293 lượt xem

Lương Ngọc Quyến

Sớm tâm đắc với tư tưởng Duy Tân cách mạng, Lương Ngọc Quyến nhận ra muốn đánh đuổi được kẻ thù, giành lại độc lập tự do cho đất nước thì phải học tập binh cơ võ bị tân thời. Vừa tròn 20 tuổi, Lương Ngọc Quyến lên đường sang Nhật theo tiếng gọi của phong trào Duy Tân của Phan Bội Châu. Trong Ngục trung thư, Phan Bội Châu đã viết về người thanh niên quả cảm họ Lương: “Tháng 10 năm Ất Tỵ, tôi về nhà trọ cũ đã thấy một thanh niên đang chờ ở đó... Thì ra là Lương quân Lập Nham. Tôi xem ra người có khí phách hăng hái, đôi mắt sáng quắc. Một thanh niên chứa sẵn kỳ khí, có hoài bão xa, chỉ nghe nói tôi mới sang Đông mà đã mạnh bạo bỏ nhà đi một thân một mình, không kể gì gian nan nguy hiểm. Chao ôi! Nếu thanh niên nước nhà mà được nhiều người có ý chí kiên cường mạo hiểm như Lương quân thì con đường phục quốc của ta sẽ rút ngắn được bao nhiêu...”

Sau 5 năm theo học trường Chấn Vũ (1906 - 1911), Lương Ngọc Quyến thi tốt nghiệp đậu thủ khoa và xin học tiếp ở trường sỹ quan lục quân nhưng không được Bộ Tham mưu Nhật chấp thuận nên đã rời Nhật về Trung Quốc xin học trường Lục Quân Trắc Hội. Tháng 3/1912, ông được bầu làm ủy viên trong Bộ Chấp hành của Việt Nam Quang Phục Hội. Hai năm sau ông về nước gây dựng cơ sở cách mạng tại Nam Kỳ, được đề cử trọng trách “khẩn điền, luyện quân” tại Xiêm, công trình Phan Bội Châu đang thực hiện dở, mở mang chiêu tập kiều bào thành lập chiến khu, từ sự ủng hộ của các thương gia yêu nước mua thêm vũ khí, rèn luyện binh sĩ chờ thời cơ khởi nghĩa.

Bị mật thám Anh bắt rồi trao cho thực dân Pháp, Lương Ngọc Quyến bị giam tại nhà tù Hỏa Lò, rồi giải lên Cao Bằng, Phú Thọ. Vừa bị dụ dỗ vừa bị hành hạ tra khảo nhưng ông nhất quyết không khai ra các đồng chí và tổ chức cách mạng. Chúng lại giải ông về Hỏa Lò cho tù cầm cố. Trong ngục ông vẫn tìm cách tuyên truyền giác ngộ lòng yêu nước, căm thù giặc của các bạn tù, kêu gọi họ nổi dậy chống thực dân. Biết không thể khuất phục được Lương Ngọc Quyến, giữa năm 1916 thực dân Pháp đưa ông lên đề lao Thái Nguyên chịu cực hình khổ sai. Tại đây, ông đã tìm được người đồng chí mới là Đội Cấn, viên khố đội xanh yêu nước đang phục vụ trong cơ binh Pháp. Ban Chỉ huy khởi nghĩa được thành lập, huy động lực lượng lính khố xanh từ các trại tỉnh lỵ, các đồn lân cận, tù chính trị và tù thường phạm giác ngộ, người dân địa phương đánh chiếm tỉnh lỵ Thái Nguyên làm căn cứ. Cả nghĩa quân được tổ chức thành 8 đội, đào công sự, ngăn giữ các hướng ra vào. Lương Ngọc Quyến chỉ huy tuyến phòng thủ bên ngoài, Đội Cấn trấn phía trong. Hốt hoảng trước việc tỉnh lỵ Thái Nguyên bị nghĩa quân chiếm đóng, thực dân Pháp đã điều lực lượng hùng mạnh có pháo binh, tàu chiến yểm trợ. Nghĩa quân của Lương Ngọc Quyến và Đội Cấn đã kháng cự quyết liệt, diệt được 107 tên, sát thương 17 tên. Trước kẻ địch mạnh gấp nhiều lần, nghĩa quân dần tiêu hao lực lượng, buộc phải rút lui. Trong lần rút chạy đó, Lương Ngọc Quyến đã anh dũng hy sinh. 

