252 lượt xem

Lưu Quý Kỳ

Không phải ngẫu nhiên mà cuộc đời hoạt động cách mạng của Lưu Quý Kỳ gắn liền với báo chí. Năm 1935, khi mới 16 tuổi, ông đã có truyện ngắn "Vượt Ngục" đăng trên tờ Tin văn ở Hà Nội. Cái tài riêng của ông đã trở thành điều kiện ưu tiên để tổ chức cách mạng phân công nhiệm vụ. Vậy là, viết văn, làm báo cũng trở thành cái duyên nghiệp không bao giờ rời bỏ ông. Ông làm báo để làm cách mạng, làm người chiến sỹ đánh giặc bằng vũ khí là ngòi bút.

Lưu Quý Kỳ bắt đầu cuộc đời hoạt động cách mạng của mình với tư cách người phụ trách công tác thông tin tuyên truyền của tổ chức Đảng ở Hội An. Tháng 11/1937, ông được tổ chức điều động vào Sài Gòn làm Bí thư Liên đoàn thanh niên dân chủ Nam Kỳ, đồng thời làm Tổng thư ký Ban vận động Đông Dương văn sĩ tả phái liên đoàn. Trong thời kỳ này, Lưu Quý Kỳ liên tục tham gia hoạt động báo chí, lần lượt làm Thư ký tòa soạn báo Dân tiến, Dân muốn, Tiến tới; Chủ bút báo Mới - cơ quan của Liên đoàn thanh niên dân chủ Nam Kỳ. Đồng thời, ông còn là biên tập viên một số tờ báo xuất bản công khai của Đảng như: Lao động, Phổ thông, Dân chúng, Tin tức, và viết bài cho các tờ báo công khai khác như: Công luận, Điện tín, Thế kỷ v.v..

Năm 1940 Lưu Quý Kỳ bị thực dân Pháp bắt và đưa đi đầy ở Trà Khê - Tây Nguyên. Trước ngày Nhật đảo chính Pháp, ông được trả tự do và đưa về Hội An như một hình thức quản thúc. Cách mạng tháng Tám thành công, Lưu Quý Kỳ được giao làm chủ bút tạp chí Ánh Sáng - Cơ quan của Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác (tên công khai của Đảng cộng sản Đông Dương lúc đó) ở Trung bộ. Năm 1947, Lưu Quý Kỳ nhận trách nhiệm chủ bút báo Cứu nước - cơ quan của Khu ủy khu 4 và phụ trách tờ tạp chí Kháng chiến, kiêm ủy viên Ban biên tập báo Sáng tạo - Cơ quan văn nghệ khu 4.

Tháng 8/1948, theo quyết định của Đảng, Lưu Quý Kỳ lên đường vào Nam Bộ lần thứ hai. Tại Nam Bộ, ông được cử làm Ủy viên Ban tuyên huấn xứ ủy Nam Bộ, Giám đốc Sở Văn nghệ - Tuyên truyền Nam Bộ (sau đổi là Sở Thông tin Nam Bộ), Chi hội trưởng Chi hội văn nghệ Nam Bộ, Chủ bút tạp chí Lá lúa - cơ quan của Chi hội Văn nghệ Nam Bộ, chủ bút tạp chí Thống nhất, chủ bút báo Nhân dân miền Nam - cơ quan Trung ương cục, Giám đốc Đài phát thanh Tiếng nói Nam Bộ. Sau Hiệp nghị Giơ-ne-vơ, Lưu Quý Kỳ cùng vợ tập kết ra Bắc, gửi lại 2 đứa con thơ cho người má vợ nuôi. Và sau 21 năm trời đằng đẵng, gia đình ông mới được đoàn tụ trong niềm vui không trọn vẹn bởi thời gian và sự nghiệt ngã của cuộc chiến tranh.

Trong những năm tháng hoạt động trên đất bắc, Lưu Quý Kỳ tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực báo chí. Ông lần lượt làm Chủ bút báo Thống nhất, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền miền Nam, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền quốc tế, Vụ trưởng Vụ Báo chí thuộc Ban Tuyên huấn trung ương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban liên lạc văn hóa với nước ngoài, Tổng thư ký Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo quốc tế OIJ. Ngày đầu tháng Tám năm 1982, Lưu Quý Kỳ đã đột ngột qua đời tại Đại sứ quán Việt Nam ở Thái Lan trong chuyến đi công tác nước ngoài với tư cách đặc phái viên của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Trong bức điện chia buồn, Ban Tổng thư ký Hội Nhà báo quốc tế nói về ông đầy trân trọng: “Mất đồng chí Lưu Quý Kỳ, phong trào báo chí dân chủ quốc tế mất một trong những người đại diện đáng kính nhất”.

Lưu Quý Kỳ - Nhà báo của Đảng | BÁO QUẢNG NAM ONLINE - Tin tức mới nhất
Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhà báo Lưu Quý Kỳ tại Phủ Chủ tịch, khoảng năm 1968
(trích từ tư liệu phim của Đài Truyền hình Nhật Bản).

