Nam.

 
Bản đồ vị trí Đường Lữ Gia, Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh (Nguồn: Sưu tầm)

·       Tại thành phố du lịch nổi tiếng Đà Lạt, đường Lữ Gia nằm ở vị trí trung tâm của thành phố gần hồ Xuân Hương (xem bản đồ sau).

 
Bản đồ vị trí Đường Lữ Gia, tại thành phố Đà Lạt (Nguồn: Sưu tầm)

·       Tại thành phố Việt Trì, đường Lữ Gia là một phố lớn nằm trong quần thể khu Di tích Đền Hùng (xem ảnh sau).

 Bản đồ vị trí Đường Lữ Gia, tại thành phố Việt Trì (Nguồn: Sưu tầm)

6.    ĐÁNH GIÁ VỀ SỰ NGHIỆP THỪA TƯỚNG LỮ GIA

1)  Quan điểm của các sử gia

Trong Đại Việt sử ký toàn thư, Ngô Sĩ Liên nhận định về việc Lữ Gia giết Triệu Ai Vương và Cù Thái hậu như sau:

Tai họa của Ai Vương, tuy bởi ở Lữ Gia mà sự thực thì gây mầm từ Cù Hậu. Kể ra sắc đẹp đàn bà có thể làm nghiêng đổ nước nhà người ta thì có nhiều manh mối, mà cái triệu của nó thì không thể biết trước được. Cho nên các tiên vương tất phải đặt ra lễ đại hôn, tất phải cẩn thận quan hệ vợ chồng, tất phải phân biệt hiềm nghi, hiểu những điều nhỏ nhặt, tất phải chính vị trong ngoài, tất phải ngăn ngừa việc ra vào, tất phải dạy đạo tam tòng, thì sau đó mối họa mới không do đâu mà đến được. Ai Vương ít tuổi không thể ngăn giữ được mẹ, Lữ Gia coi việc nước, việc trong việc ngoài lại không dự biết hay sao? Khách của nước lớn đến, thì việc đón tiếp có lễ nghi, chỗ ở có thứ tự, cung ứng có số, thừa tiếp có người, sao đến nỗi để thông dâm với mẫu hậu? Mẫu hậu ở thẳm trong cung, không dự việc ngoài: khi nào có việc ra ngoài, thì có xe da cá, có màn đuôi trĩ, cung tần theo hầu, sao để đến nỗi thông dâm với sứ khách được? Bọn Gia toan dập tắt lửa cháy đồng khi đang cháy rực, sao bằng ngăn ngay cái cơ họa loạn từ khi chưa có triệu chứng gì có hơn không? Cho nên nói: Làm vua mà không biết nghĩa Xuân Thu Thất phải chịu cái tiếng cầm đầu tội ác; làm tôi không biết nghĩa Xuân Thu tất mắc phải tội cướp ngôi giết vua, tức như là Minh Vương, Ai Vương và Lữ Gia vậy.”

Đối với việc nước Nam Việt mất, các sử gia có ý kiến như sau:

Theo Lê Văn Hưu:

“Lữ Gia can ngăn Ai Vương và Cù thái hậu không nên xin làm chư hầu nhà Hán, đừng triệt bỏ cửa quan ở biên giới, có thể gọi là biết trọng nước Việt vậy. Song can mà không nghe, thì nghĩa đáng đem hết bầy tôi đến triều đình, trước mặt vua trình bày lợi hại về việc nước Hán, nước Việt đều xưng đế cả, có lẽ Ai Vương và thái hậu cũng nghe ra mà tỉnh ngộ. Nếu lại vẫn không nghe theo, thì nên tự trách mình mà lánh ngôi [Thừa tướng], nếu không thế thì dùng việc cũ họ Y, họ Hoắc , chọn một người khác trong hàng con của Minh Vương để thay ngôi, cho Ai Vương được như Thái Giáp và Xương Ấp[6] mà giữ toàn tính mệnh, như thế thì không lỗi đường tiến thoái. Nay lại giết vua để hả lòng oán, lại không biết cố chết để giữ lấy nước, khiến cho nước Việt bị chia cắt, phải làm tôi nhà Hán, tội của Lữ Gia đáng chết không dung.”

Theo Ngô Sĩ Liên:

“Ngũ Lĩnh đối với nước Việt ta là ải hiểm cửa ngõ của nước cũng như Hổ Lao của nước Trịnh, Hạ Dương của nước Quắc. Làm vua nước Việt tất phải đặt quân chỗ hiểm để giữ nước, không thể để cho mất được. Họ Triệu một khi đã không giữ được đất hiểm ấy thì nước mất dòng tuyệt, bờ cõi bị chia cắt. Nước Việt ta lại bị phân chia, thành ra cái thế Nam-Bắc vậy. Sau này các bậc đế vương nổi dậy, chỗ đất hiểm đã mất rồi, khôi phục lại tất nhiên là khó. Cho nên Trưng Nữ Vương (Trưng Trắc) tuy đánh lấy được đất Lĩnh Nam, nhưng không giữ được nơi hiểm yếu ở Ngũ Lĩnh, rốt cuộc đến bại vong. Sĩ Vương  tuy khôi phục toàn thịnh, nhưng bấy giờ còn là chư hầu, chưa chính vị hiệu, sau khi chết lại mất hết; mà các nhà Đinh, Lê, Lý, Trần chỉ có đất từ Giao Châu trở về Nam thôi, không khôi phục được đất cũ của Triệu Vũ Đế, cái thế khiến nên như vậy.”

