283 lượt xem

Đào Tấn - Kì 3: Hậu tổ của tuồng Việt Nam

Trong lịch sử văn học nghệ thuật Việt Nam, Đào Tấn là hiện tượng đặc biệt, một ông quan to, đồng thời là một nghệ sĩ lớn của thế kỷ XIX, hậu tổ của tuồng Việt Nam.

Những cống hiến lớn lao cho tuồng

Nói đến Đào Tấn là nói đến sự cống hiến lớn lao đối với nghệ thuật tuồng. Sân khấu Tuồng Việt Nam phát triển từ rất sớm và đến đầu thế kỷ thứ XVIII đã xuất hiện nhiều vở diễn nổi tiếng, nhưng vẫn còn hạn chế do cách tổ chức chưa được chuyên nghiệp.

Đến Đào Tấn, bằng lao động sáng tạo, lòng say mê, tâm huyết và tài năng của mình, ông đã đóng góp cho nghệ thuật Tuồng Việt Nam đạt được những bước tiến rực rỡ.

Nội dung của những vở tuồng của ông gắn với những vấn đề mang ý nghĩa thời sự của đất nước, mở ra hướng tiếp cận cuộc sống hiện thực với những quan niệm gần gũi với nhân dân, nâng cao thị hiếu thẩm mỹ của quần chúng.

Văn tuồng hiện đại, phá vỡ khuôn mẫu ước lệ công thức trong kết cấu kịch bản cũng như mang lại tính sinh động cho vở diễn. Tính bi kịch của tuồng cổ được xử lý mềm mại, tinh tế, đan xen cả yếu tố hài kịch, nâng lên thành cái hài tư tưởng.

Đào Tấn chú trọng xây dựng tính cách nhân vật, thổi hồn vào những nhân vật, tạo thành những hình tượng bất hủ.

Tính tự sự- trữ tình, chất thơ trong từng kịch bản tuồng, phản chiếu khá đầy đủ diện mạo tâm hồn Đào Tấn, cũng như đánh dấu những mốc quan trọng trong cuộc đời tác giả.

Đào Tấn đã lập ra Ban hiệu thư ở Huế chuyên sáng tác, sáng lập và chủ trì hoạt động rạp hát Như Thị Quan và hai gánh hát kiêm trường đào tạo nghệ thuật tuồng mang tên Học bộ đình và ở làng Vinh Thạnh quê hương, nơi diễn những vở tuồng của ông và đào tạo những nghệ sĩ tuồng xuất sắc nhiều thế hệ.
Ông là tác giả tập sách có tính chất lý luận sân khấu mang tên Hí trường tùy bút. Đặc biệt, ông đã sáng tác, chỉnh lý, cải biên, dàn dựng hơn 40 vở tuồng vẫn được lưu truyền mãi mãi cho hậu thế…

Ước được hoa mai hóa mộng hồn

Có thể nói trong lịch sử tuồng Việt Nam, Đào Tấn là tác giả viết nhiều nhất và có chất lượng cao nhất và ông còn có công trong hoàn thiện âm nhạc tuồng, hệ thống các vấn đề mỹ thuật sân khấu tuồng như trang trí, trang phục đến đạo cụ.

Với đóng góp đặc biệt xuất sắc, Đào Tấn đã được các thế hệ đời sau suy tôn” Hậu tổ” của nghệ thuật Tuồng Việt Nam.

Đào Tấn còn sáng tác khá nhiều tác phẩm văn thơ viết bằng chữ Hán… di sản nghệ thuật của Đào Tấn là hết sức phong phú, đồ sộ, hiếm có, ít người sánh kịp.

Từ 1898 – 1902, Đào Tấn soạn Cổ thành hội (còn gọi là Quan Công quá quan), Trầm Hương các, Hoàng Phi Hổ quá Giới Bài quan, Hộ sanh đàn. Đây chính là giai đoạn đỉnh cao trong sự nghiệp tuồng Đào Tấn…
Đào Tấn là một vị quan thanh liêm, cương trực, được giới sĩ phu trọng nể và nhân dân yêu quý. Ông qua đời ngày 23/8/1907, an táng tại sườn núi Huỳnh Mai – dãy núi có nhiều cây mai vàng tự mọc. Ông từng để lại thơ khi đến núi này chọn nơi yên giấc:… “Núi Mai rồi giữ xương mai nhé – Ước được hoa mai hóa mộng hồn”.

Hiện ở thành phố Hà Nội có một đường phố mang tên ông; ở Bình Định, quê hương ông có ngôi mộ và đền thờ ông…

TS Nguyễn Thành Hữu