209 lượt xem

Lý Nhật Tôn

Lý Thánh Tông (李聖宗) là Vua nhà Lý, tác giả, con trưởng của Lý Thái Tông (黎太宗; 1000-1054), mẹ là hoàng hậu Mai Thị, sinh ngày 25-2 Âm lịch Quý Hợi (19-3-1023), tên thật là Lý Nhật Tôn (李日尊), người quê ở làng Cổ Pháp nay là huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. 

Thái tử Nhật Tôn sớm tinh thông kinh truyện, rành âm luật, lại giỏi võ nghệ. Ông tỏ ra là người thông minh xuất chúng. Cũng giống như vua cha, ông sớm được ở ngoài cung, tiếp xúc với dân chúng nên hiểu được nỗi khổ của dân và thông thạo nhiều việc.

Năm 15 tuổi năm 1037, ông được Thái Tông phong làm đại nguyên soái, cùng cha đi dẹp bạo loạn ở Lâm Tây (Lai Châu) và lập được công.

Năm 1039, Lý Thái Tông đi đánh Nùng Tồn Phúc, thái tử Nhật Tôn mới 17 tuổi được cử làm giám quốc, coi sóc kinh thành và việc triều chính.

Năm 1040, ông lại được vua cha giao cho việc xử các vụ kiện tụng trong nước, đặt điện Quảng Vũ cho ông phụ trách.

Năm 1043, ông lại được cử làm Đô thống đại nguyên soái đi đánh châu Ái (Thanh Hoá).

Năm 1044, Lý Thái Tông đi đánh Chiêm Thành, ông được giao làm Lưu thủ kinh sư.

Tháng 1 năm 1054, thấy mình già yếu, Thái Tông cho phép thái tử Nhật Tôn ra coi chầu nghe chính sự. Hai tháng sau, vua cha mất, ông lên nối ngôi, tức là vua Lý Thánh Tông.

Thánh Tông là một ông vua có lòng thương dân. Nhân một năm trời rét đậm, Thánh Tông bảo các quan hầu cận rằng: "Trẫm ở trong cung ngự sưởi than thú, mặc áo hồ cừu mà còn rét thế này.Huống chi những tù phạm giam trong ngục, phải trói buộc, cơm không có mà ăn, áo không có mà mặc; vả lại có người xét hỏi chưa xong, gian ngay chưa rõ, nhỡ rét quá mà chết thì thật là thương lắm". Nói rồi truyền lấy chăn chiếu cho tù nằm, và mỗi ngày cho hai bữa ăn

Về sau, nguyên phi ông là Lê Thị Ỷ Lan cũng đồng tâm chí với ông, siêng lo việc chính trị, củng cố quốc phòng, chấn chỉnh văn hóa, xã hội. Đây là thời kỳ cực thịnh của nhà Lý.

Năm Nhâm Tý, tháng 1 Âm lịch (2-1072) ông mất, hưởng dương 49 tuổi. Ở ngôi 18 năm, đổi hiệu 5 lần:

·                Long Thụy Thái Bình: Giáp Ngọ 1054 Kỷ Hợi 1059.

·                Chương Thánh Gia Khánh: 1059-1066. 

·                Long Chương Thiên Tự: 1066 - 1067

·                Thiện Hướng Bảo Tượng: 1068.

·                Thần Vũ 1069-1072.

Theo Đại Việt sử ký toàn thưViệt sử lược, ông có soạn bài minh khắc trên chùa Sùng Khánh Báo Thiên, trong năm Bính thân 1056 nay chưa tìm thấy.

Nguồn : Cồ Việt Mobile