Tuy chỉ giành độc lập vỏn vẹn trong 7 ngày nhưng cuộc khởi nghĩa đã gây tiếng vang lớn, là mốc son trong phong trào yêu nước theo đường lối bạo động trong hai thập niên đầu thế kỷ XX, nêu gương sáng cho thế hệ thanh thiếu niên đời sau.

Nổ súng chấn động Thái Nguyên, tướng lĩnh Pháp đau đầu

Ở kỳ trước, chúng tôi từng đề cập đến khí phách của Lương Ngọc Quyến qua lời cụ Phan, mà hầu hết những người biết Quyến, đều thấy thế cả. Như lời cụ Đặng Đoàn Bằng, cũng tựa thế: “Thân không đầy bảy thước mà lòng mạnh bằng muôn người, tuổi không quá bốn tuần mà tinh thần suốt muôn thuở”.

Xứ Phù Tang thỏa tầm mắt

Việc Lương Ngọc Quyến sang Nhật Bản, được “Việt Nam nghĩa liệt sĩ” cho biết, là từ hiệu ứng to lớn với thắng lợi của đất nước mặt trời mọc trước quân đội da trắng của Nga hoàng trong trận chiến ở eo biển Đối Mã 1905, Quyến thấy “Người Á thua kém gì người Âu! Những bọn cứ nằm im khiếp sợ, chỉ chuốc lấy nhục mà thôi”. 

Sau cuộc hành trình vượt bể sang Đông, họ Lương theo học trường Chấn võ học hiệu Đông Kinh (tức Tokyo) khi đúng tuổi bẻ gãy sừng trâu. Vì khí khái, nên các bạn học Trung Hoa rất coi trọng chàng thanh niên đất Việt.

Theo học nơi đất người, Lương Ngọc Quyến chú tâm học tiếng Nhật, mong thông hiểu những gì thầy dạy. Lại chính Quyến viết thư cho bạn bè sang du học, nên sau đó Nhị Khanh (em Quyến), Nguyễn Thái Bạt, Nguyễn Điển, Nguyễn Hải Thần, Đặng Thúc Hứa… lần lượt xuất dương sang Nhật. 

Trong “Danh nhân đất Việt” còn ghi lại rằng, Lương Ngọc Quyến tuổi đời dẫu trẻ, nhưng được cụ Phan Bội Châu tin tưởng nên có lần, cho Lương theo hầu cuộc gặp giữa cụ với nhà yêu nước Trung Hoa Lương Khải Siêu đang tị nạn trên đất Nhật.

Quyến không ngại là kẻ ít tuổi, đã góp ý với Siêu rằng: “Cái kế hoạch độc lập hiện nay của quý quốc trước hết phải trông cậy vào thực lực của quốc dân. Thực lực một nước hệ trọng hơn cả, không gì bằng nhân tài. Vậy quý quốc cần nhất là phải gắng công huấn luyện nhân tài. Nhân tài đã đủ thì chỉ chờ cơ hội là làm được đại sự”. Nếu lời này không phải là thêu dệt của người viết sử, thì tầm nhìn của Quyến, thật đáng bậc anh hào lắm lắm. 