2) Quan điểm của TS.Lã Duy Lan[4]

Về lời bình của Lê Văn Hưu, tác giả Đại Việt sử ký ở sau Kỷ nhà Triệu, theo ý chúng tôi, cũng cần có sự nhìn nhận lại để mọi người thấy rõ đúng sai. Theo Lê Văn Hưu thì Lữ Gia sau khi can ngăn Ai Vương – Cù Thị không được thì nên lánh mình đi không làm Tể tướng nữa, hoặc nếu còn làm thì cũng chỉ cầm tù chứ không nên giết họ. Tiếp theo mạch suy luận ấy, Lê Văn Hưu còn viết thêm rằng: “Nay giết vua để hả lòng oán, lại không biết cố chết giữ lấy nước, khiến cho nước Việt bị chia cắt, phải làm tôi nhà Hán, tội của Lữ Gia đáng chết không dung”. Phải chăng, lời bình luận ấy là xác đáng và phù hợp với thực tế lịch sử?

Chúng ta hãy cùng trở lại với các trang trước đó, khi chính Lê Văn Hưu đã viết rằng nhiều lần ngay giữa triều đình, Cù Thái hậu (là người nắm quyền cao nhất lúc bấy giờ, khi Ai Vương còn nhỏ tuổi) đã khuyên vua và triều thần sớm nội thuộc vào nhà Hán, xin làm chư hầu. Rồi khi ở tiệc rượu sau đó, thì chính Thái hậu đã cầm giáo xông vào đâm Lữ Gia (nếu Ai Vương không kịp ngăn lại thì Thừa tướng đã bị trọng thương hay đã qua đời rồi). Lại nữa, ở hoàng cung, lúc bấy giờ đoàn sứ giả của Thiếu Quí đang có mặt, ở biên giới quân Hán đã áp sát. Vậy thử hỏi, nếu Thừa tướng chỉ giam mẹ con họ Cù thôi và bỏ qua việc bắt đoàn sứ giả của Thiếu Quí, thì làm sao mà

trừ được hậu họa để rảnh tay đối phó với quân quyền nhà Hán? Cù Thị, Ai Vương và đoàn sứ giả Thiếu Quí đang cấu kết với nhau làm nội ứng cho nhà Hán ở ngay giữa kinh thành Nam Việt, vậy thử hỏi, nếu không bị trừ khử, thì họ sẽ gây ra hậu quả nguy hiểm thế nào?

Lời bình của Lê Văn Hưu quả là không sát với tình hình thực tế. Lữ Gia giết Ai Vương, Cù Thái hậu và đoàn sứ giả Thiếu Quí, do vậy, không phải để “hả lòng oán”, mà là thể theo nguyện vọng của dân chúng, đã vì chủ quyền và lợi ích quốc gia, trừ bỏ những kẻ cam tâm làm tay sai cấu kết với giặc. Tiếp đến, cũng vì chủ quyền và lợi ích quốc gia, mà bản thân ông cũng như cả gia đình và anh em, họ hàng, đều xả thân, chiến đấu hy sinh vì tổ quốc, chứ đâu phải như lời đánh giá của sử thần họ Lê “không biết cố chết giữ lấy nước”. Việc quy kết cho Lữ Gia “làm cho nước Việt bị chia cắt” rồi kết luận “Tội của Lữ Gia đáng chết không dung” như Lê Văn Hưu viết,

thì quả thực đó là sự “đổi trắng thay đen, biến công thành tội” của một sử thần lầm lẫn không nhận thức nổi vấn đề mấu chốt vào lúc bấy giờ, đó là dã tâm xâm lược nước ta của các thế lực thống trị người Hán đã và đang được ráo riết thực hiện.

Chung qui, có thể thấy, cả hai vị sử thần họ Lê và họ Ngô đều đứng trên lập trường trung quân hẹp hòi, cứng nhắc, vì thế đã đánh đồng vua giả vào vua thật, mà bỏ qua chủ quyền và lợi ích quốc gia. Đó là điều đáng tiếc và cũng thật đáng trách, đáng phải lên án, được viết vào trong sử. Còn Thừa tướng Lữ Gia, theo chúng tôi, đã hành động một cách rất sáng suốt khi đặt vấn đề trung với nước lên trên vấn đề trung với vua, nhất là khi vua ấy chỉ là một vua giả, hành động theo sự giật dây của ngoại bang.

Theo chúng tôi, chính là do xuất phát từ những lý lẽ trên, mà bao nhiêu đời nay, tại rất nhiều địa phương trên khắp đất nước ta, người dân vẫn hàng năm cúng giỗ, mở lễ hội tưởng nhớ Lữ Gia – vị anh hùng đã xả thân vì nền độc lập và chủ quyền của dân tộc.

Lời bàn của hai vị sử thần họ Ngô và họ Lê, do vậy đã không được thực tế lịch sử chứng thực.

[1] Theo Người kể sử.com
[2] Theo Người kể sử.com
[3] TS. Lã Duy Lan. 2005, Họ Lã Việt NamNguồn gốc những đóng góp lịch sử
[4] TS. Lã Duy Lan. 2005, Họ Lã Việt NamNguồn gốc những đóng góp lịch sử

Holaluvietnam.com