295 lượt xem

Nguyễn Trung Trực - Oanh liệt trận chiếm đồn Kiên Giang

Ngày 24-6-1867, tỉnh Hà Tiên rơi vào tay Pháp. Nguyễn Trung Trực đã về Hòn Chông để củng cố lực lượng, tìm cách tiếp tục tấn công quân Pháp. Ông đã mở rộng địa bàn hoạt động về vùng U Minh, kết giao với nhiều nhân sĩ yêu nước trong vùng, gây dựng lực lượng. Nguyễn Trung Trực ở tại Sân Chim thuộc làng Vân Khánh Đông và Đông Thái khi ông toan tính đánh đồn Rạch Giá. Trong thời gian này, Lâm Quang Ky đã gia nhập hàng ngũ của Nguyễn Trung Trực, đồng thời cũng đã tiến cử một số người khác. Lâm Quang Ky đã thể hiện uy tín, khả năng lãnh đạo của mình qua việc chiêu tập, huấn luyện nghĩa quân tại địa phương, được Nguyễn Trung Trực tín nhiệm giao làm phó tướng cho mình.

Nguyễn Trung Trực tập trung nghĩa quân ở Tà Niên, thuộc làng Vĩnh Hòa Hiệp, cách trung tâm Rạch Giá khoảng 10km. Đây cũng là nơi Nguyễn Trung Trực tổ chức cho nghĩa quân luyện tập ngày đêm để thực hiện ý định đánh đồn Kiên Giang. Nguyễn Trung Trực cho người thâm nhập vào trung tâm Rạch Giá điều tra tình hình, nắm cách bố trí phòng bị của quân Pháp. Bên cạnh đó, người của ông đã khuyến dụ được một số lính Mã tà trong đồn đồng ý làm nội ứng. Trước khi tấn công, Nguyễn Trung Trực từ Tà Niên ra chợ Rạch Giá thám sát đồn giặc, bắt liên lạc với chị em bà Điều, bà Đỏ, cũng như những người tâm phúc của ông. Khi lên kế hoạch hoàn chỉnh, Nguyễn Trung Trực quyết định đánh chiếm đồn Kiên Giang.

Từ Tà Niên, Nguyễn Trung Trực đưa quân theo đường biển tới Rạch Giá. Đêm 16-6-1868, đoàn nghĩa quân từ Tà Niên men theo bờ biển, đổ bộ lên bờ cạnh Lăng Ông, gần sáng thì tấn công đồn Kiên Giang. Theo hiệu lệnh của Nguyễn Trung Trực, đoàn quân lợi dụng bóng đêm xông lên tiếp cận bờ rào của đồn. Nghĩa quân dùng mã tấu diệt ngay 2 lính gác và xông vào đồn. Quân Pháp không kịp phản ứng, nhiều tên bị giết ngay trên giường ngủ, vài tên còn tỉnh táo cầm súng bắn trả nhưng không kịp nạp đạn lần thứ ba. Chỉ có 5 tên lính Pháp trốn được ra khỏi đồn. Số còn lại trong đồn đều bị tiêu diệt, kể cả viên chủ tỉnh người Pháp. Tuy nhiên, 5 tên lính trốn ra khỏi đồn đều bị bắt lại khi đang tìm cách qua sông hòng tẩu thoát. Các viên chức, thông ngôn của chủ tỉnh trong đồn đều bị nghĩa quân bắt làm tù binh.

Số quân địch bị giết gồm Chủ tỉnh Chánh Phèn, 5 sỹ quan Pháp, 67 lính và quan chức người Việt làm việc cho Pháp; bắt sống 6 tên, đoạt trên 100 khẩu súng và một kho đạn. Đây là chiến thắng lớn nhất, có ý nghĩa to lớn khi bắt đầu cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta. Ở trận đánh này, đã chứng minh tài năng quân sự và kinh nghiệm chiến đấu của Nguyễn Trung Trực và nghĩa quân. Hai ngày sau khi mất đồn Kiên Giang, tức ngày 18-6-1868, quân Pháp mới hay tin và quyết địnhh điều quân đi trấn áp.

Ngày 21-6-1868, với lực lượng mạnh, quân Pháp tiến chiếm được Sóc Suông (xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp), tiếp tục đưa quân chuẩn bị đánh tái chiếm đồn Kiên Giang. Chiều cùng ngày hôm đó, trước so sánh lực lượng quân Pháp và nghĩa quân, Nguyễn Trung Trực quyết định cho quân lui về Hòn Chông. Phó tướng Lâm Quang Ky và một số nghĩa quân rút về rạch Kim Quy (thuộc xã Vân Khánh Đông, huyện An Biên ngày nay). Quân Pháp tái chiếm đồn Kiên Giang và truy diệt nghĩa quân.
(Lượt trích theo quyển sách “Huyền thoại Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực”)

Hoàng Giám