Lại nói, khi Lương Ngọc Quyến tốt nghiệp Chấn võ học hiệu, Bộ Tham mưu Nhật Bản vì ngại Pháp nên không cho Quyến vào liên đội, Quyến liền đề đạt lên Tham mưu trưởng Phúc Đảo nhưng không được. Tức giận lắm, chàng trai trẻ họ Lương bày tỏ: “Chí của tôi là muốn học lục quân. Nay đã không được vào liên đội thì còn luyến tiếc nước này làm gì nữa”. Và thế là, Quyến rời đảo quốc Phù Tang

Đất Hương Cảng tay người xiềng xích

Điểm đến tiếp theo của người anh hùng tuổi trẻ là đất Quảng Đông của Trung Hoa. Tại đây, Quyến xin vào trường Lục quân trắc hội (chuyên về đo vẽ). Học được hai năm, thì cách mạng Trung Hoa nổi lên, trường đóng cửa. Quyến liền đi Nam Kinh, xin với Lữ trưởng Trần Dụ Thời vào quân dinh luyện tập chiến thuật kỵ binh. Thế rồi, đất Nam Kinh cách mạng lại nổi lên. Quyến đi Thượng Hải, những mong liên kết những người đồng chí hướng, lập đội quân đánh Viên Thế Khải. 

Nhưng rồi, dự định ấy phải bỏ lỡ, Quyến quay về lại Quảng Đông để về nước, tập hợp được một nhóm thiếu niên hơn 10 người sang quân dinh Quảng Đông, Quảng Tây học tập, rèn luyện, còn Quyến đi lên Bắc Kinh để vào quan quân học hiệu. Và rồi… 

Mùa đông năm Quý Sửu (1913), Lương Ngọc Quyến quyết ý bí mật về nước, thực hiện vận động những người đồng chí hướng chống Pháp. Trên đường qua đất Hong Kong (còn gọi là Hương Cảng, tức “cảng thơm”) hành tung của ông bị lộ, mật thám Pháp đánh hơi được, thế là họ Lương bị tra tay vào còng và bị chúng đưa lên tàu đem về Hà Nội. 

Tình cảnh của gia đình nhỏ Lương Ngọc Quyến khi Quyến bị bắt cũng thật ngặt nghèo, bởi theo sách “Lương Văn Can, xây dựng đạo kinh doanh cho người Việt” thì vợ Lương Ngọc Quyến là Nguyễn Thị Hồng Đính, một người phụ nữ được miêu tả là lanh lợi, hoạt bát, được học hành chu đáo, nguyện theo chồng đi làm cách mạng. Lúc này Đính “đang lúc bụng mang dạ chửa, lại có hai con nhỏ”. May chăng sau đó, nhờ sự giúp đỡ của người quen, Hồng Đính sang được Nam Vang với cha chồng và tham gia việc buôn bán. 

Những hành động anh hùng của họ Lương, đều nằm trong sổ theo dõi của Sở Mật thám Đông Dương cả. Thế nên bắt được Lương Ngọc Quyến, giặc như tháo được ngòi quả bom chờ nổ. Để khống chế, Pháp mở phiên tòa xét xử Lương Ngọc Quyến tội làm chính trị, và kết án chàng thanh niên 10 năm tù giam, đày lên đất Thái Nguyên để cách ly Lập Nham với những mầm mống “phản loạn”. Nhưng thân xác có bị giam cầm, khống chế, mà cái chí đánh giặc, phục quốc thì xà lim nào ngăn cho nổi.

Nơi Thái Nguyên súng nổ rền vang

Tại đất lưu đày Thái Nguyên, theo nghiên cứu “Việt Nam dưới thời Pháp đô hộ” cho hay, Lương Ngọc Quyến đã “mưu với viên đội khố xanh Trịnh Văn Cấn phá ngục và chiếm đồn Thái Nguyên”. Đáng ra, khởi nghĩa nổ ra vào tháng 3, nhưng do bất lợi nên dời thời gian. Cái không khí của cuộc nổi dậy ngày 13/7 năm Đinh Tỵ (1917, nhằm 30/8 dương lịch), thật kiêu hùng làm sao khi “Cận đại Việt sử diễn ca” ghi:

Ba trăm bảy chục mưu trù,
Cướp kho đoạt súng bắn vù đạn bay.
Vợ chồng giám ngục chết ngay,
Nam thần Pháp sĩ chạy quay bỏ thành. 
Thái Nguyên thâu phục rỡ danh,
Vĩnh Yên, Phú Lý đem binh chiêu hàng”. 