Bút ký giàu sự kiện, đầy chất thơ

Thời kỳ trước năm 1954, Lưu Quý Kỳ làm thơ và viết nhiều về lĩnh vực lý luận phê bình văn nghệ. Những bài thơ của ông đăng trên nhiều tờ báo và tập hợp in thành tập thơ Bài thơ Nam Bộ từ năm 1950. Các bài viết về lý luận phê bình văn nghệ được tập hợp trong hai cuốn sách: Tác phong văn nghệ nhân dân do Nhà xuất bản Lá lúa in năm 1951 và Qua thực tiễn văn nghệ kháng chiến Nam Bộ do Nhà xuất bản Văn hóa in năm 1958.

Sau năm 1954, thể loại bút ký chiếm vị trí đặc biệt trong hoạt động sáng tạo của Lưu Quý Kỳ. Các bút ký của Lưu Quý Kỳ được in trên báo, phát trên sóng đài phát thanh và hầu hết đã được tập hợp lại trong các cuốn sách: Miền Nam yêu quý (Nxb Sự thật 1955), Một phút về Nam (Nxb Thanh niên 1960), Phút im lặng (Nxb Sự thật 1972), Nước về biển cả (Nxb Thanh niên 1972), Tâm sự với anh (Nxb Văn học 1984) v.v..

Bút ký của Lưu Quý Kỳ luôn gắn với các sự kiện thời sự và giàu chất thơ. Mỗi bài viết của ông đều mang hơi thở nóng hổi của cuộc sống, với dòng cảm xúc mãnh liệt như trào lên ngòi bút. Những bút ký đầu tiên của ông như “Dưới Khải hoàn môn”, “Công lý sẽ thắng”, “Tuổi trẻ và tự do” còn mang đầy chất lãng mạn, cùng âm hưởng của tráng ca. Càng về sau, bút ký của ông càng nhiều chất liệu từ trực tiếp cuộc sống hơn, nhưng cũng càng lắng đọng suy tư hơn, càng da diết, thiết tha hơn tình người, tình yêu cuộc sống.

Lưu Quý Kỳ có một loạt bút ký viết về miền Nam như: Trên tàu tập kết, Hai ngón tay (1957), Phút im lặng (1957), Gửi những người giữ lửa (1960), Tiếng sấm đất (1960), Gió lành gió độc (1962), Tâm sự hai miền (1962), Chân cứng đá mềm (1964), Lửa đạn và đèn nê-ông trên sông Hương (1972) v.v.. Có thể nói, đây là những tác phẩm được viết với xúc cảm da diết nhất. Điều đó cũng dễ hiểu bởi hơn ai hết, chính ông là người đã nén lòng mình lại, nuốt ngược dòng nước mắt từ biệt những người ruột thịt để lên đường tập kết ra Bắc và để rồi suốt 21 năm đằng đẵng nhớ thương về miền Nam, về một nửa gia đình. Bởi đã chứng kiến cảnh vợ mình “ôm chầm lấy mẹ, siết chặt hai con, nước mắt ràn rụa”; bởi đã chiêm nghiệm “Hạt cơm, bát cháo, con cá, con cua của tất cả bà con cũng như dòng máu, hơi thở và lời dạy dỗ của bà con, giờ đây hiện lại trong tâm trí tôi...” (Trên tàu tập kết); nên niềm vui của ông trước chiến thắng thật lớn lao, ngất ngây khó tả. Sau sự kiện Hiệp định Paris được ký kết, Lưu Quý Kỳ viết bút ký Vui lớn buổi giao thừa. Từng câu từng chữ của ông như như niềm vui reo lên, như tô xiết trên trang giấy, rộn rã, ngất ngây:

“- Đồng bào ơi, đồng chí, anh em, bè bạn ta ơi!

Có ai nghe tiếng gì rộn rã trong pháo giao thừa đêm nay? Có ai cảm thấy điều gì hừng hực trong khí xuân đang đến?

Thắng lợi, tin vui khắp nước nhà! Ở miền Bắc, bầu trời ta lại trong xanh, thảnh thơi én liệng; mặt đất ta yên lành ong gây mật, tằm nhả tơ.

Ở miền Nam, quân xâm lược đang cút đi, sông núi sẽ thuộc về ta, gia đình rồi đây sum họp”.

Các bút ký viết về mùa xuân, về đất nước nhân dịp Tết hay đầu năm mới dương lịch chiếm vị trí đặc biệt trong các tác phẩm báo chí của Lưu Quý Kỳ. Trong nhiều năm, bút ký của ông được đọc trong chương trình phát thanh đặc biệt chào năm mới của Đài Tiếng nói Việt Nam. Mỗi bài viết ấy là những tổng kết năm cũ, dự liệu cho năm mới và được ngòi bút của ông thổi hồn vào, trở thành những trang văn hào sảng đầy chất thơ.