Ngày khởi nghĩa cũng có ý nghĩa đặc biệt, ấy là trước ngày lễ Vu lan xá tội vong nhân để tỏ ý dưới âm ty là anh linh những anh hùng tử tiết, trên dương thế là nhóm nghĩa sĩ cùng đứng lên phất cờ khởi nghĩa. Cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên đã lôi kéo một lực lượng lớn các đội lính tập nổi dậy chiếm nhà tù, thả tù nhân, cướp phá kho súng và kho bạc.

1 giờ đêm hôm ấy, Đội Cấn chỉ huy cuộc nổi dậy, Giám binh Noel, quản Lập bị bắt và bắn chết. Trại lính có khoảng 131 người theo hưởng ứng, nghĩa quân phá nhà lao, giải thoát tù chính trị, trước hết là Lập Nham với vai trò quân sự của nghĩa quân. 

Cuộc nổi dậy đã được sự ủng hộ của nông dân nơi đây vì họ thù ghét viên Công sứ Darles cai trị đất Thái tàn bạo. Không chỉ thế, lính khố xanh ở Yên Bái cũng hưởng ứng. Các tiểu đội lính nổi dậy được Đào Trinh Nhất, trong tác phẩm “Lương Ngọc Quyến và cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên 1917” cho biết, cánh tay đều đeo băng bằng chữ Nho đề “Thái Nguyên Quang phục quân”. Nghĩa quân làm chủ tỉnh lỵ Thái Nguyên 7 ngày (30/8 đến 5/9 dương lịch).

Khi biết tin, bọn thực dân ở Hà Nội bất ngờ và hoảng sợ, phái quân từ Hà Nội lên để trấn áp cuộc khởi nghĩa. Hai bên đối chiến rất ác liệt, Pháp ban đầu tổn hại nặng nề, nhưng sau đó, chúng tăng cường lực lượng với hơn 500 lính giúp quân số lên ngót một nghìn, cùng súng liên thanh, đại bác trong khi nghĩa quân chỉ có khoảng 300 người, lại chiến đấu liên tục nhiều ngày. Núng thế, nghĩa quân phải rút. 

Lúc này, Lương Ngọc Quyến bị giam giữ lâu ngày, đi không nổi, được nghĩa quân làm cáng hộ vệ, nhưng “ông khảng khái từ chối, không muốn đi theo quân để anh em chiến sĩ phải bận lòng vì mình, phải chậm trễ trên đường bạt thiệp bôn ba”.

Thế là, Quyến nguyện ở lại, trao gửi mong muốn với Đội Cấn “Ông bắn hộ một phát vào giữa ngực cho tôi khỏi trông thấy thực dân giày xéo lên lá cờ cách mạng”. Thế rồi, máu nhuộm đỏ thân người anh hùng 28 tuổi xuân. Lương Ngọc Quyến trúng đạn mà chết, hồn lìa xác, mộng phục quốc mãi còn vương.  

Nguyên nhân thất bại của khởi nghĩa Thái Nguyên do Lương Ngọc Quyến tiên phong lãnh đạo, theo cụ Đặng Đoàn Bằng nhận định trong “Việt Nam nghĩa liệt sử” là “Tiếc rằng ngoài không có viện trợ, trong lại thiếu tiền của, mà toàn quốc dân ta trình độ đều quá thấp, không có ngàn vạn người như ông để làm hậu thuẫn, cho nên địch đem sức mạnh đàn áp thì một mình ông chống sao được  ngàn vạn giặc”.

Tưởng nhớ đến anh hùng họ Lương, ông Cử Dương Bá Trạc có bài thơ khóc thống thiết. Xin ghi ra đây hai câu cuối như lời kết truyện:

“Thái Nguyên độc lập năm ngày trọn,
Cho biết tay đây cọp sổ lồng”...

Trần A.B