Lưu Quý Kỳ - nhà báo cách mạng chân chính và tài năng | DoanhnhanPlus.vn

Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam Lưu Quý Kỳ (thứ 2 từ trái sang) trong thời gian làm việc với Hội Nhà báo Liên Xô. Ảnh:TL

Bản lĩnh của người cầm bút

Các bút ký của Lưu Quý Kỳ thể hiện tha thiết nồng nàn tình yêu quê hương, đất nước, yêu chế độ, yêu Đảng, yêu Bác Hồ. Đó là tình yêu đối với những người đã nhường cơm, xẻ áo, đùm bọc ông trong hoạt động cách mạng. Đó là tình yêu đối với những người đồng chí, đồng đội cùng Nam tiến một lần với ông đã ngã xuống “ở trong lòng đất ấm áp của Nam bộ thân yêu”. Đó là tình yêu đối với nước Việt Nam độc lập đã lớn lên từ một cậu bé “hai bàn tay, đôi chân non nớt” ngày nào đã trở thành “chàng trai đang độ thanh xuân” 25 tuổi lửa.

Và rộng lớn hơn là tình yêu đối với sự nghiệp cách mạng vĩ đại mà chính “Dân ta, Đảng ta và Hồ Chủ tịch đã chứng minh sự vô địch và trí thông minh tuyệt vời của dân tộc ta trước mọi thử thách...”. Tình yêu ấy như tiếng lòng của ông, ngân lên chân chất, thân thương, hồn hậu nhưng thật nồng ấm, thiết tha.

Về tình cảm, sự ủng hộ của bạn bè năm châu, bốn biển đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa và gian khổ của nhân dân ta, Lưu Quý Kỳ có những trang viết xúc động, chan chứa nghĩa tình trong các bút ký Đồng Mác và quả tim, Angiela Đêvit: Lương tri của thế giới...

Nhưng những trang viết của ông trở nên giận dữ đến cùng cực đối với kẻ thù dân tộc hay những kẻ nhắm mắt trước sự thật, đem ngòi bút phục vụ cho cho những tập đoàn quân phiệt, tàn sát dân lành. Ông kết tội nhà văn Mỹ Xtenbéc, kẻ đã dùng ngòi bút ủng hộ cuộc chiến tranh của Chính phủ Mỹ chống lại nhân dân Việt Nam: “Tội của một tên lính viễn chinh Mỹ chỉ là tội của bản thân nó gây ra theo lệnh của Lầu Năm Góc. Còn tội của Xtenbéc là tội vừa giết người, vừa hô hào cổ vũ kẻ khác đi giết người, là tội lừa gạt dư luận thế giới, là tội phá hoại lương tri, phá hoại mọi đạo lý ở đời” (Khi nhà văn trở thành lính phỉ biệt kích).

Bao trùm lên tất cả các bút ký của Lưu Quý Kỳ là sự lạc quan tin tưởng một cách mãnh liệt vào thắng lợi của cách mạng, của tự do. Đúng như Ban Tổng Thư ký Hội Nhà báo quốc tế nhận xét về ông: “một nhà báo có niềm tin không lay chuyển vào thắng lợi của sự nghiệp chính nghĩa của các dân tộc”. Trên tàu tập kết ra Bắc, ông tâm niệm “rằng chuyến tập kết này là chuyến đầu tiên mà cũng là chuyến cuối cùng trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Nước ta là một, Nam Bắc phải chung nhà” (Trên tàu tập kết).

Trước kẻ thù lớn mạnh và hung bạo nhất thời đại, ông vẫn khẳng định chắc chắn rằng: “Một dân tộc biết quý độc lập tự do hơn tất cả, biết đoàn kết đấu tranh dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng tiên phong, đã dám đánh, quyết đánh và biết cách đánh, thì có thể thắng bất cứ kẻ thù xâm lược nào dù bọn chúng có to lớn đến đâu, hung bạo đến đâu” (25 tuổi lửa). Với ông, niềm tin vào chiến thắng của cách mạng như một lẽ đương nhiên không thể khác. “Chim tự do bay trên bầu trời. Cá tự do lội dưới nước. Con người phải tự do sống giữa xã hội! Chân lý và chính nghĩa phải thắng!” (Angela Đêvit lương tri của nước Mỹ).

***Cả cuộc đời hoạt động cách mạng, hoạt động báo chí, Lưu Quý Kỳ đã viết đến gần 3.000 bài báo, xuất bản gần 30 cuốn sách các loại. Nhiều tác phẩm của ông đã được dịch ra tiếng nước ngoài. Bút ký của ông là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất sự kiện của báo chí với chất thơ bay bổng lãng mạn, giữa sự thăng hoa từ một tình yêu quê hương đất nước nồng nàn, một niềm say mê lý tưởng cách mạng, với một tấm lòng nhân hậu thiết tha, một tâm hồn xứ Quảng trong sáng đậm chất nghệ sĩ. Ông đã sống một cuộc đời sáng tạo, cống hiến đầy nhiệt huyết của một nhà báo - nghệ sĩ tài ba.

GS.TS Tạ Ngọc Tấn